Thơ xưa nay là tiếng nói tâm tình của con người đi từ trái tim đến trái tim, là mạch nguồn sinh sôi của ngôn ngữ dân tộc. Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, thơ tồn tại và luôn chuyển mình cùng mỗi thời đại. Thơ luôn thay chiếc áo mới để cho phù hợp với từng giai đoạn nhưng bên trong thơ vẫn luôn giữ được cảm xúc lành mạnh của trái tim chân thành và trái tim ấy luôn đập cùng nhịp với sự trắc trở vui buồn của nhân sinh thế sự.

Mỗi thời đại thơ đều có sự cách tân, có sự cách tân đem đến thành công nhưng cũng có sự cách tân thất bại. Ngày nay với sự bùng nổ thông tin, các nguồn văn hóa du nhập tràn vào nước ta như sóng vỡ bờ. Và hiển nhiên văn học dứt khoát không thể đứng bên ngoài dòng nước đó. Thơ ca ngày nay không thể cứ khư khư giữ nguyên giai điệu cũ, phải có sự đổi mới. Nhưng đổi mới như thế nào cho phù hợp với nền văn hóa dân tộc, giữ được bản sắc bản sắc văn hóa dân tộc là một vấn đề cần bàn. Heidegger triết gia Đức có một câu rất hay: ngôn ngữ là cái nhà của dân tộc mà mọi người trong cộng đồng đất nước đều có thể gặp nhau, thông cảm, đoàn tụ, sinh sống trong tiếng nói; như thế tiếng nói là nơi cư ngụ chung. Nhà văn nhà thơ là người canh gác nơi cư ngụ đó”. Nhà thơ là những người có tâm hồn thiên phú, sự trắc trở trước cuộc sống thông qua phản ánh và kinh nghiệm để cho ra những bài thơ hay. Nhà thơ phải luôn luôn sáng tạo ngôn ngữ, nhưng không thể làm một cách bừa bãi. Một nhà thơ Việt Nam không thể làm thơ như ông Tây học nói tiếng Việt. Nhà thơ rất cần và có thể tiếp thu nhiều hệ tư tưởng của nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng phải biết chắc lọc những gì tinh túy nhất để sáng tác, làm giàu kiến thức, vốn văn hóa dân tộc. Nhà thơ nhất định không thể trở thành công cụ cho văn hóa nô dịch ngoại lai. Và điều đặc biệt đối với một nhà thơ là không thể đóng kín cửa để bảo thủ. Điều có cũng có nghĩa là sự ăn mòn bản năng, ăn mòn vốn tự có để dần đi đến cạn kiệt!

Một nhà thơ tùy theo sở trường sở đoản mà có thể lựa chọn trường phái, phương pháp sáng tác cho phù hợp để định hình một phong cách cá nhân. Nhưng dù cho đó là gì đi nữa thì phải đảm bảo được giá trị phản ánh và tinh thần dân tộc trong tác phẩm của mình. Không thể chạy theo cái cho là thời thượng, lòe đời để mang một giá trị ảo. Càng không thể một văn bản được gọi là thơ nhưng thật tế đó chỉ là trò chơi sắp chữ. Nhà thơ không nên chạy theo mốt một cách sống sượng như vậy được. Tại sao ngày nay ta đọc một câu ca dao, một câu Kiều hay một câu thơ Nguyễn Bính ta vẫn thấy hay, ta vẫn rung động bởi cái tình trong đó? Chính là vì những câu thơ đó chuyên chở được lòng người, nó hàm chứa văn hóa ngàn đời của dân tộc. Hiện nay người ta làm thơ, in thành sách rất rất nhiều nhưng hỏi ra có mấy người được biết đến tên tuổi, hỏi có mấy ai thuộc được trọn vẹn một bài thơ của họ! Nếu tính ra ngày nay người Việt Nam ta làm thơ là một con số khổng lồ, nhưng có mấy người được khu vực, châu luc và thế giới biết đến.

Đổi mới thơ ca là một việc làm không thể thiếu, rất cần nhưng không nên quá vội vàng tùy tiện và thiển cận để đi tới mất gốc. Thơ là tiếng nói của dân tộc cần phải biết giữ gìn sự trong sáng và phát huy bản sắc của nó. Nhà thơ phải luôn đổi mới tư duy, tìm tòi sáng tạo cái mới về ngôn ngữ, phải bình tĩnh trước những cơn sóng gió để trái tim trắc trở của mình nói lên giai điệu và cho ra tác phẩm mang hơi thở, diện mạo của thời đại mình. Nhà thơ nhất định phải ý thức về thi pháp để không bị hòa tan vào người khác. Vì thi pháp chính là hình thức mang tính nội dung, chứ bản thân nó không đơn thuần chỉ là hình thức khô cứng. Người làm thơ trẻ cần phải luôn trau dồi học tập, không được tự mãn và đặc biệt đừng bao giờ làm thơ theo kiểu đánh đố người đọc, phải biết trân trọng những giá trị cổ truyền, phải biết sáng tạo mang tính kế thừa, phải biết đặt văn hóa dân tộc lên hàng đầu thì mới có một tương lai xán lạn. Học hỏi bên ngoài để làm giàu thêm cái của mình chứ không phải làm chuyện “cõng rắn cắn gà nhà, rước voi giày mả tổ”.

Thơ xưa nay không phân biệt sang hèn mà chỉ có thơ hay và thơ dở. Thơ hay là những bài thơ làm rung động được lòng người, nó nâng tâm hồn lên một mức cao hơn để con người biết cảm thông chia sẻ, biết yêu thương và xích lại gần nhau hơn. Thơ hay là thơ phải mới và phải mang được hơi thở của thời đại, là một nguồn tài sản quý báu chung cho cộng đồng dân tộc, như là một tấm gương mà ai soi vào cũng thấy được khuôn mặt của mình mà trang điểm cho thanh lịch đẹp đẽ hơn. Người làm thơ lúc nào cũng vậy không được dễ dãi với chính mình, phải luôn tìm tòi sáng tạo. Nhưng việc đổi mới không có nghĩa là quá chú trọng đến hình thức vô nghĩa mà xa lạ cảm xúc, xa rời quần chúng, làm lu mờ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, rơi vào tắc tị. Mấy ngàn năm nay nhân loại yêu nhau, trái tim nhân tình bao lần thổn thức, thế giới bao lần đổi thay nhưng chỉ có máu vẫn là màu đỏ và nước mắt thì luôn luôn mặn. Chúng tôi thiết nghĩ người làm thơ cách tân thơ là việc cần làm, nhưng những cảm xúc chân thành của thơ mang lại vẫn không nằm ngoài hoài vọng ấy.

Nguồn: Vannghetre