Không biết nhà thơ Giáng Vân có tu tập thiền hay không, nhưng khi đọc thơ chị, tôi đã lạc vào không gian trong suốt và tĩnh lặng. Khá nhiều bài thơ của chị đưa tôi đến trạng thái định tuệ trong mọi họat dụng của nhân sinh, trong chuyển động của vạn hữu, nhưng luôn tỉnh giác, sáng suốt, thanh bình. Có thể chị cũng không bận tâm với những nghi thức quán tưởng của giáo pháp nào đó, nhưng thơ chị tựa chiếc lồng ánh sáng vây quanh tôi. Ánh sáng thanh khiết và trinh bạch ấy cho tôi được thấu thị tâm và cảnh, thiện và ác, mê và ngộ trong cõi ta bà này.

Cầm tập bản thảo thơ Giáng Vân, tôi đi về phía vạt cỏ cuối vườn trong một sáng cuối thu. Ít gió, hơi se lạnh. Hình như tôi đã ngồi xuống một phiến đá phẳng… Mọi màu sắc và chuyển động trong đó đang hiển hiện, trôi đi như nó vốn có, không khởi phát, ít gây hấn. Thứ ánh sáng của từ bi, hỷ xả cứ tự nhiên dẫn dắt tôi đi từ bài thơ này đến bài thơ khác…

Không gian thơ Giáng Vân mở rộng, thoáng đãng, thường được tạo dựng bằng cảm xúc nhất quán, không ngăn cách, hay biến đổi đột ngột. Tràn ngập trong đó ánh sáng không màu, trong lành và thanh khiết. Đây là khoảnh khắc đất trời và con người đều tịnh định: Thỉnh chuông chùa ba tiếng/ Nghe lòng mình tịnh không (Khoảnh khắc).

Những khoảnh khắc thiền thường đến với Giáng Vân trong khá nhiều bài thơ, tôi gọi đó là trạng thái của thiền động. Chị ngắm nhìn sự trôi chảy, sinh diệt, hợp tan của thế giới bằng tâm thế tỉnh táo, trạm nhiên, an định: Ngày cuối năm/ Một người bán hoa đứng góc đường/ mời tôi mua/ Tôi chọn một bó tầm xuân lớn để cắm/ vào chiếc bình gốm cũ/ Tôi đã rất chăm chú làm việc này/ Thay vì/ Đi tìm những quên lãng. Phải chăng những “quên lãng” ấy của chị cũng đang hành trình đến một chân trời mới, hay khởi đầu một hiện thực “nhớ” khác. Trong bài thơ Biến hóa, chị đạt được nhiều mức độ tỉnh giác khác nhau, sản sinh những đổi thay vĩnh viễn: Trong biệt tăm/ Tôi thả mình rơi thong thả/ Không gì bực dọc/ Chỉ rặt những thứ vu vơ/ Tôi/ Hóa ra những vụn vỡ nhỏ/ Li ti/ Hạt giống của loài hoa cỏ/ Có thể nẩy mầm rất nhanh/ Một sáng thôi/ Làm tràn ngập sự thanh khiết… Nhà thơ tỉnh táo phân thân trong cuộc hòa nhập giữa đa chiều thời gian: Tôi đã bước ra khỏi tôi/ Là không trở lại (Trong ngôi nhà rộng lớn); Tôi thả tôi vào ánh sáng/ Ánh sáng tràn ngập tôi (Tôi không là tôi); hiện thân trong hành trình của cuộc luân hồi: Quá khứ tôi là tương lai kẻ khác/ Mùa đã chết trở mình trong những cơ thể khác… Chị nhất thể hóa cái tôi cá nhân – tiểu vũ trụ với đại vũ trụ, qua “cơn gió” xuyên thấu: Những cơn gió thổi/ Cuốn ta khỏi ngôi nhà…/ Những cơn gió thổi/ Từ đáy khát vọng (Những cơn gió thổi).

Bài thơ Tự trôi là trạng thái của dịch biến, trôi chảy, không bao giờ bị hạn cuộc… Nhà thơ bình thản, an nhiên, không còn những hệ lụy, ái dục, khổ đau của thế giới tập đế và khổ đế: Ta nhắm mắt/ Tự trôi/ Như nước trên sông/ Như trăng giữa thiên hà/ Như gió theo gió/ Như những số phận rì rầm trong đêm. Sự thể nghiệm nhuần nhuyễn của thiền tuệ trong khổ thơ này: Tự trôi,/ Tự trôi…/ Ta trôi đến khi nào/ Khi nào ta cập bến?/ Ngươi chỉ là cát nhỏ/ Một giấc mơ thoảng qua/ Một chút hương rồi hết/ Một ngày trong vạn năm. Bài thơ kết thúc trong trạng thái tuệ tri, như thật: Thân xác rã tan/ Trong đất sâu/ Trong những đời sống khác/ Có gì níu ta lại?/ Tự trôi/ Tự trôi/ Hiện hữu trong không…. Trạng thái “tự trôi”, buông lỏng tự nhiên đôi khi xuất hiện trong những bài thơ khác, nhưng mang ý nghĩa khải thị, khởi nguồn. Đây là cánh cửa thiên nhiên vừa mở: Hãy chảy đi, chảy đi/ Ta chỉ đầy lên khi cho đi/ Sự tráng lệ của những dòng sông lớn/ Khởi từ sức mạnh của mạch nguồn/ Sự trầm tĩnh của những dòng sông lớn/ Khởi từ sự bền bỉ…/ Hãy chảy đi, chảy đi/ Và đừng hỏi… (Lời của nguồn suối); trạng thái lắng đọng một hồ nước, người ta chỉ có thể nhìn thấu đến đáy nếu mặt nước không bị xao động: Im lặng đang tuôn chảy âm thanh/ Ah, những âm thanh thần thánh (Viết ở Luangprabang).

Giáng Vân trong một số bài thơ, như muốn vươn tới thế giới siêu hình, vượt qua màn vô minh bằng con mắt “thứ ba” xuyên thấu: Linh hồn chúng ta nặng bao nhiêu (Linh hồn); Linh giác đi từ đầu mỗi ngón tay, mỗi sợi tóc/ Thoát đi nhẹ như một hơi thở…/ Và/ Trên cánh đồng phiền muộn/ Chúng ta bắt đầu nở hoa (Những cuộc bay của linh giác). Chị lý giải bản chất của sự vật, hiện tượng trong chốn u minh, trùng trùng duyên khởi: Đôi khi, tôi thử giải mã những thế giới câm kia bằng các kí tự trên các khuôn mặt, bộ điệu (Những buổi chiều). Chị nhìn thấy một con ruồi chuyển động Dưới một tấm kính trong suốt, để nhận ra tấm kính của mình mà chị không thể vượt qua, chính là ranh giới, cái hữu hạn của đời sống này, ngăn cách con người với mịt mùng, vô tận…

Đôi lúc Giáng Vân nhìn đời sống hiện hữu từ một hệ “quy chiếu” khác, bị tác động bởi những quy luật sống khác: Có một ánh sáng khác/ Soi vào nỗi hoài nhớ của tôi/ Như mặt trời nhiệt đới chiếu vào những đường/ gân của lá/ Nhưng đây là lá của những ngày xanh tươi/ Còn tôi/ Một chiếc lá đã mục (Chiếc lá). Trong bài thơ Tôi chỉ là một giọt nước mắt, chị đã chuyển hóa trạng thái trong thiền định, hóa thân thành Một giọt nước mắt của trời…/ Tôi có thể thấy được em yếu đuối và tủi hổ nhưng/ không thể làm gì…/ Tôi thả tôi vào nước hy vọng sẻ chia/ Tụ vào tôi/ Giọt nước ngày một lớn/ Hãy thử soi vào tôi đi…

Không gian thơ Giáng Vân khá ổn định, tĩnh lặng và thanh sạch. Người đọc hiếm khi gặp được những câu thơ nhói sáng, như: Bật tung những chồi xanh/ Trên khắp thân, cành./ Những cái cây/ Choáng váng vì hạnh phúc (Những cái cây); Ô bài ca mặt trời/ Người ạ/ Vẫn sáng rực cả đêm đen (Bài hát)… Nếu bạn đọc cố dõi tìm những câu thơ hay để “nằm lòng” chắc sẽ khó gặp, giống như người đi “mò trăng” dưới đáy sông thuở nào. Câu thơ Giáng Vân thường mang vẻ đẹp giản dị, bí ẩn khi đứng trong khổ thơ, chịu tác động tương hỗ giữa các câu thơ, làm nên hoàn chỉnh từ trường toàn bài.

Chuyển động các thi ảnh trong thơ Giáng Vân cũng thường chậm, giống như Đám mây chiều vàng rực đang trôi qua cửa sổ nhà chị, giống như gió, dòng sông, màu diệp lục… đang trôi qua cuộc đời chúng ta. Hạnh phúc cùng khổ đau/ như gió thổi/ tựa như ngày mai trôi tới/ đang trôi qua và đang bay đi (Bài hát 3). Nhưng những chuyển động ấy bất ngờ, khó đoán trước: Chảy tuôn/ Và biến tấu không ngừng/ Không thể lường được/ Đường đi của gió/ Không thể lường được/ Những cơn bất thường của sông/ Dù ngày mai sông cạn (Chảy tuôn).

Đôi lúc chị không thả mình, không hòa tan cùng những chuyển động của thiên nhiên, sự vật…, Giáng Vân như cố tình đứng cách xa nơi xảy ra sự kiện một khoảng cách: Những ngọn gió chết lặng trên cây/ Cơn giông không sao tới được (Trước cơn giông); Một sợi dây rất mảnh/ Nối từ ta đến người/ Làm sao để không thất lạc (Nhìn từ trên cao).

Thơ Giáng Vân đắm mê, nhưng tỉnh táo và tinh tế. Đó là sự tinh tế trong quy luật chuyển hóa, biến đổi: Người thấm vào tôi/ Cũng theo cái cách không khí thấm vào tôi/ Nước thấm vào tôi/ Làm mới lại một mùa gieo trồng/ Những thứ cây có hương vị vừa đủ mê hoặc (Một ngày).

Tâm trạng cô đơn, lẻ loi thường xuất hiện trong thơ chị, không buồn bã, day dứt, mà tự nhiên, tự tin như nó vốn có. Cầu đứng một mình với tôi một mình/ Gió thổi với mây trời/ Mặt trăng với sóng nước (Giấc mơ). Hình ảnh “cây cầu” với “tôi” đều một mình. Chữ “một mình” trong câu thơ đầu, như đã vô tình kéo giãn khoảng cách giữa các thi ảnh, mở ra nhiều góc nhìn đơn lẻ khác khác, từ gió, mây, mặt trăng, sóng… Cũng trong bài Giấc mơ có câu thơ cấu trúc lạ Tôi đứng giữa cầu, gió thổi gió lay tôi. Ít khi thấy trong thơ Giáng Vân có các điểm “giao tiếp” (ở bài thơ này: tôi… cầu… gió) hội tụ vào một “tôi” như câu thơ trên. Nhân vật “tôi” đã làm cả chiếc cầu chòng chành, chao đảo, nhưng không bị ngã vì chị đã đứng ở giữa cầu. Gió trong câu thơ đã lay chị hay chị làm ra gió không biết nữa!

Trong bài thơ Nợ, nỗi cô đơn rợn ngợp, vỡ ra, tựa những mảnh thủy tinh lung linh, sắc nhọn: Cô đơn ngợp lên đã thành rừng/ Sông chảy lên trời đã như thác lũ…/ Mang mang/ Những kí ức buồn/ Những mảnh vụn đã không thể chắp lại/ ĐẸP đã vỡ, đã khóc, đã bay hơi (Nợ). Nhiều lúc thơ chị ở trạng thái phân vân, lưỡng tự: Vương nỗi gì trong mắt/ Vương nỗi gì như thể trong tim/ Muốn bỏ đi/ Nửa muốn đi tìm (Tháng ba); cả thoáng những hoài nghi: Bài hát cuối cùng của em đã hát/ Cho anh cho anh cho anh…/ Xin lửa đừng khi nào tắt (Không đề); Dường như trong mơ tôi khóc…/ Vì trong suốt cuộc đời/ Tôi đã sống/ Dù không biết mình sống (Những giấc mơ tôi)… Những biến động trong tâm trạng chị cũng diễn ra chậm chạp, như đàn hồi: Một ngày thở than/ Cùng nhau anh nhé (Bài hát 2). Từ những đơn lẻ, rời rạc, chậm rãi và buồn, nhưng chúng kết nối, thường là những kết nối xa nhau, đã tạo nên một thế giới trong suốt, dịu dàng: Thầm thì và dịu dàng đến nỗi/ Tất cả thương đau sẽ lành/ Tất cả những môi thơm sẽ đợi/ Cả bình minh cùng những hoàng hôn (Gửi…). Chị đã nhìn thế giới ấy, như con gái chị nhắm nghiền mắt và mơ. Nó tựa hẳn vào tôi tin tưởng/ Như tựa vào cả một thế giới/ Để không ngừng mọc ra một thế giới khác (Thơ viết cho con). Chị lý giải những hệ lụy đời sống thật nhẹ nhàng và thanh thản: Có buồn gì đâu/ Tự nhiên như là hơi thở (Loa kèn).

Tôi thường nhìn thấy trong thơ chị người đàn bà lặng lẽ quan sát, lặng lẽ chiêm nghiệm: Chảy mãi về trời/ Những câu hỏi câm lặng (Những câu hỏi câm lặng); Bây giờ mới mùa xuân/ Mùa xuân cũng còn rất lâu nữa…/ Từ những cánh trắng/ Đến tận khi loa kèn chết (Loa kèn)… Hành vi sống, mục đích sống của nhà thơ vì một điều thiêng, như lý tưởng, như tôn giáo, vì Trên cao/ Những con đường rộng mở… (Một ngày). Điều thiêng đó đã cho chị gặp được may mắn, hạnh phúc, giao cảm với những người thân yêu của mình ở thế giới khác: Thỉnh thoảng, mẹ ơi/ Con mơ/ Những chiếc lá từ trời (Mẹ thả từ trời).

Trong trạng thái lẻ loi, trầm lặng, đôi lần chị đã cất lên tiếng hát. Lời ca nghe mơ hồ trong giai điệu quyến rũ, da diết: Ôi, những con ngựa/ Sớm mai/ Chết dịu dàng trên thảm cỏ/ Chết những mắt buồn/ Vô hạn (Bài hát cho những con ngựa); Người yêu dấu ơi/ Yêu và đừng muộn phiền/ Những cọn nước quay và quay/ Những cuộn chỉ quay và quay/ Vầng mặt trời quay và quay…/ Như em dệt tình yêu cho anh/ Những sớm mai/ Dìu dịu (Những ý nghĩ). Động từ “quay” lặp lại nhiều lần trong khổ thơ như một “con lắc đơn” đang giao động. Mỗi nhịp của nó đã sản sinh ra biết bao điều kỳ diệu và lý thú từ bàn tay dịu dàng, hơi thở ấm áp, nhân hậu của chị.

Không gian chị tạo dựng không biệt lập với thế giới bên ngoài, bài thơ Ghi trong cuộc triển lãm, Giáng Vân đã mượn “ánh sáng quá độ của căn phòng” để khắc họa chân dung đời sống rất dữ tợn, gai góc: Những khuôn mặt đập thẳng vào thị giác/ Cơn buồn nôn của thời đại/ Vũng bùn cho tất thảy chúng ta quá chật hẹp/ Để có thể múa may, gào thét, (Làm ra vẻ) điên loạn

Mạch thơ Giáng Vân trôi chảy tự nhiên, có những mê đắm, nhưng tỉnh táo, minh bạch trong ánh sáng minh tuệ. Chị là họa sỹ vẽ tranh bằng ngôn ngữ, với những “nhát bay” dứt khoát, ít chồng lấn: Đồng đất mầu  nâu ngái/ Còn tôi mầu xám  tro (Ngẫu cảm). Bên cạnh, ta cũng gặp những câu thơ có cách luận đề khô cứng, gượng ép. Ngôn ngữ trong thơ chị tinh lọc, giản dị, giàu hàm nghĩa, nhưng có những câu thơ dễ dãi bằng nhịp điệu và tu từ cũ…

Thơ Giáng Vân xuất hiện cùng thời với thơ Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh…, nhưng chị đã tạo đuợc không gian thơ biệt lập, trong suốt và tĩnh lặng, làm phong phú, đa giọng điệu dòng thơ cách tân sau 1975. Thơ Giáng Vân là thế giới của những giấc mơ, mở cửa giấc mơ. Chúng ta chỉ có thể bay trong mơ/ Để tuyệt giao với nhơ bẩn (Viết tặng họa sỹ Trần Trọng Vũ). Câu thơ ấy có thể coi là tuyên ngôn thẩm mỹ, lý tuởng thi ca của chị. Chị từng bay trong nhiều trạng thái, từng tạo ra nhiều khoảnh khắc in dấu trong tâm não người đọc, nhưng tự do nhất, đẹp nhất là chị được bay một mình trong những giấc mơ – giấc mơ của người tỉnh táo, tĩnh lặng và tinh tế, được quán tưởng sâu trong tâm không ở các trạng thái thiền. Thơ chị đã tạo những áp lực rất cuốn hút, kết hợp các thủ pháp hiện đại với cảm thức huyền bí tâm linh phương Đông, kết nối những liên tưởng lạ lẫm và phong phú, tạo ra không gian thanh sạch để tẩy rửa và thanh lọc tâm hồn. Phải chăng, đó là cái đẹp của nhân bản cũng như sự bình an và phúc lạc nội tâm của con người.

Nguồn: Vannghetre


Exit mobile version