Thơ chỉ nên làm khó với người viết. Tức người thơ khó làm nên bài thơ (hay) nếu như cảm xúc thơ không đủ đầy, thi tứ thơ không độc sáng và hình ảnh cùng con chữ thơ không mấy khi không đẹp và không hay mà thành bài ( thơ) được!.
Thơ (hay) xưa nay có nói trời cao đất thấp gì đi nữa thì chỉ có hai đặc tính: một là dễ thuộc. Còn hai trái ngược lại là khó quên. Đặc thù của thể loại giàu có vần điệu này, vốn xuất hiện từ rất sớm trong đời sống con người khi chưa có cả chữ viết : thuộc lòng để mà truyền miệng đời này sang đời khác. Bây giờ cuộc sống đã khác trước, phương tiện lưu trữ không chỉ văn bản mà còn ở dạng âm thanh, hình ảnh, kỹ thuật số … việc truy cập lại cực kỳ nhanh thì thuộc lòng một bài/đoạn/câu thơ cho thấy cái giá trị rằng thơ ấy hay. Có hay người ta mới để thơ nhập tâm mình được!
Còn khó quên ứng với những bài thơ mà có thể về mặt dài ngắn hay vần điệu … không dễ thuộc lòng được, nhưng người đọc lại không thể quên cái tứ thơ độc đáo, hình ảnh thơ sáng rõ hay phương cách vận dụng con chữ tài ba … quá. Họ không thể đọc cho bạn nghe được nhiều đoạn câu hay từng khổ bài nhưng cái tứ thơ, hình ảnh thơ … thì họ thuật kể lại được, và người nghe hoàn toàn có thể gật gù tán thưởng cùng họ về bài thơ ấy!
Thơ làm khó (nhiều) người đọc … chính là loại thơ không cần/hướng đến người đọc (số đông). Bảo người đọc “đánh vật” với thơ anh sao hay bằng việc anh hãy làm thơ cho họ cầm trên tay day hai con mắt đọc. Đọc thơ và rồi họ không sao quên anh được …
Anh viết những câu thơ hay những câu thơ đau đẻ ra anh
Thiên hạ biết tuổi tên anh
Con người anh
Cuộc đời anh
Từ câu thơ họ vồ đọc.
Thơ anh là bầu nước mát
Tưới tắm cổ họng cháy khô
Và ngay khi họ vượt qua cơn khát
Bầu nước anh
Nặng nhẹ
Còn hay đã hết
Họ vứt lại bên đường …
( Rút từ bộ thơ: Đọc di cảo thơ Chế Lan Viên, tôi viết …)
Lê Anh Thu.