“Câu chuyện viễn tưởng về một cô gái trông bề ngoài bình thường đến nhàm chán nhưng chứa đựng một bí mật to lớn. Đó là nàng công chúa thỏ của thế giới mặt trăng. Mẹ cô đã từ bỏ quê hương và sự kỳ vọng của vương quốc thỏ để xuống trái đất và chung sống với cha cô.


Vì mối duyên không tương thích ấy mà mẹ cô bệnh nặng và mất ngay khi sinh ra cô. Bí mật về thân thế cô được giáo sư thỏ (cận vệ trung thành của mẹ cô) và cha cô ra sức giấu kín. Nhưng những con thỏ từ mặt trăng lại tìm mọi cách liên lạc để lôi kéo cô trở về để làm hồi sinh vương quốc thỏ và thậm chí là thực hiện mộng xâm lăng. Cô và người bạn đồng hành là Chuột đã thực hiện cuộc phiêu lưu từ trái đất lên mặt trăng.


Một câu chuyện về sự hứng thú trẻ thơ với thiên văn học, những câu chuyện cổ tích, bầu trời đêm, và sau đó là suy nghĩ về hành trình viết lách…”


Thỏ rơi từ mặt trăng
Minh họa: Cao Thị Được



Trên mặt trăng có Thỏ.

Đó là những gì mẹ tôi và giáo sư Thỏ đã nói, với một nụ cười bình thản trên môi.

Một người có xu hướng tâm thần, đầu óc kỳ lạ như mẹ tôi thì chẳng nói gì, nhưng nếu giáo sư Thỏ cũng nghĩ như thế, không phải là một sự sỉ nhục đối với khoa học hay sao? Chuyến viễn du của tàu Apollo 11 đã phơi bày cho thế giới thấy bộ mặt nứt nẻ khô khốc của chị Hằng.

Trước ánh sáng rõ ràng của khoa học, không còn chỗ nào cho những giấc mơ tồn tại. Vào ngày 21 tháng 7 năm 1969, nhân loại vĩnh viễn mất đi những con thỏ mặt trăng, đổi lại một vệ tinh đầy đá. Không có một đứa trẻ con quá sáu tuổi nào không biết những sự thật vô tình rõ rành rành in giấy trắng mực đen đó. Vậy mà một giáo sư đại học vẫn nói như thế.

“Bởi vì, chúng ta đến từ mặt trăng mà”.

Tôi không muốn tin. Hay đúng hơn, trí óc của tôi, được nuôi dưỡng bởi kiến thức khoa học của thời đại khám phá vũ trụ, đã không thể chấp nhận được những thông tin kỳ dị nọ.

Một lần, khi vừa đi dạo vừa dạy tôi về hệ sao Polaris, giáo sư Thỏ chợt hỏi: “Em có tin vào ác quỷ không?”.

“Thầy là nhà khoa học cơ mà? Những chuyện phản khoa học như thế sao thầy lại nói được chứ?”.

“Nhưng em cũng có chứng minh được rằng y không tồn tại đâu?” – giáo sư Thỏ chợt mỉm cười.

“Ý thầy là cả khi không tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của ác quỷ, em cũng không được phủ nhận y ư?”.

“Không, ý ta chỉ là khi ác quỷ xuất hiện trước mặt em thì việc đầu tiên em nên làm là chấp nhận y như thế. Nếu em sợ hãi việc phải nhìn vào y, phải thừa nhận y, em đã thua cuộc từ đầu”.

Ngày hôm đó, trong ký ức chắp vá của tôi, là một buổi tối mùa đông. Trời vừa dứt mưa. Những đám mây chợt hé ra. Ánh trăng rơi xuống, vỡ tan trên con đường lõng bõng nước. Tôi cúi đầu. Có sức nặng nào đó kéo ghì mắt tôi xuống hai chân, không cho tôi ngẩng mặt lên đối diện với giáo sư Thỏ.

“Ý thầy là em cũng phải chấp nhận những chuyện như có thỏ trên mặt trăng?”.

Lần này giáo sư Thỏ không đáp. Đưa tay vỗ nhẹ lên vai tôi, một cách chào tạm biệt thân mật rất hiếm khi dùng tới, giáo sư Thỏ ngoảnh đầu, những lời cuối nhẹ nhàng như không:

“Nhưng về ác quỷ ấy, em đã nhìn thấy nó tận mắt rồi mà”.

Ngày hôm ấy, sau buổi nói chuyện với Chuột, tôi có hẹn ăn tối với giáo sư Thỏ. Đã nhiều năm nay giáo sư Thỏ chuyển hẳn vào trường đại học, và chỉ còn tiếp xúc với chúng tôi qua những chuyến viếng thăm ngắn ngủi.

Những ngày còn bé, ngồi bên bậc thềm nhìn ra cha tôi và giáo sư Thỏ đứng yên ngoài sân hút thuốc, nhìn lên mặt trăng mà không nói gì với nhau, tôi lại thấy lạnh lẽo vô cùng. Hai người đàn ông ấy đều chịu đựng nỗi đau to lớn không thể xóa nhòa sau khi mẹ tôi mất, và cùng với điều đó, họ mất luôn liên hệ với nhau.

Nếu như có một phép mầu điên khùng nào đó có thể khiến họ xích lại gần nhau hơn thì tốt quá. Đó hẳn cũng là lý do tôi vẫn tìm đến ông, ngay cả bây giờ. Tôi không cam chịu việc giáo sư Thỏ sẽ biến mất khỏi cuộc đời chúng tôi, dù ngay từ đầu ông chỉ liên hệ với chúng tôi vì mối dây với mẹ mà thôi.

Tôi đến trường đại học lúc giáo sư Thỏ vẫn đang lên lớp, và vì vậy tôi chuồn vào giảng đường ngồi nghe. Trên bục giảng, giáo sư Thỏ đang nói về sự dịch chuyển Dopler và các ứng dụng của nó trong quan trắc thiên văn.

Kết thúc giờ dạy, chúng tôi im lặng đi bộ cùng nhau về chỗ ở bên cạnh trường của giáo sư Thỏ. Tôi nấu bữa tối, trong khi giáo sư Thỏ tiếp tục lắp ghép cái máy vớ vẩn nào đó không rõ. Khi tôi dọn thức ăn ra bàn, cái máy có vẻ đã hoàn thành, và giáo sư Thỏ lại bắt đầu tháo tung nó ra.

Hầu như lần nào đến ăn tối tôi cũng thấy giáo sư Thỏ đang lắp ráp hay tháo dỡ gì đó. Khi tôi hỏi cỗ máy đó thật sự là gì, lần nào câu trả lời cũng là: “Thầy quên mất rồi”.

Đã quá quen với cảnh tượng ấy, tôi không còn thắc mắc gì nữa, ngồi xuống và bắt đầu ăn, cố gắng không để lộ điều gì bất thường. Nhưng đột ngột, giáo sư Thỏ lên tiếng:

“Thằng bé đó đã quay lại rồi à?”.

Câu hỏi đột ngột khiến tôi suýt bị sặc. Tôi vội vàng chống chế, không, không, không, làm gì có chuyện Chuột quay lại. Rồi đột ngột nhận ra nói vậy chẳng khác nào thú nhận.

Làm như không để ý đến câu nói dối rành rành của tôi, giáo sư Thỏ tỉnh bơ ăn xúp. “Gương mặt em hôm nay làm ta nghĩ cứ như là thằng bé đó đã về, lôi kéo em vào việc gì đó, và vì thế em muốn nói với ta chuyện gì vậy?”.

Đôi mắt giáo sư Thỏ nhìn thẳng vào mặt tôi. Nụ cười biến mất.

Tôi luôn sợ đôi mắt đó. Đôi mắt trong vắt, lấp lánh một thứ ánh sáng không thuộc về thế giới này. Đôi mắt của giáo sư Thỏ. Của mẹ tôi. Và của những con thỏ mặt trăng.

“Tại sao em lại muốn nghe về mặt trăng chứ? Trước giờ em luôn thờ ơ với những chuyện như thế mà?”. Nhận tách cà phê từ tay tôi, giáo sư Thỏ nghiêng đầu, nhẹ nhàng hỏi.

Độc giả thân mến, đương nhiên tôi không đời nào nói với giáo sư Thỏ cái âm mưu xâm lược mặt trăng mà chúng tôi – không, chỉ một mình Chuột – đang ấp ủ. Nên tôi trả lời không có lý do nào đặc biệt. Chỉ vì tôi đang tìm hiểu về mặt trăng cho một cuốn sách mới viết, gặp phải cuộc viễn du của tàu Apollo 11 và thắc mắc thế thôi.

“Nhưng chuyện này ta đã giải thích cho em rồi mà”. Đan ngón tay vào nhau, giáo sư Thỏ nhìn tôi chăm chú. “Nhưng hồi ấy có vẻ em không chịu nghe. Điều đó khiến ta và công chúa lo lắng lắm”.

Công chúa là cách giáo sư Thỏ gọi mẹ tôi. Xin bạn đọc đừng để ý nhiều đến điều đó.

“Thầy nghĩ thái độ đó là không tốt?”.

“Không – giáo sư Thỏ trả lời đơn giản – Ta chỉ chấp nhận đó là lẽ đương nhiên. Dù mẹ em là một trong những con thỏ sáng láng minh tuệ nhất, em chỉ là con người”.

Bị so sánh với bà mẹ lơ lửng không thể hiểu nổi cách mua vé tàu như thế khiến tôi không khỏi có chút tự ái.

“Thầy khinh ghét con người?”.

“Không, không phải thế – giáo sư Thỏ bình thản giải thích – Ta rất khâm phục con người là đằng khác. Lúc ban đầu ta không tin rằng thứ sinh vật thấp kém ấy có thể xây dựng được nền văn minh. Chỉ có điều là sự nhận thức của con người chưa tiến hóa đủ. Nhưng đó có phải là lỗi của họ đâu, đúng không? Em có thể tức giận khi một con khỉ không thể biết đọc không?”.

Đó là một câu trả lời chính xác, thuần túy lý trí, đúng tính cách giáo sư Thỏ, và chẳng liên quan gì đến điều tôi bí mật quan tâm.

Nhấm cà phê, giáo sư Thỏ bình thản nói tiếp: “Vì em đã nhắc đến tàu Apollo 11, ta nghĩ câu hỏi của em là làm thế nào phi thuyền của người Trái đất đã đáp xuống mặt trăng và không hề biết gì về chúng ta, đúng không?”.

Tôi gật đầu.

“Phải chăng thầy là người theo thuyết cho rằng tàu Apollo 11 đã chẳng bao giờ hạ cánh xuống mặt trăng và tất cả chỉ là cảnh quay dàn dựng của Mỹ trong thời kỳ chạy đua không gian?”.

Khi đó, giáo sư Thỏ đã cười và bảo với tôi, tàu Apollo 11 quả thực đã tới mặt trăng. Hoàn toàn không phải trò lừa gạt. Là một nhà khoa học, ông sẽ không phủ nhận những bước tiến to lớn của nhân loại.

“Những gì thầy nói ra đang phủ nhận bước tiến lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ vừa qua đấy!”.

Giáo sư Thỏ im lặng một lúc như để cân nhắc cách giải thích cho một sinh vật thấp kém như tôi, rồi rút trong cặp ra một cây bút dạ và một tờ giấy trắng. Ông vẽ hai vòng tròn lên hai đầu tờ giấy, đánh dấu A và B.

“Hãy nhìn này, đây là mặt trăng, đây là trái đất. Nếu thầy gấp lại như thế này – ông cuộn tờ giấy lại cho mặt sau của điểm A chồng lên mặt trước của điểm B – Như thế có nghĩa là người Trái đất từ điểm B chỉ có thể đến mặt sau của điểm A – của mặt trăng mà thôi. Vì vậy bề mặt sỏi đá khô cằn mọi người đã thấy chẳng qua chỉ là cái bóng của mặt trăng thật sự”.

“Ý thầy nói là Apollo 11 chỉ đáp xuống phía sau mặt trăng?”.

“Ta nói là cái bóng của mặt trăng, không phải là phía sau mặt trăng”.

“Không gian có thể được uốn cong vậy sao?”.

“Tại sao lại không? Với những giả thuyết hiện đại, không thời gian đã trở thành một miếng vải cao su lõm xuống ở những nơi có trọng lực – thế thì tại sao lại không thể uốn cong?”.

“Những gì thầy nói ra giống ma thuật mất rồi, không còn là khoa học nữa”.

“Nhưng chẳng phải khoa học đã bắt nguồn từ ma thuật đấy sao? Và đối với một người chưa đủ hiểu biết, nhiều khía cạnh của khoa học sẽ gần như ma thuật vậy”.

Tôi buông thõng:

“Pseudoscience”.

Giáo sư Thỏ mỉm cười lần nữa. Nụ cười vô cùng khoan dung thấu hiểu, nụ cười mà người lớn dành cho trẻ con ba tuổi khi biết rõ không thể nào giải thích ngay cho chúng hiểu về hiện tượng cầu vồng.

Để hiểu được sự tồn tại của cầu vồng, chúng phải hiểu thế nào là khúc xạ, thế nào là quang phổ ánh sáng, thế nào là bước sóng, và bao nhiêu thứ khác. Đôi khi, với những trường hợp như thế, cứ bảo với chúng đó là vệt sáng của con cá bảy màu bay qua bầu trời thì tốt hơn.

Đó không phải là coi thường khả năng nhận thức của trẻ con, mà đơn giản là tri thức cũng như thức ăn, tốt nhất là đợi đến bữa.

Cách làm như thế, đối với trẻ con là phiền hà lắm. Và với tôi, người đang bị giáo sư Thỏ coi như trẻ con, cũng chẳng dễ dàng tí nào.

“Nhưng nếu như thầy nói đúng, và không thời gian đã bị uốn cong, thì ai đã làm vậy chứ?”.

“Đương nhiên là lũ thỏ mặt trăng rồi. Và trong số đó bao gồm cả ta nữa – giáo sư Thỏ thản nhiên nói tiếp – Vì chúng ta không muốn tiết lộ cho người Trái đất biết sự tồn tại của chúng ta, nên đã quyết định để cho tàu Apollo, và mọi chuyến viễn du khác của người Trái đất, đáp xuống cái bóng của mặt trăng”.

Kỳ thực thì, theo lời giáo sư Thỏ, đó chẳng phải là lần đầu tiên người mặt trăng đã phải làm thế. Họ đã tiến hành kế hoạch phòng vệ này từ khi chiếc kính viễn vọng đầu tiên được chế tạo, và con người bắt đầu dõi mắt lên bầu trời.

Tuy nhiên, việc tàu vũ trụ được phóng lên mặt trăng rõ ràng là có tính chất nghiêm trọng hơn nhiều – gần như một cuộc xâm lăng. Việc này đã gây bất đồng trong Hội đồng thỏ nhiều lắm. Nhưng cuối cùng, phương án ấy cũng đã được thông qua.

Giáo sư Thỏ vừa kể cho tôi những chuyện quái đản như vậy vừa thong thả uống cà phê. Tôi ngồi thần người ra, không biết phải làm gì trước mớ thông tin kỳ dị vừa nghe được. Thật sự chẳng phải lần đầu. Mỗi khi giáo sư Thỏ hay mẹ tôi nói ra những thứ như vậy, tôi đều thấy đầu óc quay cuồng. Tựa như thế giới này đã đảo cực, và những gì tôi biết cứ như thế bay loạn xạ trong đầu.

“Thế bây giờ thì sao hả thầy? – tôi nhắm nghiền mắt, hỏi – Mặt trăng vẫn tiến hành kế hoạch ấy chứ?”.

“Những gì xảy ra trên mặt trăng hiện giờ, ta không rõ – giáo sư Thỏ nhún vai, chợt mỉm cười – Nhưng về phần ta, ta cũng đã làm mọi thứ để mặt trăng thật sự không tiếp xúc được với Trái đất nữa”.

Vậy giáo sư Thỏ sẽ lý giải thế nào về âm mưu Chuột đang nung nấu?

Nếu tôi sơ hở một chút, giáo sư Thỏ sẽ hiểu ra mọi chuyện và sẽ loại bỏ bất cứ ai là nguy hiểm tiềm tàng. Dẫu có là Chuột. Từ trong gan ruột, giáo sư Thỏ vẫn là một con thỏ mặt trăng, hoàn toàn lý trí, và không dừng lại cho đến khi đạt được mục đích.

Mặc dù lý do tồn tại thật sự của ông, trách nhiệm được mặt trăng giao phó, đã mất đi cùng mẹ tôi rồi.

Xã hội mặt trăng quả thực khác biệt hoàn toàn với thế giới loài người, mẹ tôi đã kể như thế. Không ai được tạo ra mà không có một mục đích do chính mặt trăng thần thánh giao cho. Giáo sư Thỏ được tạo ra với mục đích trở thành con thỏ ưu việt nhất, thông minh nhất, là trụ cột cho xã hội mặt trăng. Nhưng sau khi mẹ tôi ra đời, giáo sư Thỏ được giao nhiệm vụ mới – đó là bảo vệ mẹ tôi, chiều theo mọi ý thích lớn nhỏ của mẹ tôi, một loại bảo mẫu kiêm vệ sĩ không công.

Cá nhân tôi luôn cho đó là một sự lãng phí nhân lực khủng khiếp.

Và ông đã làm theo đúng như thế. Kể cả khi đưa bà đến Trái đất. Ngay cả khi chống lại toàn bộ vương quốc mặt trăng vì ý thích của mẹ tôi, khi bà quyết định yêu và cưới một người Trái đất.

Và cũng vì thế mà ông phải nếm trải sự đau đớn khi đối diện với cái chết của người thân.

Khi mẹ tôi mất, giáo sư Thỏ đứng lặng người bên giường bệnh. Con thỏ thông minh trác việt nhất mặt trăng – theo lời mẹ tôi kể – hầu như hoàn toàn choáng váng trước khái niệm lạ lùng là cái chết.

Bộ não siêu việt của mặt trăng, người đã bảo vệ bí mật của vương quốc trước cặp mắt tò mò tọc mạch của người Trái đất bao nhiêu thế kỷ nay, lại hoàn toàn bất lực trong việc cứu sống người ông đã được giao phó chăm sóc từ lúc chào đời. Đứng cạnh ông, tôi nghe ông lẩm bẩm, tại sao lại không phải là ông?

Nhiều lúc tôi không thể không tự hỏi, liệu mẹ tôi có hiểu việc mình đã làm với giáo sư Thỏ tàn nhẫn thế nào. Nhưng bà cũng là một con thỏ mặt trăng, và như lời bà kể, lũ thỏ là một giống sinh vật tàn nhẫn.

“Em có vẻ căng thẳng quá nhỉ? Tại sao vậy? Công việc ư? Hay có gì khác nữa?”.

“Em không căng thẳng – tôi cự lại – Chỉ có vài việc khiến em tự hỏi mình đang làm đúng hay sai”.

Câu trả lời, hay câu hỏi tiếp theo của giáo sư Thỏ khiến tôi còn ngạc nhiên hơn:

“Đúng sai có ý nghĩa gì với ai khác ngoài em ư?”.

“Ý thầy là những chuyện em làm hay không làm chẳng ảnh hưởng tới ai, vì vậy không thể gọi là đúng sai ư?” – tôi đưa mắt nhìn sang giáo sư Thỏ.

“Vậy như những gì em nói, em chịu đựng một mình sẽ không làm phiền những người xung quanh hay sao?”.

“Thầy đang vặn vẹo em đấy à?”.

“Không”. Chăm chú chỉnh kính thiên văn, giáo sư Thỏ điềm tĩnh nói: “Ta chỉ muốn em nhìn lại những gì mình nói bằng một góc độ khác. Nếu em thấy bất an, đương nhiên cha em cũng sẽ lo lắng. Ta cũng sẽ thấy lo lắng. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến công việc của ta. Học trò của ta sẽ gặp phiền phức, và sau đó là cha mẹ của chúng. Vậy mà em còn có thể nói điều đó không ảnh hưởng đến ai ư?”.

Tôi ngẩn người ra.

“Nói ngắn gọn thì em đừng trông đợi việc em làm hoặc không làm sẽ không ảnh hưởng đến ai. Sẽ chẳng bao giờ có việc ấy đâu. Sự dao động của một nguyên tử sẽ kéo theo thay đổi lan ra trong toàn vũ trụ”.

“Vậy em nên làm gì mới phải?”.

Quay lại với kính thiên văn, giáo sư Thỏ chỉ nói: “Đầu tiên em phải nhận biết điều đó đã”.

Tôi ra khỏi nhà của giáo sư Thỏ sau đó. Như thói quen, tôi đứng lại một mình dưới vỉa hè nhìn lên khung cửa sổ sáng đèn trên tầng hai của giáo sư Thỏ.

Tôi không biết mình làm thế vì mục đích gì, thậm chí việc này có ý nghĩa gì hay không. Nhưng tôi vẫn muốn nhìn lên khung cửa sổ ấy, và hình dung giáo sư Thỏ lại tiếp tục lắp ghép hay tháo dỡ một thứ máy móc vô nghĩa nào đó một cách thờ ơ, như người ta lơ đãng vẽ linh tinh trong một giờ họp chán ngắt.

Tôi sẽ đứng đó cho đến khi tay chân bắt đầu run lên vì lạnh. Trong yên lặng, tôi cảm thấy mình đang chia sẻ sự cô đơn trầm mặc của giáo sư Thỏ.

Khi mẹ tôi mất nhiều năm trước, tôi còn quá nhỏ để nhớ rằng liệu giáo sư Thỏ đã có thói quen kỳ dị kia hay chưa. Nhưng tôi không thể không cảm thấy rằng việc này là do cái chết của mẹ tôi, hay ít nhất có liên quan đến điều đó.

Và vì thế, đã nhiều năm rồi, về chuyện này tôi vẫn chưa tha thứ cho bà.

Nguyễn Dương Quỳnh


Nguồn: Tuổi trẻ Cuối tuần