Dường như trong mỗi thời kì xã hội có sự biến động mạnh mẽ thì vấn đề “trung tâm – ngoại biên” lại được đặt ra. Hiện tượng văn hóa văn học chiếm vị trí trung tâm là hiện tượng được phần lớn xã hội ủng hộ, đông đảo người sáng tạo lẫn người tiếp nhận hưởng ứng, trở thành một thứ “quyền lực” có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng không chỉ đến công chúng, xã hội, mà còn ảnh đến các hiện tượng khác trong một hệ thống, có thể đại diện tiêu biểu cho diện mạo của văn hóa, văn học trong một thời kì lịch sử nhất định.
1. Vấn đề trung tâm – ngoại biên của văn hóa, văn học
Hiện tượng văn hóa văn học ở vị trí ngoại biên/ ngoại vi/ biên duyên là hiện tượng ít người chú ý, phạm vi ảnh hưởng hẹp, bị các tiếng nói khác lấn át, cả người tiếp nhận và sáng tạo đều hạn chế. Cho nên, có thể thấy, vị trí của một hiện tượng văn hóa văn học chịu sự chi phối mạnh mẽ từ phía người tiếp nhận, mà sự hưởng ứng hay lạnh nhạt của người tiếp nhận lại liên quan đến rất nhiều phương diện, trong đó, không chỉ có điều kiện lịch sử xã hội mà còn do chính bản chất của mỗi hiện tượng văn hóa văn học đó. Tất nhiên, trong lịch sử, sự ủng hộ, tác động của chính trị, chính sách nhà nước đến vị trí của mỗi hiện tượng văn hóa văn học cũng không hề nhỏ, thậm chí có lúc những lực lượng này giữ vai trò quyết định đến vị trí của một hiện tượng văn hóa văn học. Trong suốt chiều dài lịch sử, luôn xảy ra sự thay đổi vị trí trung tâm – ngoại biên của các hiện tượng văn hóa văn học, có hiện tượng đi từ trung tâm ra ngoại biên, và ngược lại, có hiện tượng đi từ ngoại biên vào trung tâm, và cũng có hiện tượng cố gắng lấy lại vị trí trung tâm của mình…Chính sự hoán đổi vị trí “trung tâm – ngoại biên” đã tạo ra sự biến động trong kết cấu chỉnh thể của văn hóa văn học trong một giai đoạn lịch sử nhất định.
Ở Trung Quốc từ những năm 90 trở lại đây, có thể nói diễn ra hàng loạt sự hoán ngôi trên rất nhiều lĩnh vực, riêng trong lĩnh vực chính trị xã hội, người Tầu đã phải cảnh báo về nguy cơ hiện nay các giá trị trung tâm của một thời đang dần bị biên duyên hóa[1]. Sự ngoại biên hóa của thơ ca là sự thay đổi về vị trí của một thể loại văn học trong tổng thể bối cảnh văn hóa, văn học, chịu sự chi phối của rất nhiều yếu tố, trong đó có sự chi phối bởi kinh tế xã hội, chính trị, và đặc biệt là sự tiếp nhận của người đọc.
Trung Quốc vốn là đất nước của thơ ca, thời kì trung đại, quốc gia này đã từng có một giai đoạn thơ ca (thơ Đường) phát triển rực rỡ, mà sức ảnh hưởng cũng như sự nổi tiếng của nó mang tầm quốc tế. Vì thế, trong thời kì đương đại, mà cụ thể là từ cuối những năm 80, đầu thập niên 90, thơ ca mất dần vị trí trung tâm trong chỉnh thể văn học và văn hóa thực sự đã gây chấn động lớn, làm bùng nổ những cuộc tranh luận, những bài nghiên cứu kéo dài cho đến tận ngày nay. Bài viết này tập trung trình bày hiện tượng thơ ca đương đại Trung quốc bị ngoại biên hóa, lí giải nguyên nhân nhiều mặt dẫn đến hiện tượng đó, mà chủ yếu là từ góc độ tiếp nhận văn học. Thông qua hiện trạng mất dần vị trí trung tâm của thơ ca đương đại Trung Quốc có thể thấy được số phận của thơ ca nói riêng và văn học nói chung trong chỉnh thể bối cảnh văn hóa, cũng như các nhân tố ảnh hưởng đến vị trí của mỗi loại hình nghệ thuật.
2. Tình cảnh ảm đạm của thơ ca đương đại Trung Quốc
Không cần nói về thời cổ trung đại, chỉ trong thế kỉ 20, giai đoạn trước, ở Trung Quốc tồn tại những động thái để thơ ca có thể bước vào “trung tâm” văn hóa văn học. Những người khởi xướng và thúc đẩy thơ mới thời kì Ngũ Tứ đã dự đoán vị trí quan trọng của thơ mới trong cách mạng xã hội, cách mạng văn hóa, hơn nữa, từ cuối thế kỉ 20, nhà thơ, nhà lí luận, nhà chính trị… đều tích cực tìm đường để thơ ca tham dự vào các phong trào văn hóa xã hội, chẳng hạn như khi phê phán khuynh hướng thơ ca duy mĩ, phê phán sự thoát li hiện thực của nhà thơ, đề xướng bình dân hóa, đại chúng hóa thơ ca, tìm kiếm hình thức dân tộc cho thơ, thúc đẩy thể thức “thơ trữ tình chính trị”, phong trào dân ca mới, trình diễn thơ, thơ hè phố… Những hoạt động đó khiến thơ được đông đảo mọi người ủng hộ, hưởng ứng, trở thành một thứ tiếng nói có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn xã hội. Đến đầu những năm 80 với sự ra đời của phong trào “thơ mông lung”, tuy về hình thái diễn ngôn đã thể hiện phần nào sự xa rời diễn ngôn trung tâm, nhưng từ một góc độ khác, có thể thấy lúc đó bản thân thơ ca là yếu tố cấu thành quan trọng của phong trào xã hội, nó vì thế không hề bị biên duyên hóa.
Đến những năm cuối thập niên 80 đầu thập niên 90, tình hình có nhiều biến đổi. Đây có thể coi là một giai đoạn đặc biệt, giai đoạn xã hội Trung Quốc chuyển mình một cách toàn diện, từ kinh tế bao cấp sang kinh tế trị trường, văn hóa tinh anh nhường vị trí chủ đạo cho văn hóa đại chúng, phương tiện truyền thông đại chúng bùng nổ, kinh tế phát triển mạnh mẽ…Nhà cầm quyền cũng chủ trương để văn học tự do phát triển, hướng trọng tâm vào phát triển kinh tế (Đặng Tiểu Bình trong đại hội nhà văn năm 1979 đã từng phát biểu như vậy). Văn học bị đẩy ra bên lề không gian văn hóa, trong đó, so với các thể loại khác, thì quá trình “biên duyên hóa” của thơ diễn ra mạnh mẽ nhất. Nói về sự ngoại biên hóa của thơ ca chính là nói về việc thơ ca bị đẩy ra bên lề không gian văn hóa xã hội, hệ thống thể loại văn học và trong các trào lưu sáng tác.
Trong không gian văn hóa xã hội, thơ ca mất dần vị trí trung tâm. Nếu như trước kia, thơ ca là tiếng nói chung, có sức hiệu triệu quần chúng, nhà nhà làm thơ, người người đọc thơ, thì trong thời kì này, thơ ca bị xã hội truyền thông, bị người đọc lạnh nhạt. Độc giả của thơ ca giảm sút nghiêm trọng, đẩy thơ ca và sự truyền bá thơ vào không gian hẹp dành cho số ít người. Trong thời kì này, ở Trung Quốc, có một câu cửa miệng là “người làm thơ nhiều hơn người đọc thơ”, vì thế, có lúc, thơ ca bị coi là sản phẩm được tạo ra cho nhà thơ. Thơ ca không chỉ bị công chúng lãng quên mà còn bị cả giới văn học xao nhãng, sức ảnh hưởng của nó suy giảm rõ rệt, nó không còn gây được sự chú ý, thu hút với độc giả. Theo điều tra gần 1vạn sinh viên của 18 trường đại học mấy năm về trước, số người thường xuyên đọc thơ chỉ chiếm có 4.6%, thỉnh thoảng mới đọc thơ chiếm 31.7%, không có cảm hứng với thơ chiếm trên 50%, và trong số những người thường xuyên đọc thơ và thỉnh thoảng đọc thơ thì chưa đến 40% có hứng thú với thơ ca đương đại[2].
Sự ngoại biên hóa, xa rời vị trí trung tâm còn thể hiện trong quan hệ thể loại. Không cần so sánh với văn hóa thời thượng, ngay trong phạm vi “văn học nghiêm túc”, thì địa vị của thơ ca cũng không như ngày xưa. Từng trong rất nhiều thời kì, thơ ca giữ vai rò chủ đạo, nhưng đến cuối thế kỉ 20 khi đánh giá thành tựu văn học, người ta thường chủ yếu chỉ dựa trên tiểu thuyết. Thơ ca trở thành thể loại “có cũng được mà không có cũng không sao”. Ở bậc đại học, ngay cả các giáo sư chuyên sâu về văn học hiện đương đại cũng tỏ ra không hứng thú và không nắm được nhiều về thơ ca những năm 90. Mặc dù thơ ca Trung Quốc vẫn phát triển liên tục với những cố gắng đổi mới, cách tân, từ sau thời kì Cách mạng văn hóa, trường phái Thơ Mông Lung xuất hiện và phát triển rầm rộ như một sự cách tân đổi mới, đến thập niên 90 xuất hiện thơ mới (thơ trẻ), hay còn gọi là “nhà thơ của thế hệ thứ 3”. Thế nhưng, một sự thật không thể phủ nhận là nếu như tác phẩm văn học thuộc các thể loại khác của Trung Quốc có thể vượt ra ngoài biên giới, thì ngược lại, tác phẩm thơ ca đương đại hầu như vắng bóng ở hải ngoại, lấy ngay ở Việt Nam, rất dễ tìm thấy tiểu thuyết, truyện ngắn Trung Quốc đương đại, nhưng khó mà tìm thấy một tập thơ đương đại Trung Quốc được dịch ra tiếng Việt.
Thơ ca bị đẩy ra bên lề không gian văn hóa, văn học cho nên vị trí của nhà thơ cũng giảm sút. Trong bối cảnh kinh tế thị trường khốc liệt, và văn hóa đại chúng lên ngôi, nhà thơ đóng vai trò văn hóa gì? Với tư cách là nhà thơ, trước hết phải là một cá nhân, sau đó mới là thi nhân. Thi nhân không phải là cao quý hơn người thường bao nhiêu, nhưng thi nhân lại phải gánh vác những thứ mà người thường chưa bao giờ phải gánh vác, đó là điều mà chúng ta thường nói: thi nhân là người nói tiếng nói của thời đại, là người người dám nói thật. Thế nhưng, trong thời đại này, liệu thi nhân có thể kiên trì vị trí đó không? Thực tế cho thấy, trước vấn đề mưu sinh, rất nhiều thi nhân đã từ bỏ vai trò của người đại diện, người nói tiếng nói của thời đại, lí tưởng chủ nghĩa đã và đang mất dần, chủ nghĩa lợi ích đã và đang phổ biến khắp nơi. Leslie Fiedler – nhà văn, nhà phê bình người Mĩ gốc Do thái, một trong những nhân vật đi đầu của phê bình văn học hậu hiện đại từng viết: “Nói thật lòng, tiền bạc và nghệ thuật không thể tách rời nhau, vì từ khi tôi toàn tâm muốn làm một nhà văn, thì tôi đã ý thức được, quá trình này là quá trình gắn bó chặt chẽ không thể tách rời với kiếm tiền, chí ít là trong xã hội của chúng tôi là như vậy”[3]. Ở Trung Quốc, cụm từ “nhà thơ chuyên nghiệp” nhanh chóng biến mất khỏi từ điển, vì trong những năm 90, chỉ dựa vào thơ thì không thể sống được, dẫn đến hiện tượng nhà thơ kiêm chức, hoặc viên chức kiêm nhà thơ.
3. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thơ ca đương đại Trung Quốc bị ngoại biên hóa
3.1. Văn hóa đại chúng phát triển mạnh mẽ
Việc thơ ca bị đẩy ra bên lề có nguyên nhân rất lớn là sự bùng nổ của văn hóa đại chúng. Thời điểm phát triển mạnh mẽ của văn hóa đại chúng ở Trung Quốc đã được giới nghiên cứu nước này nghiên cứu rộng rãi và thừa nhận: “Trong bối cảnh chuyển đổi của thể chế kinh tế, xã hội, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông đại chúng, và bối cảnh toàn cầu hóa, Trung Quốc bước vào thời kì văn hóa đại chúng, thứ văn hóa “ăn nhanh”, từ âm nhạc thời thượng, báo chi lá cải, MTV, thi đấu thể thao mang tính kinh doanh, các loại hình quảng cáo, karaoke, disco, đến biểu diễn thời trang, văn học thông tục, văn học cấp 3, các loại tiểu phẩm hài… cơ hồ khiến công chúng hoa cả mắt, từ những năm 80 đến những năm 90 nhanh chóng từ manh nha, phát triển, và dường như đã lũng loạn thị trường văn hóa trung quốc đương đại, chiếm cứ phần lớn không gian sinh hoạt văn hóa của đại chúng.”[4]
Cuối những năm 80, sau khi Trung Quốc đã thực hiện chính sách 10 năm cải cách, kinh tế phát triển mạnh, văn hóa phương Tây không ngừng hóa giải hệ thống giá trị kiên cố của văn hóa truyền thống, hạt nhân của văn hóa tinh anh và tôn nghiêm của tri thức. Vị trí trung tâm một thời của văn hóa tinh anh bị phá hủy triệt để, giá trị căn bản bị giải thể. Văn hóa đại chúng với đặc điểm đơn nhất, sao chép, thông tục hóa, hướng đến chức năng vui chơi giải trí, cùng với sự hỗ trợ của truyền thông, phương tiện nghe nhìn đã tấn công mạnh mẽ vào văn học nói chung và thơ ca nói riêng. Đọc văn là tiếp xúc với những con chữ, hình tượng văn học chỉ có thể hiện lên trong trí tưởng tượng của người đọc. Thơ ca với bản chất hàm súc cao độ, yêu cầu này đặt ra lại càng cao. Trong xã hội mà áp lực của đời sống vật chất mạnh mẽ hơn bao giờ hết, trong khi không khí tiêu dùng bao trùm lên xã hội, khi mà văn hóa thị giác lên ngôi thì loại hình nghệ thuật yêu cầu phải có một lối tiếp nhận thầm lặng và trí tưởng tượng bay bổng đã tự nhiên trở nên lép vế. Văn hóa đại chúng với sự hỗ trợ của phương tiện truyền thông hiện đại mang tính trực quan đã có sức thu hút mạnh mẽ công chúng, nó vừa tạo nên không khí thời đại, vừa thích ứng với thời đại. Văn hóa đại chúng xuất hiện khiến thơ trở nên cô lập, việc đọc thơ bị các loại hình diễn xướng, truyền hình thay thế, hình tượng nhà thơ bị diễn viên, ca sĩ, thậm chí bị nhà báo lá cải nhấn chìm.
Không chỉ xảy ra sự hoán vị giữa văn hóa tinh anh và văn hóa đại chúng, ngay trong nội bộ kết cấu văn hóa tinh anh cũng xảy ra sự biến động vị trí trung tâm. Trong thời kì này, kết cấu tri thức tinh anh bị thay đổi. Cuối những năm 80 đầu thập niên 90, trong xã hội Trung Quốc xảy ra rất nhiều biến động lớn, trong đó đáng chú ý là sự biến đổi trong quan hệ quyền lực, kết cấu của hai hệ thống tri thức: tri thức nhân văn và tri thức kĩ thuật, và hai quần thể trí thức là thành phần trí thức nhân văn và thành phần trí thức kĩ thuật. Trong đó tri thức nhân văn và thành phần trí thức nhân văn từ vị trí trung tâm trước kia bị đẩy ra bên lề, và tri thức kĩ thuật và thành phần tri thức kĩ thuật từ vị trí bên lề chuyển sang chiếm vị trí trung tâm.
Trong thời kì trước, thơ ca chiếm vị trí trung tâm một phần do nó là phương tiện giao lưu hữu hiệu, chưa có loại hình nào lên ngôi thay thế, ngoài ra, nó còn thông qua con đường chính trị, phục vụ chính trị, dựa vào chính sách nhà nước để tiến vào các hoạt động chính của xã hội. Nhưng khi nhà quản lí tập trung vào phát triển kinh tế, để thơ tự do phát triển, lại cộng thêm sự tấn công của văn hóa đại chúng với đầy ưu thế thu hút công chúng, thì việc thơ ca bị đẩy ra ngoại biên là điều dễ hiểu, buộc phải thừa nhận, dù những người yêu thơ có đau đớn như thế nào.
3.2. Chất lượng thơ ca thấp và vấn đề thị thiếu thẩm mĩ của người đọc
Khiến thơ ca mất đi vị trí trung tâm bên cạnh nguyên nhân chính là sự trỗi dậy của văn hóa đại chúng, rơi vào “tự do cạnh tranh” không có sự hỗ trợ của nhà cầm quyền, vẫn không thể không nhắc đến nguyên nhân chất lượng thơ ca giảm sút hoặc nói cách khác là sự không phù hợp giữa thơ ca đương đại với thị hiếu của người đọc. Đây có thể coi là một cái vòng luẩn quẩn đầy bi kịch của thơ trong thời kì hiện nay.
Bi kịch thứ nhất là: khi văn hóa đại chúng lên ngôi, cướp mất công chúng của thơ, đẩy thơ ra bên lề, muốn giành lại công chúng, muốn giành lại vị trí trung tâm, thơ buộc phải chạy theo, học tập văn hóa đại chúng nhằm thỏa mãn nhu cầu công chúng, hay nói bằng ngôn ngữ của thời đại kinh tế thị trường là phải “thỏa mãn nhu cầu thị trường”, cho nên, khuynh hướng thơ dung tục, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của công chúng đã xuất hiện. Đây có thể coi là một sự thỏa hiệp, một sự hợp mưu với văn hóa đại chúng hơn là sự chống lại nó. Trước sự tác động của văn hóa đại chúng, thơ cũng phản ứng, cho dù sự phản ứng này giống như một sự hợp mưu. Nếu như thơ ca của những năm 80 sinh ra trong chiều sâu dân gian và tâm linh con người, phát triển cùng với ý thức đấu tranh và sự thống khổ về tư tưởng, thì những năm 90 thơ ca ngay từ ban đầu đã phải liên kết với thị trường, nhấn mạnh cách viết “ngôn ngữ đời thường”, “ý thức cá nhân”, “chức năng tự sự” đều là muốn hướng đến đại chúng, muốn đại chúng quan tâm đến thơ ca và nhà thơ.
Một điều rất dễ nhận ra là trong thời đại mà văn hóa đại chúng trỗi dậy, không khí tiêu dùng bao trùm xã hội, thì vấn đề “sự mê hoặc của phụ nữ”[5] lên ngôi, đi đâu chúng ta cũng gặp các tấm biển, tờ rơi quảng cáo với hình mĩ nữ, trên tivi, phim ảnh, internet, báo chí… hình ảnh mĩ nữ sexy xuất hiện nhan nhản, thậm chí hiện nay, ngay cả các game cũng mang màu sắc sexy. Hình ảnh người đẹp và sex chưa bao giờ bùng nổ công khai và thu hút như hiện nay. Chính không khí đó đã tác động đến các nhà thơ. Muốn thu hút người đọc, thơ ca cũng hướng vào chủ đề đó. Ở Trung Quốc, Thẩm Hạo Ba, Lí Hồng Kì, Y Lệ Xuyên… thành lập thơ ca về “phần dưới cơ thể” đầy dung tục. Lý Hồng Kì mở đầu bài Di truyền viết: “Mỗi đêm, tôi đều muốn/ ôm bạn gái ngủ/ bạn gái tôi vô cùng giống cha cô/ ôm cô, giống như ôm/ ông bố vợ già nua của tôi”. Có loại thơ nào dung tục và vô vị hơn? Y Lệ Xuyên viết Vì sao không thể dễ chịu hơn: “Ối, lên một chút, xuống một chút nữa, sang trái một chút, sang phải một chút nữa/ đây không phải làm tình mà là khâu vá/ ối, nhanh lên chút nữa, chậm hơn chút nữa, lỏng một chút, căng một chút nữa/ đây không phải là làm tình mà là thanh lí phim ảnh đồ trụy hoặc buộc dây giày”[6]. Chính vì chạy theo đáp ứng nhu cầu thị trường theo kiểu như thế đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của thơ. Bắt chước những thứ vốn không hợp với bản chất của thơ đã không những không giành lại được công chúng, mà ngược lại, khiến thơ rơi vào bế tắc.
Bi kịch thứ 2 hay cái vòng luẩn quẩn của thơ ca đương đại chính là nếu không chạy theo văn hóa đại chúng, dung tục hóa thơ, vẫn giữ cái bản chất Thơ ca là cao quý, tự do, là hồi ức đặc thù vui buồn, là hình thức văn học lãng mạn, thì thơ lại trở nên lạc lõng, vì thời đại này lại là thời đại đầy dung tục. Đây không phải là thời đại của trữ tình mà là thời đại của tự sự. Thời đại này chú trọng bàn về thực tế, thực lợi, khác xa với phương thức biểu đạt tình cảm vốn là bản chất của thơ.
Bi kịch thứ 3 là: một số nhà thơ không chạy theo thị trường, tìm kiếm cách tân, nhưng lại không hợp với kinh nghiệm thẩm mĩ của người tiếp nhận. Ở Trung Quốc, giáo dục thơ ca cho người đọc bắt đầu bằng văn học cổ, tức bằng một nền thơ ca đầy ưu mĩ, trữ tình, du dương, tìm sự hợp nhất giữa ta và vật. Thế nhưng, thơ những năm 90 lại phủ định vai trò quan trọng của yếu tố trữ tình trong thơ ca, và nhấn mạnh trở về trạng thái nguyên thủy của ngôn ngữ. Yếu tố lãng mạn trong thơ mất đi, thay vào đó là thơ ca lấy tiêu dùng làm chiến tuyến, tự sự làm kí thác, khẩu ngữ làm hình thức biểu đạt chủ yếu. Ví dụ: bài Quán cafe của Âu Dương Giang Hà:
Một ly cafe từ bờ bên kia đại đương trôi đến, sau đó
Là một bàn tay. Con người nắm được cái gì, thì cần tin vào cái đó.
Ngồi ở quán cafe trôi từ phương trời xa lại,
Dưới cái nắp đậy lên một kiến trúc mờ ám,
Đập vào mắt, giống như trong lễ phục buổi tối màu đen,
Lộ ra một mảnh cổ áo trắng như tuyết.
Điều này làm cho những độc giả quen với thơ ca trước kia cảm thấy rất khó đọc.
Có thể nói, biểu hiện rõ nhất của việc thơ ca bị đẩy ra bên lề chính là việc độc giả chủ động từ bỏ theo đuổi đối với thơ ca. Xã hội chuyển hướng mạnh, người dân trước kia quan tâm nhiều đến chính trị, tinh thần, thì hiện nay lại quan tâm nhiều đến kinh tế; xã hội bị thế tục hóa, nhu cầu hưởng thụ vật chất của con người được giải phóng, mọi người đều có thể trực tiếp bày tỏ nhu cầu hưởng thụ vật chất của mình mà không hề cảm thấy e ngại hay xung đột với đạo đức luân lí… Có thể nói, bối cảnh văn hóa xã hội ngày nay không có chỗ cho thơ ca.
Kết luận
Thơ ca nói riêng và văn học nói chung bị đẩy ra bên lề không gian văn hóa đương đại là hiện tượng toàn thế giới, ở mỗi nước, quá trình đó diễn ra chỉ khác nhau về thời điểm mà thôi. Nhưng thơ, với tư cách là một thể loại văn học sớm nhất của nhân loại và có sức sống bền bỉ qua nhiều thời đại, cũng không dễ gì bị mất đi, dù vị trí của nó có thể bị thay đổi. Để có thể tiếp tục tồn tại, phát triển, chứ chưa nói gì đến việc đoạt lại vị trí trung tâm, buộc thơ phải có những cách tân, đổi mới, nhưng cho dù muốn cách tân, đổi mới thế nào, thì trong bối cảnh không còn được lực lượng chính trị hậu thuẫn, phải tự do cạch tranh, muốn tồn tại, có sức sống, buộc thơ phải quan tâm đến vấn đề người tiếp nhận. Số phận của thơ trong hiện tại và tương lai chính là nằm ở đó, và cũng là chỗ nan giải nhất của thơ ca đương đại Trung Quốc nói riêng và thơ ca thế giới nói chung.
Bắc Kinh, 2012
(Đỗ Văn Hiểu
Giảng viên Khoa Ngữ Văn, ĐHSP Hà Nội
Nghiên cứu sinh Văn nghệ học, ĐH Nhân dân Trung Quốc)
Chú thích
[1] Trần Tân Hán: Cảnh báo về nguy cơ ngoại biên hóa của hệ thống giá trị hạt nhân. (bản tiếng Trung), Nxb Văn Hiến KHXH, 2011
[2] xem Lý Cảnh Lâm: Hiện tượng biên duyên hóa của thơ ca đương đại, (bản tiếng Trung ),Báo học viên Vân Thành, trang 4
[3] Leslie Fiedler: “Văn học và tiền bạc”, trong Văn học là gì?, Văn hóa cao nhã và xã hội đại chúng. (bản tiếng Trung) Nxb Dịch Lâm, 2011, trang 15. Lục Dương dịch
[4] Trần Lập Húc: Nhìn lại sự phát triển của văn hóa đại chúng Trung Quốc từ thập niên 90 trở lại đây. (Bản tiếng Trung) Báo trường Đảng thành phố Trường Xuân, 12/2004, trang 62
[5] An Kiến Quốc: Sự mê hoặc của phụ nữ và văn hóa đại chúng.(bản tiếng Trung) Nxb ĐH Sư phạm Hoa Đông, 2008
[6] Lý Cảnh Lâm: Hiện tượng biên duyên hóa của thơ ca đương đại, (bản tiếng Trung). Báo học viên Vân Thành, trang 6
Nguồn: Văn nghệ Trẻ