(Tập thơ chọn lọc những tác phẩm hay từ cuộc thi Thơ về Hà Nội 2008-2010 do Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội và báo Văn nghệ Hội – Nhà văn Việt Nam tổ chức)



Hà Nội đã trở thành cảm hứng thi ca cho không biết bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu nhà thơ, những người Hà Nội, những người đã đi qua Hà Nội, những người không ở Hà Nội. Đã có hàng ngàn hàng vạn bài thơ, bài hát về Hà Nội nhưng vẫn chưa đủ, mỗi người có một tình yêu Hà Nội, một cách nhìn Hà Nội nên viết về Hà Nội bao nhiêu vẫn còn thấy thiếu.

Năm 2010 này Thăng Long – Hà Nội vừa tròn 1000 năm tuổi, có nhiều hoạt động để kỷ niệm sự kiện này, trong đó có một hoạt động đầy ý nghĩa, góp phần bồi đắp thêm văn hóa 1000 năm của Thăng Long – Hà Nội đó là cuộc thi “Thơ về Hà Nội” do Đài phát thanh – truyền hình Hà Nội và Tuần báo Văn Nghệ (Hội nhà văn Việt Nam) phối hợp tổ chức từ tháng 11 năm 2008 đến tháng 8 năm 2010. Đã có hơn 20.000 bài thơ của hơn 2.500 tác giả tham dự. Đó là tình cảm của người Hà Nội, của người dân trên mọi miền tổ quốc và cả những người Việt ở nước ngoài hướng về thủ đô thân yêu của đất nước. Hà Nội được mở ra với nhiều góc cạnh khác nhau, nhiều chiều kích cảm xúc khác nhau. Tất cả nhằm dựng lên hình ảnh một Hà Nội của quá khứ, hiện tại và tương lai, thể hiện một Hà Nội hào hoa, thanh lịch dẫu trong đạn bom hay những lúc khó khăn nhất.

Để đánh dấu thành công của cuộc thi, 210 bài thơ hay lựa chọn từ hơn 800 bài thơ dự thi đã được công bố trong suốt 2 năm cuộc thi phát động, đã tạo nên tập sách “Thơ về Hà Nội” này.

“Thơ về Hà Nội” này. Một cái tên giản dị nhưng bao hàm được lòng yêu mến của mọi người đối với Hà Nội. 210 bài thơ của cả những tác giả chuyên và không chuyên, mỗi người đều đem đến một góc nhìn về Hà Nội với Tháp Bút, Đài Nghiên, Văn Miếu, Chùa Một Cột, Hồ Gươm, Hồ Tây,… cùng những con đường Hà Nội, những tấm lòng của người Hà Nội.

Cùng đồng hành với các tác giả tham gia cuộc thi là những nhà thơ trong ban tổ chức như: Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Nguyễn Đức Mậu, Trần Đăng Khoa, Phan Thị Thanh Nhàn, Vũ Quần Phương, Trần Gia Thái, Vũ Đình Minh, Nguyễn Trọng Văn, Trần Thùy Dương. Tất cả đã tạo nên một Thăng Long – Hà Nội nhiều màu sắc, nhiều cảm xúc nhưng vẫn ấm áp, gần gũi, một Hà Nội trong lòng mọi người.

Hà Nội, thành phố 1000 năm tuổi đứng trầm tư cùng bao danh thắng đền đài, những con phố cổ rêu phong, những ngõ nhỏ bình lặng, những hàng cây cổ thụ, nhưng tiếng chim hót trong sương sớm, đàn sâm cầm vỗ cánh trên mặt nước Hồ Tây… Hà Nội, thành phố đã đi qua 1000 năm, những trang sử đã trải dài ra có chiến tranh loạn lạc, có đau thương mất mát, nhưng vẫn kiên cường bất khuất để có được những niềm vui, những giọt nước mắt của ngày hòa bình. Và Hà Nội ngày nay, thành phố đang từng ngày chuyển mình mạnh mẽ vẫn cố giữ được nét riêng của mình, đó là một Hà Nội hào hoa thành lịch, một Hà Nội anh dũng kiên cường, một Hà Nội yêu kiều thơ mộng, một Hà Nội nghìn năm văn hiến, một Hà Nội sống mãi trong lòng cả nước…

Tập thơ này đã góp một phần vào văn hóa Hà Nội. Mỗi bài thơ là tình cảm riêng của mỗi tác giả, là những hoài niệm, những vui buồn tự đáy lòng, nhưng tất cả đã hòa vào dòng chung, hòa vào một Hà Nội vô cùng gần gũi.

Và đáng quí biết bao, độc đáo biết bao khi bắt gặp ở tập thơ này những cảm xúc mới nguyên, ngập đầy hơi thở của ngày hôm nay . Một tập thơ dầy dặn về Hà Nội được các tác giả viết trong những ngày Hà Nội chào đón tuổi thứ 1000 của mình như là một nét mới của thơ về Hà Nội.

Tập thơ ra đời đúng dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, là công trình dày công và đầy sự sáng tạo của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội; cũng như sự phối hợp của báo Văn nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam. Đây sẽ là một nhịp cầu nối những tâm hồn yêu Hà Nội, muốn được đến với Hà Nội, và cũng là một món quà đầy ý nghĩa của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội kính dâng Thủ đô 1000 năm tuổi.

Sách dày 424 trang, khổ 15×22 do Công ty Truyền thông Hà Thế liên kết NXB Hội Nhà văn xuất bản 2010