Phan Tuấn Anh sinh năm 1985, hiện là giảng viên trường đại học Sư phạm Huế. Anh bảo vệ xong Thạc sĩ từ năm 2009 và chuyển tiếp làm Tiến sĩ về “Nghệ thuật hậu hiện đại trong tiểu thuyết G.G.Marquez” ở Hà Nội. Những bài lý luận phê bình của Tuấn Anh đăng ở các tạp chí Sông Hương, Nhà văn, Khoa học và giáo dục, Khoa học, Châu Mỹ ngày nay, Văn học nước ngoài, trang Vanvn.net đều được đánh giá cao. Bút danh Fan Tuấn Anh là tác giả của tập thơ Người ngủ muộn; trong Hội nghị viết văn Trẻ toàn quốc năm 2011 rụt rè mãi anh mới tặng đồng nghiệp. Câu đầu tiên mà người nhận thơ thốt lên: “Ủa, thế ra Tuấn Anh còn làm thơ nữa à?”. Thực ra những đoản khúc đã được anh rải rác đưa lên một số trang mạng từ lâu; vậy nên trong sáng tạo thơ, Tuấn Anh xem như “thức giấc” trước cả phê bình.
Đoản khúc(*) được tác giả viết trong sự âm thầm phản kháng dòng “thời gian cứ lặng lẽ và lạnh lùng trôi”, khi nỗi đời dội sóng vào tâm thức. Đối tượng hằng tưởng đến mỗi lần anh gọi chữ là “em”. Đây là kiểu tự sự về một nhân vật trữ tình tác giả vừa khao khát (“Anh đã viết ngàn lần trên những khuôn mặt giấy nát nhàu”), vừa muốn phủ nhận (“Em vĩnh viễn không thuộc về anh”), trong một cuộc kiếm tìm bất tận: “Anh đã tìm em ở trên đỉnh núi. Anh đã tìm em ở dưới lòng giếng sâu…”.
Nói đúng hơn, tác giả đã tự đẩy người tình ra khỏi vòng xoáy bản mệnh để rồi hoài vọng đến ngu ngơ, ủy mị. Tha thiết yêu, tự ruồng bỏ rồi lại xin lỗi “vì mắt anh không thể không u buồn”. Nên cảm giác như tác giả đang “tự cắt lấy vết thương sâu để cảm nhận mình vẫn đang tồn tại”. “Anh xin lỗi” xuất hiện ở các Đoản khúc 38, 88, 92, 96, 99… Ở “đoản khúc cuối cùng – đoản khúc sám hối cho chính mình với tình yêu” có tới 5 lần tác giả xin lỗi em; trong đó “Anh sẽ kể cho cô ấy về em” – là lời nói chân tình và sâu lắng nhất, dũng cảm nhất, trong sáng nhất của nhân vật anh trước một tình yêu mới.
Tuấn Anh là một nhà phê bình trẻ, đang dấn thân một cách táo bạo vào “khu rừng cấm” văn chương hậu hiện đại. Ở đấy rậm rịch chông gai và lau sậy. Qua những bài nghiên cứu đã công bố, lại cho thấy chàng trai này khá tự tin và “rành đường”. Sáng tạo thơ là một công việc nằm trong “cảnh mộng”, đậm chất phù du siêu hình. Tuy nhiên, hẳn anh không thể phủ nhận: cảm quan và tâm thế hậu hiện đại đã ảnh hưởng nhất định đến “công việc làm thơ” của anh. Dẫu rằng khi khơi nguồn cho những câu thơ chảy một cách tự nhiên và hồn nhiên, Tuấn Anh luôn biết dừng và dựng lên một số biểu tượng tinh khôi, như là sự đánh dấu để có dịp lần đường trở về với thi ca truyền thống:
Qua tiếng gà chải sương đêm mới biết ráng trời đang trở sáng
Nghe tiếng dế gội trăng mới rõ hoàng hôn đã bước xa rồi
Đoản khúc 33 – bài thơ tiêu biểu cho cảm thức hậu hiện đại trong toàn tập thơ. Anh “liệng” vào đó đủ mọi thông tin, mọi chất liệu, mọi nỗi niềm vụt hiện:
“Những nỗi đau chung của loài người: Holocauts, 11 tháng 9, Fukushima…”; “Thế giới dành nước mắt cho những người đã chết, những người sống sót trong cô độc và những huyền thoại đã cát bụi đi về”; “Những giấc mơ khóc òa tỉnh ra mới băn khoăn mình đang khổ đau về điều gì được nữa”; “Những CD mới tinh chưa một lần xài đến cũng tự hỏng trong sự nguyên lành”; “Real không thắng là bưng mặt khóc òa…”; “Nhổ răng cứ sợ hãi rằng lỡ bác sĩ nhầm lẫn chưa tiêm thuốc tê”; “Lên xe tour cứ lo lắng rằng mình sẽ hành trình lên đỉnh đèo về vực thẳm” v.v.
Tôi không phủ nhận, cũng không ủng hộ những dòng thơ như vậy. Là một tác giả còn nhiều sung sức, Tuấn Anh “có quyền” vung ra mọi hạt giống anh có trong tay. Thơ là cặn hay tinh bột lắng lại từ nước thì phải cần có thời gian. Chưa yên tâm ở mình, tôi vẫn tin ở Tuấn Anh. Bởi dẫu anh đang “ngắm nhìn thế giới này mỗi ngày trong những nỗi buồn, nhưng anh vẫn yêu thế giới của anh biết bao ngay trong chính bản mệnh nỗi buồn mà thế giới ấy vẫn hằng mang vác”. Mặt khác, tôi đã nhận được sự đồng cảm từ Đoản khúc thông qua những câu thơ chạm vào tầng sâu triết lý nhà Phật.
Khi ai đó không tự sửa mình theo lời Phật dạy (chẳng hạn thực hành theo tiêu chuẩn Thập thiện) mà khóc lóc than phiền cuộc đời sao oan trái, thì đó thật sự mê lầm chấp trước. Thế nên Tuấn Anh mới viết: “Giọt nước mắt giữa đời không gọi về ông Bụt”. Tác giả hoang mang trước “bao nhiêu những vết xẻ thịt, bằm xương, và chọc huyết tàn khốc mà những con thú nuôi phải chịu đựng… để làm nên những bữa tiệc mừng”; ấy là tiếng gọi được đánh thức từ bản nguyên sâu thẳm.
Nhiều người diễn giải về mùa xuân “với một niềm tin ngây thơ rằng mọi đau buồn đã qua”. Tuấn Anh hiểu đúng hơn trên tinh thần của Phật giáo: Trần gian khổ đau đan xen với hạnh phúc diễn ra bất cứ mùa nào. Giữa lời chúc hạnh phúc và bớt khổ đau có thể tương đồng nhưng người người sống giữa muôn vàn kiêng kị nên nhiều khi lời chúc trở nên giải đãi… Thường thì khi tìm ra “cái khổ” (tập đế) người ta tiến hành “diệt đế”; nhưng Tuấn Anh còn hoang mang và chần chừ trước phù hoa; nên “vẫn chỉ là một cánh chim cô độc bay mải miết vào cõi hoang vu”. Thiền khuyên con người nên sống trong hiện tại. Điều này có vẻ trái lý với cái nhìn về tương lai. Không. Hiện tại ở đây có thể quy trong chữ “biết”. Biết kiểm soát ý niệm trước lúc nó sai khiến thân thể tạo tác. Và biết sám hối, tức ta đang tồn tại vậy.
“Anh tin mình chỉ có thể thấy mùa xuân trong mỗi ngày
…
Và thế giới trong từng hơi thở
Khi anh còn được sống trên cuộc đời này với sự sám hối, nỗi bi tuyệt và những vết thương”.
Đây chính là biết sống theo phong vị của thiền, tức biết trụ ở “cái Không”. Thật thú vị, những câu này cũng được trích ra từ Đoản khúc số 0.
Nhụy Nguyên
——————–
(*) Đoản khúc – Thơ – Fan Tuấn Anh, Nxb. Văn học, 2013.
Nguồn: vanhocquenha.vn