Thỏ Miffy được họa sĩ Ba Lan Dick Bruna sáng tạo nên từ cách đây 60 năm và nhanh chóng trở thành siêu sao toàn cầu. Các cuộc phiêu lưu của cô đã được đưa vào 32 cuốn truyện, được dịch sang hơn 50 thứ tiếng và đã tiêu thụ gần 85 triệu bản trên toàn cầu.

Nhờ vậy, các sản phẩm về Miffy hiện kiếm được khoảng 221 triệu USD/năm. Đây quả là thành tích không tồi đối với cô thỏ vô cùng đáng yêu này.

Vẽ thỏ Miffy vì con trai

Miffy vừa tròn 60 tuổi và nhân dịp này hình ảnh của cô, với gương mặt tròn đáng yêu, cái miệng là dấu nhân và đôi mắt là 2 dấu chấm, sẽ xuất hiện trên nhiều áp-phích và con tem, bánh kẹo và tạp chí. Tại quê hương Miffy ở Utrecht (Hà Lan), cô thỏ này còn có một quảng trường mang tên mình và còn có cả một bảo tàng riêng.

Sức lôi cuốn toàn cầu của Miffy hình thành chính từ sự đơn giản của cô. Các cuốn truyện về thỏ Miffy luôn mang hình vuông, có kích cỡ mỗi cạnh chỉ 15,5cm. Bởi vậy, các độc giả nhỏ tuổi có thể cầm truyện một cách dễ dàng.


Hình ảnh thỏ Miffy trong cuốn truyện Miffy At The Zoo

Dick đã tạo ra thỏ Miffy dựa vào những hình cắt dán đơn giản của Henri Matisse mà ông thấy được khi tới Paris hồi trẻ. Hình ảnh Miffy được tạo nên với những đường viền màu đen cùng 5 màu: đỏ, vàng, xanh lá cây, xanh da trời và trắng. Ông không ngờ nó lại gây ảnh hưởng mạnh tới vậy khi ra đời.

“Ban đầu, tôi vẽ thỏ Miffy cho cậu con trai cả – hiện đã 56 tuổi” – Dick nhớ lại – “Lúc đó, cha con tôi đang trong kỳ nghỉ và tôi nhìn thấy một con thỏ chạy qua. Tôi nghĩ mình sẽ cố gắng vẽ một bức tranh về nó và thế là Miffy ra đời.”

Tuy nhiên, những phác thảo ban đầu của ông khác hẳn với cô thỏ đã chinh phục hàng triệu độc giả trên thế giới. “Ngày hôm nay thỏ Miffy trông giống con người hơn. Trước kia, tôi thường tới vườn bách thảo để có những bức vẽ chi tiết về các loài động vật. Sau đó, khi đã định hình được nhân vật, tôi trở lại xưởng vẽ của mình và xóa bỏ những chi tiết không cần thiết” – Bruna cho biết.

Theo Sierk Bruna, con trai của nhà văn Dick Bruna: “Trẻ em yêu quý Miffy vì cô thỏ này rất vững vàng. Nhân vật được tạo ra thực sự là để dành cho thiếu nhi hơn là các bậc phụ huynh. Đó là điều mà tôi đã hiểu được ngay từ khi còn nhỏ.”

Sierk Bruna cũng cho biết ông đã tham gia vào công việc kinh doanh Miffy gần như ngay từ đầu vì cha mình “không có đầu óc kinh doanh”. “Tôi và mẹ buộc phải kinh doanh thỏ Miffy, qua đó chúng tôi có thể bảo vệ ông và tác phẩm của ông” – Sierk nói.


Họa sĩ Dick Bruna thời gian còn làm việc hồi năm 2010

Cha sáng tạo, mẹ “kiểm duyệt” ‎ tác phẩm

Kể cả khi đã trưởng thành hơn và công việc của một luật sư khiến Sierk phải xa nhà, ông vẫn tham gia công việc kinh doanh của gia đình. Ông cho biết người có ảnh hưởng lớn nhất tới cha là mẹ đẻ.

“Mẹ tôi luôn có những ý tưởng hay, quan trọng là bà hiểu cha tôi hơn bất cứ ai. Chúng tôi vẫn bàn bạc, trao đổi trước khi đưa ra quyết định nào đó. Mẹ tôi là nhà phê bình chính của những cuốn truyện về Miffy. Trước khi một câu chuyện được phát hành, khi nó còn nằm trên các trang vẽ, cha tôi đưa cho mẹ xem. Chỉ khi bà đồng ý, ông mới đưa nó đến nhà xuất bản” – Sierk nói.

Có điều thú vị là Dick không bao giờ vẽ ở nhà. Cũng như cô thỏ Miffy, luôn dậy vào sáng sớm để tắm với miếng xà bông màu vàng, Dick thường dậy vào 5h hoặc 5h30 sáng, uống một cốc nước cam, sau đó mời vợ một cốc và đưa cho bà xem tập bản vẽ ông mới hoàn thành.

Dick cũng có thói quen đạp xe khắp các con phố ở Utrecht. “Sau những chuyến đạp xe đó, có lúc cha tôi trở về ăn trưa cùng gia đình. Tuy nhiên ông thường tới studio và vẽ vào các buổi sáng. Buổi chiều, ông xem lại những gì đã làm rồi lên kế hoạch cho ngày tiếp theo. Cha trở về nhà vào khoảng 5-6 giờ chiều và thường đi ngủ sớm vào lúc 9 giờ tối.”

Tuy nhiên, có những đêm Dick đi ngủ muộn hơn vì ông còn bận kể chuyện cho các con nghe. “Anh em chúng tôi đều có phòng riêng, nhưng khi cha nói ông sẽ kể chuyện cho chúng tôi nghe thì tất cả đều chui vào một phòng, lên một chiếc giường để nghe giọng đọc của ông” – Sierk kể.

Anh em Sierk còn được cha truyền cho tình yêu nghệ thuật và cả 3 người đều theo đuổi con đường nghệ thuật. “Cha hay đưa chúng tôi tới các bảo tàng và giảng giải cho chúng tôi nghe về nghệ thuật. Vậy nên sau này, khi đi bất cứ đâu trên thế giới, tới Paris hay London, chúng tôi cũng thường tới bảo tàng. Marc hiện là một nhà điêu khắc và đã làm một bức tượng Miffy dựng ở Utrecht. Madelon là một nhà thiết kế. Tôi là một luật sư, song mới đây đã trở lại theo học trong một trường nghệ thuật. Tôi thích lối vẽ trừu tượng hơn là hiện thực” –  Sierk chia sẻ.

Ông cho biết phải tới năm ngoái, cha mình mới gác bút, khi bước sang tuổi 78.

Theo Việt Lâm – Thể thao & Văn hóa (dịch từ Telegraph)

Exit mobile version