Chưa ai thống kê mỗi năm chúng ta có bao nhiêu tập thơ được xuất bản. Một nhà thơ nổi tiếng tiết lộ, hầu như tuần này ông cũng được tặng ít nhất là dăm ba tập thơ. Thơ nhiều đến độ đọc không xuể. Chưa kịp đọc tập này đã thấy tập mới được xuất bản. Chưa bàn về chất lượng của các tập thơ, nhưng nhìn mật độ thơ được xuất bản ở Việt Nam, ắt hẳn ai cũng phải thừa nhận, dân Việt Nam là dân yêu thơ và làm thơ nhiều nhất thế giới.

Một năm qua đi, xin cũng điểm nhanh một số tập thơ đáng chú ý của các tác giả trẻ trong năm 2012.

Bình Nguyên Trang và Những bông hoa đang thiền

Những bông hoa đang thiền (thơ) là một trong ba tập sách Bình Nguyên Trang (sinh năm 1977) xuất bản năm 2012. Có vẻ như cùng lúc cô muốn đưa ra ba chân dung của mình: một chân dung thơ (thơ Những bông hoa đang thiền), một chân dung văn xuôi (tập truyện ngắn Mùa đom đóm mở hội) và một chân dung báo chí (kí Sông của nhiều bờ) . Mỗi người một cảm nhận khác nhau, nhưng tôi đánh giá Bình Nguyên Trang vẫn là con người của thơ. Bản năng thơ trong cô mạnh hơn hết thảy. Cái đam mê, cái say đắm, cả cái đau đáu trong thơ của Trang chi phối sang văn xuôi và báo chí của cô, tạo dựng chân dung văn học của Bình Nguyên Trang hiện lên nhất quán.

Với Những bông hoa đang thiền, Bình Nguyên Trang đã vừa nhận giải B của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2012.

Nhà văn Thiên Sơn – một nhà văn cùng thế hệ với Bình Nguyên Trang đã nhận xét về cô khá xác đáng: Bình Nguyên Trang thuộc lớp nhà thơ trẻ giàu sáng tạo. Đổi mới nhưng không xa lìa cội rễ văn hóa dân tộc. Bộc lộ cái tôi cá nhân nhưng không sa vào cực đoan. Vượt qua ràng buộc của niêm luật trong thơ truyền thống, tìm tự do trong sự hài hòa. Với ý thức như vậy, hẳn cô sẽ còn đi xa trên con đường sáng tạo, để cống hiến cho người đọc nhiều câu thơ, bài thơ hay.

Với tập thơ Những bông hoa đang thiền, Thiên Sơn bình luận: tập thơ có một giọng thơ điềm tĩnh, những ý nghĩ sâu sắc, những cảm nhận tinh tế và những hình ảnh tinh khiết. Trong cái thời bộn bừa, khi cả xã hội và bản thân các nhà thơ đang đối mặt với sự rối loạn mỹ học, với những sự đánh tráo giá trị, nhiều người chạy theo những model thời thượng, thì gặp được một tập thơ có phong vị riêng, đẹp đẽ từ ngôn từ đến hình tượng, từ nhạc điệu đến cấu tứ như thế quả thực là điều không dễ. Bình Nguyên Trang đã vật vã trong hành trình khám phá không ngừng, trong những cuộc thể nghiệm đơn độc để trình bày trước công chúng một tác phẩm không hề xoàng về giá trị. Những bông hoa đang thiền là thành công của một tài năng đang độ chín.

Có thể khẳng định, Những bông hoa đang thiền là tập thơ đáng đọc trong năm 2012


Nguyễn Thị Anh Đào “dệt” thơ

Giống với Bình Nguyên Trang, Nguyễn Thị Anh Đào hiện là một nhà báo (đại diện báo Nhân dân tại Đà Nẵng), và cũng thử sức thành công ở cả lĩnh vực thơ cũng như văn xuôi. Năm 2012 truyện ngắn Nàng ở cổng trời của Nguyễn Thị Anh Đào được chọn là một trong 10 truyện ngắn hay của Văn nghệ Trẻ. Mới đây, cô tiếp tục đón tin vui khi tập thơ Dệt của mình nhận tặng thưởng của Hội VHNT Đà Nẵng năm 2012.

Dù đang là thời buổi “công nghệ số”, “thế giới phẳng”; thì việc một tác giả không ở trung tâm văn học lớn như Hà Nội, hay TP Hồ Chí Minh cũng phần này khiến cho tác phẩm của họ, cũng như hình ảnh của họ khó có cơ hội thường xuyên được cập nhật với báo giới. Tuy vậy, việc tránh xa sự ồn ào dường như là lựa chọn sáng suốt của Nguyễn Thị Anh Đào, bởi chính trong im lặng, những tác phẩm của cô được viết kĩ càng hơn, sự tiến bộ cũng rõ rệt hơn. Điều ấy được minh chứng rất rõ kể từ tập thơ đầu tay – Ngày không trở lại– cô ra mắt năm 2007 đến tập thơ Dệt , xuất bản năm 2012.

Nguyễn Thị Anh Đào tự sự: về thơ ca: “Linh cảm với tôi là một định mệnh. Thơ cũng thế. Khi bạn đọc thơ tôi, nghĩa là bạn đã trải qua những con sóng nhẹ của tâm hồn tôi – Những định mệnh ràng buộc mà không thể lý giải đơn thuần bằng lời nói –Tôi lặng lẽ sáng tác và lặng lẽ chiêm nghiệm. Trở lại với trạng thái bình yên, đôi khi tâm hồn tôi lại tự ngân lên nhiều đợt sóng. Tôi luôn công bằng với chính mình và tác phẩm. Cách thẩm thấu cuối cùng là khi một  tác phẩm ra đời, hãy thả nổi để tác phẩm tự tồn tại. Nhà thơ không nên gò mình vào một khuôn mẫu có sẵn  nào cả…”

Nhất quán tinh thần sáng tạo này, ở Dệt , Nguyễn Thị Anh Đào đã mở ra một thế giới thơ của riêng mình, tràn ngập cảm xúc, và cũng đầy suy tư về cuộc đời, bằng tiếng nói của một người thơ đa mang, và cũng đầy trách nhiệm.

Lê Vi Thuỷ – Mắt vỡ không còn bóng

Lê Vi Thuỷ sinh năm 1984, từng đoạt giải 3 Thơ Bút mới – báo Tuổi Trẻ năm 2009. Cô hiện là giáo viên mỹ thuật của một trường tiểu học ở Pleiku. Thủy tâm sự về việc đến với văn chương của mình: Vài năm gần đây, trước những bức bách và ngổn ngang của cuộc sống Thủy tìm đến thơ như một người bạn đồng hành.

Năm 2012 Thủy đã ra mắt tập thơ đầu tay có nhan đề Mắt vỡ không còn bóng. Giữa đội ngũ các tác giả trẻ xuất hiện đông đảo và sung sức hiện nay ở Tây Nguyên, tập thơ đầu tay của Lê Vi Thủy đã cất lên một tiếng nói khác, một tiếng nói lạ. Sự khác và lạ là điều không phải người trẻ nào, trong lần trình làng đầu tiên cũng làm được. Nhưng điều quan trọng hơn cả, đáng nói hơn cả, đó là cái khác, cái lạ của Lê Vi Thủy không phải là cách “làm hàng”; là kiểu sắp đặt cố tình có tính toán như ở một số tác giả trẻ mới nổi hiện nay. Cái nhu cầu khác và lạ ở Thủy được cất lên từ khao khát đầy bản năng của một người say đắm thơ, thậm chí là tôn thờ thơ.

Nguyễn Đức Phú Thọ giải mã thơ Lê Vi Thuỷ: đó là những dòng thơ tâm thức, từng con chữ nối hàng chồng xếp lên nhau trong mạch thơ chuyển động không ngừng. Hình ảnh, ngôn từ, tiết tấu cứ thế mà va đập vào nhau như một thứ bản năng không che giấu. Tuy vậy, trong cái nhịp thở tưởng chừng như dồn dập đó vẫn phát khởi nên trong thơ chị những tình ý, những câu đẹp đến ngây người: Em sẽ đến bên anh, ngày mai, dù nắng hay mưa/ vạt trắng xuân thì, tung tẩy bầy rốn hở; Pleiku mắt ướt bờ mi cong/tấm khói vô hình xổ dọc, ngang/ nhát cọ vàng lụi phố; Em vẽ ẩn sâu trong tâm tưởng lá bay…

Vi Thuỷ làm thơ như một hoạ sĩ vẽ tranh, có bức trọn vẹn hoàn thành, có bức tưởng chừng như còn dang dở. Nhưng điều cuối cùng và đáng quý nhất còn lại với ta, sau khi đọc thơ chị, đó là dòng xúc cảm đã được đốt cháy lên bằng những khát khao rất con người.

Tôi tin, Thủy sẽ còn đi xa với thơ.

Nguyễn Lãm Thắng – đa dạng về phong cách

Nguyễn Lãm Thắng sinh năm 1973, quê Đại Lộc, Quảng Nam. Hiện anh là giảng viên khoa Ngữ văn, trường ĐHSP Huế. Năm 2012, cùng lúc anh cho ra mắt hai tập thơ của mình với hai phong cách thơ khác hẳn nhau. Đó là tập thơ Giấc mơ buổi sáng (thơ thiếu nhi) và tập thơ Họng đêm – gây khá nhiều tranh cãi.

Trước hết xin nói về tập thơ Giấc mơ buổi sáng – với một số lượng bài khá đồ sộ (333 bài). Nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa nhận xét: Tập thơ ra đời giữa lúc văn học thiếu nhi nước nhà đang khan hiếm, đang còn nhiều khoảng trống cần phải lấp đầy (thơ cho thiếu nhi lại càng hiếm hơn so với thể loại văn xuôi), vì thế Giấc mơ buổi sáng ra đời đó là một điều rất đáng quý và đáng trân trọng. Làm thơ cho thiếu nhi không phải là công việc đơn giản ai cũng làm được mà đòi hỏi người viết phải hội đủ nhiều phẩm chất, nhiều yếu tố, nhiều kỹ năng… Trước hết người viết phải là những người thực sự yêu thương con trẻ, hiểu được tâm lý trẻ thơ, phải có vốn sống phong phú, có khả năng quan sát, khám phá thế giới xung quanh, nắm được những đặc điểm, quy luật của thế giới tự nhiên và con người… Nhà thơ đặt mình trong thế giới ấy để nói hộ, để diễn tả, những tình cảm cũng như sở thích, ước nguyện của các em. Vừa chân thực nhưng cũng có những tưởng tượng, thể hiện được sự ngộ nghĩnh, hồn nhiên, trong sáng, thánh thiện, vui tươi của trẻ… Và ở tập thơ Giấc mơ buổi sáng nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng đã làm tốt được điều này.

Nếu Giấc mơ buổi sáng trong trẻo, sinh động, dễ đọc thì Họng đêm là một cuộc thử sức của tác giả với bạn đọc.

Nhà phê bình trẻ Hoàng Thụy Anh đánh giá: Chất thế sự, giọng triết lý trở thành gam màu chủ đạo trong tập thơ “Họng đêm”. Các con chữ sắc ngọt, trương nở qua các công đoạn cắt dán và lắp ghép, hình thành nên những điểm nhô, nhọn, tượng trưng, siêu thực. Do đó, những thi ảnh của “Họng đêm” vừa cất giấu những ám ảnh vô thức, vừa đầy lý trí, gợi nhiều luồng tiếp nhận. Nhan đề “họng đêm” gợi nhiều bí ẩn, lạ. Lạ ở cách dùng từ. Lạ ở khoảng không siêu thực. Nhưng đó là một dụng ý khá thành công của Nguyễn Lãm Thắng. Ba phần là ba không gian: “ngát tận”, “tiếng ho rừng” và “nhấn phím buồn”. Xác định được giá trị của ba không gian ấy không phải là dễ. Bởi vì, không có chiếc áo nào để “họng đêm” mặc vừa. Cái áo mà nó đang mặc chật cứng, bung ra nhiều gai nhọn – gai nhọn của chữ “bung gai giữa ngày không nắng”. Các con chữ sắc ngọt, trương nở qua các công đoạn cắt dán và lắp ghép, hình thành nên những điểm nhô, nhọn, tượng trưng, siêu thực. Do đó, những thi ảnh của “họng đêm” vừa cất giấu những ám ảnh vô thức, vừa đầy lý trí, gợi nhiều luồng tiếp nhận. Tôi thích bức tranh ký họa “họng đêm” của Nguyễn Lãm Thắng. Bức tranh “bung gai giữa ngày không nắng” nhưng đầy nhiệt năng để truyền năng lượng cho “họng đêm”. “họng đêm” bung những cái gai của nó. Có những cái gai làm ta thấy khó chịu, nhói mắt nhưng cũng có những cái gai làm trái tim ta đau đớn, xót xa. Nguyễn Lãm Thắng đã tung mình vào họng gai để nhận lấy những thành quả ngọt ngào của sáng tạo, nhờ thế, “họng đêm” có được những giá trị nhất định về mặt tư tưởng và nghệ thuật. Với “họng đêm”, Nguyễn Lãm Thắng thực sự đã minh chứng được vị trí của mình đối với thơ trẻ đương đại.

Tuy nhiên cũng có người cho rằng, thơ Nguyễn Lãm Thắng khá là đánh đố bởi những ẩn nghĩa, và sự trúc trắc về cấu trúc.

Cá nhân tôi thấy rằng, người trẻ có quyền thử nghiệm. Và họ sẽ trưởng thành hơn trong những cuộc “va chạm” mang tên thử nghiệm.

Thy Anh (tổng hợp và bình luận)

Nguồn: Vannghetre