Suốt trên nửa thế kỷ qua, tính từ ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc đến nay, sân khấu Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể với hàng nghìn vở diễn, hàng trăm giải thưởng, huy chương vàng, bạc, trong nước và quốc tế… Nhưng đa số ý kiến của trong và ngoài giới sân khấu đều cho rằng: sân khấu Việt Nam nói chung, trong đó có sân khấu Hà Nội, nếu không được “công nghiệp hóa”, “hiện đại hóa”, thì sẽ lạc hậu và tiếp tục tụt hậu, so với sân khấu của châu lục cũng như các nước có nền sân khấu tiên tiến trên thế giới…

Cảnh trong vở “Tấm Cám”. Ảnh internet

Nghệ thuật sân khấu Hà Nội, nếu tính từ ngày Giải phóng Thủ đô đến nay (10/10/1954-2019), đã tròn 65 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành. Với điều kịện vật chất đang dẫn đầu cả nước, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có các rạp hát vào loại “hiện đại” như Nhà hát Lớn Hà Nội, Rạp Hồng Hà, Rạp Kim Mã, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Múa rối, Rạp Xiếc Trung ương (do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý) và của Hà Nội là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Rạp Công nhân, Rạp Đại Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long. Trong tất cả các công trình đó, ngoài Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô và Rạp hát Kim Mã là được xây dựng mới, còn lại đều được tu bổ, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp trên cơ sở cũ từ thời thuộc Pháp, đã từ cả trăm năm nay… Trong cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 này, với nghệ thuật biên kịch, đạo diễn, âm nhạc, múa, diễn xuất của diễn viên… xin không dám lạm bàn, nhưng với tư cách là một họa sĩ thiết kế mỹ thuật đã ngót nửa thế kỷ làm sân khấu, chúng tôi mạnh dạn trao đổi một vài suy nghĩ có tính chất cá nhân, nhằm góp một tiếng nói về sân khấu Hà Nội hiện nay cùng các đồng nghiệp trong cuộc Cách mạng Công nghệ lần thứ 4 đang diễn ra trong hầu hết các lĩnh vực trên toàn thế giới!

Như chúng ta đã biết, thiết kế mỹ thuật sân khấu – với chức năng của người họa sĩ trang trí sân khấu – là một bộ phận không thể tách rời của nghệ thuật sân khấu – bao gồm kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, múa, ánh sáng, âm thanh…Trong mối quan hệ tổng hòa đó, chức năng của người họa sĩ thiết kế mỹ thuật và người đạo diễn thật sự gắn bó với nhau một cách mật thiết để tạo nên nghệ thuật xử lý không gian sân khấu, vừa lãng mạn, trữ tình, bay bổng đầy khát vọng… với các thủ pháp gợi tả, hiện thực, ước lệ, tượng trưng… làm cho vở diễn đạt yêu cầu cả về nội dung và hình thức, đưa ngôn ngữ trang trí đến với người xem, tạo điều kiện cho người nghệ sĩ biểu diễn, sáng tạo những vai diễn bất tử của mình…

Thiết kế mỹ thuật sân khấu Việt Nam (không tính đến những ban kịch tài tử hay các gánh hát tuồng, chèo, cải lương… trước Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp với tính chất nghiệp dư và với sự tham gia của một vài họa sĩ), thì kể từ ngày thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1957), đã đi qua một chặng đường trên nửa thế kỷ. Từ đó đã hình thành một đội ngũ các họa sĩ sân khấu Việt Nam có nghề nghiệp, có bản lĩnh và tài năng, vượt qua không ít khó khăn, thiếu thốn, lạc hậu của sân khấu, bằng các thủ pháp tả thực, ước lệ, cách điệu, tượng trưng, kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống của cha ông và sân khấu hiện đại, để thiết kế hàng nghìn vở diễn từ tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, múa rối, kịch dân ca, ca múa, xiếc…. Trong chặng đường lịch sử của nền sân khấu cách mạng và lịch sử hoạt động của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, thiết kế mỹ thuật đã đóng một dấu son và được ghi nhận như một bộ phận không thể thiếu được của tổng thể nghệ thuật sân khấu Việt Nam đương đại…

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nhất là vài ba năm trở lại đây, trong cơ chế thị trường, cũng như các khâu kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, diễn xuất của diễn viên… trang trí sân khấu cũng có vẻ chững lại với sự đơn điệu và lặp lại chính mình. Một đội ngũ quá mỏng (vài ba chục anh em họa sĩ sân khấu trong cả nước), với điều kiện sân khấu qúa ít ỏi của các nhà hát đã không thể phát huy hết sức sáng tạo của người họa sĩ. Nếu so sánh với sân khấu các nước tiên tiến trên thế giới, chúng ta phải chấp nhận một thực tế là sân khấu của các rạp hát Việt Nam hôm nay quả là cũ kỹ, nghèo nàn, đơn điệu và lạc hậu về mọi phương diện kỹ thuật, từ ánh sáng, âm thanh đến công tác hậu đài, chuyển cảnh, các yêu cầu tối thiểu về thao tác, phối hợp trên sân khấu. Sân khấu của ta vẫn chỉ là một sàn diễn cố định vài chục mét vuông từ đầu đến cuối vở diễn với những riềm, cánh gà cố định và chung cho tất cả các loại hình nghệ thuật từ ca, múa, nhạc, giao hưởng hợp xướng, tuồng, chèo, cải lương, kịch nói cho đến cả hoa hậu áo dài và thời trang áo tắm… (Nhân đây, xin mở một cái ngoặc về câu chuyện vui mà buồn, là cách đây dăm năm, tại Liên hoan Sân khấu Thử nghiệm Quốc tế do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội; một vở kịch nói của đoàn Trung Quốc, do yêu cầu của vở diễn là phải đưa một cái ô tô (dù chỉ là loại nhỏ như xe zép) lên sân khấu, nhưng vì không có lối vào, nên đã phải chuyển địa điểm biểu diễn sang sân khấu tròn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, vì tất cả các rạp hát mà chúng tôi đã nêu ở trên, đều không có lối nào đưa ô tô lên sân khấu được cả!)… Rồi đến các thao tác kỹ thuật như tắt đèn, chuyển cảnh thay đổi không gian, địa điểm vẫn thô sơ, lạc hậu, kéo ra kéo vào, lên xuống vài tấm phông vải mềm và đặt xuống, dựng lên vài tấm bục gỗ dán, panô di động với chất liệu chủ yếu là gỗ, vải và nhựa…cũng có lúc bấm nút bằng công tắc điện, nhưng có lúc phông mềm lên rất nhanh, có lúc đã hết nhạc chuyển cảnh mới lừ lừ hạ xuống… các nghệ sĩ biểu diễn thì toát mồ hôi còn khán giả thì cười vui thông cảm. Đó là chưa kể đến chức năng của đèn pitstole (đèn dọi): đạo diễn xử lý chỉ cần đặc tả vào gương mặt một nhân vật thôi, nhưng chỉnh đi chỉnh lại, quầng ánh sáng nó vẫn cứ chiếu sáng cả người và cả phông cảnh nữa, lại còn đong đưa bên này bên kia, và một bác hậu đài chạy như bay đến, giữ chặt lấy cái đèn dọi, nhưng chỉ được một lúc thôi, vì cái đèn nóng quá… âm nhạc đang đặc tả cao trào, gợi cảm, diễn viên đang đắm mình vào diễn xuất… nhưng đèn pít thì thì đã tắt ngấm từ lúc nào…

Trong lúc các nước, nhất là các nước có nền sân khấu tiên tiến, đã từ lâu, sân khấu – sàn diễn – đã được hiện đại hóa một cách khá hoàn chỉnh. Những sân khấu quay nhiều chiều, nhiều tầng, nhiều lớp, cả lên cao hay xuống thấp dưới gầm sàn diễn, cả mở rộng và thu hẹp không gian, những cầu diễn tự động nối khán giả với nghệ sĩ biểu diễn, với ánh sáng, âm thanh hoàn hảo bởi vài trăm ngọn đèn chiếu sáng và tạo dựng không gian bằng ánh sáng, bằng các màn hình led. Để dàn dựng, xử lý một lớp kịch, nếu cần thiết, đạo diễn và họa sĩ có thể đưa cả voi, ngựa, ô tô và nhiều cảnh thật khác của đời sống lên sân khấu… Nghĩa là sự hiện đại hóa một cách triệt để, đã tạo điều kiện tối đa cho đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, múa, diễn viên, âm thanh, ánh sáng tìm tòi, sáng tạo trong trang trí, mở ra nhiều không gian linh hoạt, biến hóa, bất ngờ, đầy gợi cảm và hết sức chủ động với đầy đủ các chất liệu cũng đa dạng và phong phú. Nào là các loại chất dẻo, thủy tinh, các loại kính màu và gương phản chiếu, các tấm nhựa công nghiệp và các loại sợi, thảm cho mặt sàn sân khấu phù hợp với phong cách của từng vở diễn, và từng loại hình nghệ thuật sân khấu, từ cổ điển đến hiện đại…

Trở lên trên là một vài suy nghĩ nhỏ, của một người trực tiếp làm nghề, từ trong “bếp núc” sau cánh gà sân khấu. Và như thế, sân khấu Việt Nam nói chung, trong đó có sân khấu của Thủ đô, nếu không được “công nghiệp hóa”, “hiện đại hóa” một cách đồng bộ, triệt để từ các cơ sở vật chất, kỹ thật của các nhà hát, thì sẽ lạc hậu và còn tiếp tục tụt hậu, so với sân khấu của châu lục cũng như các nước có nền sân khấu tiên tiến trên thế giới…

Nguồn Văn nghệ số 31/2019