PV: Những năm gần đây văn học thiếu nhi bị cho là một khoảng trống cần lấp đầy. Mặc dù một vài cuốn sách thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh đã tạo nên cơn sốt trên thị trường, một vài cuộc thi văn học dành cho thiếu nhi đã gây hứng khởi và chú ý tới độc giả… nhưng hầu hết đó là những tác phẩm thiếu nhi ở thể loại văn xuôi. Vậy theo nhà thơ, Thơ thiếu nhi đang đứng ở đâu trong lòng tác giả và trên thị trường sách?
Nhà thơ Hoài Khánh: Hiện nay, văn học cho thiếu nhi đang dần khan hiếm. Thơ cho thiếu nhi càng hiếm hơn so với loại thể văn xuôi. Số tác giả chuyên viết cho thiếu nhi ngày càng ít dần. Người chuyên sáng tác thơ thiếu nhi đã ít và nay hầu như buông bút hoặc chuyển hướng viết sang mảng đề tài khác, loại thể khác. Vẫn biết thơ luôn cháy bỏng đam mê trong lòng họ, nhưng tác phẩm thơ thiếu nhi được công bố rất ít trên báo chí và vắng bóng hẳn trên thị trường sách. Báo chí rất ít khi đăng những trang viết cho trẻ em và của chính các em sáng tác. Họa hoằn lắm thì chỉ có dịp nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 và dịp Trung thu, mới thấy lác đác một vài bài thơ, truyện ngắn cho thiếu nhi được đăng trên báo chí. Vào các hiệu sách, sẽ thấy sự có mặt của văn học thiếu nhi thật quá ít ỏi. Truyện tranh thì có nhiều, nhưng truyện chữ thì rất ít, sách thơ càng vắng bóng hơn. Thật khó tìm mua được một tập thơ ưng ý trong các hiệu sách cho con trẻ.
PV: Theo chủ quan của nhà thơ thì vì sao lại có tình trạng này?
Nhà thơ Hoài Khánh: Không phải trẻ em không yêu thích văn chương mà bản thân những trang viết chưa đủ sức thu hút các em. Đội ngũ sáng tác đang bị mai một thì số tác phẩm ra đời chẳng thấm tháp gì với nhu cầu đến với văn chương của thiếu nhi. Người chuyên sáng tác văn học cho thiếu nhi thường bị thua thiệt, lép vế, ít được quan tâm hơn so với đồng nghiệp khác. Những năm gần đây, ở nước ta có rất ít những cuộc hội thảo, tập huấn, trại sáng tác, cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi, nên cũng ít có cơ hội phát hiện, tập hợp và bồi dưỡng cây bút mới. Người viết thiếu hụt trầm trọng thì số trang viết sẽ ít thôi, nói chi đến chất lượng tác phẩm.
PV: Thiếu nhi ngày hôm nay có rất nhiều điểm khác so với thiếu nhi cách đây từ 20-40 năm trước. Vậy nhưng, thưa nhà thơ Hoài Khánh, ở hầu hết các nhà xuất bản hàng năm vẫn tái bản những tác phẩm thơ thiếu nhi của các nhà thơ nổi tiếng như Võ Quảng, Phạm Hổ… Phải chăng tác phẩm thiếu nhi đã được thời gian thẩm định thì sẽ vẫn hợp thời và không bao giờ cũ với thiếu nhi?
Nhà thơ Hoài Khánh: Trẻ em hôm nay không xa lánh văn chương. Nhu cầu được thưởng thức văn chương của các em là rất lớn. Số bản sách văn học in ra phục vụ cho thiếu nhi chưa thể nói là đã đáp ứng được nhu cầu đón đọc của trẻ nhỏ. Trong sự xuất bản còn ở mức khiêm tốn ấy, khi chưa tìm được tác phẩm mới có chất lượng thì việc tái bản những tác phẩm đã được thời gian thẩm định và của các tác giả thành danh từ trước là chuyện đương nhiên. Cũ mà hay vẫn hơn mới mà chưa hay. Tôi tin rằng, các nhà xuất bản vẫn đang cố gắng tìm những tác phẩm mới và có chất lượng tốt để in, chứ không dừng lại ở việc tái bản những tác phẩm cũ của các tác giả nổi tiếng. Một điều đáng nói là, thiếu nhi bây giờ có nhiều điểm khác trước cả về trình độ nhận thức và cách thức cảm thụ, nên thông điệp văn chương thuở trước chưa hẳn đã phù hợp với sự phát triển tâm sinh lí của trẻ em hôm nay.
PV: Theo nhà thơ thì chúng ta cần thiết phải có những tác phẩm thơ thiếu nhi mang tính đương thời không?
Nhà thơ Hoài Khánh: Rất cần thiết. Trẻ em hôm nay có những thị hiếu khác xa trẻ em trước đây. Đời sống của các em cũng hiện đại hơn các thế hệ trước. Bạn đọc nhỏ tuổi sẽ thích thú khi thấy chính cuộc sống quanh mình đang được văn học phản ánh. Thế giới của trẻ em chưa cao rộng như của người lớn. Vì thế, thơ cho các em không thể chỉ quẩn quanh những sự vật, sự việc sẵn có của trẻ, mà cần phải mở rộng ra những đề tài mới lạ hoặc làm huyền ảo những gì quen thuộc của các em, làm sao cho mọi thứ trở nên kì diệu hơn. Không chỉ giúp các em tiếp cận với thế giới quanh mình một cách chân thực, thơ cho thiếu nhi phải tạo cảm xúc mạnh mẽ trong lòng các em về vẻ đẹp của thế giới đó. Cuộc sống hiện đại đang gợi mở nhiều đề tài khác trước cho người sáng tác văn học cho thiếu nhi.
PV: Có thể nói, tình hình xuất bản thơ thiếu nhi cũng giống như tình hình chung của thơ Việt Nam hiện nay – nghĩa là dễ xuất bản nhưng khó bán, ít được quan tâm. Tuy nhiên, trong năm 2012 này, nhà thơ Hoài Khánh xuất bản tập thơ thứ tư “Dắt biển lên trời”. Liệu đây có phải là sự mạo hiểm của anh?
Nhà thơ Hoài Khánh: Tôi không coi đây là sự mạo hiểm. Tôi không thích và cũng không quen sự mạo hiểm. Đó chỉ là sự “đến hẹn lại lên” thôi. Tập thơ “Dắt biển lên trời” chỉ có cả thảy 20 bài thơ mà tôi đã sáng tác và được đăng rải rác trên báo chí trong vòng 7 năm qua. Hiện nay, thơ ở nước ta được xuất bản khá nhiều và dễ dàng. Mỗi năm cả nước có chừng 700 tập thơ được ra mắt. Nhưng số tập thơ cho thiếu nhi ra đời chưa chắc được chục cuốn. Từ năm 2004 đến nay, tôi mới có thêm 1 tập thơ này. Tập thơ tuy mỏng, nhưng tôi tin mình sẽ không phụ lòng những em nhỏ yêu thơ và cũng không làm thất vọng một ít bạn đọc nào đó đã dành cho tôi một chỗ tin yêu trong lòng họ.
PV: Tập thơ “Dắt biển lên trời” do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành cùng với một số tác phẩm thơ khác với chủ đề biển đảo và được giới thiệu trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10. “Dắt biển lên trời” cũng là một trong số không nhiều tập thơ mới, không phải tái bản. Tuy nhiên đọc toàn bộ tập thơ “Dắt biển lên trời” thì chỉ có 3 bài thơ liên quan đến biển đảo là: Đường ở đảo, Xuân trên đảo Bạch Long Vĩ và Điện về làng đảo. Liệu có phải vì sự “khó khăn” của thơ mà tác phẩm “bị ép” vào chủ đề biển đảo – một chủ đề đang được quan tâm để độc giả chú ý?
Nhà thơ Hoài Khánh: Tôi không chủ trương chọn đề tài biển đảo cho việc xuất bản tập thơ này. Như tôi đã nói ở trên, tập thơ “Dắt biển lên trời” chỉ có 20 bài thơ mà tôi đã sáng tác trong 7 năm qua. Tôi chỉ viết về những gì mà tôi biết và mình yêu thích. Tôi là người Hải Phòng và gắn bó với biển, với đảo. Tôi cũng như các em ở thành phố quê hương tôi, gắn liền với biển, với đảo. Tôi viết về thiếu nhi với thiên nhiên, với cuộc sống xung quanh mình, đặc biệt là với thành phố quê hương, với biển, với đảo. Mặc dù chỉ có 3 bài thơ trực tiếp nói tới biển đảo, nhưng cả tập thơ đều đề cập tới thiếu nhi – những chủ nhân đáng yêu của biển đảo quê hương tôi. Trong thơ tôi, các em không hề bé nhỏ mà là những người bạn vĩ đại và thân thiết, bằng “những con chữ khó nhọc – dắt biển lên với trời”. Vì vậy, xếp tập thơ “Dắt biển lên trời” thuộc chủ đề biển đảo cũng đúng.
PV: Sau tập thơ thứ tư này, Hoài Khánh có ý định sẽ tiếp tục in tập thứ năm, thứ sáu… cho những sáng tác mới của mình? Hay là nhà thơ sẽ dừng lại, chẳng hạn… làm tuyển tập, để tập hợp, chọn lọc những tác phẩm tâm đắc nhất in để tận dụng lợi thế tên tuổi của mình đã ít nhiều được độc giả biết đến?
Nhà thơ Hoài Khánh: Chưa thể nói trước điều gì vì tôi sáng tác không nhiều. Tôi cũng chưa có ý định làm tuyển tập. Tôi vẫn đi tiếp con đường sáng tác thơ cho thiếu nhi và cố gắng có được những tác phẩm thực sự là món quà tinh thần bổ ích cho trẻ nhỏ.
* Cảm ơn nhà thơ!
Hiền Nguyễn (thực hiện)
Nguồn: Vanhocquenha.vn.