Tác phẩm Thiền uyển tập anh có giá trị và vị trí đặc biệt quan trọng, lại xuất hiện sớm từ khoảng nửa đầu thế kỷ XIV, được dịch và phổ biến rộng ngay từ đầu thế kỷ XX, song chủ yếu mới khai thác trên các phương diện lịch sử tư tưởng – văn hoá và ý nghĩa “tàng trữ giá trị thi ca”.

Theo đó, tập sách không mấy khi được nhìn nhận như một đơn vị tác phẩm hoàn chỉnh, độc lập. Tác phẩm đã không có tên trong những bộ sách lớn như Từ điển văn học, hai tập (1983-1984), không được xếp vào bộ Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, bốn tập (1997). Tuy nhiên, cùng với việc xuất hiện các bản dịch hoàn chỉnh biệt tập Thiền uyển tập anh(1) thì ý thức về thể loại và loại hình sáng tác của tác phẩm cũng ngày càng trở nên rõ nét hơn. Nhận thức về điều này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na xác định: “Đây là tác phẩm chức năng tôn giáo, được viết theo những công thức nhất định, như kiểu Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên, nhưng cốt truyện phức tạp hơn, tình tiết đa dạng hơn” và ông đã tuyển chọn 11 truyện xếp vào hệ thống Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại(2). Đây cũng là định hướng nghiên cứu của chúng tôi trong những năm qua(3) và gặp gỡ với quan điểm của nhiều nhà Việt Nam học quốc tế cùng có mối quan tâm tới đề tài(4)… Tiến hành khảo sát cấu trúc tác phẩm Thiền uyển tập anh với 67 thiên truyện ghi chép về 68 vị thiền sư anh tú của hai dòng Vô Ngôn Thông và Tì Ni Đa Lưu Chi càng thấy nổi rõ vai trò “chức năng tôn giáo” trên cả hai phương diện: 1) Ghi chép tiểu sử thiền sư và lịch sử truyền thừa qua các thế hệ, có ý nghĩa tương đồng với loại sách “Cao tăng truyện”; 2) Hướng tới mục đích tuyên truyền giáo lý, hoằng dương Phật giáo, có ý nghĩa tương đồng với mục đích “truyền đăng”.

Một sự khảo sát tổng quát nêu trên cho chúng ta thấy rõ vai trò “chức năng tôn giáo” của bộ sách, song khi đi sâu quan sát cấu trúc và hình thức nghệ thuật của từng thiên truyện thì lại thấy phương thức tự sự chính là dòng mạch tư tưởng chủ đạo và chi phối toàn bộ tác phẩm. Để có thể phân tích kỹ hơn các đặc điểm này, trước hết cần đối chiếu trở lại nội dung phương thức tự sự với tư cách một thuật ngữ văn học: “Tác phẩm tự sự phản ánh hiện thực qua bức tranh mở rộng của đời sống trong không gian, thời gian, qua các sự kiện, biến cố xảy ra trong cuộc đời của con người… Phương thức phản ánh hiện thực qua các sự kiện, biến cố và hành vi của con người làm cho tác phẩm tự sự trở thành một câu chuyện về ai đó hay về một cái gì đó. Cho nên tác phẩm tự sự bao giờ cũng có cốt truyện. Gắn liền với cốt truyện là một hệ thống nhân vật được khắc hoạ đầy đủ nhiều mặt hơn hẳn nhân vật trữ tình hoặc kịch”(1); “Nét đặc thù của tự sự là vai trò tổ chức của trần thuật: nó thông báo về các biến cố, các tình tiết như thông báo về cái gì đó đã xảy ra và được nhớ lại, đồng thời mô tả hoàn cảnh hành động và dáng nét các nhân vật, nhiều khi còn thêm cả những lời bàn luận. Thành phần ngôn ngữ trần thuật của tác phẩm tự sự tương tác một cách tự nhiên với các đối thoại và độc thoại (kể cả độc thoại nội tâm) của các nhân vật”(2)

Đối với tác phẩm Thiền uyển tập anh, đương nhiên phương pháp tự sự có nhiều điểm khác với thời hiện đại. Trước hết, quan niệm về nhân vật ở đây không phải là thế giới con người phong phú, sinh động nói chung mà nhất thiết phải là nhân vật thiền sư, nhân vật “Anh tú vườn thiền” như Đại sư Khuông Việt, Trưởng lão Định Hương, Quốc sư Thông Biện, Viên Thông… Thêm nữa, cái gọi là phản ánh hiện thực qua các sự kiện, biến cố và hành vi nhân vật cũng không phải là thế giới hiện thực đời thường mà phải là những chi tiết phù hợp với tư duy Phật giáo qua ba chặng đường đời (ra đời thần kỳ – hành đạo thần kỳ và quy tịch thần kỳ), trong đó có nhiều yếu tố hoang đường, vừa lạ hoá vừa ảo hoá, vừa là sản phẩm kế thừa cội nguồn truyền thống văn hoá Phật giáo vừa tương đồng và tích hợp cả nhiều yếu tố folklore.

Đi sâu tìm hiểu những đặc điểm nghệ thuật cơ bản nằm trong phương thức tự sự của Thiền uyển tập anh có thể thấy cách thức trần thuật chủ đạo là lối ghi chép theo niên biểu – biên niên sử được tôn trọng tối đa với cách mở đầu, cách đặt câu chuyển đoạn kiểu như khi ấy, canh năm hôm ấy, vào ngày… tháng… năm… niên hiệu… Cách ghi này nhằm hiện thực hoá các chi tiết, sự kiện, tạo nên hình ảnh “người thực việc thực”, mặc dù bản thân chúng chứa đầy các môtip nghệ thuật, các huyễn tưởng tôn giáo, các nét phóng đại và cách điệu. Có thể nói cũng giống như tất cả các thể loại liệt truyện phương Đông khác (liệt truyện trong sử và liệt truyện trong thần tích, dã sử), phương thức ghi chép theo lối biên niên sử là đặc điểm tạo nên kết cấu chung nhất của loại hình tác phẩm tự sự được định danh là “truyện về các thiền sư” trong Thiền uyển tập anh(1). Xem xét trên phương diện sáng tác, chúng ta đã biết Thiền uyển tập anh không phải là tác phẩm do một người viết ra, mà do nhiều người thuộc nhiều thế hệ ghi chép, được kết tập lại từ nhiều nguồn tư liệu trong và ngoài nước(2), từ nhiều loại sách khác nhau như Nam tôn tự pháp đồ, Chiếu đối lục, Liệt tổ đối ngữ, Sử ký (Đỗ Thiện), Đại Việt sử ký (Ngô Sĩ Liên)(3)… Tuy vậy, do chịu ảnh hưởng sâu đậm của định hướng chức năng tôn giáo và phong cách loại truyện cao tăng nên cả tập sách đã có một bút pháp tương đối thống nhất, một cấu trúc biên niên sử không mấy thay đổi. Đặc biệt với những thiên truyện tiêu biểu nhất, ngay cả khi có sự dung nạp cả những đoạn đối thoại, công án, thơ ca từ nguồn tài liệu nước ngoài hay việc biên soạn lại liệt truyện cao tăng từ nguồn sách sử trong nước thì chúng cũng đều được xếp đặt lại tuân theo đúng cấu trúc tự sự ba chặng đường đời thiền sư. Nói một cách khác, Thiền uyển tập anh kết tập theo kiểu đa văn hoá (gồm nhiều loại văn bản khác nhau, từ nhiều nguồn tài liệu trong và ngoài nước, nhiều biểu tượng văn hoá Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa, nhiều nội dung văn – sử – triết khác nhau…) song trước sau vẫn tuân thủ theo nguyên tắc cấu trúc tự sự ba chặng đường đời và thời gian tuyến tính.

Trên thực tế, Thiền uyển tập anh là tác phẩm hỗn dung thể loại, trong đó còn tàng trữ cả các lời đối thoại, luận bàn Phật giáo. Thống kê trong sách chỉ thấy 7/68 truyện là không có bất kỳ một đoạn đối thoại hay bài thơ – kệ nào. Trong số 51 truyện còn lại thì 12 truyện chỉ gồm những câu, những đoạn vấn đáp văn xuôi mà không có một câu thơ – kệ xen vào. Các đoạn đối thoại này có độ dài ngắn khác nhau nhưng thường là những lời bàn luận với một nhân vật xác định (vua, sư thầy, đạo hữu, đệ tử, tăng chúng…), hướng tới một chủ đề xác định (phò vua dựng nước, lẽ sinh tử, phép tu hành, thuyết giảng về tri thức, tri kiến, Phật pháp, chân tâm, ngũ uẩn…). Về kết cấu, các truyện thiền sư này dài ngắn khác nhau, có truyện đã gần với một đoản thiên văn xuôi hoàn chỉnh – cá biệt như Thiền sư Ma Ha (thế kỷ X-XI) in đậm sắc màu hư ảo đã phần nào mang dáng vẻ một truyện cổ tích hay truyền kỳ khá rõ nét. Cũng nhìn từ góc độ kết cấu tác phẩm có thể thấy những lời đối thoại này có sự ăn nhập, gắn bó chặt chẽ với tuyến sự kiện, cốt truyện. Điều này tạo nên tính khác biệt so với nhiều truyện chỉ có lời đối thoại, luận bàn giáo lý mà không liên quan tới bất kỳ một cốt truyện nào. Ở tiểu truyện Thiền sư Ma Ha, cốt truyện về con người có phép bùa chú, tài năng phi phàm đã phần nào lấn át cách ghi chép tiểu sử theo thứ tự sự kiện, ngày tháng, hay nói khác đi là lời đối thoại tham dự vào phong cách truyện – văn xuôi đã lấn át phong cách ghi chép biên niên sử. Toàn bộ cốt truyện, khởi đầu từ việc Hộ pháp thiện thần phán quyết: “Dùng kiến thức ngoại học thì không thể thông nghĩa lý được đâu” khi sư đang ngồi dịch kinh lá bối khiến sau đó sư bị mù hai mắt; tiếp theo do không được lòng Lê Đại Hành nên nhà vua sai đưa đến chùa Vạn Tuế trong Đại nội đóng cửa lại, sai người canh giữ, nhưng sáng hôm sau đã thấy sư ở ngoài tăng phòng mà cửa vẫn đóng khoá như cũ; và cuối cùng là việc sư thực hiện các phép lạ như chữa bệnh cho người hủi và biến thức ăn mặn thành “thú đi vật chạy”… để thu phục chúng tăng. Song ngay ở đây lại cũng cần phân biệt giữa vai trò những lời đối thoại tham dự vào cốt truyện văn xuôi với bản thân các môtip, các chi tiết “lạ hoá”, kỳ ảo, siêu thực thể hiện như một phương thức tư duy nghệ thuật. Như thế, những lời đối thoại kể trên cũng có tính độc lập tương đối, có sự tăng tiến nhất định, có xu thế vượt qua những ghi chép tiểu sử đơn thuần và hướng tới cốt truyện văn xuôi khác biệt. Chính điểm này quy định những lời đối thoại cũng vượt qua vốn ngôn từ nhà Phật mà mở rộng tới những câu chữ đối đáp thông tục thường ngày (đóng cũi, canh giữ, bệnh hủi, đau bụng, trướng bụng, vật chạy, cá quẫy, nước gỉ đồng… – Lời dịch). Hơn nữa, ý nghĩa tồn tại riêng của những lời đối thoại với tư cách là tác phẩm văn học kiểu này đã duy nhất một lần được xác nhận trong sách Thơ văn Lý – Trần, với việc tuyển chọn câu trả lời của Quốc sư Viên Thông Nguyễn Nguyên Ức khi được vua Lý Nhân Tông hỏi về kế hưng, vong, trị, loạn; và được những người soạn sách đặt thêm nhan đề Thiên hạ hưng vong trị loạn tri nguyên luận (Bàn về nguồn gốc hưng vong, trị loạn của thiên hạ)(1). Sau này nhà nghiên cứu Trần Nghĩa đã phân lập 7 đoạn văn đối thoại từ trongThiền uyển tập anh và coi đó là “văn đối thoại trong giới thiền học”, “sự kết gắn giữa đạo và đời”, đồng thời đặt chúng trong dòng mạch “tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỷ X”(2). Từ trước đến nay lại cũng có một quan điểm chỉ xem trọng phần “tàng trữ giá trị thi ca”, coi đây mới là phần giá trị cơ bản của Thiền uyển tập anh, còn phần văn xuôi chỉ là cái vỏ hình thức không mấy đáng lưu ý. Theo chúng tôi, trước hết cần coi trọng tính toàn vẹn của chỉnh thể tác phẩm Thiền uyển tập anh cũng như tính toàn vẹn của từng thiên truyện ở trong đó. Ngoài phần giá trị tự thân của bộ phận cốt truyện văn xuôi tự sự thì bản thân chúng có mối liên hệ hữu cơ với phần “tàng trữ giá trị thơ ca”. Trong nhiều trường hợp, chúng tôi thấy có sự tương đồng với hình thức thể tài “biến văn”, nghĩa là “có sự phối hợp văn xuôi và thơ, văn xuôi có chức năng thể hiện chất liệu tự sự, còn thơ để nâng các chất liệu này lên hình thức tinh luyện”(3). Đơn cử trường hợp truyện Thiền sư Viên Chiếu (999-1090) – đây là truyện được ghi chép dài nhất, trong đó có hàng chục câu đối thoại (hỏi – đáp) mang hình thức những công án thiền, song chỉ ở đoạn kết mới bộc lộ dấu hiệu thể tài “biến văn”:

“Ngày…, sư không bệnh, cho gọi đệ tử đến bảo rằng:

– Thân mình ta đây, xương thịt gân cốt đều do tứ đại [đất, nước, lửa, gió] hợp thành, tất không thể trường tồn được. Cũng như khi khung nhà đã hư hỏng thì rui, mè đều rơi rụng. Các ngươi hãy trân trọng lời kệ của ta đây:

Thân như tường bích dĩ đồi thì,

Cử thế thông thông thục bất bi.

Nhược đạt tâm không vô sắc tướng,

Sắc không ẩn hiện nhậm suy di.

(Thân như tường vách đã lung lay,

Lật đật người đời, những xót vay.

Nếu được “lòng không” không sắc tướng,

“Sắc”, “không”, ẩn hiện, mặc vần xoay)

Đọc kệ xong, sư nghiêm trang qua đời”…

Như vậy, có thể thấy lời dạy bảo của Viên Chiếu bằng đoạn văn xuôi rõ ràng có sự tương hợp chặt chẽ với lời kệ – bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, kể từ nội dung triết học về bản thể sắc – không của nhà Phật lẫn việc sử dụng lại những hình ảnh tượng trưng: lời văn xuôi là xương thịt, gân cốt, khung nhà, rui, mè rơi rụng… thì lời thơ chuyển hoá và nâng cấp thành tường vách, lòng không, sắc tướng, ẩn hiện, suy di(1)

Trong Thiền uyển tập anh có 15 truyện thiền sư bộc lộ rõ mối quan hệ giữa lời văn xuôi với thơ ca như trên. Điều này cho thấy rõ chức năng tôn giáo đã nhuần thấm vào các thành tố tự sự và quy định mối quan hệ giữa phần văn xuôi và thơ ca, dùng thơ ca để tóm tắt lời giáo huấn văn xuôi cho dễ thuộc dễ nhớ và trước sau vẫn tuân theo đúng quy trình cấu trúc cốt truyện tự sự

Một điểm khác cần nhấn mạnh là khả năng tích hợp các yếu tố folklore – chủ yếu ở bộ phận văn xuôi tự sự – trong tác phẩm Thiền uyển tập anh. Điều này thể hiện rõ qua việc nhà nghiên cứu Như Hạnh đã phân tích cội nguồn hình ảnh Tì-sa-môn Thiên vương trong truyện Đại sư Khuông Việt – nhân vật đã chuyển hoá từ Ấn giáo tới Phật giáo Ấn Độ, lan truyền qua Khotan, vào Trung Quốc rồi tới Việt Nam (và cả Nhật Bản nữa)(2). Về mối quan hệ với các yếu tố folklore có thể chia thành hai kiểu: 1) Khả năng các hình ảnh và biểu tượng Phật giáo tương đồng với nhiều môtip folklore; 2) Khả năng tích hợp các môtip folklore… Đó là các hình ảnh, các môtip kiểu như cảm ứng mơ thấy thiền sư trao cho cây tích trượng nên có thai, khi sinh có hào quang sáng khắp nhà, thiền sư có thể cầu mưa tạnh, đi trên không lội trên mặt nước, có thể phun nước lã chữa bệnh hủi và nôn ra thú đi vật chạy(3)… Rõ ràng đây là những môtip thuộc hệ thống tư duy folklore chủ yếu xuất hiện ở bộ phận văn xuôi tự sự mà nếu không chú ý đúng mức thì không thể thấy hết giá trị hỗn dung văn hoá của tác phẩm.

Cùng với các đặc điểm như cách thức ghi chép biên niên sử, tôn trọng tính chính xác của chi tiết, sự kiện; hình thức diễn tả tuyến tính theo từng đoạn, từng chặng đường đời; hình thức đan xen giữa lời văn xuôi tự sự và lời thơ – kệ nhằm phục vụ cho mục đích thuyết giáo… thì chính tư duy dân gian cũng là một phương diện quan trọng tạo nên đặc điểm loại hình các tiểu truyện thiền sư trong Thiền uyển tập anh. Khảo sát qua các tiểu truyện thiền sư tiêu biểu như về Đa Bảo, Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ và Quốc sư Nguyễn Minh Không – những nhân vật thiền sư vừa được chuyển hoá, sao chép vào các bộ sách như Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái và lại vừa được dân gian hoá, linh thiêng hoá qua hình thức các truyện cổ tích và truyền thuyết – có thể thấy rõ hơn sự khác biệt giữa các tiểu truyện thiền sư trong Thiền uyển tập anh với các thiên truyện đã được Nho giáo hoá và dân gian hoá về sau này. Trải qua thời gian, từ một số mầm mống yếu tố folklore có sẵn, các truyện ngày càng gia tăng thêm màu sắc dân gian kỳ ảo, thậm chí đan xen nhiều chi tiết giữa thiền sư này với thiền sư khác, giữa truyện thiền sư với nhiều yếu tố, môtip có cội nguồn văn hoá – văn học dân gian cổ xưa. Mối quan hệ hai chiều này (tương đồng, tích hợp các yếu tố folklore trong văn chương bác học và khả năng hoá giải các thiền sư – nhân vật văn học viết về nguồn đại chúng) càng chứng tỏ các nhân vật trong truyện thiền sư vốn tiềm tàng chất dân gian và dễ dàng chuyển thành nhân vật của chuyện kể dân gian, truyền thuyết và cổ tích, từ đó soi sáng trở lại các đặc trưng tư duy nghệ thuật của Thiền uyển tập anh trong loại hình văn xuôi trung đại.

*

Thiền uyển tập anh là tác phẩm văn học đồng thời có giá trị văn hoá hết sức to lớn(1). Việc đặt bộ sách như một tác phẩm văn xuôi tự sự sẽ bao quát được tất cả các nội dung văn – sử – triết, giải thích được đầy đủ tính chất hỗn dung thể loại, sự đan xen lời đối thoại, văn xuôi và thơ ca trong cùng một cấu trúc văn bản tự sự, việc ghi chép tiểu sử cuộc đời thiền sư với khả năng tích hợp các yếu tố folklore… Như vậy, hoàn toàn có thể xác địnhThiền uyển tập anh là một trong những tác phẩm khởi đầu và có ý nghĩa điển hình cho loại hình văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại.




(1) Thiền uyển tập anh (Nghiên cứu và dịch của Lê Mạnh Thát). Tu thư Phật học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1976; 320 trang. In sách Nghiên cứu Thiền uyển tập anh. Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 2000; 846 trang.

Thiền uyển tập anh (Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thuý Nga dịch, giới thiệu). Phân viện Nghiên cứu Phật học và Nxb. Văn học, H, 1990; 254 trang.

(2) Nguyễn Đăng Na: Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại – Truyện ngắn, Tập I. Nxb. Giáo dục, H, 1997; tr.59.

(3) Nguyễn Hữu Sơn:

Tìm hiểu những đặc điểm nghệ thuật của Thiền uyển tập anh. Tạp chí Văn học, số 4-1992; tr.57-59.

Mấy ý kiến về sách Thiền uyển tập anh. Nghiên cứu Phật học, số 4-1995; tr.48-50.

Đặc điểm mối quan hệ giữa phần “truyện – tiểu sử” và việc “tàng trữ giá trị thi ca” trong Thiền uyển tập anh. Tạp chí Tác phẩm mới, số 8-1996; tr.68-74.

(4) Xin xem Tuyển tập bài viết về tư tưởng truyền thống Việt Nam, thế kỷ X – đầu thế kỷ XIII. (M.T. Xtêpanhianx chủ biên). Mátxcơva, 1996; 242 trang. (Tiếng Nga).

– Nguyễn Tự Cường: Zen in Medievan Vietnam: A study and transtation of the Thiền uyển tập anh (Thiền thời trung đại Việt Nam – nghiên cứu và dịch bản Thiền uyển tập anh). Honolulu, 1997; 484 trang (Tiếng Anh)…

(1) Mục từ Tự sự, trong sách Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán – Trần Đình Sử – Nguyễn Khắc Phi chủ biên). Nxb. Giáo dục, H, 1992; tr.263-264.

(2) Mục từ Tự sự, trong sách 150 thuật ngữ văn học (Lại Nguyên Ân biên soạn). Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999; tr.371-372.

(1) Nguyễn Hữu Sơn: Tìm hiểu những đặc điểm nghệ thuật của Thiền uyển tập anh. Tlđd; tr.58.

(2) Hà Văn Tấn: Vấn đề văn bản học các tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam. Tạp chí Văn học, số 4-1992; tr.7-12.

(3) Lê Mạnh Thát: Những nguồn tài liệu và phương pháp viết sử, trong sách Thiền uyển tập anh. Tu thư Đại học Vạn Hạnh xuất bản, Sài Gòn, 1976; tr.42-57.

(1) Mục từ Nguyễn Nguyên Ức, trong sách Thơ văn Lý – Trần, Tập I. Nxb. KHXH, H, 1997; tr.460-462.

(2) Trần Nghĩa: Mục VII – Văn đối thoại trong giới thiền học, sự kết gắn giữa đạo và đời và phần dịch Bảy đoạn văn đối thoại trong giới thiền học Việt Nam, trong sách Sưu tầm và khảo luận tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỷ X. Nxb. Thế giới, H, 2000; tr.184-202, 336-362.

(3) N.I. Kônrat: Phương Đông và phương Tây – những vấn đề triết học, triết học lịch sử, văn học Đông và Tây(Trịnh Bá Đĩnh biên dịch). Nxb. Giáo dục, H, 1996; tr.315-316…

(1) Nguyễn Hữu Sơn: Thiền uyển tập anh – từ góc nhìn một nét tương đồng hình thức thể tài “biến văn”. Tạp chí Văn học, số 3-1997; tr.73-80.

(2) Như Hạnh: Tì-sa-môn Thiên vương (Vaisravana), Sóc Thiên vương và Phù Đổng Thiên vương trong tôn giáo Việt Nam thời trung cổ. Tạp chí Triết (San Jose), số 1-1995; tr.150-169. In lại trong Nghiên cứu Phật học, số 3-1988; tr.18-23 và số 2-1999; tr.21-24.

(3) Nguyễn Hữu Sơn: Về khả năng tích hợp các yếu tố folklore trong sách Thiền uyển tập anh. Tạp chí Văn hoá dân gian, số 1-1998; tr.40-44.

(1) Nguyễn Hữu Sơn: – Đọc Thiền uyển tập anh. Nhân Dân chủ nhật, số 38, ra ngày 15-9-1991; tr.9.

Về vị trí Thiền uyển tập anh trong dòng văn xuôi truyền thống dân tộc. Tạp chí Tác phẩm mới, số 2-1992; tr.63-64.

 

Nguồn: Văn hóa Nghệ An