Tập truyện “Người bên lề” của nhà văn Thiên Sơn đã được NXB Thời Đại và nhà sách Hương Giang tái bản lần thứ tư. Cuốn sách đặt ra nhiều vấn đề về số phận con người trong xã hội hiện đại với một góc nhìn riêng.

– Anh chú ý đến những số phận trên ranh giới giữa loài người và loài thú từ khi nào?

– Từ lâu rồi, khi tôi mới hơn 20 tuổi, đang là sinh viên ở khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cuốn Người bên lề được hình thành từ những ngày ấy. Một trong những khía cạnh quan trọng của Người bên lề chính là việc con người bị xô dạt về phía loài thú, con người không được là người. Trong truyện ngắn Hai cuộc đời có một nhân vật bị đần độn. Mọi người bảo máu nó màu đen. Đi đến đâu nó cũng bị xua đuổi. Thế rồi nó tìm đến loài chó. Chó cũng không chơi với nó. Chó cắn nó. Máu nó chảy ra từ những cái răng chó. Đau đớn nhưng trong phút ấy nó thấy máu nó cũng đỏ như máu mọi người. Đấy, truyện này có thể là một ví dụ. Con người ấy không được thừa nhận là người, cũng không phải là thú. Đó là một bất hạnh lớn lao.


Nhà văn Thiên Sơn.

– Anh có thể nói chi tiết hơn về những loại nhân vật này.

– Những người bị thiểu năng trí tuệ, những người điên, những người bị tật nguyền, những cô gái điếm, những tên cướp… Chưa hẳn họ đã hoàn toàn mất hết khả năng và tính người. Nhưng rồi cuộc đời nghiệt ngã đã nghiền nát họ. Khi bị vứt bỏ, bị hành hạ, họ chìm vào cô độc, thú tính chi phối, bản tính tốt đẹp bị xói mòn và rơi vào tha hóa. Con người đã không cứu vớt được đồng loại, thậm chí còn hành hạ đồng loại bằng những định kiến đen tối. Tôi muốn nhấn mạnh đến khía cạnh đáng buồn ấy.

– Đó dường như là cách nhìn khá bi quan. Anh nghĩ sao?

– Không, tôi chỉ nói lên sự thật. Thế giới chúng ta đang sống quả thực có rất nhiều vấn đề. Con người đối với con người còn có rất nhiều vấn đề đau xót mà chúng ta chỉ còn một cách là nhìn thẳng vào đó nếu muốn thay đổi.

– Với cách đặt vấn đề như vậy, hẳn anh phải đề cập đến nhiều nhân vật kỳ dị. Anh nghĩ sao nếu bị độc giả hiểu một cách méo mó về tác phẩm của mình?

– Tôi không đi vào sự kỳ dị. Tôi nhấn mạnh đến những khía cạnh khơi gợi lòng nhân đạo của con người. Nhân vật có màu sắc đa thanh được chú trọng. Chẳng hạn một người bị mọi người coi là điên và xa lánh, bị hành hạ, nhưng thực ra người đó không hoàn toàn điên như người ta tưởng. Trong tâm trí của người đó vẫn lưu giữ những hình ảnh về gia đình, những khát khao thuộc về bản thể (Người đàn bà điên); hay tôi viết về một tên cướp khủng khiếp, tưởng chừng hắn là kẻ vô nhân tính, nhưng khi con hắn ốm, hắn đã làm tất cả để cứu con mình (Hắn); Có những nhân vật thuộc về giới tính thứ ba, bị xa lánh (Trái tim tan vỡ); có người vì đói khổ mà đã bị già đi khi chưa kịp lớn lên, bị gả bán như một món hàng (Kiếp tàn)…

Tất nhiên viết về những con người như vậy sẽ không tránh khỏi những vấn đề nhạy cảm. Vì thế, cuốn truyện này lúc đầu cũng không dễ gì in ra được. Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, truyện của tôi không đăng báo được. Đến năm 2001, NXB Quân đội Nhân dân in chỉ được một phần rất nhỏ. Đến năm 2006 thực sự bộ sách này mới được in khá đầy đủ như hiện nay. Cuốn sách tại thời điểm 2006 được các báo, đài truyền hình với chuyên mục Mỗi ngày một cuốn sách và nhiều trang web giới thiệu. Đến nay, cuốn sách đã được in lại lần thứ tư và được chuyển thành ebook trên các mạng sách điện tử lớn. Đó cũng là một hành trình gian nan, nhưng có lẽ khó khăn đã qua rồi.


Trang bìa cuốn sách.

– Anh nghĩ sao về khả năng tiếp tục đề tài “Người bên lề”?

– Tôi còn theo đuổi đề tài này trong nhiều năm nữa, trong những cuốn sách sau.

– Trong văn học, có một mảnh đất riêng, một nguồn tư liệu riêng và một quan niệm riêng là rất quan trọng. Nhưng thiết nghĩ, để có một tác phẩm thực sự có giá trị, cần phải có những yếu tố khác thuộc về tài năng, những tìm tòi về thủ pháp. Anh suy nghĩ thế nào về vấn đề này?

– Không gì có thể thay được tài năng và sự lao động, tìm tòi. Gần 20 năm trước, khi tôi nghĩ về Người bên lề, đó mới là những phác thảo về các số phận. Nhưng càng ngày, biên độ của đề tài, của vấn đề liên tục được mở rộng, sự phức tạp, phong phú của nó cũng không ngừng nhân lên. Bút pháp cũng đòi hỏi đa dạng. Thực và ảo đan xen. Có thêm những ẩn dụ. Nghệ thuật truyện cũng phải đạt được một tầm mức nào đó. Tóm lại, những thách thức luôn hiện hữu.

Nguồn: eVan