Thơ cho thiếu nhi Việt Nam gắn liền với sự phát triển của văn học thiếu nhi nước nhà, đã có lịch sử hơn 60 năm, gồm rất nhiều thế hệ các nhà văn, nhà thơ chuyên tâm, say mê với sự nghiệp văn học – giáo dục trẻ em. Thế hệ đầu tiên đó là của các cây bút Phạm Hổ, Võ Quảng, cùng thời với Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng… Tiếp đến là thế hệ sinh ra và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, với tên tuổi của Nguyễn Hoàng Sơn, Định Hải, Vương Trọng, Hữu Tiệp, Dương Thuấn, Phong Thu… Rồi đến Xuân Quỳnh, Đoàn Thị Lam Luyến, Khánh Chi, Phan Thị Vàng Anh, Trần Mạnh Hảo, Đặng Hấn, Đặng Hiển, Cao Xuân Sơn, Đỗ Vinh…

Nhà văn Võ Quảng (1920-2007) quê quán ở Quảng Nam. Ông mất ngày 15/6/2007 tại Hà Nội. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tham gia sáng lập và làm Giám đốc nhà xuất bản Kim Đồng, Giám đốc Xưởng phim hoạt hình Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi Việt Nam.

Sự nghiệp văn thơ viết cho thiếu nhi của Võ Quảng khá đồ sộ. Hơn 200 bài thơ in trên các tập thơ nổi tiếng (Gà mái hoa – 1957, Thấy cái hoa nở – 1962, Nắng sớm – 1965, Anh Đom Đóm – 1970, Ánh nắng sớm – 1993…). Cùng hàng trăm truyện ngắn, truyện vừa, trong đó Quê nộiTảng sáng được tái bản 11 lần. Ông là nhà thơ có số lượng nhiều bài thơ viết cho thiếu nhi được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Ông tự bạch: Viết văn làm thơ cho các em là phải luôn giúp cho các em lớn lên về tâm hồn. Viết cho thiếu nhi là niềm vui của cuộc đời tôi. Tôi từ bỏ tất cả để đến văn học thiếu nhi và khi viết được tác phẩm hay cho các em đọc nghĩa là tôi đã đi đến đích của cuộc đời mình.

Ông viết cho các em về tất cả những gì ông đã từng trải nghiệm và yêu thương. Mừng sinh nhật lần thứ 84, ông còn cho xuất bản tập thơ Tôi đi tặng các cháu. Ông bảo: Đó không phải là những con chữ bình thường, mà đó là rung động của tâm hồn tôi; viết cho thiếu nhi đó là niềm vui và lẽ sống của tôi… Vườn thơ của ông luôn giàu có về cây cỏ, chim thú: những con chim trời như chào mào, chim khuyên, cò, vạc, quạ, vàng anh, bói cá, bồ chao cổ đỏ, bách thanh vẹt…, những hoa cải nhỏ li ti, đốm vàng óng ánh, hoa mùi tim tím, não nuột hoa bầu. Con đường nhỏ với những bụi ngải hoang mọc chen bồm bộp, mềm non nghe tiếng chim kêu Chiếp chiu chiu. Và xuân tới chồi cây tách vỏ, bật dậy, khoác áo màu xanh biếc, có một chỗ chơi với những hoa sen sáng rực, như ngọn lửa hồng, một chú bồ nông, mải mê đứng ngắm…Thơ Võ Quảng luôn dạt dào tình cảm yêu thiên nhiên, đất nước. Cái chất xanh tươi, trong sáng trong thơ ông là một món ăn tinh thần rất quý, bồi bổ cho tâm hồn của các em. Nhịp điệu và âm thanh sắc, vần trắc trong thơ là tiếng vang trong trẻo của tâm hồn ông, môt tâm hồn đầm ấm, đôn hậu, vừa ngộ nghĩnh, vui tươi rất gần gũi với bạn đọc thiếu nhi. Có lần, thật bất ngờ khi thấy các cháu ở một khu phố chơi trò trốn tìm, miệng đọc vang lời của một bài thơ quen thuộc của Võ Quảng. Hẳn là bài Mời vào này đã được các em đọc thuộc từ trường mẫu giáo:

Cốc! Cốc! Cốc!

Ai gọi đó?

Tôi là Thỏ

Nếu là Thỏ

Cho xem tai.

Cốc! Cốc! Cốc!

Ai gọi đó?

Tôi là Nai

Thật là Nai

Cho xem gạc.

Cốc! Cốc! Cốc!

Ai gọi đó?

Tôi là Vạc

Đúng là Vạc

Cho xem chân.

Cốc! Cốc! Cốc!

Ai gọi đó?

Tôi là gió

Xin mời vào…! …

Thì ra trẻ con trong thời đại công nghệ thông tin vẫn rất cần thơ ca, truyện kể, lời ru, đồng dao… cùng những trò chơi dân gian. Đâu ai bày cho, chính các em đã tự biến lời thơ Võ Quảng thành một trò chơi vui nhộn. Cứ thế trò chơi kéo dài không chán, bên cạnh các trò khác, như bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, nu na nu nống… Trông các em chơi, tôi hình dung về một thời tuổi thơ xưa của ông bà, của bố mẹ và của chính mình. Đêm trăng sáng và các trò chơi như không muốn dừng của tuổi nhỏ. Thơ Võ Quảng gần gũi với các em biết bao, giúp các em mở rộng tầm nhìn, tầm nghe, nâng cao nhận thức và mĩ cảm. Trong vui chơi, phải chăng lời thơ cũng đã chấp cánh thêm cho niềm vui tâm hồn, cho trí tưởng tượng của các bé thăng hoa, cùng với sự phát triển tư duy, ngôn ngữ…

Sáng tác cùng thời với Võ Quảng, nhà văn Phạm Hổ có bút danh Hồ Huy, sinh ngày 28/11/1926, (nhỏ hơn Võ Quảng 6 tuổi), quê hương An Nhơn, Bình Định. Ông qua đời vào ngày 4/5/2007, hưởng thọ 82 tuổi, (mất trước Võ Quảng hơn 1 tháng). Ông để lại cho đời 20 tập thơ, 25 tập truyện, 5 vở kịch, 5 kịch bản phim hoạt hình… Trong đó có Chú bò tìm bạn gồm 120 bài thơ, Chuyện hoa chuyện quả gồm 47 sự tích các loài hoa, quả Việt Nam; Nàng tiên nhỏ thành Ốc gồm 3 vở kịch; Cất nhà giữa hồ gồm 15 truyện cổ tích và đồng thoại; Tuyển tập Phạm Hổ do nhà xuất bản Văn học in năm 2000…

Phạm Hổ đã để lại nhiều áng thơ, văn lôi cuốn các thế hệ bạn đọc, đặc biệt lứa tuổi nhi đồng. Hầu hết các cháu đi nhà trẻ, hay qua tuổi mẫu giáo đều nhớ và yêu chùm thơ về đàn gà của Phạm Hổ. Từ Mười quả trứng tròn, rồi đến Gà ấp, Gà nở, Gà con và quả trứng… đâu chỉ là chuyện về mẹ con đàn gà trong cái sân hẹp, vườn con. Bao trùm, loang phủ khắp các bài thơ còn là tình mẹ, là hạnh phúc, là sự trân trọng và nâng niu trẻ em, là tình yêu với thiên nhiên, là cái nhìn tin yêu cuộc sống, phát hiện từng vẻ đẹp của chồi non, mầm nhú, đến chiếc lá rơi… Qua Chú bò tìm bạn, Chuyện hoa chuyện quả, ông nói với các em rằng thế giới quanh ta muôn vẻ diệu kì, mà tất cả do con người làm ra.

Nhà văn Nguyên Ngọc nêu nhận định về Chuyện hoa chuyện quả của Phạm Hổ: nguồn gốc của muôn loài chính là ở tình yêu, tình thương và lòng tốt. Ở cuộc đấu tranh giữa cái tốt, cái xấu, giữa tình thương và sự bạc ác, giữa cái thiện và cái ác – một cuộc đấu tranh gian nan, dai dẳng dài lâu, mãi không hồi kết của con người. Chính cuộc đấu tranh lâu dài ấy nó nối liền tất cả những cái kia lại, sợi mây trên trời và sợi bông trong trái bông vải, hình dáng khum khum của nải chuối và bàn tay mũm mĩm của các em, con tép dưới biển và tép bưởi trắng; màu đỏ chói mà lại mát rượi của hoa râm bụt, và hình dáng chiếc ô che nắng ngày hèđều là dấu vết, là thành quả cuộc đấu tranh của con người. Mỗi lần con người lấy thiện thắng ác, trung hiếu thắng sự bạc nghĩa, vô ơn; tình thương thắng hận thù, sự quên mình thắng thói ích kỉ, sự siêng năng thắng thói lười nhác… thì y như rằng một loại hoa đẹp, một thứ quả lạ ra đời... Quả là một lí thuyết mới của Phạm Hổ về nguồn gốc muôn loài quanh ta.

Phạm Hổ luôn yêu và mê say công việc của mình, cả đời luôn tâm niệm:

Tôi làm những bài thơ nho nhỏ

Như những hòn bi xanh đỏ các em chơi

Như những quả quýt, quả na

Các em tay bóc vỏ, miệng cười…

Lòng yêu trẻ thơ, yêu con người, cuộc sống, cùng năng lực làm việc bền bỉ, trí tưởng dồi dào, phong phú là thế mạnh, giúp nhà thơ Phạm Hổ không ngừng tìm tòi và sáng tạo cho đối tượng trẻ thơ.

Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn sinh ngày 2/2/1949, nguyên quán huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Công tác tại báo Tiền phong Chủ nhật. Trong mảng thơ cho thiếu nhi, ông bộc lộ tài năng đặc biệt, gây ấn tượng cho người đọc với nhiều hình ảnh thơ độc đáo, thi vị. Như trong bài thơ Con vện, phần sinh động nhất của chú chó là ở cái đuôi và chọn mỗi cái đuôi để vẽ cả con chó chính là tài nghệ của Nguyễn Hoàng Sơn:

Nhưng mà ngộ nhất

Là lúc nó vui

Chẳng cần nhếch mép

Nó cười bằng đuôi!

Đọc truyện thơ Nguyễn Hoàng Sơn, truyện Túi chín gang có cốt truyện quen thuộc mà vẫn cuốn hút độc giả. Và ông cũng rất hóm hỉnh khi kể chuyện Bác rùa bay. Bác rùa già nằm phơi mai trên một cái gò đất giữa hồ, lúc mùa thu đang về từ khắp mọi ngả. Mùa thu trong mắt bác rùa mới hùng vĩ làm sao: Nắng như có vàng bay, nét núi thanh như vẽ

Mùa thu đẹp, bát ngát, mênh mông thế nên rùa muốn ngao du. Rùa vốn chậm chạm, còn nhiều vùng đất rùa chưa đến. Hai chú ngỗng trời tình nguyện làm những người bạn tốt bụng kéo rùa chu du, chỉ cần rùa ngậm chặt sợi dây:

Cả ba ta cùng bay

Mà chỉ cần bốn cánh

Trên cao chín tầng mây

Bác tha hồ ngắm cảnh

Thế là bác rùa già mọc cánh bay được lên vũ trụ, nhờ bốn cánh của hai ngỗng trời. Núi sông, gấm vóc trải ra dưới mắt rùa. Nhà thơ thật tài hoa khi tả cái nhìn xuống từ trên độ cao của rùa: đò trên sông được tả là một chấm đò:

Đồng bằng tiếp núi đồi

Xanh non rồi xanh đậm

Sông đổ ra biển khơi

Một chấm đò lơ lửng

Tiếc rằng bác rùa đã được bay lên trời, mà vẫn không thể im lặng, trước lời khích bác của đám trẻ chăn trâu, chúng không tin bác rùa biết bay: Ô kìa trên trời cao – Ngỗng tha con rùa chết. Ức vô cùng là chúng lại còn cho rằng: Rùa nào rùa biết bay – Đến bò còn chẳng nổi. Thế là không thể nhịn được, bác há mồm quát to. Vậy là từ chìn tầng mây, bác rùa đã rơi như một hòn đá. Cái mai già đeo những vết vỡ theo bác rùa cho đến tận hôm nay.

Cũng kể về chuyến đi, Nguyễn Hoàng Sơn còn có truyện thơ Một cuộc du lịch rất thú vị. Cô em họ cá biển viết thư mời chị cá sông ra thăm quê mình, lại còn vạch ra một kế hoạch đi chơi, thưởng thức bao món ngon vật lạ:

Biển có nhiều rong ngọt

Tha hồ bà chị xơi

Biển đẹp ơi là đẹp

Chị em mình đi chơi.

Vậy là cô cá sông nổi máu giang hồ, quyết lên đường, càng đi càng thấy xa. Hết nước ngọt rồi đến nước mặn. Cá sông lo lắng, bơi vào bờ hỏi thăm chú còng gió. Mà còng thì cũng chỉ quanh quẩn: Vầy cát trước cửa hang, nào đã biết biển ra sao. Thế là chú ta cà khịa:

Ra biển thăm em họ

Ôi chị điên thật rồi

Biển chỉ là cái chảo

Suốt đêm ngày sục sôi.

Đến khi chú hăm he:

Nước biển là nước mắm

Tất nhiên mặn ra trò

Chị mà về dưới ấy

Lập tức thành cá kho!

Thế là cô cá sông nhà mình khiếp vía dựng hết cả vây lên, rồi: Vẫy đuôi đằng sau quay. Vốn nhút nhát quanh quẩn ruộng đồng nên cả đời cô chẳng bao giờ biết biển. Thật buồn cười khi đọc đoạn thơ này.

Thơ Nguyễn Hoàng Sơn thật tuyệt với những phát hiện mới mẻ và những liên tưởng thông minh.

Đỗ Vinh, nhà thơ – thầy giáo. Sinh năm 1940 tại Bắc Giang. Ông làm thơ, dạy học ở vùng Kinh Bắc, nơi con sông Cầu chảy lon ton, sông Cầu biết nu na, nu nống như trong thơ ông viết. Tập thơ Kéo cưa… lừa xẻ được Hội Nhà văn xuất bản 2006 là tập thơ rất thành công, đầy ắp chất hồn nhiên, non mởn cái nhìn ngây thơ con trẻ, gây ấn tượng thú vị cho cả người lớn.

Đừng cưa vào hạt/ mẹ đang gieo mùa/ chớ cưa vào cột/ cha còn đi xa/ Ai cưa cánh diều/ gió phạt đứt dây/ người nào cưa cày/ bị sừng trâu húc/ Cưa đôi hạt đỗ/ để bà thổi xôi/ xẻ tư tấm bánh/ luộc lên xanh nồi. (Kéo cưa lừa xẻ).

Hình ảnh “cây đa” trên mặt trăng đã quá quen thuộc trong thơ ca và truyện kể nhưng khi vào thơ Đỗ Vinh nó lại mang một ý nghĩa mới: Cây đa trung thu không nói dối/ lá đa xanh khắp địa cầu/ tha hồ gấp những bầy trâu/ vạn triệu bầy trâu trung thu vằng vặc/ cho tất cả trẻ em cưỡi đi trên cánh đồng địa cầu (Trung thu).

Nhìn đàn gà tre anh thấy: Như giọt mực không nhoè lên trang vườn trắng xoá (Niềm vui em thả). Trông con cua tám cẳng hai càng nhà thơ lại “lý sự” theo kiểu trẻ con: Một chân không chạy kịp nắng mưa/ cua phải có hai càng và tám cẳng/ bốn cho mưa bốn chia đều cho nắng/ nắng mưa chạy đua cùng tám cẳng hai càng (Tám cẳng hai càng).

Từ cảnh chiều đồng quê quen thuộc với những chú bé cưỡi trâu về nhà cuối ngày, Đỗ Vinh đã vẽ nên một bức tranh thật đẹp và lạ: Cuối ngày đủng đỉnh trâu về/ cưỡi trâu cưỡi cả con đê cỏ vàng/ Hai sừng đã chạm cổng làng/ Bốn chân bì bõm chưa sang khỏi chiều/ Cái đuôi sau rốt vòng vèo/ còn vung vẩy nốt chút heo may đồng. (Đồng chiều).

Bài thơ vừa có chất thơ, vừa có chất hoạ. Chất hoạ ít nét, kiệm màu, còn chất thơ lại lung linh, huyền ảo. Cái ảo giác được tạo ra bởi những liên tưởng kỳ lạ, bất ngờ. Gam màu vàng trùm lên cảnh vật, chi tiết. Có thể là màu vàng của cỏ trên đê, có thể là màu vàng nhạt nắng trước ánh chiều sắp tắt trên cánh đồng. Âm thanh, sắc màu, tiết trời của thôn mạc, của đồng chiều chút ẩn chút hiện… như được tụ lại ở hình ảnh chú bé cưỡi trâu. Thơ Đỗ Vinh đã làm được nhiều điều kỳ diệu.

Qua đây ta hiểu rằng làm thơ cho các em thật không dễ. Phải lạ và hồn nhiên là yêu cầu thứ nhất.Từ những cảnh vật, những sự việc quen thuộc của cuộc sống, người làm thơ phải biết làm “lạ hoá” nó đi, cho thật ngộ nghĩnh và lung linh mới hấp dẫn được trẻ em.

Có thể nói những cây bút dành cả đời đeo đuổi “thể loại bé” này như Võ Quảng, Phạm Hổ, Nguyễn Hoàng Sơn, Đỗ Vinh… đều là những cây bút chuyên tâm, vốn không nhiều. Và ở họ luôn rạng ngời một tấm lòng cùng bao bút lực.

Bài viết xin được nhắc nhớ và tri ân những tấm lòng luôn hướng về đàn cháu nhỏ.

Huỳnh Diệu

Nguồn: Toquoc

—————————

Tài liệu tham khảo

1. Vân Thanh, 2000: Văn học thiếu nhi như tôi được biết, NXB Kim Đồng.

2. Vân Thanh (Biên soạn), 2006: Tác giả văn học thiếu nhi Việt Nam, NXB Tự điển Bách khoa Hà Nội

Bài viết về các tác giả Võ Quảng, Phạm Hổ, Nguyễn Hoàng Sơn, Đỗ Vinh…

Exit mobile version