Có một điều thú vị, sau khi đọc xong 3 trường ca của nhà thơ Hữu Thỉnh, tôi bỗng nhận ra một sự nhất quán là hình như thiên nhiên đã vì ông mà phó thác hồn mình vào hồn người và Hữu Thỉnh như cũng tan chảy cảm xúc cùng với sự rung động của thiên nhiên. Không còn thụ động “cho vui mới được vui, cho buồn mới được buồn”, thiên nhiên trong trường ca Hữu Thỉnh ở tầng nấc cao hơn, vận động đầy biến hóa, đầy sắc thái… thiên nhiên là sinh mệnh thứ hai, là sự hóa thân của con người.

Nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam


CẢM HỨNG THIÊN NHIÊN – MẠCH NGUỒN SÁNG TẠO, SỰ SẺ CHIA TẬN ĐỘ


“CON người là một tiểu vũ trụ”, trường ca Hữu Thỉnh cho ta hiểu rõ hơn điều đó. Trong cái vô thường, vô vi của cuộc sống; con người, thiên nhiên luôn ẩn chứa bao điều bí ẩn. Hình như thiên nhiên lấy cảm xúc của mỗi con người mà làm nên tâm trạng, mà bộc bạch với chính trời đất, mà tồn vong, và con người hình như cũng tìm thấy nơi thiên nhiên lắng đọng tâm hồn mình để giải bầy, sẻ chia, gửi gắm, để hóa thân…Và cũng vì lẽ đó, con người thừa hưởng hay được ân huệ mang trong mình nhiều giá trị bất diệt của thiên nhiên, cái mênh mông mà gần gũi, cái rộng dài mà thẳm sâu, cái gấp khúc, quanh co; cái éo le, dang dở mà làm nên sự ngay ngắn…để rồi đích đến là sinh khí, là hạnh phúc của trái ngọt, là cái tồn tại vĩnh cửu, là gen quý di truyền, ký thác, để nhận diện “cái khác” khác “cái khác”.


Hiểu mình, thấu lẽ với thiên nhiên, nhà thơ Hữu Thỉnh lúc như mang hồn người, lúc như lại mang hồn cỏ cây sông nước… mà cất lên niềm say đắm, mê hoặc lòng người “ Còn chút lửa hoa dong riềng cuối giậu/ Sợ một chiều sương muối đến đem đi”. Sự tinh tế làm nên sức lan tỏa, làm nên sự khác biệt, ông đi tìm cái khác biệt để đạt được cái hòa đồng, biến cái không thể thành cái có thể, khiến thơ Hữu Thỉnh biến hóa khôn lường.


Tuyển tập tập hợp ba trường ca: Sức bền của  đất, Trường ca biển, Đường tới thành phố là sự tích tụ khát vọng, tư tưởng, tình cảm của tác giả về cuộc đời, con người; về cách lấy cái hữu hạn để ứng xử với vô cùng . Hữu Thỉnh đã tìm đến thể loại trường ca để thể hiện, không phải như ông khiêm nhường chia sẻ là “không có tài viết ngắn”. mà có lẽ “Cuộc sống lớn lao, bi tráng quá, đòi hỏi phải mở rộng các kích cỡ. Những điều gì cần nói và có thể nói được tôi đã nói trên trang giấy”. Đọc liền một mạch ba trường ca của ông có bao điều, bao nhiêu cảm xúc tôi được tận hưởng mà chỉ có ông mới là người đem đến được; trong rất nhiều khía cạnh, chiều kích khác nhau trường ca Hữu Thỉnh khiến tôi tâm đắc, tôi mạnh bạo với vài lát cắt các trường ca của ông như là bày tỏ lòng khâm phục chia sẻ cùng độc giả.

THIÊN NHIÊN SINH MỆNH THỨ HAI, NƠI KÝ THÁC TÂM HỒN

Trong sự hòa hợp, ký thác ấy đất được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, trước hết đất là khởi nguồn của sự sống, đất là sinh linh, đất là vĩnh cửu, trường tồn, con người sinh ra từ cát bụi, đến khi ký thác lại trở về với cát bụi. Thiên nhiên, con người là những dạng vật chất tinh túy cụ thể, được “vắt” ra từ đất, nó biến đổi không ngừng, kết thúc một hành trình, một đời sống… Lại trở về với “mẹ” – Đất. Trường ca Sức bền của đất, đi tìm lời giải đáp đâu là căn nguyên, cái gì là tố chất tác thành sức bền của một hành trình, một đời sống…mà làm nên sức bền của đất. Nói một cách khác Tổ quốc là đất đai, cỏ cây, sông núi, là con người, là vạn vật, là sự gắn bó gần gũi thân quen, là câu ca, lời hát, là tình yêu, là máu mủ ruột già, là quê hương nòi giống tổ tiên… Mẹ Tổ quốc vừa là cái gì đó thiêng liêng vĩ đại, vừa là cái gì đó nhỏ nhoi, bình dị mà ấm áp sâu đằm như đất. Ký thác tâm hồn mình vào thiên nhiên là cách nhà thơ bày tỏ tình cảm của mình với Tổ quốc.


Đất. Ở đâu chúng ta cũng gặp đất:

Cây cối thưa dần

Màu ngụy trang cuối cùng là màu của đất.

Đất chiến hào như một người hay chuyện

Ta chưa một lần được thư thả đất ơi

Đất vẫn đất của dân ca và mía mật

Gió thổi rừng lồ ô xao xuyến biết bao nhiêu

Con đường tấy lên như một lời thề

Đất gọi ta, làng gọi ta, nóng bỏng

Đắp nắm đất cho người ở lại

Trận đánh hiểm nghèo: tất cả giơ tay!

Đến lời đề từ cũng đầy hương vị đất đai:

Qua sông lấy sóng mà yêu

Đường xa gặp núi lấy đèo mà tin


Con người khi đã qua cái khó khăn và gian lao được đúc rút bằng niềm tin trực giác. Cái triết lý đời thường được gửi gắm vào thơ không chỉ đúng nhất thời mà còn được mài rũa theo thời gian, không chỉ hiện thực mà còn thơ mộng. Sự am hiểu về quy luật thiên nhiên đã cho Hữu Thỉnh những câu thơ triết luận có lý với đời. Cái hấp dẫn của thơ ông phải chăng là sự hòa hợp với thiên nhiên. Tâm thế tác giả từ đó mà được thiên nhiên nâng lên can trường, dũng cảm và tự chủ.


Và song song ở một tầng vỉa khác hình ảnh mẹ cũng được ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần:


Đom đóm bay ra hoa gạo đỏ

Mẹ ở nhà đã cất áo bông

Mẹ có ra bờ sông

Qua bến đò tiễn con dạo trước

Đường xuống bến có mười sáu bậc

Mẹ nhớ thương đã bạc mái đầu…


Đất nước ngày có giặc

Mẹ vẫn đỏ miếng trầu

Ấm một vùng tin cậy phía sau.

Mẹ vẫn đong bữa ăn bằng chiếc lon nho nhỏ

Quá nửa những cánh đồng dành cho đứa con xa

Kim nhể gai kim càng phải nhọn

Mẹ dạy con như thế tự bao giờ

Xa mẹ chúng con vỡ nhẽ trăm điều


Đất và mẹ, hoà quyện, tan lẫn vào nhau trong cảm xúc của thơ ông, tuy hai mà một, để cho ông có được không gian đủ để giải bầy và cao hơn  để ký thác tâm hồn mình, nhận diện mình.Từ mẹ, từ cây đa bến nước sân đình, từ cái nôi của hát xoan, hát ghẹo, thơ ông mang đậm sắc thái văn hóa dân gian, dân ca. Nhiều ngạn ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao trữ tình nhập vào ông giờ đây được ông huy động vào Sức bền của đất một cách tài tình, hư ảo, biến hóa khôn lường:


– Với hát xoan, hát ghẹo:


Cây vối đứng bờ ao, cặp thừng treo gác bếp

Bồ muối để dành vần cạnh bếp tro

Cái cối cái chày đếm nhịp nhỏ to

Bao truyền thuyết được kể ra từ đấy…


Hai chữ thủy chung đính ở góc khăn

Bớt chông chênh những ngày chờ đợi

Kim chỉ có đầu hoa thơm có cội

Bèo trôi lôi bến tiễn đưa nhau.

– Với ngạn ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao:

Tre làm nhà ngâm ba năm mới vớt

Ớt cựa gà ba vụ mới cay

Trời có mưa có nắng

Giếng có cạn có đầy

Con gái ở bền không chê tấm vá

Con trai ở bền như đá muối dưa.


Đường tới thành phố là trường ca nối tiếp mạch Sức bền của đất.Mở đầu hai trường ca này đều bắt đầu từ “lửa”. Nếu lửa ở Sức bền của đất phát ra từ ánh sáng con đom đóm còn “chập chờn, sáng tối”;  thì lửa ở Đường tới thành phố đã đạt đến độ “hừng” đủ để bùng cháy, đủ để làm nên biến đổi.  Như vậy, trong tư duy và hình tượng thơ, Đường tới thành phố  đã có sự kế thừa Sức bền của đất. Tuy nhiên, tất cả đã được đẩy lên cao hơn, biên độ của cấu trúc được mở rộng.Cấu trúc mạch thẳng được duy trì, cấu trúc hình sin xuất hiện, cùng với nó là không gian thơ được mơ rộng, tạo ra bề rộng cho sự liên tưởng, bề sâu cho cảm xúc.  Thế giới nghệ thuật trong Đường tới thành phố đã được dựng lên thành một tổng phổ đa tầng, nhiều sắc thái, nhiều mảng miếng, nhiều cung bậc, nhiều tuyến đan chéo nhau tạo nên sự cộng hưởng. Nói cách khác, với nhân vật trọng tâm là người lính, Đường tới thành phố là cảm hứng phức hợp, nhiều tầng, là sự cộng hưởng của cái chung và cái riêng, cái hiện hữu và cái vô hình, niềm vui và nỗi buồn, đau thương và kiêu hãnh, sự đan xen giữa khát vọng và lý tưởng mà tuổi trẻ thời đại nào cũng cần suy ngẫm. Được hỏi về trường ca này, nhà thơ Hữu Thỉnh bộc bạch “Hiện thực chiến tranh trong tác phẩm của tôi chỉ là cái cớ để nhà thơ dựng lên một chân dung tâm trạng của người lính trong chiến tranh. Đó là đời sống tinh thần, tâm hồn, tình cảm, trái tim của người lính trong những bối cảnh khốc liệt nhất, từ đó lóe sáng tình yêu của họ về đất nước, quê hương, về con người.”


Có thể dễ dàng nhận thấy “màu của lửa” tràn ngập khắp các chương, đoạn của trường ca. Ngọn lửa trở thành biểu tượng mà tác giả gửi gắm bao quan niệm sống, bao suy tư; nơi ký thác tâm hồn mình mà sẻ chia với nhân thế : “Không biết cách nào lửa đã nhóm lên/ Như không phải củi rừng đang cháy/ Có gì đó trong đốm tàn hoa cải/  Cứ bay lên là nhẹ người ngồi/ Lửa vút cao vách đất bóng người/ Đang ấm lại bao nỗi niềm để ngỏ/ Tiếng suối đổ hãy nghe suối đổ/ Chảy cồn cào ngang dọc mỗi tâm tư…”


Lửa như hoá thân vào mỗi cung bậc khác nhau của tình cảm để mà cháy, để mà hiện hữu, để mà tỏ bày. Người đọc như bị thôi thúc được khám phá, được vỡ oà:


Nếu mẹ biết ta còn đông đủ

Đang bập bùng thương nhớ suốt hành lang

Giọn đèn ấy bớt đi nhiều khuya khoắt

Chia bình yên cho mỗi con đường

và:

Đốt ngọn lửa để tìm vào tri kỷ

Và:

Chúng tôi trẻ nên củi rừng mau bén

Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình


Hoa bí đỏ từ vạt nương tư lệnh

Đỏ dần sang khắp cứ bạt ngàn


Lửa cho sự liên tưởng đầy thú vị và tinh tế. Lửa có sinh mệnh, có sức lan truyền nhân lên sức mạnh và cảm hóa. Thiên nhiên, đất đai, cỏ cây , sông núi, lửa… có thể coi là một kiểu “nhân vật” mang gương mặt người thể hiện đặc điểm tư duy, đánh dấu những tìm tòi và sáng tạo của nhà thơ muốn ký thác.


Sông ơi sông nếu ta phải ra đi

Bậc thấp xuống cho em ra gánh nước


Đất mặn đắng tan dần rồi chảy khắp

Đất thì thầm và nóng bỏng như em


Hoa bung biêng ơi, con lắc của mùa xuân

Rừng không ngủ vì những hồi gõ tím


Tôi là chỗ thất thường của gió

Khi người yêu cởi áo trao khăn

Hình ảnh người chị, người vợ xuất hiện trong chiến tranh cũng đầy chia sẻ:

Suối cứ thế âm thầm nuôi biển lớn

Cứ âm thầm chảy xiết với thời gian


Anh hỏi hoài để được nghe chị nói

Hàng tre thưa đưa gió rắc lên thềm


Nhẫn vẫn lỏng trên ngón tay khô héoAnh xoa xuýt trước màu hoa cứu đói


Thiên nhiên đồng hành cùng nhà thơ, “thấu tận nguồn cơn” những hy sinh gian khổ trong chiến tranh. Chính thiên nhiên đã cỗ vũ, nâng bước cho người lính làm nên ý chí, làm nên lịch sử. Cũng chính thiên nhiên nói hộ tâm tư người lính trên đường ra trận mỗi khi ngoái lại nhìn về quê nhà:


Cha cả nghĩ còn mẹ thường ít nói

Lúa đồng mình mỏi mắt vẫn chưa hoe


Nếu trước kia thiên nhiên (Sức bền của đất) biểu trưng cho sự sống, cho sức bền, cho sự dẻo dai đối lập với chiến tranh, với sự chết chóc, có khả năng lan tỏa niềm tin, thì giờ đây (Đường tới thành phố) thiên nhiên, là hiện diện, tồn tại của cá thể, mang tâm thế của con người.


Sau Trường ca Đường tới thành phố, nối tiếp mạch cảm xúc, “Trường ca Biển là một sự kế tục và cũng là một cuộc vượt thoát trong nghệ thuật viết trường ca của Hữu Thỉnh. Trước hết là sự thay đổi bối cảnh. Nếu như ở hai trường ca trước, bối cảnh chính là cái khoảnh khắc khốc liệt cuối cùng của chiến tranh, thì ở đây là cái dữ dội của biển trên một vùng đảo nhỏ xa xôi của Tổ quốc trong sự nhòm ngó, xâm lăng của kẻ thù. Kết cấu Trường ca Biển đã khác nhiều so với Sức bền của đất và Đường tới thành phố. Yếu tố tuyến tính, mạch thẳng đã bị thay thế bằng kết cấu song hành giữa một bên là câu chuyện của người lính, một bên là lời của sóng; giữa những cuộc đối thoại biển với người lính và bên kia là những cuộc độc thoại. Kỹ thuật cắt đoạn và bố trí các chương với sự giãn nở biên độ tạo ra những khoảng lặng, khoảng trống gợi liên tưởng và tưởng tượng ở người đọc, đã tạo cho trường ca này có màu sắc hiện đại và mang dáng vẻ của một bản giao hưởng ngôn từ với điệp trùng các tuyến, các vỉa tầng ngữ nghĩa, các cung bậc cảm xúc và chi tiết biến hóa.”*


Cuộc trò chuyện giữa người lính và biển thật thú vị, có chiều sâu nhân văn. Sức hút đó không phải bởi sự kỳ vĩ hóa mà bởi tính chân thực, gần gũi thấu hiểu thiên nhiên:


Những vết thương của tôi nhiều hơn cả tuổi

đời…

Cây không đi tìm gió, nhưng kẻ thù sẽ đến tìm

ta.

Ta lấy gì để che mắt chúng?

Màu cát hay màu biển”.

Biển cũng thấu hiểu, cảm phục và truyền cho người lính cái cách để tồn tại nơi mà con người không có ưu thế :

Sống với nước hãy bắt đầu từ nước .

Còn với sóng – Thế lực của biển khơi hình như cũng dịu dàng đi trước màu áo lính

Em muốn gửi tròn tay

Gối mềm trên đảo cát

Hay

Em muốn đem tóc xanh

Buộc trời cho đỡ bão

Cát thì :

Biển có đảo biển đỡ lặp lại mình

Đảo có lính cát non thành Tổ quốc


Lửa – chính là tác nhân trui rèn, đào luyện nên dáng vóc người lính trong chiến tranh, bước sang thời bình, đối diện với một thực tế khác, dẫu không còn là cảnh sự sống, và cái chết luôn đeo bám, rình rập quanh mình, nhưng cuộc sống người linh cũng không vì thế mà  bớt đi phần khắc nghiệt. Suy tư, ngẫm ngợi của người lính về thời cuộc, về nhân thế, về cái tôi của mình cũng khác xưa, đa chiều hơn, trầm lắng sâu sắc hơn:


Đom đóm ơi, đom đóm dẫn đi đâu

Đêm là tàu lá sen che nửa phần trái đất.

Hay :

Còn chút lửa hoa dong riềng cuối dậu

Sợ một chiều sương muối đến mang đi.

Rồi:

Cá rô rạch ngược mưa rào

Hám gì bỏ nước cầu ao vào lờ


Cứ thế, bằng cách kiến tạo ra những cuộc đối thoại giữa người lính với biển cả, giữa cát với đảo, sóng với cát, những cuộc độc thoại đan xen,… làm phát lộ những vỉa tầng cảm xúc mới, mang thân phận người . Hữu Thỉnh đã nói được cái mình cần phải nói với tư cách là một người lính trước thời cuộc, trước Tổ quốc, đó là lòng quả cảm, là thái độ sống, ý thức công dân, trách nhiệm người cầm bút.


Với ba trường ca trên nhà thơ Hữu Thỉnh đã ký thác tâm hồn mình, dân tộc mình trong thiên nhiên với nhiều cung bậc, chiều kích khác nhau. Có thể khẳng định, không gian vô bờ của thiên nhiên, trong thế giới thơ Hữu Thỉnh nói chung và thế giới trường ca Hữu Thỉnh nói riêng, thực sự là cả một cõi nhân gian, cõi người với bao vui – buồn, sướng – khổ, được – mất…


Lựa chọn thiên nhiên để ký thác những tâm tư và suy nghĩ, cảm xúc và tư tưởng của mình là cách thi nhân lấy cái hữu hạn để ứng xử với cái vô cùng. Những thông điệp nghệ thuật được nhà thơ gửi gắm vào thiên nhiên giàu ý nghĩa nhân văn nó thể hiện tình thương yêu, nỗi đau và niềm tin trước cuộc đời của một ngòi bút từng trải mà mộng mơ; sâu sắc, tài hoa mà thanh thoát, tinh tế; ham triết lý mà vẫn đằm thắm, tình tứ…


Trường ca Hữu Thỉnh kết hợp hài hoà những yếu tố truyền thống và hiện đại, nhuần nhị bản sắc phương Đông mà vẫn có nhiều cách tân mới lạ.  Tác giả đã sử dụng nhiều thủ pháp, bút pháp nghệ thuật đồng hiện, tái hiện, nhân hóa, ẩn dụ, so sánh, điệp từ, điệp ngữ, điệp câu, câu đặc biệt… Thể loại thơ đa dạng lục bát, thất ngôn, song thất lục bát, thơ tự do là chủ yếu, phù hợp với từng bối cảnh. Ngôn ngữ kết hợp độc thoại, đối thoại và nghệ thuật đồng hiện để phát huy đặc tả nội tâm. Vốn văn hóa, văn học dân gian, kết hợp với tư duy và thể thơ hiện đại được phát huy ưu thế. Linh hoạt trong điểm nhìn, sáng tạo trong những khúc kể tránh sự nhàm chán. Thiên nhiên trong thơ Hữu Thỉnh là dấu ấn thi pháp, là gương mặt và số phận con người, là kí ức dân tộc và tín hiệu văn hóa. Một cách khái quát, thiên nhiên là sinh mệnh thứ hai có sức sống và độ ám ảnh, là yếu tố nổi bật làm nên một phong cách thơ Hữu Thỉnh độc đáo và dồi dào tiềm năng sáng tạo.

 

 

—–

*Trường ca Hữu Thỉnh Nxb Hội Nhà văn 2013)


Theo Thy Lan – Nguồn: Báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn