* Sứ mệnh thi sĩ

Thế giới bắt đầu từ đâu? Phật Thích ca đã trả lời cho câu hỏi hóc búa: Từ vô thủy đến vô chung. Trả lời mà không trả lời, đó là sáng tạo là sự thông minh và cái thấy của người đã chứng đắc. Kinh thánh lại nói: khởi thủy là lời. Lời ở đây là sấm truyền, là tiếng khóc chào đời và cũng có thể hiểu chính là quyền nói và không nói của con người. Với thi sĩ Lê Văn Ngăn, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu và như thế nào? Bởi vì đã nhiều lần tôi viết về thơ ông, đây có thể là lần cuối cùng viết về cuộc đời thi ca của một con người sống lặng lẽ, sống để chiêm ngắm, để lắng nghe, để thở trọn vẹn hơi thở cuộc đời và bước đi trong tâm trạng của kẻ cô đơn trên quê hương chính mình. Lặng lẽ như âm thanh của một “Mùa hè” cô độc, chỉ còn tiếng lách tách của nắng và vẻ đẹp của cành hoa phượng dậy lên trong lòng của người thơ cảm nhận sự thống khổ của cả dân tộc mình.

mùa hè này chẳng còn ai nữa

một mình tôi với thị xã im vắng

khắp nơi, nắng nổ lách tách bên trong

hoa phượng nở bên ngoài

và cả lòng tôi, cả một dân tộc khốn khổ

cũng làm bằng hoa phượng

Viết về thơ Lê Văn Ngăn cũng là viết về cuộc sống của ông, về một sự di chuyển tâm thức của tác giả hơn nửa thế kỷ này, từ khi là một cậu bé 12 tuổi có thơ in ở tạp chí Tiểu thuyết thứ 7, cho đến khi thiếu niên Lê Văn Ngăn viết về một người phu xe, cũng là hình ảnh người cha của anh,… chừng đó cũng đủ để thấy rằng, Lê Văn Ngăn sinh ra đã mang sẵn mầm mệnh làm thi sĩ ở cuộc đời này. Qua bao biến chuyển của thời cuộc, gương mặt ông tăng thêm nhiều vết nhăn, ánh mắt ông mờ dần,… nhưng thơ ông vẫn như “Một thời im bóng”. Đó là nhan đề một tập thơ ông đã in vào năm 1972, nhưng đến bây giờ tôi mới được đọc do Lê Hồ Ngạn (con của tác giả) gửi qua email. Chỉ với “Một thời im bóng” người đọc đã nhận ra một chân dung của kẻ dấn thân vào con đường cam go nhưng đầy thi vị này. Một tâm hồn luôn ẩn chứa dòng mật ngữ trong niềm rung cảm của trái tim. Tôi gọi Lê Văn Ngăn là người chọn thi ca làm tôn giáo cho chính mình.

tôi sẽ cố gắng sống qua thời đại này

không một lời than thở

vẻ đẹp của đời người, nếu không ai chia sẻ với, thì tôi

sẽ giữ kín bên trong cho đến ngày

không còn tôi nữa.

(Hoàng hôn)

Nói như dịch giả Bửu Ý, thơ Lê Văn Ngăn đầy hình ảnh của đêmcon đường, mang cốt cách của một kẻ dạ du. Thật ra, mọi ngôi lời dành cho thi nhân và thi sĩ đều khiêng cưỡng, bởi dòng sống nội tâm xuất phát từ hạt máu là điều chân thật nhất của cuộc sống này, là quà tặng mà cuộc sống chỉ dành riêng cho thi nhân. Vì thế, có thể gọi “người thơ” là đứa con của đấng sáng tạo. Cảnh giới của thi nhân là cảm xúc thuần khiết, là cơn thăng hoa của nội tâm mà chỉ có những người sống trọn đời với thi ca mới có cơ may đón nhận được. Bởi ở tầng dao động kỳ diệu đó, thi nhân như trở thành một với đối tượng tạo ra cảm xúc. Ở thời khắc đó, không một mảy may nào của lý trí lộ diện, đó chính là trạng thái phỉ lạc của người thơ. Với thi sĩ, đó là giây phút quan trọng nhất của cuộc sống, vì thế mà họ sẵn sàng dấn thân trong mọi hoàn cảnh để gợi nhắc về cái đẹp tiềm ẩn trong xã hội và phản kháng lại điều ác, sự tàn phá cái đẹp vốn có ở trần gian này.

Nhà thơ Lê Văn Ngăn

* Con đường dấn thân và phản kháng

Khi đọc “Một thời im bóng” của Lê Văn Ngăn dù đã in cách đây ngót gần 50 năm, tôi vẫn cảm nhận được sự rung động và dấn thân của tác giả (lúc đó chưa đến 30 tuổi), chỉ cần những câu trong bài thơ “Hoàng hôn” cũng cho người đọc thấy được tầm vóc của tác giả.

người lương thiện vẫn im lặng ra đi

không một lời than thở

thời đại vẽ bằng nét mặt u buồn của những bóng người

thoáng đi qua cửa sổ

thời đại đang thi đua nói láo có hệ thống

và thù ghét những tiếng nói thật

thời đại của những điều kín đáo nhất được bày biện trên vỉa hè

như những món hàng

trong một tiệm tạp hóa

Khi đọc những câu thơ trên, tôi cứ ngỡ tác giả vừa mới viết hôm qua, điều đó cho thấy sức mạnh và sự trường tồn của thơ, cũng chính là sự lan truyền cảm xúc từ đời sống nội tâm của tác giả. Những hình ảnh và điều ngụy trá cách đây đã nửa thế kỷ, vậy mà hôm nay những hình ảnh đó đã không thuyên giảm mà còn tăng lên bội phần, không những ở phía đối lập mà ngay trong những đoàn thể mang danh là tiên phong, là văn hóa, văn nghệ, là giáo dục, tôn giáo… nó trở thành căn bệnh trầm kha của xã hội.

Từ “Một thời im bóng” đến “Đất của những kẻ bất phục” là sự phản kháng của thi sĩ trong thời loạn lạc mà dân tộc phải chịu đựng, chiến tranh như con dã thú hoang dại đã dày xéo trên mảnh đất nghèo này, trong hoạt cảnh mà mọi giá trị đã đổ vỡ, chỉ còn bóng đêm đè nặng khoảng trống căn phòng và sự ngột ngạt ô nhiễm đầy rẫy giữa không khí. Trong giấc mộng “Mùa thu”, sự quan sát của thi nhân như một máy quay phim, đã ghi lại chân thật hình ảnh, âm thanh và cả những nỗi đau cuộn lên trong mạch máu buồn.

chúng ta sống trong một thời quá nhiều tiếng động

nhưng thiếu

tiếng nói

ban đêm cuối mạch máu xa

những đợt thủy triều

rút xuống

Thi ca thực sự chỉ dành cho tâm hồn trống rỗng những mưu toan, phải ở trong cảm trạng đó sáng tạo mới xuất hiện, ở đây không có chủ thể sáng tạo. Sự sáng tạo không phải từ bên trong và cũng không ở bên ngoài, mà đó chính là dòng sống trôi qua khoảng trống tâm hồn thi nhân, thi sĩ chỉ việc ghi chép lại chân thực bằng ngôn ngữ và âm thanh của riêng mình, đó là yếu tố đầu tiên để nhập vào con đường sáng tạo thênh thang để đi đến với tình yêu, với cái đẹp của cuộc sống, chúng ta hòa nhập vào “Lưu vực gió mùa” để thấy được sự chuyển động của tâm thức tác giả theo dòng xoáy thời cuộc, ở đây mọi sự sẽ trôi đi theo tiếng thở dài dưới ánh trăng đỏ của máu và lòng nghi kỵ.

chảy qua chảy qua

chảy qua cơn gió độc bắt đầu thổi

chảy qua những tấm màng đen

chảy qua tiếng hận thù đang lan vào đồng cỏ

chảy qua âm vang cuộc kì thị. Chảy qua chảy qua

có rất nhiều máu đổ cho tự do

có những bát máu dùng tưới chậu kiểng

có những người mới chạy trốn hôm qua

có những người ngồi tựa nhau chung lòng sợ hãi

có bình minh lờ mờ dưới con dốc

có ánh trăng có tiếng thở dài

Dòng tâm tưởng trong tác giả đã biết chọn thể cách độc lập, chọn cho mình một con đường riêng thì người thơ không bao giờ đồng hành với điều ngụy tín, với kẻ thừa cơ và cả đám anh hùng,  trong bài “Bên những dòng sông” :

tôi đã lớn lên bên những dòng sông

thường trở về bên những dòng sông, những cuộc ra đi thất bại

những dòng sông chảy rất xa những thứ tỵ hiềm

chảy rất xa đám anh hùng, những kẻ thừa cơ, những tên ngụy tín

những dòng sông để mặc từng cánh bèo trôi những cành củi mục

những dòng sông chẳng cho tôi biết

giữa lòng người, hận thù ở lại

Trong bài “Sóng vẫn đập ở eo biển” ông đã in báo Đối Diện năm 1972 và Đài phát thanh Giải Phóng đã đọc trong khoảng thời gian đó:

Tôi thầm hỏi có phải em đang gửi lòng mình qua sóng biển
nhắn cho tôi biết
rằng nỗi đau đớn em vẫn còn mang nặng

Và đây là chính kiến của nhà thơ trước bạo quyền, trong thời loạn lạc, là sự dấn thân mà rất hiếm thấy ở những nhà thơ thời nay:

khi bạo lực còn bắt tay nhau
khi bạo lực còn dẫn quân đi nhục mạ quyền làm người
khi ấy, bằng chất liệu gì để rửa sạch thân em
đây là điều tôi dứt khoát
quê hương quê hương, nơi trái tim tôi rung động dưới bầu trời sao
nơi tôi muốn nhắm mắt dưới lòng đất quen thuộc
chết cho tình yêu
đấy là việc của con người.

* Những câu hỏi dành cho chính mình và mọi người

Khi mọi người đang thụ hưởng thành quả, thi sĩ Lê Văn Ngăn lại trăn trở với bao câu hỏi quanh mình, như một gợi nhắc để thức tĩnh lương tri giữa một xã hội ngập ngụa vô cảm và vong ơn. Chúng ta hãy thử cùng nhau trả lời những câu hỏi của thi sĩ Lê Văn Ngăn:

Các nhà thơ luôn có chữ ký dưới tác phẩm của mình; còn các anh những người cũng tạo ra sự sống, các anh chưa bao giờ ký tên dưới hạt lúa, những bông hoa mới nở.

Hay các anh cần đến một điều gì cao hơn tên tuổi?

Hay sự lặng lẽ đem niềm vui đến cho những người thân yêu thì đẹp hơn tất cả mọi điều?

Những câu hỏi tưởng chừng bình thường ấy lại là những lời nhắn nhủ đến những người làm văn hóa, văn nghệ. Chỉ có những tâm hồn lớn mới đặt những câu hỏi bình dị cho những người đã từng chia sẻ sự rung động cho chính mình.

Các nhà thơ có chân dung và tiểu sử trong các tập sách; còn các anh, những người tạo ra nguồn rung động cho người nghệ sĩ, các anh chỉ lặng lẽ ra đời, lặng lẽ làm việc, và cuối cùng lặng lẽ hóa thân vào đời con cái mình.

Càng đọc thơ ông, tôi càng thấy sự tĩnh lặng và chịu ơn trong con người của Lê Văn Ngăn. Ông luôn hỏi về những con người bình thường nhất trong cuộc sống này:

Những người trồng hoa ở thị xã ấy

bây giờ còn sống chăng.

Nếu con người khước từ quá khứ, thì con người đó thuộc vào loại vô ơn, cũng như những kẻ tự nhận mình là người sáng tạo, thật ra đó là sự lầm tưởng lớn nhất của người làm văn nghệ, cho dù, ý chí của họ muốn thay đổi tất cả những cái cũ, những truyền thống, những gì đã làm nên con người của họ… Đó là cơn hoang tưởng của những kẻ cuồng danh. Thật ra, trong thế giới trùng trùng duyên khởi này, chẳng có cái gì độc lập, chẳng có cái gì tự nhiên khởi sinh, ngay những văn hào thế giới, những triết gia tên tuổi, những nghệ sĩ lừng danh, những nhà bác học danh tiếng, hay những vị lập thuyết như Phật Thích Ca, Chúa Giê Su,… tất cả đều hàm ơn quá khứ, tất cả đều chấp nhận mình chỉ là một phần của dòng chảy trong sự biến chuyển theo hướng tiến bộ của nhân loại. Điều đó cũng đúng trong luật nhân quả của vật lý và tâm lý. Phải nói như vậy để thấy Lê Văn Ngăn đã nhận ra sự đồng sáng tạo trong tác phẩm của chính mình, phải chăng đó là điều rất ít người làm văn nghệ nhận ra.

xa xôi, tôi vẫn tựa vào quá khứ
để sống cho ra con người
để biết những người chưa bao giờ viết một dòng thơ
vẫn tham dự vào những gì tôi viết.

Có những người sinh ra trong yên bình, cũng có những người con sinh ra trong hoàn cảnh loạn lạc, có thể những người đó, không có một sự chăm sóc bình thường như những trẻ sơ sinh khác, nhưng dù sao chúng ta cũng không thể nào được quên và cũng không thể nào nhớ được những người bên cạnh chúng ta, từ giây phút mỗi người vừa lọt lòng mẹ chào đời, điều đó mãi mãi là những câu hỏi của tác giả, mà câu trả lời vẫn còn ở phía trước:

Lúc tôi mới lọt lòng mẹ
người y tá nào đã tắm gội cho tôi lần đầu
Người ấy bây giờ ở đâu
còn sống hay đã chết.

Lê Văn Ngăn làm thơ như kể chuyện, mỗi bài thơ là một câu chuyện về một vùng đất, một con người, hình ảnh trong thơ ông quá gần với cuộc sống thường ngày, ý tưởng để hình thành tứ thơ thật bất ngờ, điều mà mọi người ai cũng thấy, cũng cảm nhận được nhưng không viết thành thơ được, nhạc điệu trong mỗi bài thơ của Lê Văn Ngăn lại luôn mới lạ nhưng lại gần với cuộc sống này, đặc biệt là người lao động.

* Những bài thơ dâng tặng mẹ, con trai, gia đình và quê hương

Tập thơ sau cùng của ông có tựa đề “Viết dưới bóng quê nhà” do anh em văn nghệ thuyết phục để xuất bản cho ông một cách gọi là chính thống, người đứng ra đảm nhiệm công việc này là nhà thơ Phạm Tấn Hầu. Trong tập này, hình ảnh của bếp lửa, tro tàn mà người mẹ già ngày ngày nhen lên để thắp sáng niềm hy vọng trong người con thi sĩ, rồi hình ảnh người vợ, người con và cả những kỷ niệm được ông diễn đạt bằng nghệ thuật ẩn dụ, tả chân… tạo nên cảm xúc nơi người đọc. Nhưng tất cả nghệ thuật thi ca đều vô nghĩa khi người nghệ sĩ không sống thật với trái tim mình, không đối diện với những gì đang diễn ra ở xã hội mà chúng ta đang tồn tại. Trong ý nghĩa như vậy, thi sĩ Lê Văn Ngăn đã cho ra đời những tác phẩm cứ ngỡ là bình dị, là giản đơn, nhưng sự lớn lao của nó là ở cảm xúc chân thật khiến người đọc lay động. Trong “Quà tặng mẹ” người con Lê Văn Ngăn muốn kéo dài cuộc sống của người mẹ già, ông đã dành một khoảng thời gian và một vài vẻ đẹp để gửi tặng người mẹ, và thi sĩ sẳn sàng đổi cả máu và nước mắt để có được vẻ đẹp dâng tặng mẹ, dâng tặng cuộc đời.

Con gởi tặng mẹ một khoảng thời gian

để mẹ còn ngồi nhìn con thỉnh thoảng trở về mái nhà quê cũ

Qua ánh mắt dịu dàng, con hiểu vì sao con phải lấy cả cuộc đời riêng

góp vào cuộc đời chung một vẻ đẹp .

 

Cuối cùng, con hứa gởi tặng mẹ thêm vài vẻ đẹp

Bấy giờ , ở phía ngày mai

sẽ lấp lánh thêm vài chấm ánh sáng

Mẹ thân yêu,

nếu vẻ đẹp cần ở con cả máu và nước mắt

con tin con không thể chối từ .

Trong bài “Gửi một người bạn trẻ tuổi”, cũng chính là gửi người con trai mình, người cha đã xem người con như một người bạn trong bước đường đời, với lời nhắn gửi và ước mong thật giản dị, trước khi người cha qua đời.

Mong con cứ yên lòng đi tới

Đừng ngoái nhìn về phía cha với những đêm nằm lắng nghe tiếng còi tàu

ngỡ con sắp trở về gọi cửa

Càng đi xa

con càng bước lại gần cha những năm còn sách vở học hành

càng gặp thêm những người để cùng chung sống khi cha đã qua đời.

* Phác thảo chân dung chính mình

Khi bạn viết về một tác phẩm cũng là viết cho chính mình, viết ra những cảm nhận của bạn về một tác phẩm. Vì vậy, khi thi sĩ Lê Văn Ngăn “Sơ thảo một chân dung” của ai đó, ta có quyền tin rằng đó là chân dung của chính ông, chân dung của người đang lặng lẽ lau sạch tâm hồn mình khỏi các ảo tưởng, chân dung một người luôn nhìn vào sự thật:

Đôi khi nhìn anh rửa sạch chén bát sau bữa ăn hay ngồi trước một trang sách mở
tôi ngỡ nhìn thấy một người đang lặng lẽ lau sạch tâm hồn mình khỏi các ảo tưởng.

Anh bảo thời trẻ tuổi của anh đã qua rồi
việc lớn giờ đây là việc của những người trẻ tuổi.

Thi sĩ Lê Văn Ngăn, sinh năm 1944, quê quán ở làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế, ông học Sư phạm Quy Nhơn từ 1964-1966, hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Các tập thơ của ông gồm: “Vào một thời in bóng”, “Thư về Hà Nội”, “Trên đồng bằng”, “Đất của những người bất phục”, “Viết dưới bóng quê nhà”,… cùng rất nhiều bài thơ in trên các báo và lưu lạc khắp nơi trong bạn bè. Ông là một người hoạt động xã hội thầm lặng, quan niệm của ông về giải thưởng của người làm văn nghệ chính là sự chia sẻ niềm rung cảm với mọi người, điều mà thi sĩ Lê Văn Ngăn luôn trăn trở:

Các nhà thơ có chân dung và tiểu sử trong các tập sách; còn các anh, những người tạo ra nguồn rung động cho người nghệ sĩ, các anh chỉ lặng lẽ ra đời, lặng lẽ làm việc, và cuối cùng lặng lẽ hóa thân vào đời con cái mình.

Tôi đã đọc thơ Lê Văn Ngăn nhiều lần, nhưng mỗi lần đọc, lại có những cảm xúc khác nhau, cũng như những lần nghe ông kể chuyện, câu chuyện chậm rãi, nhưng nội dung rất nhân văn, sâu sắc, không phải chỉ thế hệ tôi thích nghe ông kể chuyện mà còn cả thế hệ cùng thời với ông đều lắng nghe. Những câu chuyện của ông như lời nhắc nhở về giá trị cuộc sống này. Vẫn với giọng trầm ấm, từ tốn, chậm rãi, ông đã khiến người nghe phải chăm chú từ lời đầu tiên cho đến lời cuối cùng, theo tôi đó là những bài thơ mà ông không cần phải viết ra nữa, vì thơ của ông đã quá nhiều, nhiều như những nỗi đau trong cuộc sống này. Nghệ thuật ngôn từ trong thơ Lê Văn Ngăn luôn đổi mới qua các thời kỳ sáng tác và sau cùng ông chọn thể cách diễn đạt tự do, gần như văn xuôi, thơ không vần điệu, không gượng ép. Nhạc tính trong thơ ông tự nhiên như hơi thở, như dòng sông đang trôi, như ngọn gió chiều bên hiên nhà và thanh thoát như tiếng hót của loài Dạ Oanh, một biểu tượng của thi ca thuần khiết, luôn canh chừng và thức tĩnh giấc mê của đồng loại.

 

Lê Huỳnh Lâm – Vanvn.net

Exit mobile version