Trong những năm Việt Nam đấu tranh chống Mĩ cứu nước kiên cường và anh dũng, văn học đã đồng hành cùng lịch sử để trở thành vũ khí chiến đấu có hiệu quả, trở thành sức mạnh tinh thần của con người Việt Nam, đặc biệt là của tuổi trẻ cả nước. Cùng với diễn trình hiện thực lịch sử và đất nước bị chia cắt hai miền, cùng với tính phức tạp của thế cài răng lược giữa ta và địch ở miền Nam, những vùng, miền văn học đa dạng đã hình thành và cùng tồn tại. Trong bài viết ngắn này, tôi muốn đề cập đến dòng văn học đấu tranh của học sinh, sinh viên đô thị miền Nam trong những năm xuống đường sục sôi ngọn lửa chiến đấu và khát vọng hòa bình trên quê mẹ Việt Nam. Và cũng chỉ xin giới hạn ở những thành tựu thơ giai đoạn 1954 – 1975 của các tác giả xứ Quảng (Quảng Nam – Đà Nẵng) trong giới hạn sự hiểu biết và tư liệu hiện có của mình.

Thơ yêu nước xứ Quảng giai đoạn này, những tác giả hạt nhân, chủ lực của phong trào, có thể kể, là Vũ Hạnh, Nguyễn Công Khế, Đông Trình, Phan Duy Nhân, Phan Trước Viên, Tần Hoài Dạ Vũ, Từ Huy, Trần Phá Nhạc, Nguyễn Văn Phụng, Hoàng Thoại Châu, Huỳnh Văn Hoa, Phan Viên Hoài, Hoài Hương, Chinh Văn, Nguyễn Đông Nhật, Vũ Đức Sao Biển, Minh Quân, Nguyễn Thiên Trung, Hoàng Văn Trương… Mỗi người trong số họ đều có từ hai đến ba tập thơ trở lên. Tất cả đều thống nhất nhưng đa dạng về bút pháp, tạo thành dòng thơ ca yêu nước và tiến bộ, “vị nhân sinh”, sục sôi tinh thần phản kháng, tiên phong giữa các đô thị và vùng tạm chiếm miền Nam. Một bộ phận lớn tác phẩm của họ được đăng ở các diễn đàn công khai và bán công khai trong nước cũng như các tạp chí tiến bộ ở nước ngoài lúc bấy giờ.

Như vậy, cùng với phong trào thơ yêu nước của cả nước nói chung, thơ tranh đấu của học sinh, sinh viên xứ Quảng đã thực sự trở thành vũ khí đấu tranh cách mạng, là chân lí và lẽ phải, là tiến bộ và chính nghĩa, là cội nguồn của tình yêu nước và căm thù giặc. Nó thực sự là tiếng nói kêu gọi kết đoàn, phá tan mọi bạo tàn và âm mưu hèn hạ của kẻ thù đế quốc và tay sai, để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và những giá trị thiêng liêng, cao quý của nhân dân Việt Nam. Nó trở thành một bộ phận hữu cơ, tương hỗ làm thành sự đa dạng, phong phú cho nền văn học yêu nước, cách mạng của cả nước, đúng như Trần Bạch Đằng đã nhận xét: “Văn nghệ học sinh sinh viên các đô thị miền Nam thời chống Mĩ là một mắt xích trong tổng thể nền văn nghệ dân tộc Việt Nam. Nó xứng đáng ở vị trí ấy bởi vì nó đã chứng minh và nâng cao tâm hồn Việt Nam trong một giai đoạn, bởi nó kế thừa tinh anh của những người đi trước, của chiều dày văn hóa của tổ tiên và trên tất cả, bởi nó là Việt Nam, là hơi thở của lớp trẻ Việt Nam”.

Hiện thực bao trùm trong thơ tranh đấu xứ Quảng là hiện thực trực tiếp hoặc gián tiếp chống lại mọi âm mưu thâm độc và tàn bạo của kẻ thù. Trước hiện thực ấy, cùng với nhân dân, mỗi nhà thơ – bằng nhiều hình thức khác nhau – đã có những hành động cụ thể để góp phần khẳng định tinh thần yêu nước và thái độ chính trị không đội trời chung của mình với kẻ cướp nước và bán nước. Cụ thể, đó là sự thách đố với mọi đàn áp, đốt cháy xe Mĩ và các cơ quan lãnh sự của Mĩ, có khi là cuộc biểu tình công khai hoặc biểu tình thầm lặng lên án chiến tranh xâm lược và diệt chủng, chiến đấu trực diện với nhiều hình thức trên đường phố, có khi là những đêm lửa trại “hát cho đồng bào tôi nghe”, chống bầu cử độc diễn, chống hành vi độc ác và tàn bạo đối với nhân dân vô tội của Mĩ – ngụy. Từ những hiện thực đấu tranh trường kì ấy, Phan Trước Viên đã kịp thời ghi lại bằng tiếng nói căm hờn và nhân bản: Ôi những dòng sông quê hương anh dũng/ Cỏ viền xanh từng vết sử thăng trầm/ Trăm con lạch chở tình quê muôn ngả/ Tên xóm làng là tên những chiến công/ Mỗi ngọn cỏ xanh một niềm hi vọng/ Trên từng nấm xương liệt sĩ, anh hùng/ Ta đứng thẳng nhìn mặt trời dậy sóng/ Mặt sông trào theo nước thủy triều lên (Tiếng hát muôn đời). Bài thơ Đôi mắt sáng nhìn lên của Hoài Hương đã thực sự tố cáo tội ác của kẻ thù gieo xuống quê hương ngùn ngụt lửa hung tàn và sức sống của những con người phản chiến: Ngày hôm ấy cả quê mình quyết liệt/ Dân xuống đường ơi ới gọi nhau đi…/ Chị bán cháo, anh phu hồ, bác công nhân hải cảng/ Hôm trước sống bình yên/ Hôm nay làm cách mạng/ Toàn phố phường là đội ngũ tiền phong/ Những mẹ già nước mắt thấm quanh tròng/ Run rẩy thét: Tự do, Hòa bình, Cơm áo.

Hiện thực nóng bỏng và ngày càng ác liệt do tội ác của kẻ thù gây ra đã thôi thúc con người đứng lên chiến đấu. Thơ học sinh, sinh viên xứ Quảng là tiếng nói trực tiếp ngợi ca và cổ vũ, bày tỏ lòng tin tất thắng vào tương lai. Con người trong chiến đấu thể hiện được tầm vóc và lí tưởng chính nghĩa của mình một cách sâu sắc. Cái tôi trữ tình nhập vai của nhà thơ đã nói lên tiếng nói của nhân dân, đất nước để tố cáo tội ác của những kẻ bất lương và hi vọng vào sức mạnh chính nghĩa của những con người yêu nước bình dị mà kiên trung. Trần Phá Nhạc đã liên hệ cuộc sống của người dân Hải Phố từ quá khứ đến hiện tại để thấy những gì gần gũi mà thiêng liêng: Hải Phố/ quê hương tôi đứng lên cùng Cách Mạng/ cờ đấu tranh phất phới gió bưng biền/ mẹ Xóm Mới hun lửa hồng kháng Pháp/ đường Hội An dồn dập bóng người đi/ cha Cửa Đại trong những ngày tăm tối/ mắt vẫn sáng tuyệt vời mơ đến một ngày mai. Đó là trong quá khứ. Hiện tại càng thôi thúc những con người Hải Phố tiến lên làm tròn trọng trách với quê hương: Hải Phố quê tôi ngày tháng tuyệt vời/ đang đứng lên tiếp lời lịch sử/ dòng sông đó nuôi thù dâng mắt biếc/ khói nhà đèn lên/ ấm cả tương lai/ dân phố ta/ giàu mạnh/ dân phố ta hùng cường/ có con bé thẹn thùa chân nai nhỏ/ tà áo trắng/ bay ngang đời mới thức/ mắt mơ mòng thương tiếc lá me xanh/ xuống sau vườn cho mẹ ngắt ngọn trầu thơm. Để rồi Hải Phố lại hồng hào hi vọng: Hải Phố quê hương tôi/ một nghìn đêm mơ chỉ có một ngày (Hải Phố, quê hương tôi ngày tháng tuyệt vời).

Thơ tranh đấu đô thị xứ Quảng phản ánh được thế cài răng lược độc đáo trong đánh Mĩ. Đó là điều kiện để hình thành chiến tranh du kích và ba mặt trận tiến công của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó, phong trào đô thị và nông thôn có tác dụng hỗ trợ đắc lực cho cuộc kháng chiến thắng lợi. Thế trận giữa lòng dân là hình thái chiến tranh kì diệu mà kẻ thù phải hoảng hốt, khiếp sợ. Từ Huy, qua bài thơ Quê hương ta xứ Quảng anh hùng đã nói lên thế trận cách mạng ấy một cách cụ thể như Ngũ Hành Sơn vẫn sừng sững uy nghi/ Như khí thế của người dân đất Quảng/ Xứ sở tôi hun đúc những anh hùng/ Nào Hoàng Diệu, Trần Cao Vân, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng/ Nhân dân tôi vẫn không ngừng cách mạng/ Tổ quốc tôi truyền thống chống xâm lăng/ Đã bao lần thực dân Pháp hung hăng/ Vẫn thảm hại trước ngọn cờ quyết chiến/ Từng bờ tre cũng xông ra tiền tuyến/ Bằng ngọn chông vót nhọn chí căm thù/ Thân lúa cằn vẫn rắn rỏi nghìn thu/ Nuôi lớn mãi những anh hùng dũng sĩ.

Nhu cầu hòa bình, độc lập đối với mọi người, đặc biệt đối với tuổi trẻ là tối thượng. Vì vậy, bằng bất cứ giá nào, bằng phương tiện gì, bằng hình thức đấu tranh nào có thể, tuổi trẻ đã thể hiện tinh thần chiến đấu của mình một cách cao cả và quyết đoán. Và trong số họ, biết bao người chịu tù đày, gian khổ, hi sinh. Đó là chứng chỉ thời gian của lòng yêu giống nòi Hồng Lạc, là sức mạnh đứng trên đầu thù để lập chiến công. Những vần thơ này, nói như nhà nghiên cứu văn học Trần Hữu Tá, nếu đặt trong mạch phát triển của thơ ca dân tộc, “đã nối tiếp rất đẹp dòng chảy của thơ ca Xô viết Nghệ Tĩnh, thơ thời kì Mặt trận dân chủ và Mặt trận Việt Minh, của truyền thống thơ tù – một hiện tượng thơ độc đáo, kì diệu của Việt Nam”.

Đứng ở vị trí hiện tại, đối sánh với quá khứ và mơ ước đến tương lai là cảm thức thường trực trong thơ học sinh, sinh viên xứ Quảng. Đó là biện chứng của lịch sử mà cũng là biện chứng của tâm hồn để ta nối liền ta trong chiều rộng của không gian và chiều dài của thời gian, thể hiện dáng đứng và tâm thế của những con người luôn tiến lên phía trước, đối mặt với quân thù. Hoàng Văn Trương – người con của Thăng Bình, Quảng Nam – đã ý thức sâu sắc sự chuyển giao thế hệ để làm con người Việt Nam vững chắc và toàn vẹn ấy: Cha chỉ để cho con dòng máu đỏ/ Và trái tim ấp ủ giấc mơ hồng/ Dòng máu đỏ thời xưa cha kháng Pháp/ Truyền cho con niềm kiêu hãnh muôn đời/ Máu, máu đỏ nét son màu lịch sử/ Con dặn lòng viết đẹp tuổi xanh tươi/ Máu mãi truyền trong con dòng quật khởi/ Thơ vẫn còn tiếng thét lớn xung phong/ Mỗi bài thơ cả một rừng biểu ngữ/ Vạn lời hô cứu nước dội non sông (Dòng máu đỏ). Vũ Đức Sao Biển đồng hiện người mẹ Thu Bồn trong buổi chiều hờn căm quân cướp nước và bán nước: Lời đau trên ánh mắt/ Tủi hổ/ Bữa cơm chiều hai bóng/ Ngọn đèn vàng lung lay. Một nỗi niềm xót nghẹn, bao căm thù dâng đầy: Đêm không bao giờ sáng/ Trên quê hương điêu tàn/ Mái hiên đầy vết đạn/ Máu loang dòng Thu Bồn/ Mẹ già khơi chuyện cũ/ Con cúi đầu xót thương (Mẹ Thu Bồn). Tần Hoài Dạ Vũ sáng tác nhiều bài thơ với những chủ đề cụ thể để nói lên hiện thực khắc nghiệt ở miền Nam những năm chống Mĩ ác liệt mà ở đó, biết bao con người dũng cảm xuống đường làm cách mạng, trái lại, có những kẻ cúi đầu làm nô lệ, tay sai. Không thể làm người mà không biết căm thù tội ác của đế quốc gieo rắc trên quê hương mình. Anh đã phản biện sự thật tệ hại ấy bằng bài thơ gửi một người bạn xưa yêu nước, giờ phản bội đi theo giặc với những lí lẽ thâm thúy và nồng nhiệt tinh thần phản kháng để khẳng định chân lí của cách mạng: Con đường anh đi xa lìa nòi giống/ Là giàu sang thế quyền đổi mạng dân đen/ Là hờn căm đang vây đỏ chân trời/ Sẽ biến máu xương thành cách mạng/ Chúng tôi tiến lên/ Giữ lấy tay cày giành lại quê hương/ Để bạo lực lùi vào bóng tối/ Thắp đuốc hòa bình đi giữa nhân dân/ Hỡi người bạn xưa một thời thân mến/ Có bao giờ anh biết hay không? (Gửi một người bạn xưa).

Trong tận cùng đau thương sẽ xanh màu hi vọng. Đó là chân lí và là niềm tin sắt đá trong trái tim mỗi người cộng sản mà Tần Hoài Dạ Vũ đã nói hộ chúng ta: Mùa xuân đang bắt đầu thổi lại/ Trên những đám mạ non/ Những cơn mưa phùn tai ương đã dứt/ Dưới túp lều hoang mẹ mở cửa đón con về (Chào mừng nắng mai). Một góc nhìn hiện thực khác trong thơ Trần Phá Nhạc giúp ta thấy được những xa xót, bi thương và cái chết phủ xuống trên mỗi ngôi nhà, trên mỗi trẻ em, mỗi người già mà hàng ngày anh chứng kiến. Anh muốn nói bằng biểu ngữ và bàn tay biểu tình để hai miền cộng lực, biến căm thù thành bão tố xung phong đánh tan mọi bạo quyền và ác quỷ để miền Trung và cả nước hòa bình: Tôi đã thấy cả mặt trời căm phẫn/ Trên sự im lìm của biển nhân dân. Và căm thù lại giục căm thù thành biển thác triều dâng.

Từ năm 1963 trở đi, khi Mĩ đổ quân ồ ạt vào miền Nam thì đời sống xã hội có sự đảo lộn lớn. Văn chương yêu nước cũng có bước nhận thức và tổng hợp mới về chất và lượng. Những tác giả trẻ càng xuất hiện nhiều hơn. Phong trào đấu tranh chống Mĩ của quần chúng nhân dân càng dâng cao thì thơ ca của học sinh sinh viên càng bám sát vào những vấn đề cụ thể để kịp thời ghi lại những chiến công anh hùng và thầm lặng của mọi miền, mọi đô thị ở miền Nam. Thơ văn này thực sự cổ vũ trực tiếp và kích thích ngọn lửa yêu nước trong sinh viên lúc bấy giờ để trở thành phong trào rộng lớn với nhiều hình thức như biểu tình, tuyệt thực, đốt xe Mĩ, cơ quan Mĩ hoặc tự thiêu để kêu gọi công lí toàn nhân loại, tiến lên trực tiếp cầm súng chiến đấu đòi độc lập, tự do, nhất là sau khi Nguyễn Văn Trỗi – người con ưu tú của Quảng Nam anh dũng hi sinh giữa pháp trường tàn bạo của đế quốc Mĩ. Cao Huy Khanh đã viết: “Sau 1963, văn chương miền Nam biến thái cùng với một mối ám ảnh thường xuyên, khốc liệt: ám ảnh chiến tranh và tất cả những gì xung quanh chiến tranh”.

Là nhân chứng nhập vai nồng nhiệt vào biển lớn đấu tranh nên hơn ai hết những cây bút trẻ đã nhận thức rõ bản chất của cuộc chiến xâm lược của Mĩ và sức mạnh chính nghĩa của Việt Nam. Họ vừa cầm vũ khí vừa cầm bút cổ vũ kêu gọi kết đoàn để chiến đấu và chiến thắng. Thơ họ không hề giả tạo, cao giọng, ra đi từ cửa ngõ tâm hồn để đến với hồn người. Chất hiện thực và lãng mạn cách mạng say nồng thấm đượm trong từng dòng thơ, bài thơ. Dù hình thức có khi chưa có điều kiện gọt giũa, trau chuốt nhưng chất sống thực và cảm xúc, tâm trạng điển hình lại rất gần gũi với tâm thức của mọi người lúc bấy giờ. Những dòng thơ của Trương Quốc Khánh trong bài Tự nguyện chính là khát vọng chung cho cả một thế hệ trẻ Việt Nam với ước mơ kì diệu và bay bổng: Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương/ …Là hoa tôi nở tình yêu ban sớm/ Cùng muôn trái tim ngất say hòa bình…

Tâm hồn, sự sống và tiếng nói thi ca như thế quả là từ trái tim đến với trái tim, từ đáy lòng thành khát vọng. Phải đặt thơ ca tranh đấu của tuổi trẻ xứ Quảng trong mạch nguồn cuộc sống mà nó ra đời mới mong chứng minh vẻ đẹp chỉnh thể của chúng một cách thuyết phục. Vì vậy, đọc toàn bộ thành tựu thơ ca này, dù còn những hạn chế nhất định, do nhiều hoàn cảnh khách quan và chủ quan khác nhau, nhưng công bằng mà nói, nó xứng đáng là sức mạnh tinh thần của nhân dân nói chung và của tuổi trẻ nói riêng, bởi nó giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa đời sống và nghệ thuật, giữa cái đang có và cái cần có. Nói như nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng: “Nó là lịch sử. Do là lịch sử, nó có sức sống riêng”.

Theo Hồ Thế Hà (Văn nghệ quân đội)