Bên tai ta lại vang lên những câu thơ thực đẹp của ông trong “Tiếng sáo thiên thai” và nhất là trong “Nhớ rừng”- như Hoài Thanh ấn tượng: “tưởng chừng thấy những chữ bị xô đẩy, bị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường”.
Ta theo ông lên cảnh tiên mê ly trong tưởng tượng…
Ông đưa ta trở về quá khứ nơi hạ giới trần ai, u uất những nỗi niềm…
Yêu sao những lời thơ tả tình tả cảnh tuyệt vời của ông:
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan
Trời cao, xanh ngắt – Ô kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng lai
*
Và Huy Thông!
Tôi được gặp ông lần đầu, tại Viện Khảo cổ học, vào những năm 70, khi tôi về làm việc ở Viện Ngôn ngữ học.
Trong đời, ông là một người nhỏ nhắn, đeo kính, nói năng rất nhẹ nhàng, ăn mặc rất thời thượng và ứng xử kiểu lịch sự rất Pháp.
Thực khó nghĩ rằng đó lại là nhà thơ Huy Thông, tác giả của những vần thơ bi hùng và say đắm về những nhân vật khổng lồ, những anh hùng và mỹ nhân như Hạng Võ, như Ngu Cơ, như Phù Sai, như Tây Thi, rồi Anh Nga, Ngân Sinh…
Kể cũng là đặc biệt với Hòai Thanh (ông vốn kiệm lời), khi ông viết về Huy Thông những lời hết sức nồng nhiệt: “Đặc sắc của Huy Thông chính ở những bài anh hùng ca như bài Tiếng địch sông Ô tả bước đường cùng của Hạng Tịch. Chưa bao giờ thi ca Việt Nam có những lời hùng tráng như trong tác phẩm của người thiếu niên hiền lành và xinh trai ấy (…) Hơi văn mà đến thế thực đã đến bực phi thường. Anh hùng ca của Victor Huygo tưởng cũng chỉ thế”…
*
Không phải ngẫu nhiên, tôi lại viết chung về hai ông ở đây.
Trước hết là vì cái nguồn thi cảm nơi hai ông rất giống nhau – nhớ ngày xưa, chuyện xưa, người xưa, cảnh xưa.
Thứ nữa là hai ông, khác với nhiều thi sĩ đương thời, thích làm thơ Tám chữ và làm rất hay, nhiều bài kinh điển. Chẳng hạn như Thế Lữ, tập Mấy vần thơ của ông tất cả có 47 bài thì thơ Tám chữ chiếm gần nửa: 21 bài.
Và trong các cuộc bình chọn những bài thơ hay nhất của phong trào Thơ Mới, bao giờ cũng thấy tên hai ông với hai bài thơ Tám chữ: Nhớ rừng và Tiếng địch sông Ô.
Và còn điều này rất quan trọng: nói về các nhà Thơ Mới ta không thể không nhắc đến thơ Tám chữ, bởi lẽ nó là một sáng tạo của phong trào Thơ Mới, khác với những truyền thống của Ngũ ngôn, Thất ngôn, Lục Bát, Song Thất Lục Bát. Nếu tính tỷ lệ thống kê thì trong số 168 bài thơ được Hòai Thanh và Hòai Chân tuyển chọn trong Thi nhân Việt Nam có đến 41 bài là thơ Tám chữ, chỉ đứng sau thơ Bảy chữ/Thất ngôn: 68 bài.
Thơ Tám chữ, như ta biết, vốn bắt nguồn từ Ca trù, từ thể Hát nói, đặc sắc Việt Nam.
Âm luật của thể Hát nói, theo giới nghiên cứu, có thể tóm tắt như sau:
– Về câu chữ: số chữ trong mỗi dòng thơ không cố định, mà linh động, có câu thơ Ngũ ngôn, Thất ngôn, có câu thơ Lục Bát. Trong bài Hát nói, có những câu dài tới 09, 10, hay 13, 14 tiếng.
– Về vần thơ: thể Hát nói có thể gieo vần Lưng và vần Chân, vần có thể Bằng hoặc Trắc. Một bài Hát nói chính cách, thanh của vần ở các dòng thơ phải được sắp xếp theo thứ tự nhất định, chẳng hạn: Trắc – Bằng – Bằng – Trắc – Trắc – Bằng – Bằng.
– Về nhịp điệu: ở thể Hát nói câu thơ Tám chữ thường được chia làm ba bước (đoạn tiết tấu), các tiếng đứng ở cuối mỗi bước thường phải đối thanh theo luật Bằng Trắc.
Để thấy rõ các quy tắc âm luật nói trên, ta hãy xem một vài câu thơ, đọan thơ Tám chữ (đôi khi có chen câu 07 chữ) trong các bài Hát nói của Nguyễn Công Trứ – một bậc thầy về ca trù:
Cảnh Tây hồ khen ai khéo đặt (câu này 07 chữ)
Trong thị thành/ riêng một áng/ lâm tuyền
Bóng kỳ đài/ trăng mặt nước/ như in
Tàn tháo thụ/ lum xum/ tòa cổ sát
Chiếc cô lộ/ mạnh lạc hà/ bát ngát
Hỏi năm nay vũ quán điếu đài (câu này 07 chữ)
Mà cỏ hoa/ man mác/ dấu thường đài
Để khách rượu/ làng thơ/ ngơ ngẩn (câu này 07 chữ)
Thuyền một lá/ xông ngang/ ghềnh bạch lộ
Buông chèo hoa/ len lỏi/ chốn sơn cương
Người ý ca/ réo rắt/ khúc cung thương
Tiếng tiêu lẫn/ tiếng ca/ vang đáy nước
Đáng chú ý là Tản Đà – một bậc tài danh về Hát nói, ông gieo cả vần Chân – chữ thứ tám, và vần Lưng – chữ thứ năm (chú ý những chữ in đậm và có gạch dưới):
Gặp xuân nay xuân chớ lạ lùng (câu này 07 chữ)
Tóc có khác/ trong lòng/ ta chẳng khác
Kể từ thuở biết xuân bốn chín năm về trước (câu này 10 chữ)
Vẫn rượu thơ/ non nước/ thú làm vui
Đến xuân nay/ ta tuổi/ đã năm mươi
Tính trăm tuổi/ đời người/ ta có nửa
Còn sau nữa/ lại bao nhiêu/ xuân nữa
Mặc trời cho/ ta chửa/ hỏi làm chi
Bây giờ nếu đem âm luật vừa nêu trên của những dòng thơ tám chữ trong thể Hát nói mà soi vào thơ của Thế Lữ và Huy Thông, ta sẽ thấy thơ Tám chữ thời Thơ Mới có những chỗ tương đồng, nhưng cũng có nhiều chỗ đã khác biệt. Nói như Hòai Thanh trong Thi nhân Việt Nam: “phong trào Thơ Mới đã vứt đi nhiều khuôn phép xưa, song cũng nhiều khuôn phép nhân đó mà bền vững”, và riêng về thơ Tám chữ thì: “ca trù biến thành thơ Tám chữ… Yêu vận mất. Phần nhiều vần liên châu”.
Quả vậy, trong thơ Thế Lữ – người “mở đường cho các nhà Thơ Mới”, một mặt ta chỉ còn thấy một lối vần Chân, theo kiểu bắt vần liên tiếp nhưng mặt khác vần Bằng vần Trắc được ông tuân thủ rất nghiêm chỉnh như ở thể Hát Nói:
– (Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt)
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ
Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm
– Dáng yêu kiều tha thướt khách giai nhân
Ánh tưng bừng linh họat nắng trời xuân
Vẻ sầu muộn âm thầm ngày mưa gió
Cảnh vĩ đại sóng nghiêng trời thác đổ
Chín dòng thơ vừa dẫn thanh điệu ở vị trí hiệp vần được phân bố rất đúng thứ tự lề luật là: Trắc – sắt + Bằng – qua + Bằng – ngơ + Trắc – thẳm + Trắc – hãm// Bằng – nhân + Bằng – xuân + Trắc – gió + Trắc – đổ.
Huy Thông có phần đặc biệt hơn, ông vừa giống lại vừa không giống Thế Lữ.
Một mặt, ta thấy thơ ông cũng gieo vần Chân liên tiếp, như ở thể Hát nói, như ở thơ Thế Lữ:
Nén đau thương, Vương ngậm ngùi sẽ kể
Niềm ngao ngán vô biên như trời bể
Ôi! Tấm gan bền chặt như Thái Sơn
Bao nhiêu thu cay đắng chẳng hề sờn!
Nhưng mặt khác, thơ Tám chữ của Huy Thông hiện đại hơn, ông gieo cả vần Chân gián cách (như ở các thể thơ Ngũ ngôn, Thất ngôn của nhiều nhà Thơ Mới đương thời):
Kìa Tây Thi! Sao mây chưa đượm trắng
Anh tới đây chưa kịp gọi hồn tiêu
Em đã sớm cong mình trên nước lặng
Cho nước trong ngược vẽ dáng yêu kiều?
Hãy cùng ai, nơi hơi đêm quyến luyến
Đứng đê mê tình tự dưới giăng ngà
Vì đêm biếc rồi tàn, giăng xuân biến
Và vừng hồng sẽ tắm nắng chân mây xa (câu này 09 chữ)
Hệ quả là, khác với Thế Lữ, ở Huy Thông đã phôi pha khá nhiều cái hương vị Bằng-Trắc vốn phải có ở vị trí gieo vần của những câu Hát Nói chuẩn mực, trong những câu thơ Tám chữ của ông…
Như đã nói, thể Hát nói câu thơ Tám chữ thường được chia làm ba bước nhịp (đoạn tiết tấu): 3/2/3 hay 3/3/2, và các tiếng đứng ở cuối mỗi bước thường đối thanh theo luật Bằng Trắc.
Một thí dụ:
Buông chèo hoa/ len lỏi/ chốn sơn cương
(Nguyễn Công Trứ)
Dòng thơ này được ngắt nhịp 3/2/3 và có đối thanh ở cuối mỗi nhịp: Bằng – hoa/ Trắc – lỏi/ Bằng – cương.
Một thí dụ khác:
Còn sau nữa/ lại bao nhiêu/ xuân nữa
(Tản Đà)
Dòng thơ này được ngắt nhịp 3/3/2 và có đối thanh ở cuối mỗi nhịp: Trắc – nữa/ Bằng – nhiêu/ Trắc – nữa/.
Có một điều hơi tiếc cần nói ở đây là: nói chung, sự nghiên cứu về âm luật thơ Tám chữ đang còn khá nghèo nàn, nhất là về phương diện cấu trúc tiết điệu (metrical structure) – tức là sự phân bố, hòa phối các thanh Bằng-Trắc trong thơ Tám chữ. Hai học giả Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức trong cuốn “Thơ ca Việt Nam – Hình thức và thể loại” không thấy bàn đến lề luật sắp xếp các thanh Bằng-Trắc ở thơ Tám chữ – như khi hai ông nói về thơ Bảy chữ (Thất ngôn) hay thơ Lục Bát.
Sự thực, nếu xem kỹ thì cũng thấy có những quy tăc nào đấy trong sự phân bố Bằng-Trắc ở câu thơ Tám chữ. Thí dụ, hãy xem hai khổ thơ sau ở Thế Lữ trong bài Cây đàn muôn điệu:
+ Khổ 1:
Dáng yêu kiều tha thướt khách giai nhân;
ánh tưng bừng linh hoạt nắng trời xuân;
Vẻ sầu muộn âm thầm ngày mưa gió;
Khổ này có mô hình phối thanh Bằng-Trắc, trong đó hai câu đầu giống nhau, như sau:
T B B B T T B B
T B B B T T B B
T B T B B B B T
+ Khổ 2:
Tôi thở than cùng thiếu nữ bâng khuâng,
Tôi véo von theo tiếng sáo lưng chừng,
Tôi yên ủi với tiếng chuông huyền diệu.
Khổ này có mô hình phối thanh Bằng-Trắc, trong đó hai câu đầu cũng giống nhau, như sau:
B T B B T T B B
B T B B T T B B
B B T T T B B T
Nếu bây giờ đem so sánh hai câu đầu ở hai khổ thơ đã dẫn trên, ta sẽ thấy cấu trúc tiết điệu của chúng chỉ khác nhau ở hai chữ thứ 1 và thứ 2: một bên là T B và một bên là B T; còn lại là y chang như nhau:
– T B B B T T B B
– B T B B T T B B
Nghĩa là hình như có một cấu trúc tiết điệu Bằng-Trắc ở các vị trí nhất định trong mỗi dòng thơ Tám chữ này và cần được tiếp tục khảo sát kỹ lưỡng hơn, với nhiều ngữ liệu hơn ở các nhà thơ khác nhau…
Về “hình dáng” chung của Thơ Mới, Hoài Thanh có viết rằng: “phép dùng chữ, phép đặt câu đổi mới một cách táo bạo cũng thay hình dáng câu thơ không ít”. Thiết nghĩ lời nhận xét tinh tế ấy của ông cũng xác đáng cho thơ Tám chữ nói chung và câu thơ Tám chữ của Thế Lữ và Huy Thông nói riêng.
Hình dáng ấy, như có thể thấy, quả là đã thay đổi nhiều so với trong các câu thơ Tám chữ trong Hát nói.
Quả vậy, những bài thơ Tám chữ hay, như Nhớ rừng của Thế Lữ, như Tiếng địch sông Ô của Huy Thông, không thuộc lọai “nhiều tình mà ít chuyện” – như thơ Tám chữ của Huy Cận:
Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế!
Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường
Phố đìu hiu màu đá cũ lên sương
Sương hay chính bụi phai tàn lả tả?
Từng tiếng lệ: ấy mộng sầu úa lá
hay của Xuân Diệu:
Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo
Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da
Người giai nhân: bến đợi dưới cây già
Tình du khách: thuyền qua không buộc chặt
Cái giọng điệu chủ đạo của Huy Cận và Xuân Diệu ở đây là ‘trữ tình’, là sự tự biểu hiện mình của thi nhân – dĩ nhiên đã tự do hơn rất nhiều, đã thành thực hơn rất nhiều so với Thơ Cũ.
Nhớ rừng của Thế Lữ, Tiếng địch sông Ô của Huy Thông thì khác: đó là những bài thơ thuộc lọai “nhiều chuyện mà ít tình”, với rất nhiều tình tiết hao hao như lối viết của các nhà văn (viết văn xuôi). Một biểu hiện rõ nhất của nó là việc dùng dễ dàng các hư từ “trống nghĩa” (liên từ, giới từ, phụ từ v.v.) vốn là điều từ chương học và thi pháp xưa thường khuyến cáo ‘chớ nên dùng’, bởi lẽ thơ hay thì phải ‘kiệm lời ít chữ, lắm ý nhiều tình’ và muốn vậy thì phải sử dụng tối đa các thực từ có nghĩa (động từ, danh từ, tình từ). Hãy thử nhớ lại một vài câu thơ có hư từ (những chữ in đậm) ở Huy Thông:
Vì đêm biếc rồi tàn, giăng xuân biến
Và vừng hồng sẽ tắm nắng chân mây xa
Về sau này, với thời gian, thơ Tám chữ có nhiều thay đổi. Hãy nhớ lại những câu thơ nổi tiếng một thời, cũng Tám chữ, vào những năm 60-70, như của Chế Lan Viên:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn
B B T T B B T T
B B B T T T B B
Âm luật Bằng – Trắc dường như vẫn vậy, nhưng giọng thơ lúc này nghe đã khác nhiều lắm, hơi thơ đi đã khác xa, rất xa…
Chuyện này âu cũng là lẽ đương nhiên, vì phụ âm, nguyên âm rồi thanh điệu (Bằng-Trắc, Cao-Thấp) nói cho cùng vẫn chỉ là “những phương cách ngữ âm” (sound devices) để tổ chức nên một văn bản thi ca. Hồn cốt của Thơ phải là ngữ nghĩa của nó, phải là những Tình ý bộc lộ qua từng câu chữ, khởi ra tự nơi cõi lòng chân thực của Nhà thơ – cõi lòng ấy cũng giống như nơi phát nguồn của những dòng sông lớn bao giờ cũng làm ta kinh ngạc: sao mà cái mạch nước chảy ra lại nhỏ bé và trong trẻo dường kia…
(Nguồn: Tạp chí Thơ HNV)
(Đăng lại từ Vanvn.net)