Thơ bây giờ nhiều quá. Người làm thơ nhiều. Nhiều những tập thơ. Câu lạc bộ thơ nhiều. Nhiều giao lưu thơ. Giới thiệu thơ nhiều. Nhiều người nói về thơ… Và như vậy ranh giới giữa thơ hay và chưa hay thật khó phân biệt.
Bây giờ còn có xu hướng thơ ‘hot’ và ‘không hot’ trong có chế thị trường này nữa.
Làm thơ là một nhu cầu muốn có (ảnh baodansinh.vn)
Như vậy làm thơ là một nhu cầu muốn có, khác đi là không thể thiếu ở khá nhiều người và cũng xa lạ ở rất nhiều người. Không thể dạy nhau làm thơ. Có một cháu gái vừa học chuyên văn lớp 10, nói muốn trở thành nhà thơ. Khi tâm sự cháu kể về mẹ mình – người đàn bà làm lẽ với nhiều khổ cực, cháu đã khóc và muốn làm thơ tặng mẹ. Yêu văn, có năng khiếu văn chương và đầy tâm trạng – cô gái đã có những yếu tố cần có của người làm thơ. Hãy viết đi trước khi nghĩ sẽ là nhà thơ. Đâu có thể dạy nhau niêm luật, dạy nhau vần điệu là có thể làm thơ. Học trò bây giờ cũng học về các thể loại thơ, thày cô bây giờ giảng cho trò về các thể loại thơ. Nhưng không có nghĩa các thày cô giáo văn đều làm thơ, tất cả học trò sau những tiết học lý thuyết – hay còn gọi là lý luận ấy, đều làm thơ và thành nhà thơ. Có những nhà thơ chưa qua lớp học nào do gia cảnh hoặc hoàn cảnh đặc biệt mà vẫn làm thơ và làm thơ rất hay.
Vậy thơ, trước tiên do nhu cầu tự thân, tự giải thoát và bộc bạch. Hoàn cảnh sống, môi trường sống hình thành những định hướng, xu hướng khác nhau trong cuộc sống. Theo con đường văn chương hay khoa học, làm thày hay làm thợ… do bản thân chọn, do gia đình, do hoàn cảnh quyết và nhiều khi đưa đẩy như số phận – ngoắt một cái khi ra trường, ngoắt một cách khi giữa chừng, thậm chí ngoắt một cái khi cuối đời. Kể cả làm thơ hay viết văn hình như cũng định vị. Có nhà văn làm thơ được nhưng ít khi, gần như không viết, không có chủ định. Có nhà thơ cũng viết truyện, ký nhưng hình như ít thành công. Bây giờ thì có nhà viết nhiều thứ lắm – thơ, báo, ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, rồi phê bình… rồi cứ nhầm lẫn chẳng biết mình viết gì hay hoặc thấy mình cái gì cũng hay. Vậy ai dạy ai viết văn, làm thơ hay tự chính mình?
Còn nữa, khi về già, đúng hơn là về hưu lại làm thơ. Hay dở không bàn mà rủ nhau làm thơ, rủ nhau tham gia CLB thơ, in thơ chung , riêng và đi giao lưu huyện này tỉnh nọ. Không bàn vì có những bài thơ hay, câu thơ hay, có những bài chỉ dừng ở báo tường, thơ cổ động nhưng đều là niềm vui, đáng trân trọng. Bộc bạch tâm tự hoàn cảnh, tiếp xúc, đi đó đây âu cũng là nhu cầu của mọi người, nhất là người lớn tuổi. Người thích đi lễ chùa, người đi sân bóng, CLB múa hát… thì có người thích làm thơ. Một đời sống tâm hồn thoát ra từ lo toan, bận rộn và cả tuổi già.
Viết có vần, vỡ vần và cả không vần rồi từ từ nghe, từ từ đọc, từ từ rút kinh nghiệm và thủng thẳng làm thơ. Đó là sự vận động tự thân khi làm thơ.
Mỗi ngày có những tập thơ ra đời.
Nhà xuất bản nhiều và mọi người thường chọn NXB Hội Nhà văn, NXB Văn học. Phí xuất bản cao hơn nhưng ai cũng nghĩ tập thơ của mình sẽ có giá trị vì được duyệt qua NXB chuyên ngành văn chương. Có sao đâu, mình cảm thấy vui và sướng là được. In một tập thơ là khoảng 10 triệu. Ghi khoảng thôi vì có tập giấy đẹp, trình bày đẹp, số lượng nhiều thì tốn khá nhiều tiền – khoảng 20 triệu chẳng hạn. Ghi khoảng thôi vì có tập in bình thường, số lượng ít thì giá thành thấp hơn. Người làm thơ, nói chung vốn chẳng giàu có gì. Với người có con cái tài trợ hoặc có quan hệ ngoài xã hội tài trợ thì việc in tập thơ vô tư. Còn phần lớn để in thơ là phải chiu chắt. Thơ gửi in báo phải xếp hàng vì nhiều thơ gửi tới tòa soạn quá. Nhuận bút thấp – 50.000đ/ bài, báo Văn nghệ nơi ai làm thơ cũng muốn được đưa lên thì 150.000đ/ bài, rồi báo Văn nghệ Công an, tạp chí Văn nghệ quân đội, rồi báo tạp chí địa phương… nhuận bút cao hơn và ai cũng nao nức. Được in thơ trên báo nào cũng chụp hình đưa lên trang cá nhân. Thơ in tập rồi có bán được đâu – trừ một số tập thơ được coi là ‘hot’ và giỏi tiếp thị. Các cửa hàng sách từ chối hoặc nhận dăm cuốn chiếu cố và dặn – lâu lâu quay lại nhé. Thôi thì in 200-300 cuốn hoặc 500 tặng bạn bè. Mà rõ khổ, thơ mình không bán được cũng chẳng muốn mua thơ ai, chỉ thích được tặng. Có nên coi mua thơ bạn là một hành vi văn hóa chăng
Nhắc thơ ‘hot’ là thơ thế nào nhì? Kêu từ nhan đề tập thơ đã. Tên ấn tượng mạnh, gợi cảm xúc, gợi tình nữa càng tốt. Nội dung, ngôn từ, thể loại rất đời, rất hiện đại. Tất nhiên, trừ một vài nhà thơ đã thành danh mà bây giờ còn gọi là có ‘thương hiệu’. Cái gì chứ thơ ‘hot’ thì 1 vài nghìn cuốn bán vô tư, có nhà sách, NXB đầu tư. Có tập thơ bán được còn do chính tác giả quảng bá tốt trên các trang mạng. Đấy là trường hợp các bạn làm thơ trẻ thôi. Các bạn trẻ không những thơ hiện đại lại còn giỏi máy tính, truyền thông. Cánh nhiều tuổi biết lên mạng, biết vào Facebook (mạng xã hội) đã là giỏi lắm rồi. Một cách quảng bá cho tập thơ là tổ chức buổi giới thiệu thơ. Cũng tốn lắm đây. Nào địa điểm. Nào phông, hoa. Nào người nói. Nào bánh kẹo, nước uống. Đấy là nhẹ nhàng. Mạnh tay hơn thì tiệc mặn- 5, 7 có khi cả 10 mâm bàn. Mạnh quan hệ nữa thì báo, đài đến quay phim, đưa tin… Nhẹ thì khoảng 10 triệu. Mạnh thì 20, 30 triệu gì đó. Đấy là không bàn đến được tài trợ hay không như in thơ vậy. Làm rầm rộ rồi đâu vẫn là đó, ta vẫn là ta. Chưa tính chuyện xong rồi mua cái bực mình chẳng biết bỏ đâu.
Lại nói về thơ ‘hot’, đúng hơn là thơ mang tính thời sự. Một bài thơ xuất hiện mang tính thời sự được dân mạng truyền nhau, được cả báo nước ngoài đưa tin. Bài thơ làm rung động bao trái tim người đọc kể cả người chẳng bao giờ quan tâm đến thơ. Có người nói – các nhà thơ viết bao năm, in bao tập chẳng nổi tiếng bằng một bài thơ này. Nghĩ sao về thơ đấy trong trường hợp cụ thể như vậy?
Thơ hôm nay, vui chút là cả nước làm thơ. Khi xã hội có bao điều cần nghĩ, khi đạo đức có bao điều cần bàn và cả lúc con người bức bối – bế tắc, hy vọng – mất hy vọng… thì càng nảy nở, càng đa dạng. Không cần bàn đến truyền thống hay hiện đại vì thơ là cuộc sống tâm hồn của con người thời đại. Tự thơ sẽ định cách thể hiện của riêng nó mà người làm thơ là người chấp bút.
Nhà thơ Bùi Kim Anh – Tổ Quốc