Gửi mẹ

Bình Nguyên Trang

Tha thứ cho con, mẹ

Con đã quên lời mẹ ân cần

Con nhầm tưởng mình đã biết dại khôn

 

Con nhầm tưởng mình không là đứa trẻ

Trăm năm thèm tiếng vỗ về

Mẹ đừng im lặng thế

Mẹ đừng xa xót thế

Sao mẹ không mắng con

Con đã đánh mất quyền được làm đứa trẻ

Quyền được sợ chiếc roi tre mẹ giắt

ở mái nhà

Con có gì sau năm tháng đi xa

Chỉ đôi tay bầm nhiều vết cứa

Chỉ đôi mắt dửng dưng tàn tro bếp lửa

Sau tiếng thở dài…

Con không giàu hơn sau năm tháng xa nhà

Nước mắt đã nghèo đi

Niễm tin đã nghèo đi

Và hạnh phúc là cánh diều ảo ảnh

Mẹ ơi

Con thèm được khóc

Thèm được mẹ dỗ dành

Mẹ cầm lấy chiếc roi tre đi

May ra con còn nước mắt…

Tha thứ cho con, mẹ

Con đã mang trái tim mẹ trong

lồng ngực con đi

Và thương tổn

Con biết làm gì bây giờ

Khi máu chảy đã lạnh lùng sắc đỏ

Mẹ đừng im lặng thế

Mẹ đừng xa xót thế

Mẹ cầm lấy chiếc roi tre đi…

(Báo Văn nghệ, số 10 năm 2013)

——————————–

Lời bình của Bùi Đức Ba

Bài thơ Gửi mẹ của Bình Nguyên Trang thu hút bạn đọc bởi giọng thơ trẻ, giàu cảm xúc. Người con tha thiết xin mẹ hãy tha thứ cho lỗi lầm “quên lời mẹ ân cần”, “nhầm tưởng mình” đủ lớn khôn. Ấy cũng là hành vi, nhận thức khá phổ biến của tuổi trẻ, khi bước vào đời gặp va vấp và đến một lúc nào đó nhận ra lỗi lầm. Thế rồi, thật khác thường, ngay sau lời cầu xin tha thứ, lời lẽ đột nhiên rắn rỏi. Người con không bằng lòng với sự im lặng buông xuôi mà mong mẹ hãy nghiêm khắc:

Mẹ đừng im lặng thế

Mẹ đừng xa xót thế

Sao mẹ không mắng con

Sự im lặng phải chăng như xem nhẹ lỗi lầm của con, để rồi, chính mẹ phải cam chịu “xa xót” trong lòng. Người con yêu mẹ đích thực không muốn thế. Hình ảnh “chiếc roi tre” là biểu tượng sinh động của sự nghiêm khắc trên tinh thần thương yêu của tình mẹ, giờ đây trở thành hoài niệm tiếc nuối của con đang trong hoàn cảnh phải xa nhà, xa mẹ. Người thơ cho ta thấy sự nghiêm khắc của mẹ trong giáo dục là vô cùng cần thiết.

Thế rồi, Bình Nguyên Trang tâm tình cùng mẹ. Câu hỏi day dứt được đặt ra “Con có gì sau năm tháng đi xa”  và rồi, bằng hàng loạt hình ảnh thơ ẩn dụ kể lại cuộc sống của con, với biết bao thương tổn “đôi tay bầm nhiều vết cứa”, tâm hồn như vô cảm trước cuộc đời “đôi mắt dửng dưng tàn tro bếp lửa”. Và nữa, con “không giàu hơn sau năm tháng xa nhà”. Cái “nghèo” (nghĩa bóng) được láy lại như một ám ảnh: “Nước mắt đã nghèo đi/ Niềm tin đã nghèo đi”. Những giọt nước mắt giàu xúc động như vơi cạn. Niềm tin trong cuộc sống bị mai một. Và thật đáng buồn, hạnh phúc chỉ còn là ảo ảnh. Bao nhiêu là tổn thương, mất mát được người con liệt kê. Đó chính là hệ luỵ, là hậu quả khôn lường của việc: “Con đã quên lời mẹ ân cần/ Con nhầm tưởng mình đã biết dại khôn”.

Bởi những mất mát, bế tắc như thế cần được giải toả, tình thơ chuyển biến. Thơ nhiều giãi bày, mang dấu ấn rõ nét của các nhà thơ trẻ. Hai tiếng “Mẹ ơi” làm thành câu thơ riêng biệt khởi đầu cho cảm xúc mới. Bình Nguyên Trang muốn” khóc” cho vơi nhẹ nỗi lòng, muốn được mẹ “dỗ dành” an ủi- tâm lí thường thấy của người con gái. Mong muốn ấy cần thiết như nhu cầu thèm ăn, khát uống trong đời sống, được nhấn mạnh bằng từ “thèm” giàu sức gợi. Đồng thời, lúc này đây, con vẫn mong mẹ nghiêm khắc. Thơ cho ta hiểu vai trò lớn lao, không thể thiếu của người mẹ. Mẹ là chốn nương tựa tinh thần cho con trên đường đời với biết bao thách đố, thương tổn…

Bài thơ Gửi mẹ còn thú vị, độc đáo ở lời thơ mở đầu và lời thơ kết thúc. Mở đầu, nhân vật trữ tình xin mẹ bao dung tha thứ “Hãy tha thứ cho con, mẹ”. Kết thúc (tương phản với lời mở đầu, mang dấu ấn kế thừa giáo dục truyền thống: Thương con cho đòn cho vọt). Con cầu xin mẹ hãy nghiêm khắc “Mẹ cầm lấy chiếc roi tre đi, mẹ…”. Phải chăng, Bình Nguyên Trang chân thành mong muốn mẹ mình và các bậc làm cha làm mẹ hãy tha thứ cho lỗi lầm của con khi chưa đủ lớn khôn, đồng thời phải nghiêm khắc dạy bảo, không chỉ khi con ở tuổi ấu thơ mà cả khi đã trưởng thành bước vào đời. Đó cũng chính là tứ thơ mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, giàu tính thời sự.

Exit mobile version