Khi nói về câu chuyện thiết kế phục trang trong bộ phim lịch sử vừa ra rạp “Mỹ nhân” của đạo diễn Đinh Thái Thụy, họa sĩ Thu Hà buồn bã: “Cơ hội làm phim lịch sử ở nước ta không nhiều. Và rất buồn vì ê kíp làm phim “Mỹ nhân” đã khước từ cơ hội đó”. Vì sao phim Việt luôn gặp sự cố về vấn đề phục trang.
Có lẽ, cốt lõi của vấn đề vẫn là con người. Không có danh phận, không được xã hội thừa nhận là một nghề, họa sĩ thiết kế phục trang không đủ là một đội ngũ, không đủ niềm tin, tình yêu để sống chết với nghề.
“Xong phim là hết tiền”
Khi hỏi về một họa sĩ thiết kế phục trang có uy tín trong nghề, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã không ngần ngại cho tôi số điện thoại của họa sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, hiện là Phó Trưởng khoa Thiết kế Mỹ thuật Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Chị cũng là người đã tham gia thiết kế trang phục cho rất nhiều phim: “Long thành cầm giả ca”, “Lều chõng”, “Trò đời”, “Người cộng sự”… Họa sĩ Thu Hà có lẽ là người uy tín hiếm hoi còn lại trong nghề. Những câu chuyện nghề, chuyện đời được chị Hà kể lại, trĩu nặng tâm tư.
“Nghề thiết kế phục trang điện ảnh ở ta chưa đủ mạnh là một đội ngũ, không có danh chính ngôn thuận. Gần như không có ai đi chuyên nghiệp theo nghề. Khi tôi ra trường mới có khái niệm họa sĩ thiết kế phục trang cho phim, nhưng chỉ là trong nghề đi làm biết với nhau thôi, chứ không có sự công nhận của xã hội. Hồi đó chưa có đào tạo, mà chủ yếu là dân mỹ thuật, kiến trúc đi làm thiết kế phục trang… Không phải nghề chính của họ nên cũng không mấy ai gắn bó, sống trọn với nghề”, họa sĩ Thu Hà nói.
Trang phục trong phim ”Mỹ nhân kế”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến tận năm 2001, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh mới mở khóa đầu tiên đào tạo về ngành thiết kế phục trang, nhưng cũng chỉ là một bộ môn nằm trong khoa Thiết kế Mỹ thuật. Mỗi năm chỉ có chừng 10 sinh viên theo học, rơi rụng dần đến khi ra trường cũng chỉ còn lại dăm, bảy người. Thế nhưng, để làm nghề lại không có nhiều sinh viên lựa chọn. Những người giỏi họ chọn ngã rẽ khác, một công việc ổn định hơn là theo đuổi nghề.
Lê Thu Hường là một họa sĩ trẻ, thành công đầu tay với công việc thiết kế phục trang cho phim “Tuổi thanh xuân”, hợp tác với điện ảnh Hàn Quốc. Hường được đánh giá cao trong nghề bởi sự cầu thị, chịu khó và tình yêu nghề. Nhưng trong quá trình làm việc, nhiều lúc Hường muốn bỏ nghề vì công việc quá phức tạp và nhiều áp lực.
Hường chia sẻ: “Tôi gắn bó với nghề một phần vì thực tiễn sẽ phục vụ tốt hơn cho công việc giảng dạy ở trường, chứ nếu chỉ chuyên tâm làm thiết kế trang phục thì chưa chắc tôi đã chọn”.
Vì thế, hầu hết sinh viên ra trường chỉ chọn làm một vài phim cho thỏa mãn nghề, rồi rẽ sang những lựa chọn khác. Họa sĩ phục trang Hoàng Cẩm Vân là một người trẻ sáng giá trong giới thiết kế phục trang với những bộ phim ấn tượng. Nhưng hiện tại Vân vừa lấy chồng và chị cũng không chắc sẽ theo nghề. Ai dám đảm bảo cho con đường phía trước của họa sĩ thiết kế như thế nào khi công việc cuốn họ đi từng ngày. Đội ngũ chủ yếu là con gái, rất vất vả vì phải đi theo đoàn làm phim, lên rừng, xuống biển. Thậm chí họ phải làm công việc của một người lao động chân tay thực thụ chứ không chỉ thiết kế mẫu phục trang là xong.
“Có thể nói công việc phải “chân lấm tay bùn”, vất vả, cực nhọc, đòi hỏi phải có sức khỏe và đi nhiều. Nếu không có gia đình hậu thuẫn thì không thể theo đuổi nghề”, Hường chia sẻ.
Tuy nhiên, nghề nào cũng có sự vất vả của nó, nhưng làm thiết kế phục trang rất bấp bênh, bởi không phải lúc nào cũng có phim để làm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một họa sĩ thiết kế phục trang người Nhật cùng làm phim “Người cộng sự”, thù lao của phim đủ cho họa sĩ đó sống thoải mái trong 2 năm. Họ có thể đi du lịch, nghiên cứu tài liệu hoặc làm việc gì đó mình thích mà vẫn không phải lo mưu sinh. Còn ở ta, xong phim cũng là hết tiền. Vì thế ở Việt Nam, các họa sĩ thường chọn một nghề khác, nên khi đi làm phim, coi như là nghiệp dư chứ không phải tâm thế của một người làm chuyên nghiệp nữa. Nhưng ngay cả lý do ít tiền đó cũng không quan trọng bằng việc, nghề này chưa có sự thừa nhận chính danh của xã hội. Ngay trong cả danh mục nghề nghiệp để xếp lương cũng không có nghề thiết kế trang phục. Các họa sĩ thiết kế đều hưởng lương theo ngạch của thiết kế mỹ thuật nói chung, vì nó không đủ mạnh là một đội ngũ.
Không có ai sống chết với nghề
Đó là tâm sự chân thành của họa sĩ Thu Hà khi nói về nghề. Đa số những người làm nghề hiện nay không được đào tạo bài bản, họ làm bằng kinh nghiệm, bằng thói quen. Và họ làm nghề vì không có những lựa chọn khác. Còn nếu nói họ đúng nghĩa là những nhà thiết kế trang phục thì không. “Có lúc tôi giật mình vì sinh viên kể chuyện nghỉ hè đi làm phim cùng mọi người, rồi hồn nhiên kể kiêm luôn cả việc thiết kế phục trang. Chính mọi người quá coi nhẹ nó nên mới có chuyện râu ông nọ cắm cằm bà kia trong việc thiết kế là chuyện thường ngày”, chị Hà kể.
Không có đội ngũ trụ lại chuyên nghiệp, mỗi năm là một gương mặt mới rồi biến mất. Vì thế, có một thực trạng, không có người nào sống bằng nghề, sống chết với nghề. Họ chỉ chạm ngõ điện ảnh một lần rồi thôi. Vì thế, hầu hết các trường hợp gặp sự cố và những thảm họa trong trang phục phim là sản phẩm của những người chỉ ghé qua một lần, họ không sống với nghề, không có gì gắn bó, ràng buộc.
Họa sĩ Lê Thu Hường thiết kế phục trang cho phim ”Tuổi thanh xuân”.
Thực tế, nghề thiết kế phục trang điện ảnh không giản đơn chỉ là phác thảo lên mấy bộ quần áo. Ở đó còn có cả sự hiểu biết, thông tuệ của người làm về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Ở đó còn có cả sự tận tụy, thương quý nghề. Phải gắn bó, sống chết với nó, chứ thoáng qua, không làm việc này thì làm việc khác sẽ không bao giờ có được sự kỹ lưỡng, tâm huyết đó. Người họa sĩ không chỉ làm công việc sáng tạo mà còn phải lao động thực thụ như một người thợ để đảm bảo sản phẩm được hoàn thiện nhất.
Ở nước ta, hiện nay, nguồn tư liệu lịch sử rất thiếu. Cho nên điều cốt lõi nhất khi làm phim là phải quan tâm đến phong cách nghê thuật của bộ phim, ý đồ của đạo diễn, phối hợp với bộ phận khác để tạo nên sự hài hòa giữa trang phục và các chi tiết khác. “Khi thiết kế trang phục, tôi không bị lệ thuộc có chính xác đến từng chi tiết hay không, bởi làm phim đã là nghệ thuật hóa cuộc sống rồi.
Cùng một nhân vật Nguyễn Du, theo từng phong cách cũng sẽ có những cách thể hiện khác nhau. Nên phải biết đạo diễn mong muốn làm theo phong cách nào. Và tham khảo nhiều nguồn sách, báo, rồi đời sống, mình có thể đến vùng miền đó, liên quan đến câu chuyện nhân vật của mình. Tôi thường đi theo các đạo diễn trong những cuộc điền dã của họ, vào đình chùa cảm nhận một đời sống quá khứ cách mình mấy trăm năm, rõ ràng không gian đó vẫn tồn tại chứ không biến mất. Vào nhà những cụ già ngày xưa, để tìm hiểu. Tôi tự tay đi lựa chọn từng mét vải, nhuộm màu cho đúng ý của mình. Và không chỉ tôi, khi tôi làm phim với người Nhật, họa sĩ thiết kế phục trang của họ cũng tự tay làm tất cả, với sự tận tụy và tỷ mỷ cao nhất”, họa sĩ Thu Hà tâm sự.
Còn mấy ai tận tụy với nghề như họa sĩ Thu Hà? Có lẽ đó cũng là câu chuyện đáng bàn. Chính đạo diễn Đinh Thái Thụy từng trả lời phỏng vấn về sự cố trang phục phim “Mỹ nhân” cũng từ lý do sâu xa là thiếu nhân lực. Không có một đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp, không có những cứ liệu lịch sử được nghiên cứu, biên soạn bài bản, mạnh ai nấy làm. Chừng nào chúng ta vẫn còn những tồn tại như thế, chừng đó điện ảnh Việt sẽ vẫn còn những câu chuyện dở khóc dở cười về phục trang. Đến bao giờ chúng ta mới có những bộ phục trang thuần Việt, có lẽ vẫn còn là một giấc mơ.
Họa sĩ Nguyễn Thị Thu Hà
Dù cởi mở đến mấy thì họa sĩ thiết kế phục trang cũng phải nắm vững văn hóa nền tảng, kiến thức nền tảng. Họ cần suy nghĩ, trăn trở với công việc của mình. Làm nghề gì cũng phải chu đáo, cẩn thận, quý trọng nghề của mình.
Tôi không coi việc của tôi là làm nghệ thuật. Tôi chỉ coi đó là một công việc mà mình cần làm tốt nó. Đơn giản nhất là việc lựa chọn vải, giờ chúng ta có quá nhiều lựa chọn, vải Trung Quốc tràn ngập thị trường, giá rất rẻ. Với kinh phí làm phim eo hẹp, chúng ta rất dễ thỏa hiệp lựa chọn vải ngoại nhập. Nhưng các nhân vật của tôi đều cố gắng hết mức để dùng hàng Việt Nam. Bởi điện ảnh có một khả năng đặc biệt là đặc tả cận cảnh, chỉ một khuy áo, một đường kim thôi không đúng với thời đại, không đúng chất liệu thuần Việt, nó sẽ lộ ra ngay những sai sót không thể chấp nhận rồi. Trong trường hợp phải chọn vải ngoại nhập, tôi chọn những loại không bộc lộ thân phận của nó. Đấy chỉ là một khâu rất nhỏ trong thiết kế mà thôi.
Họa sĩ Lê Thu Hường
Các cơ quan chức năng phải có quy định cụ thể vai trò của họa sỹ thiết kế phục trang trong điện ảnh. Ở nước ngoài có phân biệt rất rõ họa sĩ thiết kế và người thực hiện. Còn ở ta thì gộp cả hai. Ở nước ngoài, họ có giải thưởng vinh danh những người làm thiết kế phục trang – đó là động lực cho những người làm nghề. Còn ở ta, họ chưa có chế độ thù lao rõ ràng, mà ăn theo họa sỹ thiết kế mỹ thuật của phim. Họa sĩ thiết kế phục trang là một công việc rất lặng thầm, gần như không được ai biết đến.
Trong nghị định 21/2015/NĐ-CP quy định về nhuận bút đối với tác phẩm điện ảnh, sân khấu… không có nhuận bút cho họa sĩ thiết kế phục trang điện ảnh. Những người làm nghề như chúng tôi rất buồn vì các ngành của sân khấu đều đã quy định nhuận bút cho họa sĩ phục trang, có nghĩa là họ được công nhận như một thành phần trong sáng tác tác phẩm sân khấu. Nhưng điện ảnh, dù nhà nước đã trao tặng danh hiệu NSƯT cho họa sĩ phục trang (NSƯT Thu Hà và NSƯT Nguyễn Thị Tuyết) từ 2012 thì trong nghị định vẫn không có quy định cho chức danh này, chỉ có cho người làm hóa trang. Việc này gần 20 năm rồi, các họa sĩ phục trang tại Hãng phim truyện Việt Nam đã từng kiến nghị về việc công nhận họa sĩ phục trang là một thành phần sáng tác, được hưởng chế độ nhuận bút. Đã hơn 20 năm rồi, vẫn chưa có được sự chính danh đó.
Theo Việt Hà – Công an nhân dân