“Đất nước khó khăn này

Sao không thấm được vào Thơ?”

Khi Trần Dần trăn trở điều này, có lẽ ông buồn lắm. Nhưng đó lại là nỗi buồn cần thiết của những người cầm bút. Liệu có hay không, những trăn trở tương tự trong những người viết trẻ?

Ngoảnh lại lịch sử, dễ dàng tìm thấy những bài thơ mang tâm trạng hùng tráng, của những thanh niên tha thiết với vận mệnh đất nước. Thời của họ, không chỉ gối đầu giường, để trong ngăn bàn, truyền tay nhau những bài thơ đầy khí tiết. Mà cả trong từng cuộc chuyện trò, thế hệ trai tráng ngày xưa cũng luôn chia sẻ với nhau những mối ưu tư chung của thế hệ. Một thời, đã có những bài thơ rừng rực hào khí, làm động lực cho toàn xã hội. Và cũng có những bài thơ chứa chan nước mắt, nhưng là những giọt nước mắt bi hùng, hào sảng. Ngày nay, xã hội vẫn có đầy rẫy những nhức nhối. Nhưng có vẻ, thanh niên bây giờ còn phải bận rộn với nhiều thứ khác hơn, và những nhà thơ trẻ, tất nhiên cũng chính là những người cùng chung thế hệ, cùng chung hoàn cảnh.

Phải chăng họ vẫn chưa tìm thấy lý tưởng chung?

Mà, trách nhiệm xã hội có được trong thơ, đồng nghĩa với tính lý tưởng có trong mỗi người viết. Tính lý tưởng là nền móng để có vóc dáng cho một thời kỳ thơ. Nghĩ rộng hơn, nếu những người viết và người đọc có chung lý tưởng, thì những bài thơ tự khắc sẽ đồng vọng với thanh niên cùng thế hệ – tạo nên hiệu ứng xã hội cho Thơ. Đó là sự thôi thúc mang trong nó dự báo một thời kỳ văn học sẽ có vóc dáng. Ngược lại, nếu không có được điều đó, thì sâu xa, xã hội đang có dấu hiệu khủng hoảng lý tưởng.

Thật lòng mà nói, phần lớn những bài thơ trẻ, viết ra chỉ để tỏ bày khúc mắc cá nhân. Người viết trẻ đang tạo ra một thời kỳ thơ với cái tôi nở rộ. Điều này nói lên rằng, ở thời kỳ này, những vấn đề phổ quát của xã hội đang tan rã khỏi sự quan tâm của thế hệ thanh niên. Tất nhiên, những người trẻ vẫn đang loay hoay tìm kiếm lý tưởng chung của thế hệ mình. Nhưng có lẽ, hoặc vì chưa có những sự kiện lịch sử đủ lớn để ngưng kết lại. Hoặc có thể, những người trẻ không biết phải xây dựng lý tưởng bằng những điều gì, khi nền tảng xã hội đương đại đang bị phân tán bởi quá nhiều vấn đề, kéo khát vọng của giới trẻ vào những điều họ cho là thiết thực hơn để tồn tại. Và cũng có thể, họ chưa biết tin vào gì để hình thành nên lý tưởng.

Nguyên nhân của khủng hoảng lý tưởng không ở trong thơ. Thơ là cái đến sau, là hậu quả của tình trạng xã hội này.
Đọc thơ trẻ, chúng ta dễ dàng nhận thấy, về mặt kỹ thuật không hề thiếu tính sáng tạo. Với giễu nhại, nhiều tác giả đã đùa cợt vào thơ một số sự kiện nhức nhối của xã hội. Nhưng hầu hết mới chỉ là văn bản mang thông tin xã hội, hàm lượng thơ tính không nhiều. Số tác giả khác, bằng cách sắp đặt lại ngôn ngữ, đã mang vào thơ sự lạ lùng của cấu trúc từ ngữ khác thường. Nhưng ngoài sự lấp lánh của chữ, thì nội dung muốn nói cũng không được gì nhiều. Rất nhiều tác giả trẻ khác thì lại chìm đắm trong những ám ảnh siêu hình, những cái tôi cô độc. Họ tìm kiếm lạc thú trong những xúc cảm dị biệt, mã hóa thơ bằng những ngôn ngữ khó hiểu, chối từ viết về cái ta, về những nỗi niềm phổ quát.

Nghĩa là, vóc dáng của một thời kỳ thơ không thể kết cấu chỉ bằng thi pháp. Ngoài thi pháp, thì thơ còn phải nói lên được, kháng nghị được, dự báo được những điều cần thiết cho thân phận con người, cho xã hội. Thơ không là thứ chỉ làm bằng ngôn ngữ mĩ miều, không chỉ là một thú vui khi trà rượu. Mà còn là lời nhắc nhở của lương tri, trước những khổ đau của con người, trước tồn vong của quê hương, đất nước.

Đã có không ít phê phán là thơ trẻ thiếu dũng cảm, không dám đụng đến những vấn đề nhạy cảm quốc gia. Tin rằng, người viết trẻ không hề thiếu dũng cảm, và cũng không thiếu những đề tài gai góc để viết. Thời gian qua, đã có những tác phẩm văn học đụng chạm đến những điều được cho là cấm kỵ. Nhưng tiếc rằng khi đọc, chỉ thấy thuần túy như một dạng ký sự, tác phẩm văn học mà như thế, thì báo chí có thể làm tốt hơn nhiều.

Văn chương cho người viết rất nhiều cách để có thể dũng cảm. Cái khó là, có dũng cảm được một cách văn chương hay không. Đó là yếu tố mà ngoài tính lý tưởng, để hình thành vóc dáng cho Thơ trẻ, là cái thiếu thứ 2 của thời kỳ văn học này.

Từ khoảng thập niên 90, bắt đầu xuất hiện hiện tượng một số người làm thơ trẻ phá bỏ những hình thức thơ, và hệ giá trị cũ. Sau giai đoạn khá hùng hổ ấy, thì họ có dấu hiệu chững lại, bởi đập phá thì được rồi, nhưng để xây dựng lại một hệ giá trị mới, một hình thức nhân văn mới, thì không dễ mà làm ngay được. Sau bế tắc đó, một số người viết trẻ chọn cách làm mới lại những gì đã cũ, nương theo quán tính của giá trị cũ để làm tiếp lối đi của mình. Cách này lặng lẽ hơn, nhưng cũng chưa đủ để xây nên vóc dáng cho thời kỳ thơ ngày nay.

Chưa xây dựng được hệ giá trị mới, và hình thức nhân văn mới. Là cái thiếu thứ 3.

Tuy nhiên, Thơ trẻ vẫn chưa kết thúc thời kỳ của nó. Nói một cách công tâm, tuy chưa tạo nên được vóc dáng, nhưng Thơ trẻ đang tạo được nhiều mảng giá trị, nhiều góc độ nhân văn mới. Họ đang cùng nhau góp phần, hứa hẹn sẽ tạo nên vóc dáng cho Thơ trẻ. Đó là một quá trình, mà điểm kết của nó cần có độ lùi lịch sử nhất định, thì mới có thể đánh giá toàn diện được.

Bài viết nhỏ trên, là từ một người cùng chung thế hệ với những thanh niên ngày nay. Nghĩa là, những thiếu sót của Thơ trẻ mà bài viết nêu ra, cũng là thiếu sót của chính người viết bài này.

Thảo nguyên giấy trắng thì thời nào cũng có, chỉ e Thơ cam chịu kiếp ngựa thồ, không một lần tung vó…

Nguồn: Văn nghệ Trẻ

Exit mobile version