Nhà thơ Khuất Bình Nguyên có xu hướng làm mới xúc cảm nội tại trong cách dùng vần gieo chữ. Mỗi bài thơ của ông có thể ví như một vỉa quặng, lấp lánh như hạt cát dưới mặt trời – những hạt cát có thể chảy thành từng dòng pha lê.

Tonvinhvanhoadoc.vn xin giới thiệu chùm thơ mới nhất của ông được in trong Thơ tập 2 – Tủ sách NHÀ VĂN, Tạp chí Nhà văn liên kết NXB Hội Nhà văn, tháng 11/2012.


Hồi tưởng những giấc mơ


Tôi lang thang trên cánh đồng

Chỉ thấy gió thì thào với cỏ

Cha mẹ hiện về từ phía chân trời

Hỏi tôi đã làm điều gì có lỗi

Nhắc đừng lạc đường

Giữa dòng đời, dòng nước chảy xuôi.

Tỉnh dậy tay vẫn cầm nắm cỏ

Rạng đông mách tôi đi theo hướng mặt trời…

Có những khi tôi trở về với tôi

Đường trần xa xôi

Cánh nhạn nghiêng xa vắng nửa chân trời

Cám dỗ bày ra mọi chỗ…

Cánh diều trăng vùi trong cỏ tuổi thơ.

Tỉnh dậy thấy đầu mình đã bạc

Bàn tay nhận bao ân huệ của đời…

Tuổi hoa niên đi vào thành phố

Đi qua những giảng đường Đại học

Đông nghịt những người

Họ cùng thời với tôi

Được đọc sách thánh hiền viết ra nhiều thời đại

Nghe chim hót biết mùa hè đang chín

Thời gian thở dài trên những cành nguyệt quế cỏ khô

Mỗi mùa thu trời lại dệt cho tôi chiếc áo heo may mơ mộng

Sông đã lấp rồi vẫn còn nghe tiếng chèo đò của thế kỷ trước vọng về

Đi giữa phố đông người dưới bầu trời tự do

Không ai bị Đời bỏ quên

Dù chỉ có một chút tài và phẩm hạnh

Được hát những bài hát mình yêu

Nói những điều mình nghĩ

Được ngồi trên bờ đê của dòng sông quá khứ

Tự nhổ hạt cỏ may lỗi lầm

Vương vào vạt áo cuộc đời sau chặng đường xa …

Tỉnh dậy  không biết đang ở vùng nào trên đất nước tôi

Cứ gặp mười người thôi đã có sáu, bảy người làm ruộng

Nghe  khắc khoải tiếng gà gáy sáng

Mặt đất vươn vai đứng dậy

Những luống cày và mùa gieo hạt mới.

Mặt trời rọi vào hồn tôi bao tia mong đợi

Thời gian mát rượi chạy mệt xoài trên đồng lúa chín

Những giấc mơ rào rạt phía chân trời.

 

 

Hỏi chuyện Lý Bạch


Một nghìn ba trăm năm trước dưới bầu trời Đường thi

Lý Bạch buồn thương Cô Tô đài hoang vườn cũ

Cung điện Ngô Vương đã thành hoang phế

Hàng dương liễu xanh chẳng biết trước điều gì

Tiếng hát nhà nông trong trẻo đâu đây

Cũng chẳng còn ai hay biết

Chỉ có bóng trăng xưa cũ nhất

Đã soi cho người trong cung điện Cô Tô

Biết rõ hết những điều trong đổ nát.


Một nghìn ba trăm năm lại đã qua rồi

Vầng trăng Đường thi vẫn soi sáng bầu trời nhân loại

Bao nhiêu đền đài đã chìm sâu trong đất

Bao nhiêu mỹ nhân ra đi không lối trở về

Chỉ hỏi vầng trăng kia mới biết?


Ôi, vẻ đẹp sáng ngời của một vầng trăng

Có còn gọi là cũ hay không hỡi thi hào vĩ đại

Xin hãy nói cho hậu thế của vầng trăng biết

Trong khi đợi trả lời, trăng vẫn sáng muôn nơi.

2009.

 

 

Khủng hoảng Thơ


Trên xe điện ngầm chạy dưới lòng nước Nhật

Hàng triệu người chỉ xem truyện tranh hoặc ngủ gật gù

Xã hội nhập nhoàng trên bàn vi tính

Yêu Thơ chăng khi mệt mỏi từng giờ?


Dọc theo những cây cầu sắt ở New York đêm đêm gió thổi

Những thiếu nữ đủ màu trang phục “đi săn”

“Lá cỏ” của Oan Uytman ai còn cắp nách

Chẳng có Thơ trên khoang tàu đổ bộ mặt trăng.


Sân vận động Tổ Chim được vẽ thành biểu tượng

Phẳng lặng Hán Dương mây trắng bay về

Ai còn thức đêm trăng tà nghe quạ

Sương thấm ướt đầm tiếng chuông chùa ở núi Hàn San.


Buổi tôi bước vào thơ, Trời làm khủng hoảng Thơ

Thị trường chứng khoán rầm rập người đóng mở

Các thiếu nữ không ngước nhìn thi nhân nữa

Họ bận bịu với tiếng nước ngoài để xuất ngoại làm ăn.


Có những buổi chiều em tôi cầm rổ đợi

Hỏi Thơ tôi bán được mấy đồng

Dòng người chảy vội vàng trên đại lộ

Ai là người đứng đợi mua thơ.


Thơ là tiếng chim hót rõ ra tâm khảm của một thời lịch sử

Thi nhân trả lời bằng Thơ câu hỏi của Tổ quốc mình

Đỉnh núi thời gian mây lành mang mưa đến

Tưới mát cho mùa trên cánh đồng thơ.


Dẫu Thơ tôi chưa bán được mấy đồng

Em tôi đợi mỗi chiều về hy vọng

Yêu biết mấy nhà đầu tư nơi thị trường mở rộng

Yêu nhiều hơn người đứng bán thơ trên mọi nẻo đường…

Hà Nội, những năm 2000.

 

 

Hoa sen trắng


Thời gian như người lữ hành đi mải miết

Chẳng có điểm bắt đầu – kết thúc thời gian

Có một chiều giác ngộ

Cỏ dẫn đường bất chợt gặp bông sen

Lẻ loi, nhẹ nhàng nghiêng trên mặt nước

Trong xanh mây trắng hiền hòa

Một đời bồng bềnh như giấc mơ xa

Xa hơn cả thời quá khứ

Thủy chung từ bấy đến giờ

Vị lai như trời hoa nắng

Tinh nguyên giọt nước nguyện cầu

Đồng trinh trong màu áo trắng…

Trên đường đời xa xăm

Có một chiều dừng lại

Người lữ hành thời gian đã đi

Để rơi chiếc áo rêu phong trên mái nhà chùa cổ

Để rơi một chấm trắng đài sen trên mặt nước hồ

Bông hoa thời gian e ấp nở

Bông hoa không tuổi buổi chiều sen.

 

 

Qua Hà Nam, một ngày mưa tháng mười


Mưa bụi lạnh phủ lớp màu xám nhẹ

Để dãy núi đá khô cằn mềm mại như tranh lụa cuối trời xa

Lúa đã gặt rồi chỉ còn trơ gốc rạ

Đàn bò gặm mưa trên cánh đồng,

Bên cạnh đường người thợ xưa vẫn mải mê tạc tượng

Đầu rồng, bia đá lặng lẽ chờ khách đứng dưới mưa

Dẫu tạc hết đá núi kia thành bia,

Làm sao ghi hết được sự phù du của những kiếp người,

Thấp thoáng vài khách đường xa mờ dần không trở lại

Nhớ đến một người bạn sắp lên đường xa xứ

Bức tranh thủy mặc của núi, mưa bụi vẫn treo ở bên trời…

Exit mobile version