Tiểu thuyết được nhà văn từng giành giải Nobel viết bằng kiến thức uyên bác về lịch sử Pháp, lịch sử tôn giáo, văn chương, hội họa.
Trong tác phẩm, Anatole France cho rằng con người có đức tin là cần thiết, nhưng tôn giáo hay niềm tin nào cũng cần được thanh lọc bằng những hoài nghi khoa học. Tinh thần thánh thiện, chủ nghĩa nhân văn là yếu tố quan trọng để một người lựa chọn đức tin.
Nhân vật chính trong tiểu thuyết Thiên thần nổi loạn là Arcade – một thiên thần hộ mệnh giáng phàm. Trên con đường tìm kiếm tri thức khoa học và chân lý, Arcade đã đảo tung một trong những thư viện tư lớn nhất châu Âu. Anh cùng nhóm thiên thần xây dựng một đạo quân chống lại thiên giới và hệ thống tín điều thủ cựu, chống lại sự giam hãm, áp đặt tư tưởng của tôn giáo và phá vỡ xiềng xích niềm tin để tri thức được thăng hoa.
Bìa sách “Thiên thần nổi loạn” qua bản dịch của Đoàn Phú Tứ, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn tái bản. |
Tác phẩm là những sự kết hợp thú vị của nhà văn Anatole France giữa học thức uyên bác với nghệ thuật đả kích, của trí tưởng tượng và hiện thực xã hội, lịch sử tôn giáo với phóng tác văn chương hay giữa những linh vật tôn giáo cùng các thực thể ngoại đạo… Tác giả cũng lồng ghép triết lý hoài nghi của bản thân vào trong tiểu thuyết.
Anatole France (1844 – 1924) là nhà văn lớn của nước Pháp thời cận đại. Ông sở hữu hàng chục đầu sách, trong đó có tiểu thuyết, thơ, cách ngôn, triết luận. Không chỉ là nhà văn, Anatole còn là như tư tưởng. Đầu thế kỷ 20, ông từ bỏ lập trường người quan sát để trở thành chiến sĩ đấu tranh cho nền dân chủ khi viết về các sự kiện lịch sử và xã hội đương thời. Năm 1921, Anatole France được trao giải Nobel vì “những tác phẩm xuất sắc mang phong cách tinh tế, chủ nghĩa nhân văn sâu sắc”.
Theo Lam Thu (Vnexpress)