Tôi ấn tượng mãi với phát biểu của nhà văn Mohamed Salmawy đến từ đất nước Ai Cập: “Nếu văn chương và thơ ca đến được với nhiều người hơn thì thế giới luôn hòa bình, tình yêu con người sẽ gắn kết hơn”. Qua giáo sư, dịch giả Chúc Ngưỡng Tu cùng những trang dịch của ông, người dân Trung Quốc sẽ hiểu thêm về: “Văn học Việt Nam là nền văn học yêu nước, thương dân, yêu chuộng hòa bình”…

Nhà thơ Alex Pausides-Tây Ban Nha giới thiệu về tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thơ ca Việt Nam đã được tiếp sức qua những dịch giả, nhà thơ trong và ngoài nước. Họ tạo cầu nối gắn kết giữa các dân tộc, màu da, ngôn ngữ khác nhau với nhiều tác phẩm thơ ca Việt Nam của các tác giả như: Đại thi hào Nguyễn Du, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chế Lan Viên, Tố Hữu, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan… Hàng chục đầu sách của giáo sư, dịch giả Chúc Ngưỡng Tu trong nhiều thập kỷ qua đã giúp bạn đọc Trung Quốc hiểu về đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình. Những đóng góp to lớn của ông đã được nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: “Giáo sư Chúc Ngưỡng Tu đã dịch một cách cơ bản, toàn bộ di sản thơ ca của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều công trình khảo luận, nghiên cứu bình luận về giá trị thơ ca Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng Trung Quốc. Mới đây, giáo sư cũng vừa giới thiệu với độc giả Trung Quốc tác phẩm dịch của nhà phê bình Lê Xuân Đức về “Giá trị thơ ca Hồ Chí Minh”. Là người giảng dạy tiếng Việt và văn học Việt Nam lâu năm tại Trường Đại học Nam Kinh, ông là người có công to lớn trong quảng bá vẻ đẹp thơ ca Việt Nam đến với đất nước, người dân Trung Quốc.

Thơ ca chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của con người, thơ ca nuôi dưỡng tâm hồn con người, tôn vinh cái đẹp. Thơ ca vươn đến giá trị chân, thiện, mỹ của con người và nhân loại. Không chỉ thu hẹp trong ngôn ngữ, dân tộc mà thơ ca đã lan tỏa và tiếp nhận, cất lên tiếng nói khát vọng hòa bình… Đến từ đất nước Ba Lan, nhà thơ Pawel Kubiak, đồng tác giả với nhà thơ, dịch giả Lâm Quang Mỹ có tác phẩm dịch “Thơ Việt Nam 1000 năm”, từ Lý Thường Kiệt đến Tú Xương. Tập thơ đã giành được sự chú ý của bạn yêu thơ ở Ba Lan. Nhà thơ Pawel Kubiak chia sẻ về tác phẩm này: “Đó là tác phẩm có vẻ đẹp kỳ diệu về tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên, yêu chuộng hòa bình mà chúng tôi cần giới thiệu đến độc giả đất nước tôi. Sắp tới đây chúng tôi sẽ dịch một tập thơ mới, viết về con người, thiên nhiên, về những con người yêu chuộng hòa bình, yêu lẽ phải để giới thiệu với độc giả Ba Lan về đất nước Việt Nam tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa qua thơ ca”.

Nhà văn Mohamed Salmawy, Tổng thư ký Hội Nhà văn Á-Phi, Chủ tịch Hội Nhà văn Ai Cập, người từng đọc rất nhiều tác phẩm văn học Việt Nam, trong đó có tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh xúc động chia sẻ: “Khi mà điều tuyệt vời đã đến thì chúng ta không thể nói gì hơn nữa. Thơ ca đã mang đến cho chúng ta những điều tuyệt vời nhất và nó sẽ hóa giải mọi khó khăn… Những giây phút tình cảm và lòng hiếu khách, tình yêu thơ ca của các bạn đã để lại cho chúng tôi những tình cảm không bao giờ quên được trong trái tim mình”.

Đoàn nhà thơ quốc tế thả những cánh chim hòa bình.

Trải lòng với vẻ đẹp của thơ ca, nhà văn Mohamed Salmawy nhấn mạnh: “Việt Nam đã trở thành cái tên nổi tiếng quen thuộc, là tấm gương mà nhân dân thế giới biết đến qua các cuộc chiến tranh, sự phát triển và còn là tình đoàn kết, nền văn hóa đặc sắc, lòng yêu chuộng hòa bình. Điều đó đã đọng lại trong chúng tôi rất sâu sắc về nền văn hóa của các bạn”… Còn nhà thơ Alex Pausides, người đã dày công sưu tầm, biên dịch và giới thiệu các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng Tây Ban Nha chia sẻ: “Tình yêu và khát vọng tự do trong thơ Hồ Chí Minh mang tầm nhân loại và rất tuyệt vời, nên tôi đã làm điều đó để giới thiệu đến đất nước mình”.

Thơ ca luôn có sức cảm hóa kỳ diệu, mỗi nhà thơ, mỗi dịch giả là những đại sứ hòa bình. Tình yêu và tâm hồn họ luôn lan tỏa đến thế giới và nhân loại. Cảm xúc của họ thật gần nhau qua những câu thơ chung một khát vọng, một tình yêu tha thiết với con người, cuộc sống và cái đẹp: “Ta bước đến em hy vọng từ ánh sáng/Đời có thịt xương hy vọng đã căng tràn (Paul Eluard); Tình yêu mênh mang không cần thốt lên lời/Ký ức tràn đầy tìm những miền sâu câm lặng (Kahlil Giran); Như ngón tay chúng ta, những chiếc lá non run rẩy/Hòn đất dính vào hòn đất biết bao tình (Attila Jozsef);Phải là cây nhắc mình đây/Ta già mà vẫn nở đầy những hoa (Bế Kiến Quốc)…

Những câu thơ thật gần tấm lòng yêu thương, giá trị của cái đẹp. Cái đẹp của tình yêu đôi lứa, yêu thiên nhiên, yêu nhân loại mà tâm hồn con người luôn tự nó hấp thụ, tiếp nhận. Đó là điều kỳ diệu mà chỉ có thơ ca mới cảm hóa được lòng người.

Thơ ca lan tỏa tình yêu con người và kết nối để mỗi quốc gia, dân tộc xích lại gần nhau hơn, vì một thế giới hòa bình, hạnh phúc của nhân loại và phát triển. Với hàng triệu bản, hàng trăm ngàn tác phẩm văn học của nhân loại được chuyển ngữ qua lại giữa các quốc gia, dân tộc, vùng lãnh thổ, tạo cầu nối với độc giả thế giới. Thơ ca đã xóa nhòa mọi khoảng cách địa lý, màu da, sắc tộc để cất lên lan tỏa khúc tráng ca hòa bình cho nhân loại…

Bài và ảnh: VĂN HẠNH (Quân đội nhân dân cuối tuần)