Tôi vốn yêu thơ từ nhỏ và tình yêu đó vẫn nguyên vẹn như thuở ban đầu, bởi vậy tôi thường xuyên đọc thơ trên báo, trên mạng, trên fb… Có câu thơ nào hay theo ý mình là tôi ghi vào một cuốn sổ tay, hay tôi thuộc lòng, rồi thường ngâm ngợi mỗi khi câu thơ, bài thơ đó nói lên được tâm trạng của mình.
Bây giờ, hình như ít người đọc thơ, các nhà thơ, những người làm thơ, cũng chỉ đọc thơ mình khi được đăng trên báo, không biết có đúng vậy không? Mấy chục năm nay tôi được tặng hàng trăm tập thơ, kể cả thơ dịch, tôi đã đọc và chọn những câu thơ hay theo ý tôi đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông – Tây – Kim – Cổ” (Nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành năm 2013). Những năm gần đây, nhất là dịp Đại hội Nhà văn toàn quốc vừa qua, tôi lại được tặng nhiều tập thơ mới xuất bản hay tái bản. Vì tôi yêu thơ nên quý trọng những người làm thơ, tôi đọc và muốn viết đôi điều, muốn đưa những câu thơ mà tôi thích đến với bạn đọc.
Đừng để
chân trời
gọi mãi
Đừng để
khói sương
mời mọc
đến hai lần
(“Trần Dần – Thơ”, Nhà xuất bản Đà Nẵng)
Tôi thương những người bay không có chân trời
lại thương những chân trời không có người bay…
(“Trần Dần – Thơ”, Nhà xuất bản Đà Nẵng)
Tập thơ này của cố nhà thơ Trần Dần do gia đình gửi tặng, có nhiều câu thơ hay mà tôi thích. Hôm trước, người bạn học cùng lớp ở khoa văn Đại học Tổng hợp Hà Nội là Nguyễn Thị Minh Thái tặng tôi tập thơ “Tị nạn chiều” do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết lời giới thiệu, tôi đọc và nhiều bài thơ, câu thơ trong đó tôi thích:
Mưa nhẹ thênh
không nhấc nổi thân mình
Qua chính ngọ
Đường không một giấc mơ trưa…
“Khi trẻ- vui lấn buồn / Buồn vui- cơn gió thoảng / Lúc già- buồn lấn vui / Nên trái tim lâm nạn” (“Quang Khải – thơ văn tuyển tập”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, bài “Nhớ Nguyễn Thái Vận”). Tôi thích bài thơ chân tình này, Quang Khải viết khi nhà thơ Nguyễn Thái Vận qua đời do đau tim. Hai người bạn thơ hiền lành này chơi thân với nhau và tôi cũng quen biết họ. Đây là tuyển tập của Quang Khải dày gần 700 trang, một đời văn chứ có chơi đâu!
Nhà thơ Hoàng Cát một dạo nghe nói phải chiến đấu cam go với bạo bệnh, hôm gặp tôi ở Đại hội Nhà văn, trông ông rất vui, còn hăng hái đăng đàn phát biểu nữa. Ông viết nắn nót trang đầu tập thơ “Cảm tạ cuộc đời” mới xuất bản: “Yêu quý tặng Dương Kỳ Anh”. Tôi về đọc suốt đêm những câu thơ tâm huyết của nhà thơ, người thương binh rất yêu đời này. Nhiều câu thơ trong tập thơ thật lạ:
Ta đã sống cả một đời khó nhọc
Cõi vĩnh hằng ấy là chốn rong chơi…
Hai câu thơ này tôi trích trong bài “Cõi vĩnh hằng”, phía dưới bài thơ ông ghi chú “Sân vườn bệnh viên Bạch Mai… những ngày tháng chữa bệnh ung thư”. Thật đáng nể! Hà Văn Thể, người bạn thơ tôi quen biết nhiều năm qua tặng tôi hai tập thơ “Hoa muộn” và “Lạy xin mây trắng”, có nhiều câu thơ hay:
Giữa đêm lại nghĩ là ngày
Có khi sợ cả đám mây giữa trời …
(Sáu năm)
Ban mai tôi thức dậy
gặp sợi tóc trên đầu rụng xuống…
Thơ là vậy, thơ là tâm trạng của nhà thơ khi bắt gặp tâm trạng của nhiều người cùng ngân lên… Vân Long, nhà thơ lão làng, tôi đã đọc thơ ông khi còn là học sinh phổ thông, nay mừng thấy ông vẫn khỏe, vẫn chậm rãi và hiền từ, vẫn đi dọc những hàng ghế bắt tay bạn bè tại Đại hội Nhà văn. “Tuyển thơ Vân Long” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, ông mang tặng tôi với dòng chữ ghi ở trang đầu “Thân mến tặng bạn thơ Dương Kỳ Anh”. Tuyển thơ của ông dày trên 300 trang. “Cuốn sách này là tâm huyết 60 năm của tác giả với Đời, với thơ…” – ông ghi ở cuối cuốn sách.
Lũ lụt đến kinh hoàng
Quả hồn nhiên chuyển mật …
Cái mất thì đã mất
Cái xa, đã xa dần
Cái còn vừa đơm trái
Người nhìn không nỡ ăn
(Sau bão).
Thời tôi còn học cấp 3, thường xuyên nghe trên đài ngâm bài thơ “Mừng chiến thắng trời quê” của Duy Thảo, đến bây giờ, tôi vẫn còn thuộc lòng những câu thơ ông làm từ năm 1965:
Cho Phúc Trạch quýt thơm, bưởi ngọt
nón Ba Giang óng ả đường làng ….
Thế mà thời gian đã làm bạc tóc người thơ vui tính, dí dỏm này, đã làm đổi thay bao nhiêu điều …
Điều đáng có thành không
điều đáng không thành có
Ta như kẻ lạc loài
trước bao điều bỡ ngỡ…
Đó là mấy câu thơ tôi trích trong bài “Đọc sách đêm cuối năm” trong tập thơ “Đi dọc lối xanh” ông mới tặng tôi. Nhà thơ Nguyễn Phan Hách, cựu Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn tặng tôi tập thơ “Vô tình”, dạo trước bận việc nên chưa đọc kỹ, nay đọc lại mới thấy nhiều bài, nhiều câu ông viết thật thấm thía:
Về hưu để chòm râu
dăm bảy sợi pha màu
Sợi vui thì đen nhánh
sợi bạc phất phơ sầu
(Về hưu).
Mới hôm kia, con trai cố nhà thơ Trung Anh là họa sỹ Trung Dũng mang tặng tôi tập thơ của bố, tập “Ngọn đèn ký ức”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2009, tôi đọc mà trào nước mắt:
Nửa đêm chợt thức
bốn bề cỏ xanh
Bốn bề ngọn gió
Luân hồi vây quanh
Côn trùng dưới cỏ
Khóc cười tiễn anh
Thôi nôi cõi người
về nơi cõi đất …
(Cho anh về lại).
Ông đã về nơi “Cõi đất” để lại cho đời những vần thơ như kiếp luân hồi …
Trần Thị Mỹ Hạnh là một nhà báo, quen thuộc về đề tài công nhân. Tôi nhiều năm làm phóng viên Báo Tiền phong cũng theo dõi mảng này, chúng tôi quen biết nhau, nhiều lần xuống vùng than, về vùng thép… Thấy Mỹ Hạnh kiên cường lắm, lại rất yêu thơ, làm thơ. Dịp Đại hội Nhà văn vừa rồi, nữ nhà thơ Trần Thị Mỹ Hạnh mang tặng tôi tập thơ “Tình yêu của tôi”, Nhà xuất bản Phụ Nữ in năm 2003, dày hơn 300 trang. Một nữ nhà báo kiên cường thế mà nay trong thơ:
Uống ly nhỏ cà phê
Thao thức năm không ngủ
tôi nhận ra đêm dài
trong ầm ào gió hú
Nằm nghe tiếng chó sủa
Vỡ từng mảng không gian
Mảnh này vừa chắp vá
Mảnh kia lại gẫy tan…
(Đêm).
Nếu thơ không nói lên được những tâm trạng chân thật như thế, hẳn thơ khó mà đi vào lòng người… Mấy năm gần đây, nhà thơ Đỗ Trung Lại chú tâm vào việc dịch, biên soạn thơ Đường. Mấy tập sách về đề tài này rất hữu ích, thật đáng nể. Cuốn “Ơ thờ ơ thơ” là tập thơ mới của Đỗ Trung Lại tặng tôi, Nhiều câu, nhiều bài trong tập thơ thấm thía lắm:
Thì mới biết cao còn không bằng rộng
Suốt đời đi chưa đến được bên thềm
(Cao và rộng).
Chỗ nào cũng đau, chỗ nào cũng mỏi
Lười ngủ, biếng ăn là đã ốm rồi
Ừ thì ốm, đã làm sao nhỉ?
Khỏe suốt trăm năm chắc đã ra người
(Ốm).
Còn nhiều tập thơ của các nhà thơ tặng tôi mà tôi đang đọc, đang tìm những câu thơ hay theo ý mình để viết đôi dòng thưa cùng bạn đọc. Người làm thơ, ngoài những người coi thơ như một vật trang trí, để khoe mẽ, để tiến thân, để mưu cầu lợi ích nào đó, còn thì, theo thiển nghĩ của tôi đều là gan ruột, đều sống chết vì thơ, đều coi thơ như là cứu cánh của cuộc đời mình…
Nhà vườn Sóc Sơn, 2016
Dương Kỳ Anh – Văn nghệ công an