Hồ Sĩ Vịnh

Trong thơ ca, nghệ thuật thế giới từ thời cổ đại cho đến thế kỷ chúng ta, tôn giáo dù đã trải qua nhiều cải cách, đã được các nhà văn hóa chiêm nghiệm, phát ngôn khác nhau, vẫn còn lại là tính nhân văn – nguồn cảm hứng vô tận cho nhiều văn nhân, nghệ sĩ tài ba.
Và chính họ đã để lại cho đời những tác phẩm bất hủ khi bàn về tôn giáo, hoặc vay mượn đề tài tôn giáo. Bài viết này chỉ dừng lại minh chứng cho hai tôn giáo lớn là Thiên chúa giáo(1) và Phật giáo, được coi là bạn đồng hành của con người.

Kinh thánh và con người

 

Kinh thánh bao gồm hai tập kinh: Cựu ước và Tân ước. Đó là những lời rao giảng cao cả, thiêng liêng, chứa đựng nhiều bí ẩn, truyền thuyết, huyền thoại, nhưng cũng có những trang đầy nhân văn khi bàn đến con người và thế giới người qua các thời đại. Đúng như Lời nói đầu giới thiệu cuốn Chuyện kinh Thánh của nữ văn hào Pearl Buck, người được giải Nobel văn chương năm 1938: “Đây là bộ sách đầy minh triết, làm gia tăng cảm quan đạo đức và không kém phần thi vị. Ẩn trong lối hành văn chân chất và cảm động của bà, người đọc thấy lấp lánh nét tinh anh của một tâm hồn nhân ái, đoàn kết tôn giáo, tôn trọng nữ quyền, yêu thương mọi chủng tộc, tha thiết về môi trường sống”(2). La Mã cổ đại là kinh đô của Thiên chúa giáo. Tổ chức hành chính là hình mẫu cho cơ cấu giáo hội. Tôn giáo La Mã là xu hướng tín ngưỡng của một thị quốc nông nghiệp. Dân chúng tôn vinh, sùng bái Thần đồng, Thần rừng, Thần nhà… Về sau, dân chúng đã La Mã hóa những vị thần Hy Lạp cổ đại như Thần Zeus trở thành Thần Jupiter, Thần Poseidon trở thành Thần Nepture, v.v…

 

Các nhà tri thức chia thành hai phái: Phái hưởng lạc và phái khắc kỷ. Trong trường ca De Rerum Nature, khi luận về tính chất của mọi vật đã nhắc lại hai học thuyết trên, trên cơ sở luận điểm duy vật để giải thích sự sống; thể xác là linh hồn của con người chỉ là tổ hợp nguyên tử tạm thời sẽ tan biến với cái chết là giấc ngủ vô tận. Ngay cả thuyết hưởng lạc và khắc kỷ đều cao xa và nhẫn nhục, nên không mang lại tình thương và sự an ủi cho con người. Để tìm hy vọng vào sự cứu rỗi, họ hướng về tôn giáo huyền bí phương Đông, và Kitô giáo vào cuối thời đế quốc. Cùng với thơ, văn của Lucretius, thơ trữ tình của Cattulux, văn xuôi của Cicéro và César đánh dấu thời kỳ nảy nở của văn chương La Mã với lối hành văn sáng sủa, mạch lạc của César trong tác phẩm Pháp chinh ký luận; giọng văn hùng hồn của Cicéro. Dưới thời kỳ huy hoàng của triều vua Auguste xuất hiện nhà thơ Virgile, với thi pháp sáng tác mô phỏng thi ca về đồng nội của Hy Lạp, miêu tả và ca ngợi đời sống thôn dã, khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Horace trầm mặc, văn phong linh động và dồi dào cảm xúc qua những bài thơ ngắn ca ngợi thú điền viên và đức tính điều độ. Còn Ovide quan tâm đề tài thiên nhiên, những vị Thần biến hóa thành chim muông, cây cỏ theo huyền sử Hy Lạp. Về sau văn chương có xu hướng phản ánh sự bất mãn trước cảnh sa đọa và sự thối nát của chính trường La Mã. Vào thế kỷ V quốc gia La Mã không còn tồn tại ở phương Tây, nhưng ảnh hưởng của Thiên chúa giáo đã lan sang các nước Tây Âu như: Italia, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và cả nước Anh bề thế.

 

Trên khắp châu Âu, từ thế kỷ XV trở đi, giáo hội Thiên chúa giáo được cải cách một bước đáng trọng, vì nó gắn với con người và đạo lý làm người… Thiên chúa giáo cũng như mọi tôn giáo là lĩnh vực ý thức văn hóa dưới thời trung cổ, đặc biệt là thời kỳ phục hưng và thế kỷ ánh sáng, các nghệ sĩ kiến trúc, điêu khắc hội họa đã thiết kế, nặn, khắc, vẽ những tác phẩm nghệ thuật, những mô típ trong truyền thuyết thời cổ đại Hy Lạp xuất phát từ cảm hứng vinh danh Chúa và lòng say mê nghệ thuật. Chính họ đã sáng tạo nên những công trình văn hóa đồ sộ, những hình tượng, những chân dung các vị Thánh, họa phẩm, phù điêu, cửa sổ dán kính màu, những bản Thánh ca, âm nhạc giáo đường, v.v… không chỉ tôn vẻ đẹp của các thiết chế văn hóa – tôn giáo, mà còn có ý nghĩa nhân văn, nhân đạo gắn liền với đời sống con người, dù họ ở dưới chính thể nào.

 

Triết lý phật giáo và đạo đức học nhân bản

 

Đọc Kinh Phật, các nhà nghiên cứu đã khái quát nội dung hai thuyết lớn là tứ diệu đế và thập nhị nhân duyên. Tứ diệu đế là: Khổ, tập, diệt, đạo có nghĩa: Đời là bể khổ; nguồn gốc của sự khổ là dục vọng (tập); phải làm mất nguyên nhân sinh ra khổ (diệt); con đường dẫn đến giải thoát mọi nỗi khổ (đạo). Cách giải thích “tứ diệu đế” còn có chỗ huyền bí, nhưng nói chung từ các bậc đại đức, tăng ni cho đến tín đồ Phật tử, các bậc chân tu đều hiểu rằng, sự khổ đau của con người không chỉ về tâm lý, sinh lý, mà còn có cái khổ lớn nhất là nhiều nguyên nhân xã hội: Nghèo đói, áp bức, chiến tranh, sự phân biệt chủng tộc, thực trạng hủy hoại môi trường. Còn thập nhị nhân duyênlà mười hai nhân duyên: Lão, sinh, hữu, thủ, ái, thụ, xúc, lục nhập, hình danh, thức, hành, vô minh được giải thích theo quy luật sinh học, có thân tất có lão, bệnh, tử; thủ là ý muốn kéo dài cuộc sống đời người; ái, thụ, xúc là những nhân duyên thường có nơi con người; thức là ý nghĩa về bản ngã; hành là làm cho con người hành động; vô minh là thiếu sáng suốt, không biết đúng sai, v.v… đều gắn với đạo đức làm người và thực tiễn xã hội. Bất cứ một tôn giáo nào đều gắn liền với một triết thuyết, muốn truyền bá giáo lý phổ cập và bền vững đều gắn liền với điều kiện lịch sử và thực tiễn xã hội đạo đức con người. Không phải ngẫu nhiên mà nhà triết học thông thái người Đức P. Neitzche đã đề cao tính nhân văn của giáo lý nhà Phật: “Phật giáo trăm lần thực tế hơn Thiên chúa giáo… Phật giáo không kích động người ta làm chiến tranh chống lại các tôn giáo khác. Điều cảm động nhất là ở chỗ, giáo lý nhà Phật chỉ chống lại tư tưởng phục thù, hằn học, oán ghét”(3). Đến cửa Phật hay “tu tại gia”, người dân, tín đồ chỉ biết cầu phúc, cầu an, chuyện quả báo luân hồi, từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn, tu nhân tích đức kiếp này để hưởng hạnh phúc kiếp sau. Chân lý của Phật giáo là bàn việc Thiện, việc Đức không vụ lợi, là chân, thiện, mỹ.

 

Lần theo lịch sử quốc học, các dấu son trong thơ ca nghệ thuật dân tộc của nhiều thế kỷ, chúng ta biết rằng, Phật giáo là bạn đồng hành của dân tộc, là nguồn cảm hứng sáng tạo của nhiều văn nghệ sĩ. Dưới thời Lý – Trần có một dòng thơ ca được các nhà sư chịu ảnh hưởng triết học Phật giáo. Nhiều bài thơ, bài kệ như Hư không của Đạo Hạnh, Nguyên Hòa, Thủy Chung của Khuông Việt, Thủy hỏa của Huệ sinh, Tâm không của Viên Chiểu, Sinh, lão, bệnh, tử của Lý Ngọc Kiều, Chân tính của Hứa Đại Xá, v.v… mang đậm triết lý sắc – không – Đề tài thiên nhiên cũng có dấu ấn giáo lý nhà Phật. Tác giả một bức tranh quê cũng được sáng tác bằng văn phong biện chứng thực – hư, vô – hữu. Tính biện chứng thường đưa lại tâm trạng lạc quan có giá trị nhân sinh, có ích cho nhân tâm thế đạo. Ví dụ: Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên/ Bán vô bán hữu tịch dương biên/ Mục đồng địch lý quy ngưu tận/ Bạch lộ song song phi hạ điền (Dịch nghĩa: Xóm trước, thôn sau, tựa khói hồng/ Bóng chiều dường có, lại dường không/ Mục đồng, sáo vẳng, trầu về hết/ Cò trắng từng đôi hạ xuống đồng..).

 

Dưới thời Trần, các nghệ sĩ đã chỉnh lý nhiều huyền thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, các điệu múa dân gian theo tinh thần Phật giáo. Thần Man Nương từ trước được coi là vị Thần thiên nhiên (Thờ Đá), một hiện tượng về khát vọng sức sống của con người, của nghề nông đã biến thành vị Phật, có điện thờ phiến Đá được gọi Thạch Quang Phật, cô Tấm trong truyện Tấm Cám biến thành Nàng Ỷ Lan sùng Phật, về sau biến thành Phật Quan Âm; Bà mẹ Thánh Gióng trở thành Phật bà. Nghệ thuật chèo lúc sơ khai là hát cửa đình, về sau thành chèo nhà Phật; bài hát cửa đền thờ Hùng Vương được “Phật hóa” thành điệu Lý Liên dâng sen cho Đức Phật, v.v… Tất cả những hiện tượng tâm linh đó khi đi vào lòng dân đã biến thành sức sống, nhu cầu, hoài vọng của Phật tử để cứu giúp con người tai qua, nạn khỏi (cầu phúc), ban lộc cho người lương thiện (tục hái lộc đầu xuân), cứu độ cho linh hồn người chết được siêu thoát (cầu siêu), v.v…

 

Vào thế kỷ XV, trong văn chương của đại thi hào Nguyễn Trãi, bên cạnh cảm hứng bi hùng, hào sảng về đại thắng oanh liệt quân xâm lược, chúng ta còn được đọc những bài thơ về Cửa Thần, đất Phật. Bài thơ Chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử, vua Trần Nhân Tông ở đó thờ Phật chính là vị Trúc Lâm đệ nhất Tổ. Bài Thơ tặng Đạo Khiêm về ở núi, Tức hứng đều là những thắng cảnh “thi trung hữu họa” của Ức Trai nơi chốn Phật đài thanh tịnh.

 

Ở thế kỷ XX, cảm hứng sáng tạo bắt nguồn từ giáo lý Phật có thể kể nhiều. Nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu (1867-1940) trong những năm hoạt động ở Trung Quốc đã viết ba truyện về anh hùng, liệt sĩ của cách mạng Việt Nam, trong đó có tấm gương lẫm liệt: Tước Thái Thiền sư (nhà sư ăn rau) tên là Trần Thiện Quang – một con người hành động, dám xoay chuyển càn khôn, vượt qua hiểm nguy để mưu đồ sự nghiệp dân tộc.

 

Gần với chúng ta, một số nhà thơ trong đó có những nhà thơ của phong trào Thơ Mới đã có tuy không nhiều, nhưng là những bài thơ tức cảnh, mượn bầu trời cảnh bụt để nói lên tâm trạng của mình đối với cõi đời, con người, thiên nhiên: Chu Mạnh Trinh (1862-1905) với Hương Sơn phong cảnh ca, Nguyễn Nhược Pháp viết Chùa Hương, Nam Trân có Chùa Thiên Mụ, J.Leiba (Lê Văn Bái) trong Bên Giác, v.v… là những ví dụ. Nhiều tác phẩm của các văn nghệ sĩ hiện đại tìm nguồn cảm hứng từ đức tín từ bi, cứu khổ, cứu nạn, có thể kể: Quan âm thị kính, Từ Thức(sáng tác và chỉnh lý tập thể), Ni cô Đàm Vân của Học Phi, Sư già và em bé của Kính Dân, Mười tám vị La Hán chùa Tây Phương của Huy Cận, v.v… Phật giáo là niềm tin thiêng liêng, là một hình thái văn hóa có yếu tố cao siêu, trí tuệ, nhưng khi đi vào đời sống nhân dân và lợi ích của dân tộc thì cái thiêng và cái tục, cái đạo và cái đời, duy lý và duy cảm đều hướng tới cái thiện, cái mỹ.

 

Triết lý nhập thế với mục tiêu đạo lý cao cả và con người của hai tôn giáo nói trên là: Gắn bó với dân tộc, với tôn giáo qua phương châm: “Tốt đời đẹp đạo”, “kính chúa yêu nước”, “đạo pháp dân tộc và chủ nghĩa xã hội” đã góp phần vào phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tạo nên sự đoàn kết cộng đồng dân cư, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và Đức Tin chân chính và hạnh phúc của con người hôm nay. Trong tác phẩm Bút ký triết học, V.I.Lenin có nói rằng: Tôn giáo được sinh ra trong thời kỳ ấu thơ của loài người, do con người tưởng tượng ra Thần Thánh, siêu nhiên để hỗ trợ cho sự sống của mình. Cho nên về bản chất tôn giáo là xu hướng tích cực: Đạo đức, Niềm tin, Văn hóa.

 

_______________________

 

(1)Thiên chúa giáo còn gọi là đạo Kitô hay Công giáo.

(2)Người dịch và giới thiệu: Nguyễn Ước, Nxb. Văn học, 2001.

(3)Dẫn theo Trần Văn Giàu: Sự phát triển tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, tập I, tr. 475, Nxb. KHXH, 1973.

Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài