Vậy là mẹ lũ trẻ đã qua đời. Người ta vẫn nói “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Mọi người trong làng vội vã kéo nhau đến, mỗi người góp một thứ. Người mang vải liệm, người mang thức ăn cho lũ trẻ đói khát. Trong số ba anh em, Giôn là đứa lớn nhất, mười hai tuổi, đã bắt đầu biết việc. Kê-ti là chị thứ hai, khoảng mười tuổi, hoạt bát và thông minh; tất nhiên là nếu được chăm sóc tử tế. Còn Méc-ghi, em út thì thật vô vọng. Hai năm trước, con bé ngã từ cửa sổ và bị chấn thương cột sống. Kể từ đó, nó chỉ nằm trên giường, ngoại trừ những khi được mẹ bế ra ngoài.

“Tương lai nào sẽ chờ đón lũ trẻ?” là câu hỏi lớn trong đầu mọi người. Sau khi cân nhắc và bàn bạc với vợ, ông Ken nhận nuôi Giôn. Còn bà Ê-li thì cho rằng nhận nuôi Kê-ti là tốt nhất, mặc dù con bé còn quá nhỏ để có thể làm việc được trong vài năm tới.

Nhưng đến Méc-ghi thì ai cũng ái ngại. Các bà, các chị mang tới một chiếc chăn, vài bộ quần áo cũ, thay bộ quần áo rách rưới trên người con bé. Đôi mắt buồn của con bé khiến nhiều người động lòng trắc ẩn. Ánh mắt như gõ cửa trái tim mọi người, mong tìm một lối vào. Thế nhưng chẳng ai mở cửa. Chẳng ai nói “Tôi sẽ nuôi Méc-ghi”. Ai muốn có một đứa con nằm liệt giường cơ chứ?

Cuối cùng, một người đàn ông lên tiếng: “Đưa con bé đến trại tế bần. Như thế sẽ không còn ai phải áy náy nữa”.

“Trại tế bần là nơi buồn tẻ cho một đứa trẻ ốm yếu như Méc-ghi”. Một người khác nói.

“Với con tôi hoặc con anh thì đúng thế.” Một người khác bảo: “Nhưng với Méc-ghi thì lại tốt đấy. Con bé sẽ được tắm rửa sạch sẽ, có thức ăn, được chữa trị khi ốm đau. Như thế còn tốt hơn nhiều so với khi mẹ Méc-ghi còn sống”.

Đám tang diễn ra vào ngày hôm sau. Những người hàng xóm cũng tới căn nhà tồi tàn, nhưng không ai đi theo chiếc xe tang ra nghĩa địa. Xong việc, ông Ken dắt Giôn đi, hài lòng rằng mình đã làm được một việc tốt. Bà Ê-li bảo Kê-ti: “Chào tạm biệt em gái đi”, và vội vã tách hai đứa trẻ đang nước mắt ngắn dài. Những người còn lại thì hấp tấp rời khỏi căn nhà lụp xụp. Vài người cố tránh không nhìn Méc-ghi. Chỉ còn lại Dâu Thom-sơn và vợ người thợ rèn còn đứng trước ngưỡng cửa.

“Thật tàn nhẫn nếu để con bé một mình như vậy”.

“Vậy hãy đưa nó đến trại tế bần. Con bé sẽ phải đến đó”. Vợ của người thợ rèn trả lời, quày quả đi ra, để mặc Dâu và con bé ở lại.

Người đàn ông đứng yên, băn khoăn suy nghĩ. Lúc sau, anh quay lại, đi vào căn nhà. Dẫu bị đau, Méc-ghi đã gắng tự ngồi thẳng dậy trên giường, nhìn ra cửa. Trên khuôn mặt gầy gò, trắng bệch là nỗi sợ hãi mơ hồ.

“Chú Dâu Thom-sơn!” con bé kêu lên: “Đừng bỏ cháu một mình!”.

Minh họa: Phạm Hà

Dù có vẻ ngoài thô ráp, Dâu Thom-sơn có một trái tim nhân hậu. Anh thích trẻ con và luôn hài lòng để chúng chơi ở cửa hàng của mình, nơi có những chiếc xe trượt tuyết hoặc các cỗ xe anh sửa chữa cho mọi người trong làng.

“Không đâu, Méc-ghi ạ”. Dâu trả lời và đi đến bên giường, cúi xuống, nhẹ nhàng quấn Méc-ghi trong tấm mền sạch sẽ mấy người hàng xóm mang tới ban sáng, bế con bé lên, đi về nhà mình.

Giên, vợ Dâu, bị vô sinh và không phải là người phụ nữ thánh thiện cho lắm. Vì thế, Dâu hoàn toàn có căn cứ để lo lắng về phản ứng của vợ mình. Từ xa, Dâu đã thấy Giên đứng đợi trước cửa với cái nhìn khó chịu.

Dâu ôm chặt con bé vào lòng. Anh bỗng thấy một cảm xúc dịu dàng, kỳ lạ len vào trái tim như thể đã có một tình cảm sâu đậm ràng buộc anh và đứa trẻ.

“Anh đang ôm gì đó?”. Giên hỏi lớn.

Dâu không trả lời mà chỉ nhìn vợ như muốn nói: “Hãy nhẹ nhàng và chờ một chút”. Anh đi thẳng vào căn buồng nhỏ, đặt Méc-ghi lên giường. Rồi anh bước ra ngoài, đóng cửa lại, đối diện với bà vợ chua ngoa.

“Anh mang con nhóc bệnh tật đó về nhà hay sao?”. Giên gắt gỏng.

“Đôi khi trái tim phụ nữ thật sắt đá”, Dâu bảo vợ. Hằng ngày, mỗi khi vợ cáu bẳn về điều gì đó, anh đều giữ im lặng. Nhưng hôm nay thì không.

“Chưa bằng một nửa nam giới các anh!”.

Bằng trực giác, Dâu biết câu nói của mình đã có hiệu quả. Anh trả lời vợ bằng một cơn phẫn nộ thực sự: “Vậy mà tất cả phụ nữ ở đám tang đều chẳng buồn nhìn Méc-ghi đáng thương lấy một lần. Và khi chiếc xe tang rời khỏi nhà thì họ cũng vội vã bỏ đi, để con bé lại một mình trong túp lều cũ nát”.

“Sao không cho nó vào trại tế bần? Mang nó về đây làm gì?”.

“Con bé không thể tự đi đến trại tế bần được”, Dâu nói: “Phải có ai đó đưa con bé đi chứ”.

“Vậy sao anh không đi thẳng đến trại tế bần ấy?”. Giên lên giọng.

“Anh không phải là thằng ngốc. Phải gặp người giám hộ đã, rồi sau đó phải có giấy phép mới được”.

“Khi nào anh đi gặp người giám hộ?”. Giên hỏi một cách thiếu kiên nhẫn.

“Mai”.

“Sao phải đợi đến mai? Đi ngay bây giờ và chấm dứt cái gánh nặng này đi”.

“Giên! Chẳng nhẽ chúng ta không thể làm được điều gì nhỏ nhoi cho con bé mồ côi khốn khổ hay sao? Hãy cho con bé một đêm an lành, hãy đối xử tốt với con bé một đêm trong đời có được không?”.

Giọng Dâu bỗng run run. Anh quay đi để vợ không nhìn thấy đôi mắt đã ầng ậc nước của mình. Giên không nói gì, nhưng một cảm giác dịu dàng, ấm áp đã len lỏi vào trái tim cô.

“Giên! Hãy chăm sóc Méc-ghi thật tốt và nói chuyện với con bé thật dịu dàng”. Dâu nói tiếp: “Hãy nghĩ về người mẹ đã khuất của con bé, và cả sự cô đơn, nỗi đau thể xác lẫn tâm hồn mà con bé sắp phải gánh lấy trong đời”.

Giên không trả lời, chỉ quay về phía căn buồng nhỏ nơi chồng cô vừa đặt Méc-ghi, đẩy cửa và lặng lẽ bước vào.

Dâu không đi theo. Anh đã thấy sự thay đổi trên sắc mặt của vợ và biết rằng tốt nhất là để Giên một mình với con bé. Anh đi nhanh về phía cửa hàng của mình và làm việc ở đó cho đến sẩm tối.

Khi về, qua cửa sổ, Dâu đã thấy Giên đang ngồi bên giường, quay lưng về phía cửa sổ và nói chuyện với con bé. Từ khuôn mặt Méc-ghi, Dâu thấy con bé đã bớt buồn và không có biểu hiện gì là đau đớn. Anh thấy như vừa cất đi được một gánh nặng.

Dâu không đi ngay lập tức vào căn buồng mà đi quanh ở gian bếp để Giên biết là anh đã về. Tốt nhất là không nên nhắc gì đến con bé vào lúc này.

Rửa sạch bụi, đất, Dâu đi vào căn buồng. Méc-ghi ngước đôi mắt to, sáng nhìn anh đầy biết ơn. Tim Dâu như tan chảy! Dâu ngồi xuống. Lần đầu tiên anh nhìn kỹ khuôn mặt con bé. Méc-ghi có khuôn mặt  trong sáng mà khổ đau chưa kịp chạm đến.

“Vậy tên con là Méc-ghi?”. Dâu nắm lấy bàn tay nhỏ bé trong tay mình.

“Vâng ạ”.

“Con bị bệnh thế này lâu rồi à?”.

“Vâng ạ”.

“Có bác sĩ tới thăm bệnh cho con không?”.

“Trước đây thì có nhưng lâu rồi ông ấy không tới nữa”.

“Con có hay bị đau không?”

“Thi thoảng. Nhưng bây giờ thì không ạ. Sáng nay, khi chú bế con lên thì một bên người và lưng con đau nhói”.

“Bây giờ thì không đau nữa à?”.

“Từ khi con được nằm trên chiếc giường êm ái này thì không còn đau nữa ạ”.

“Chiếc giường này tốt chứ”.

“Ồ vâng, rất tốt ạ!”. Méc-ghi nói, giọng đầy biết ơn.

Đúng lúc đó thì Giên gọi anh ra ăn cơm. Dâu nhìn vợ rồi quay qua Méc-ghi. Giên hiểu ý, nói: “Em sẽ cho con bé ăn sau”.

Ngay khi Dâu ngồi xuống bàn, Giên bảo: “Anh định làm gì với con bé?”.

“Anh tưởng em biết rồi chứ? Con bé sẽ đến trại tế bần”. Dâu trả lời, vờ tỏ vẻ ngạc nhiên.

Giên nhìn Dâu một cách khá kỳ lạ. Rồi cả hai yên lặng, không ai nhắc lại chủ đề đó thêm lần nào nữa trong suốt bữa ăn. Ăn xong, Giên nướng một lát bánh mì, quệt bơ, rót sữa. Thêm một tách trà, cô mang sang cho Méc-ghi.

“Ngon không?”. Giên hỏi trong khi con bé đang ăn ngon lành.

Câu trả lời với cái nhìn biết ơn của Méc-ghi bỗng nhiên làm thức tỉnh một cảm xúc trong Giên tưởng chừng đã không còn có thể trở lại sau nhiều năm mòn mỏi.

Sáng hôm sau, Giên bảo Dâu: “Chúng ta hãy để con bé ở đây một, hai ngày hoặc lâu hơn. Nó còn quá yếu”.

“Con bé sẽ khiến em vất vả hơn đấy”. Dâu nói.

“Một, hai ngày thì chẳng sao. Con bé thật tội nghiệp!”.

Hôm đó, Dâu đã không đi gặp người giám hộ. Ngày hôm sau và hôm sau nữa cũng vậy. Thực ra, Dâu không bao giờ đi gặp người giám hộ cả, bởi chỉ trong chưa đầy một tuần, Giên đã không còn ý định đưa Méc-ghi vào trại tế bần nữa.

Điều gì đã xảy ra với gia đình người thợ làm bánh xe nghèo Dâu Thom-sơn vậy? Căn nhà của họ đã từng tăm tối, lạnh lẽo, và đầy đau khổ khi người vợ không có ai để yêu thương, chăm sóc ngoài bản thân mình. Nó đã khiến Giên trở thành một người đàn bà chua ngoa, cay nghiệt. Giờ đây, tình yêu, sự kiên nhẫn, và lòng biết ơn trong mắt con bé như dòng suối ngọt tưới mát tâm hồn Giên. Với Giên, giờ đây Méc-ghi là “vô giá”. Còn với Dâu Thom-sơn, sẽ không một người đàn ông nào trong khu phố hạnh phúc hơn anh. Một thiên thần đã gõ cửa và đi vào nhà anh trong hình hài một đứa trẻ ốm yếu, không nơi nương tựa. Thiên thần đó đã khiến cho tất cả các căn buồng ảm đạm, tê tái trước đây trong căn nhà ngập tràn ánh nắng yêu thương.

Theo Văn nghệ quân đội (Hữu Khôi dịch)

Exit mobile version