Qua những lần tìm hiểu, tâm sự, tôi mới hiểu ra rằng: Nhà văn của “Số đỏ” chết rồi vẫn chưa hết “lận đận”. Số là từ năm 1985 trở về trước, nghĩa là trước thời Đổi mới, mặc dù là nhà văn rất nổi tiếng, nhưng Vũ Trọng Phụng vẫn bị nhìn với con mắt nghi ngại, thiếu khách quan. Bị quan niệm duy ý chí cũ (phổ biến lúc bấy giờ) áp đặt, mà khi nghiên cứu ông, họ đã không đặt ông vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể để đánh giá. Khi ông mất rồi, vì nhiều lý do khác nhau, phần mộ của ông cứ phải di chuyển…
Cuối năm 1984, đầu 1985, qua giới thiệu của nhà thơ Anh Chi và anh Cầm (bút danh Tần Thiên Hương), lúc đó là cán bộ biên tập của NXB Thanh niên, tôi đã mua được một mảnh đất tại thôn Giáp Nhất, xã Nhân Chính (bấy giờ thuộc huyện Từ Liêm) và tôi trở thành cư dân ở đó. Từ đường Láng sang khỏi cầu Mọc, rẽ trái vài trăm mét dọc theo bờ sông Tô Lịch là vào đến cổng làng. Gần cổng làng có ngôi đình cổ nổi tiếng của làng Giáp Nhất. Nơi đây có mấy cây muỗm cổ thụ không biết trồng từ bao giờ, cành tán tỏa xum xuê. Làng Giáp Nhất bấy giờ vẫn nguyên vẹn là ngôi làng cổ, đường làng lát gạch chỉ đến từng xóm. Những hàng rào bằng duối, bằng cây ôrô cao ngang thân người, được xén tỉa tăm tắp, bao quanh từng ngôi nhà được xây cất từ nhiều đời, mái ngói đen thẫm rêu phong. Đặc biệt trong làng hầu như nhà nào cũng có cái ao rộng trữ nước phục vụ chăn nuôi, trồng trọt. Ngày đó dân ngụ cư trong làng không nhiều, phần lớn là người làng có quan hệ thân tộc lâu đời. Vì thế cuộc sống ngôi làng rất yên tĩnh, trật tự, dù ngay ở phía bên kia sông Tô Lịch là đường Láng, quận Đống Đa nhịp điệu phố xá sôi động khác thường
Nhà thơ Hữu Thỉnh thắp hương trong vườn nhà văn Vũ Trọng Phụng
Khi thành cư dân của làng, tôi mới có dịp tìm hiểu kỹ hơn cuộc sống và con người nơi đây. Phần lớn các gia đình rất gia giáo, nhưng lối sống thật thà chất phác, trọng tình cảm, lễ nghĩa như những vùng quê truyền thống khác. Một buổi ra thăm đình làng, nhà thơ Anh Chi chỉ vào một ngôi nhà cổ cấp 4 lưng quay ra đường, gần cổng làng, nép mình dưới tán những cây muỗm cổ thụ, nói: “Nhà cụ Vũ Trọng Phụng đấy, lát nữa ta vào thăm”. Tôi nghe mà ngỡ ngàng. Thì ra nhà văn Vũ Trọng Phụng ở đây, thế là mình cùng làng với cụ rồi.
Thời điểm chúng tôi đến, phần mộ nhà văn đã được gia đình chuyển từ Nghĩa trang Quán Dền về an táng tại vườn nhà. Ngôi mộ được xây phía góc sân ngay cạnh ngôi nhà xưa, đơn sơ như bao ngôi mộ khác. Nhà rất vắng người, bà Vũ Mỵ Hằng, người con duy nhất của nhà văn bận chăm con cháu ở xa nên rất ít khi ở nhà. Chỉ có ông Sơn, con rể, bấy giờ làm bên ngành Đường sắt, hễ rảnh rỗi là về trông coi ngôi nhà. Có một người khách đến đều nhất, hầu như tuần nào chúng tôi cũng gặp là nhà thơ Vũ Đình Liên. Vì cụ với cụ Phụng xưa chơi với nhau nên vợ chồng ông Sơn coi cụ Liên như cha chú và muốn nhờ cụ Liên giúp tìm cho tư liệu về cụ Phụng để lưu trữ. Hiểu được mong muốn của vợ chồng ông Sơn, cụ Vũ Đình Liên rất nhiệt tình. Ngày đó mặc dù tuổi đã cao, nhưng hằng tuần cụ Liên đều đạp xe từ trong phố về đây, giúp ông Sơn được gì thì giúp, và cứ quanh quẩn bên ngôi mộ cụ Phụng, dâng xong nén nhang,chén rượu rồi lại kẽo kẹt đạp xe về.
Qua những lần tìm hiểu, tâm sự, tôi mới hiểu ra rằng: Nhà văn của “Số đỏ” chết rồi vẫn chưa hết “lận đận”. Số là từ năm 1985 trở về trước, nghĩa là trước thời Đổi mới, mặc dù là nhà văn rất nổi tiếng, nhưng Vũ Trọng Phụng vẫn bị nhìn với con mắt nghi ngại, thiếu khách quan. Bị quan niệm duy ý chí cũ (phổ biến lúc bấy giờ) áp đặt, mà khi nghiên cứu ông, họ đã không đặt ông vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể để đánh giá. Khi ông mất rồi, vì nhiều lý do khác nhau, phần mộ của ông cứ phải di chuyển. Ông từ giã cõi đời tới lúc bấy giờ đã gần 50 năm mà ngôi mộ vẫn chỉ là mộ tạm, khiến gia đình rất băn khoăn. Bí quá, gia đình nhà văn liền xin phép chính quyền chuyển mộ ông về vườn nhà cho tiện. Rất may ngày đó, chính quyền xã đồng ý. Giờ nghĩ lại, mới thấy, trong cái rủi cũng có cái may, vì sau này, khi nhà văn được Đảng, Nhà nước đánh giá đúng mức, được xã hội tôn vinh với tài năng đóng góp xuất sắc của mình, thì chúng ta mới có được một không gian tưởng niệm trọn vẹn nơi yên nghỉ của một nhà văn lớn như bây giờ.
Nhân nhắc lại kỷ niệm này, xin chép ra đây bài thơ “Buổi trưa trong vườn nhà văn Vũ Trọng Phụng” tôi sáng tác ngày ấy (bài thơ đã được đưa vào tập “Khi tôi trên mặt đất” xuất bản năm 1991):
Buổi trưa trong vườn nhà văn Vũ Trọng Phụng
Mấy cây muỗm giờ rất già
Nếu không có cái đình chắc người ta đã chặt
Dưới tán cây là vườn nhà văn Vũ Trọng Phụng
Mộ ông vừa rời Quán Dền về đây.
Năm mươi năm nấm mộ mới được xây
Sau bao nỗi long đong chuyển dịch
Chỉ có tấm lòng bạn bè, thân thích
Yên rồi
từ nay ông về lại vườn nhà.
Từ nay ông về lại vườn nhà
Cây muỗm sau năm mươi năm rất già
Tán chỉ rợp một khoảng vườn hẹp
Những trang viết của ông
Như sự sống vượt lên bụi cát.
(1985)
HÀ VĂN THỂ
VNCA