Nhà thơ Nguyễn Tùng Linh. Ảnh: Đỗ Hiếu
BIỂN MÙA ĐÔNG
Không phải mùa hè nồng nã
Căng đầy như ngực gái mươi lăm
Biển mùa đông như mắt người đàn bà góa
Có nỗi khát khao bỏ quên
Lăn lóc những dấu chân và câu thơ dang dở
Nụ hôn vội vàng như sợ ánh trăng lên
Biển như cô gái người yêu bỏ đi biệt xứ
Bên ghềnh đá xưa lặng lẽ khóc một mình
Phải nước mắt cô mà biển kia thêm mặn
Và tôi đêm nay như có muối xát lòng
Muốn thốt lên một lời mà sao đứng lặng
Biết đâu chính mình cũng như biển mùa đông.
Đồ Sơn,7-2004
BA ĐOÁ HỒNG CHO TÔ-NHI-A
Kính tặng hương hồn Nhà văn Nguyễn Tuân
Mas-cơ-va mùa đông
Tuyết bay ngoài cửa sổ
Hàn thử biểu chỉ mười độ âm
Những ngọn cây trắng một màu tuyết phủ
Trắng một màu tuyết phủ
Trên chiếc áo choàng của Tô-nhi-a
Khi cô bước vào phòng với nụ cười rạng rỡ
Cất tiếng chào với lời Việt,lời Nga
“Tô-nhi-a của tôi-thiên thần hộ mệnh
Xin giúp Già Tuân một việc khó khăn
Cô hãy tìm khắp thủ đô tuyết trắng
Mua về đây ba đóa hoa hồng…”
Ba đoá hồng…-Tô-nhi-a kinh ngạc
Giữa những ngày thành phố vắng màu xanh
Không ai ném tiền đi, dẫu là triệu phú
Huống chi ông là một nhà văn
Tô-nhi-a đem về ba đóa hồng rực rỡ
(Trong tay cô bập bùng ba nhọn lửa)
Gương mặt cô bất chợt cũng hồng lên
Như một ánh mặt trời giữa những ngày lạnh giá
Nâng đóa hồng trên tay như báu vật
Rồi bất ngờ ông trao lại cho cô:
“Tô-nhi-a, Già Tuân xin tặng”
Nhân ngày sinh và…nhân tuyết đầu mùa…”
Tô-nhi-a sững sờ-Cô đã khóc
(Những giọt nước mắt rơi làm đẹp cuộc đời)
Và tôi tin ba bông hồng ngày ấy
Trong lòng Tô-nhi-a thắm đến tận hôm nay…
Kỷ niệm 20 năm ngày mất nhà văn Nguyễn Tuân,20-7-2007
VỚI NHÀ VĂN NGUYÊN HỒNG
Ông ngồi đấy,
quên cả chiều đang xuống
chén rượu ngang hắt tia nắng hoàng hôn
cặp mắt nheo nheo,chòm râu vểnh ngược
mải suy nghĩ lao lung hay tâm đã nhập thiền?
Ông ngồi đấy,
quên cả ngày đã đến
những ngôi sao nhợt nhạt tận cuối trời
tia nắng ướt soi trang chưa ráo mực
rượu hết rồi,còn chút cặn mà thôi
Ông ngồi đấy,
ngày này qua ngày khác
từ bàn tay ông bao nhân vật ra đời
họ cũng sống như những con người thực
cũng buồn vui với nước mắt,nụ cười…
Bữa gặp ông tôi vô cùng kinh ngạc
quần áo nâu, ông hệt một lão nông
ngồi uống rượu trong quán nghèo góc chợ
với bác xích lô mồ hôi đẫm lưng trần
Cả cuộc đời và trên từng trang viết
ông dạy tôi bài học lớn của đời
sự giản dị là điều vươn khó nhất
cho một nhà văn…và cho mỗi con người…
Con đường ấy đi qua bao đói khát
qua lao tù,qua kiệt sức mỗi ngày
qua tối sáng,qua mất còn,sống chết
qua căm giận,yêu thương…quyết không thể nửa vời
Hiểu thế thái nhân tình nên sợi râu sớm bạc
nhưng cũng vì thế mà ông sống cho thế thái nhân tình
tôi đã thấy rất nhiều lần ông khóc
trước một đứa trẻ nghèo,trước một chuyện bất công…
Còn nặng nghĩa đời sao ông đi vội vã
chiếc ghế bên còn ấm chỗ ông ngồi
kìa chén rượu mà ông chưa kịp uống
hình như ông vừa rót để trao tôi?
1982-1987
THƠ VIẾT TRÊN CÁNH ĐỒNG NGẬP NƯỚC
Cánh đồng trắng như trang giấy trắng
Cây lúa cố ngoi lên nhưng bị nước nhấn chìm
Cò nghiêng cánh đậu vào mô đất vắng
Làng nhìn xa như một con thuyền
Nổi bồng bềnh trước mặt
Cây mạ non vừa cắm xuống đồng
Rễ còn chưa bén đất
Cơn bão về.Suốt đêm mưa trút
Mưa…
Mưa…
Mưa…
Nước ngập trắng mênh mông
Tất cả nỗi âu lo dồn vào trong tiếng:
NƯỚC!
Quên đi mái nhà mình mưa dột
Quên đi cây cam bói quả rụng đầy vườn
Khói thuốc bay không xua nổi niềm day dứt
Những mắt nhìn như có lửa bên trong
Nhưng tấm lòng gặp nhau khi nghĩ về cây lúa
Một tiếng gọi từ thẳm sâu:
Phải cứu lấy mùa màng!
Cứu lấy mùa màng
Thành phố xa nhường điện cho máy bơm
Những sân kho ta rải bùn gieo mạ
Tiếng gầu dai,tiếng gầu sòng dân dã
(Chỉ múc nước đi thôi, để lại ánh trăng vàng)
Cho đến khi những gié lúa đầu tiên
Xanh mặt nước-
Như vần thơ thứ nhất
Bồi hồi thương vết quầng trong mắt bạn
Thương bàn tay trắng bợt nước mưa dầm…
Ngày.
Đêm.
Nước với con người giành giật
Cuộc chiến đấu diễn ra không cân sức
Sự kiên nhẫn vắt đến giọt cuối cùng
Đã kết thúc trong một ngày nắng đẹp.
Những thửa ruộng hôm nào ngập nước
Giờ cây lúa lên xanh
Những cây lúa đứng thẳng hàng-
Như từng dòng chữ
Và cánh đồng như bài thơ vừa mới viết xong.
Mùa lũ,1980
NHỮNG EM BÉ Ở MỎ CAO SƠN
Có thể nhận ra ngay các em
con những người thợ đào than
bởi mái tóc lẫn bụi than cứng lại
hay cặp mắt nhìn đen nhánh,hồn nhiên
Các em chạy trên than
chạy trên than những bàn chân trẻ con
chúng thả diều,chúng chơi trò trận giả
những tấm lưng sắt lại vì nắng trời và gió bể
Những em bé ở mỏ Cao Sơn
tuổi các em trẻ như tuổi công trường
có em ra đời ngày chiếc máy xúc khổng lồ về mỏ
có em sinh ngày cắt tầng,mở vỉa
bữa từ mỏ ra đi mẻ than sạch đầu tiên…
Nhà các em chưa kịp lợp ngói hồng
cây na vườn sau mùa này mới bói
những em bé ở Cao Sơn sinh cùng mỏ mới
ngày hôm nay cắp sách đến trường
trên con đường còn lầm đất bụi
nơi đoàn xe qua thùng chất nặng than đen…
Những em bé ở mỏ Cao Sơn
những người thợ một ngày không xa nữa
nhưng tôi thầm ước sao ngày đó
các em không phải lên tầng với chiếc cuốc trong tay
ăn bữa cơm khẩu phần đạm bạc
ngủ trên chiếc giường tre,mặc tấm áo vá vai
như hôm nay,
những người thợ cha và mẹ chúng
ơi những người thợ mỏ tương lai!
Và vì thế trên tầng cao chiếc máy ủi đêm nay không nghỉ
dưới lòng moong ngọn đèn không chợp mắt bao giờ
để thêm một tấn than tất cả đều gắng sức
mọi tấm lòng đều thao thức, âu lo…
Rất hồn nhiên các em chạy đùa trên những vỉa than giàu có
hay những vỉa than kia chỉ giàu bởi chính có các em ?
Hòn Gai, 1986
VỀ MỘT BỨC TRANH IN ĐÁ
Bức tranh đen,mực cũ đã ngả màu
Trên khung kính nhà bảo tàng mỹ thuật
Người hoạ sĩ trong một giây đã chớp
Hình ảnh chiến luỹ năm xưa không trở lại bao giờ
Phố tên chi,nhà ngói thấp lè tè
Cột đèn gãy kề ngay bên chướng ngại
Người lính đội mũ ca-lô trong bức tranh sao cứ nhìn tôi mãi
Giống một người quen tôi đã gặp nơi nào ?
Tôi ra đời giữa một ngày buốt giá
Hình dung ra tháng năm qua những lời mẹ kể
Tiếng loa đài trong phố hẹp ban đêm
“Ai có súng dùng súng,ai có gươm dùng gươm…”
Người cha thân yêu tôi chưa hề biết mặt
Mũ ca-lô, áo trấn thủ ra đường
Rung thủ đô lời thề quyết tử
“Tiến mau ra sa trường…”
Đêm ấy cha đi không bao giờ trở lại
Khúc Người hát năm nào giờ cất lại môi con…
Người hoạ sĩ với một mẩu chì than
Đã bất tử cùng bức tranh anh vẽ
Những nét vẽ đơn sơ mà rung lòng đến thế
Tôi đứng lặng đi trong một góc bảo tàng
Đất nước hôm nay sông núi đã liền
Hơn ba mươi năm,cuộc chiến đấu gian lao chưa khép lại
Và tôi bỗng nhận ra người lính đội mũ ca-lô trong bức tranh năm ấy
Với nụ cười nhắn lại-
Chính cha tôi.
1979
Nguồn: VanVN.Net