Thanh Thảo
Mỗi nhà thơ Việt, dù ở đâu, đều có “khoảng trời riêng” của mình. Thơ đề cao cái riêng biệt, thậm chí, cái độc nhất. Và nhà thơ cũng hay ngạo nghễ, như Xuân Diệu từng viết: “Ta là Một, là Riêng, là Thứ nhất”.
Nhà thơ Thanh Thảo
Cũng là nói cho vui thôi, chứ thơ trên cả thế giới này ngày càng ít người đọc, dù người làm thơ thì “tăng theo cấp số nhân”. Còn nhà thơ thì hầu hết cũng nghèo nghèo vậy, mấy ai là “đại gia” giàu có đâu. Mà “đại gia” là cái gì, tôi nghĩ các nhà thơ đều rất ít quan tâm.
Nhưng những nhà thơ Việt, dù ở trong nước hay ở hải ngoại, có thể cùng đều có những nỗi khổ tâm giống nhau, đều mong có những niềm an ủi giống nhau. Sự cô đơn, sinh kế, những quan hệ, tình yêu, hy vọng và thất vọng, những câu thơ viết trong thầm lặng… Tất cả làm nên đời sống của một nhà thơ, dù họ sống ở đâu. Ở nước ngoài thì lại càng dễ buồn, vì phải sống xa quê hương, đất nước.
Theo như tôi được trải nghiệm, thì mỗi cuộc gặp gỡ giữa nhà thơ Việt trong nước và nhà thơ Việt hải ngoại đều mang lại niềm vui cho tất cả. Cách đây nhiều năm, từ Canada, nhà thơ Nguyễn Đức Tùng đã làm một serie bài phỏng vấn các nhà thơ Việt trong nước và hải ngoại, và hai lần phỏng vấn với hai tiêu đề chung rất có ý nghĩa. Tiêu đề thứ nhất là “Thơ đến từ đâu?” và tiêu đề thứ hai là “Mừng vui còn có hôm nay”. Tôi có tham gia cả hai cuộc phỏng vấn và “hội luận” này, và tôi nhận thấy tràn đầy một sự cảm thông, chia sẻ, yêu thương giữa các nhà thơ Việt trong nước và hải ngoại. Bây giờ, thỉnh thoảng được đọc những bài thơ của các nhà thơ Việt hải ngoại ở các độ tuổi khác nhau, tôi đều cảm thông và chia sẻ được, dù nhiều bài thơ ấy rất buồn. Nhưng rồi đọc lại thơ trong nước, kể cả thơ mình, tôi thấy còn… buồn hơn. Nỗi buồn gần như một đặc chất của thơ trên khắp thế giới này, chứ không riêng của Việt Nam. Nhưng ở Việt Nam thì buồn hơn, có lẽ vì số phận dân tộc mình, đất nước mình nó nhiều ngang trái quá chăng? Nhưng chính cũng từ trong nỗi buồn được thể hiện qua thơ ấy, mà các nhà thơ gặp nhau, đọc nhau, chia sẻ với nhau. Tôi thấy không có bất cứ một rào cản nào giữa những nhà thơ Việt với nhau, dù họ ở bất cứ đâu. Bây giờ, nếu trong nội bộ các nhà thơ, mà nói “các nhà thơ Việt cần hòa giải với nhau”, thì tôi thấy không thực tế. Vì không có gì giống như sự căng thẳng, đối lập, đối chọi hay nhẹ nhàng hơn, là “không nhìn mặt nhau” ở đây cả. Bởi ở khoảng thời gian sau chiến tranh, nếu những nhà thơ Việt phải rời bỏ quê hương ra định cư ở nước ngoài mà phải chịu khốn khổ vất vả mười, thì nhà thơ Việt trong nước, kể cả những nhà thơ “Việt cộng” cũng khổ tới tám, chín. Có khi, chính nỗi khổ cũng đưa chúng ta lại gần nhau, dù mỗi người là một số phận. Chiến tranh đã xảy ra, đã chia rẽ người Việt một cách xót xa, nhưng chiến tranh rồi cũng đã kết thúc. Chúng ta, cuối cùng, cũng chỉ có một đất nước Việt Nam để mà yêu thương, chỉ có một đồng bào Việt Nam để mà đùm bọc, một quê hương nơi mồ mả tổ tiên ông bà còn đó để mà đi về… Đời sống hiện đại bây giờ nhiều khi như tách chúng ta ra khỏi những vùng trời quen thuộc ấy, nhưng nói là xóa sạch trong ký ức chúng ta thì không bao giờ.
Những nhà thơ, bằng đức khoan dung, lòng vị tha vốn có của mình, có thể “đi trước một bước” trong công cuộc hòa giải hòa hợp dân tộc cần rất nhiều lòng yêu thương và thời gian, nhưng cũng vô cùng khó khăn này. Nhưng người Việt Nam vốn là một dân tộc vượt khó, một dân tộc có khả năng hóa giải những hận thù từ cả hai phía. Tôi là người kháng chiến cũ, quê hương tôi từng đã có một vụ thảm sát Sơn Mỹ (còn gọi là Mỹ Lai) chấn động thế giới do quân đội Mỹ gây ra. Quê hương tôi cũng còn chịu những vụ thảm sát kinh hoàng do quân đội Hàn Quốc (còn gọi là quân đội Nam Triều Tiên) gây ra. Tất cả những vụ thảm sát ấy đều đã có số năm cán mốc nửa thế kỷ. Nhưng người dân quê hương tôi ở những nơi hứng chịu thảm sát ấy, bây giờ họ đã nghiến răng khép lại quá khứ. Chính vì họ nghĩ đến tương lai cho con cháu mình, họ không muốn hận thù kéo dài mãi. Dù họ không bao giờ quên. Tôi nói như thế để thấy, từ phía nào cũng có những khó khăn, thậm chí những gay gắt, khi muốn hòa giải và hòa hợp. Cũng đừng nghĩ vì người Việt Nam bây giờ thấy Mỹ giàu quá nên thích “theo Mỹ”. Không đơn giản như thế đâu. Nhưng người Việt Nam chúng ta, luôn muốn được sống an vui, thanh thản. Còn ai hơn các nhà thơ trong sứ mệnh ngợi ca và cổ vũ lối sống đầy nhân văn và rất văn minh này của người Việt Nam mình!
Vậy nên dù thế nào, tôi vẫn tin vào những điều tốt đẹp, những điều nhân ái đúng như truyền thống ông bà xưa của chúng ta vẫn tin. Và tôi nghĩ các nhà thơ Việt trong nước và hải ngoại cũng có niềm tin như vậy. Tin một cách chân thành. Chính niềm tin ấy là sức mạnh hòa giải những người Việt chúng ta. Bởi chúng ta đang sống trong một thế giới không an ổn, một thế giới còn đầy bạo lực và nguy cơ chiến tranh.
Nguồn Văn nghệ số 42/2017
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài