Tình yêu thì thời nào cũng có bởi có con người là có tình yêu. Tình yêu là ngọn lửa để giữ nuôi cho cuộc sống thêm nồng nàn, thêm xuân sắc, thêm hy vọng. Không có tình yêu có lẽ con người sẽ trở về với bản năng. Tất nhiên mà mỗi thời mỗi khác nên tình yêu cũng thể hiện ở mỗi giai đoạn lại mang một cung bậc, sắc thái khác nhau. Ở bài viết này chúng tôi sẽ đề cập tới thơ tình yêu của các nhà thơ nữ (Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mĩ Dạ) thời chống Mỹ xem đặc điểm của thơ tình thời đó có gì khác.
Thời chống Mỹ là một giai đoạn lịch sử anh hùng và đau thương của cả dân tộc Việt Nam này. Chiến tranh là mất mát là hy sinh. Chúng ta buộc phải cầm súng để giành lại độc lập tự do. Thế cho nên, như một lẽ tất nhiên văn học giai đoạn này là văn học của sử thi, văn học của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nói thế cũng để thấy rằng thơ tình yêu ở giai đoạn này cũng không thể tránh khỏi áp lực của tư duy sử thi. Đây cũng là một đặc điểm đầu tiên của thơ tình yêu:
Trước cơn giông là đôi mắt em cười
Chiều lạ quá, chiều ơi lay động mãi
Giá lại phải băng qua trăm ngả đường phá hoại
Thì hẳn chỗ cuối cùng anh gặp – vẫn là em
(Bằng Việt – Những đoạn thơ tình giữa hai cuộc chiến tranh phá hoại)
|
Nhà thơ Xuân Quỳnh |
Ngày hôm nay lớp độc giả trẻ sẽ có người không hình dung nổi “trăm ngả đường phá hoại” là như thế nào, nhưng thời chiến tranh, đó là chuyện thường ngày. Chúng tôi nói “áp lực của tư duy sử thi” được hiểu theo nghĩa: nói về tình yêu nhưng không thuần túy là tình yêu là luôn xuất hiện hình ảnh cuộc sống chiến đấu. Thời đó cái chung được đặt lên trên hết, tất cả vì lợi ích sống còn của dân tộc. Hơn nữa, xét ở góc độ phản ánh, cuộc kháng chiến vĩ đại đến mức nó đi vào tất cả các góc độ riêng tư nhất của tình cảm. Thơ là tiếng nói của tình cảm nên dù là thơ về tình yêu, ở thời ấy vẫn dễ dàng tìm thấy bóng dáng của một thời đánh giặc. Dĩ nhiên, ở mỗi nhà thơ do cảm quan tình yêu khác nhau nên lại quy định “chất sử thi” đậm nhạt khác nhau. Đây là tình yêu trong “thời lửa đạn” của Xuân Quỳnh:
Anh trở về sau những tháng năm xa
Cây đã lớn lòng ta nhiều đổi khác
Như đất nước vừa qua thời lửa đạn
Lại ngỡ ngàng chim nhỏ, tháng giêng xuân
(Xuân Quỳnh – Những con đường tháng giêng)
Thế đấy, dù có qua “lửa đạn”, tình yêu vẫn là tình yêu với sự hồn nhiên trong trẻo đến “ngỡ ngàng”, đầy sự hiếu động, vui vẻ (chim nhỏ) và non tơ, tươi trẻ, hy vọng (tháng giêng).
Thơ tình yêu của phái nữ hôm nay nói nhiều đến bản năng, đến sự thèm khát nhục dục… Điều đó không có gì sai, có điều nói nhiều và nói quá, mạnh mẽ quá nên có khi gây phản cảm. Đấy cũng là hợp với quy luật của thời mở cửa được nói đến tất cả những gì mà nhà thơ nghĩ đến. Thời chống Mỹ không thế. Thơ tình yêu của phái nữ thời đó gắn liền với nhiệm vụ cách mạng, có nghĩa là cái riêng đã hòa vào cái chung:
Ta nào quên thời chúng ta sinh
Mọi con đường mang nỗi đau đạn lửa
Con đường đỏ bùn ngụy trang cũng đỏ
Con đường xanh màu lá ngụy trang xanh
Từ con đường này em viết cho anh
(Xuân Quỳnh – Viết trên đường 20)
|
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn |
Tình yêu thời đó gắn liền với cuộc đời, hòa vào dòng đời cách mạng chung, cái thời mà Chế Lan Viên đã coi “đất nước có chung tâm hồn, có chung khuôn mặt”. Thơ tình yêu thời chống Mỹ tất nhiên là có nói đến riêng tư, nhưng cái riêng tư vẫn nằm trong cái chung. Chúng ta hãy cùng khảo sát bài thơ Nhớ của Phan Thị Thanh Nhàn để thấy cái nhớ rất riêng mà cũng rất chung:
Ô kìa ai đến là quen
Bộ quân phục cũ, mũ mềm, trán cao
Dáng đi nhanh nhẹn làm sao
Mắt nhìn xa, bước tự hào hiên ngang
Mừng vui em gọi vội vàng
Ai ngờ lúc đến gần hơn em nhầm
Một ngày không biết mấy lần
Bâng khuâng em tự cười thầm: vẩn vơ
Rõ ràng anh ở rất xa
Sao em lại cứ ngỡ là gần bên?
Hẳn là anh cũng nhiều phen
Đường hành quân tưởng thấy em đến gần
Thoáng qua một dáng quen thân
Lưng gùi đạn, chiếc khăn rằn quàng vai
Phải không anh của em ơi
Trong xa cách vẫn gặp người thân yêu….
Chúng tôi xin phép phải trích dài như vậy để chứng minh động thái tình cảm “nhớ” giữa họ là rất riêng: em nhớ anh, anh nhớ em. Chính vì thế mà rất dễ nhầm với cái chung, cái chung rất giống anh: anh là bộ đội, và cũng rất giống em: cô du kích, cô dân công… Thời nay đọc bài thơ này sẽ có người cảm thấy buồn cười: tình yêu gì mà cứ “nhầm”, cứ “ngỡ”, cứ “tưởng” như vậy. Nhưng đặt vào thời đó thì mới thấy cái lôgich tình cảm tất cả vì nhiệm vụ chung, tất cả ra tiền tuyến mà coi nhẹ sắc thái cá thể. Cũng chính vì thế mà thời đó càng yêu nhau người ta càng dễ dàng chấp nhận hy sinh, chấp nhận chia ly như một “cuộc chia ly màu đỏ”. Đúng là một thời của anh hùng ca, thời của niềm tin son sắt. Chỉ ở thời ấy mới có những câu thơ như thế này:
Bao năm rồi đánh Mỹ
Lòng tin vẫn y nguyên
Đạn bom không xóa được
Nét mùa xuân hồn nhiên
(Lâm Thị Mĩ Dạ – Tiếng mùa xuân)
Thơ Việt Nam 1965 – 1975 kị húy với “cái tôi” để tìm đến những chân giá trị mang tầm cộng đồng, dân tộc như lý tưởng, lẽ sống hay những phẩm chất truyền thống. Thơ tình yêu thời đó cũng vậy. Nó tìm về trú dưới mái nhà đạo đức. Thời thơ mới 1932 – 1945 thơ tình yêu không thèm để ý đến đạo đức, thời sau 1975 lại càng như vậy. Nhưng thơ tình yêu 1965 – 1975 thì lại nói nhiều đến đạo đức, đạo lý.Cũng rất đúng bởi thời đó tiêu chuẩn phẩm chất chính trị, đạo đức được đặt lên hàng đầu khi đánh giá con người. Chọn người yêu trước hết là phải chọn người tốt, tốt ở đây theo nghĩa tuân theo nghĩa vụ, lợi ích của cộng đồng, của tập thể trước khi cho người yêu. Thế cho nên rất có lý khi Lâm Thị Mĩ Dạ băn khoăn, “day dứt” trước người yêu:
Trời anh mênh mông
Mây em bay lượn
Gió anh bao la
Cây em ve vuốt
Đất anh thẳm sâu
Lúa em cúi đầu
Nhưng sao vẫn hỏi
Day dứt trong lòng
Anh có tốt không
(Anh có tốt không)
|
Nhà thơ Lâm Thị Mĩ Dạ |
Đó là những day dứt rất thành thực. Người ta yêu nhau là mong mỏi nhau trở thành đồng chí của nhau, đúng như câu thơ của Tố Hữu: “Hai đứa hôn nhau hai người đồng chí”. Chúng ta không lạ khi cô gái trong thơ Lâm Thị Mĩ Dạ lại sợ lời khen của người yêu mà muốn “anh đừng khen em” vì:
Hãy chỉ cho em cái kém
Để em nên người tốt lành
Hãy chỉ cho em cái xấu
Để em chăm chút đời anh.
Anh ơi anh có biết không
Vì anh em buồn biết mấy
Tình yêu khắt khe thế đấy
Anh ơi anh đừng khen em
(Anh đừng khen em)
Chúng tôi cho rằng đây là thơ của một thời và sẽ “một đi không trở lại”. Nói thế không có nghĩa là chúng ta đánh giá thấp, ngược lại đó là những vần thơ ghi lại tâm trạng của cả một thời đánh giặc. Rất có ích cho thời đó đã đành, còn thời nay cũng rất nên đọc, để mà suy ngẫm về ngày trước sao con người ta trong sáng quá, chân thành và thật thà quá; để mà suy ngẫm về thời nay… để sống thành thực hơn.
Tình yêu trong thơ chống Mỹ là tình yêu trong sáng đến mức tuyệt đối, nó đề cao sự hòa điệu, đồng điệu của hai tâm hồn, rất ít khi nói về sự rung động của cảm giác, càng không có những “va chạm” kiểu Xuân Diệu trong Thơ mới: Hãy sát đôi đầu hãy kề đôi ngực/ Hãy trộn nhau những mái tóc vắn dài…. Tình yêu được đẩy về miền lý tưởng chứ không giữ lại nơi hiện thực, thế cho nên người ta rất ít nói, thậm chí im lặng, trao gởi cho nhau cũng trong im lặng, bằng im lặng. Chúng ta hãy cùng đọc những câu thơ “im lặng” trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn:
Họ ngồi im không biết nói năng chi
Mắt chợt nhìn nhau rồi lại quay đi
Nào ai đã một lần dám nói
Hương bưởi thơm cho lòng bối rối.
(Hương thầm)
Hôm nay “im lặng” đã đành:
Lặng im thôi anh nhé lặng im thôi
(Với sông Hồng)
Họ cùng nhau “im lặng” cả trong thời quá khứ:
Anh vẫn như xưa hóm hỉnh và trầm tư
Vẫn muốn được ngồi bên nhau im lặng
Chiếc ghế đôi bên hồ
(Bên hồ)
Và sau này cũng vẫn “im lặng”:
Khi trở về anh hãy nắm tay em
Ta im lặng đi dọc hè nắng trải
(Từ Khâm Thiên)
“Im lặng” như vậy vừa là trạng thái cảm xúc vì quá yêu mà không nói nên lời, vừa là một trạng thái tình yêu cao thượng, thánh thiện không hề có chút phàm tục của đời thường.
Người ta ví nhà thơ như “cần ăng ten” thu nhận những biến thái cuộc sống để rồi “phát ra” thành quan niệm, thành câu chữ qua “bộ lọc” của nhà thơ. Có lẽ nói một cách nôm na là thơ thời nào cũng có bóng dáng của thời đó. Trở lên chúng tôi đã đề cập tới một vài đặc điểm thơ tình yêu của các nhà thơ nữ thời chống Mỹ. Đọc thơ họ ta cũng phần nào hiểu được thời họ sống. Xin khép lại bài viết bằng một đoạn thơ trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh để chứng minh một kết luận chung: tình yêu riêng tư thời đó nở hoa trong tình yêu đất nước
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mẫy vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
Đó là khát vọng trường tồn vĩnh cửu của tình yêu và đó cũng là khát vọng sẻ chia, dâng hiến tình yêu của riêng mình cho cuộc sống này thêm nhiều yêu thương. Điều đó làm cho thơ tình yêu thời chống Mỹ sẽ sống mãi.
Nguồn: Vannghequandoi.
Có thể bạn quan tâm