Gồm các truyện ngắn sau:
– Bà lên máy bay
– Thẻ an toàn
– Mát xa Pattaya
– Thiên minh minh Địa minh minh
– Cuộc vượt biển
Nhà văn Trương Anh Quốc sinh 1976 tại Quế Sơn, Quảng Nam
Tốt nghiệp ngành Kỹ sư điện trường Đại học Hàng Hải phân hiệu tại tpHCM.
Bắt đầu viết văn khi còn là sinh viên.
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
Ủy viên Ban Nhà văn Trẻ
Tác phẩm đã xuất bản:
1. Tập truyện ngắn Sóng biển rì rào, nxb Trẻ 2005
2. Tập truyện ngắn Lũ đầu mùa, nxb Trẻ 2007
3. Tiểu thuyết Biển, nxb Trẻ 2010
4. Tập truyện ngắn Hợp đồng chiều thứ bảy, nxb Trẻ 2013
5. Tiểu thuyết du ký Sóng, nxb Hội Nhà văn 2019
Giải thưởng:
1. Giải Nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 do Hội nhà văn tpHCM, nxb Trẻ và báo Tuổi trẻ phối hợp tổ chức năm 2010 với tiểu thuyết Biển.
Từng là thủy thủ viễn dương, và làm việc trên giàn khoan dầu trong thời gian dài, hiện nhà văn Trương Anh Quốc làm việc tại công ty vận tải Xăng dầu Vitaco. Anh thích đi du lịch và đã đặt chân lên hơn 50 quốc gia khắp năm châu bốn biển. Anh viết đủ các thể loại, đề tài nhưng khi viết về biển thì đúng sở trường nhất.
Lợi thế của Trương Anh Quốc là ở khía cạnh được chiêm nghiệm suy ngẫm rất sâu về biển, khi nhiều năm tháng cứ lênh đênh trên những con tàu và ở giữa những giàn khoan.
Nhà văn Trương Anh Quốc phát huy lợi thế thực tế nghề nghiệp. Anh luôn kể những câu chuyện có thể bắt đầu ở bất cứ khúc nào, đầu cuối hay giữa chuyện. Trương Anh Quốc lênh đênh trên biển nhiều, nên những truyện viết có biển làm hình ảnh, thì đều là những hình ảnh thanh âm thực mà anh đã từng trải qua, lặn ngụp, chứng kiến.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhận xét:
Đọc Trương Anh Quốc, cứ có cảm giác Quốc đang mủm mỉm cười, đôi mắt sáng ánh lên muôn vàn ý nghĩ khác biệt, được giấu rất ý nhị sau vẻ ngoài lành hiền của một chàng trai xứ Quảng sống ở đất Sài Gòn hoa lệ, nhưng cuộc mưu sinh lại đầy kỳ linh kỳ ảo. Đó là công việc thường xuyên lênh đênh trên sóng nước nhiều ngày nhiều tháng, khi có thể liên lạc được về đất liền, thì gọi cho người thân bạn bè, vẫn giọng nhẹ nhàng thản nhiên như đang đi trên phố.
Vì thế mà văn phong Trương Anh Quốc không hề đơn giản. Những câu chữ đã vượt thoát qua những con sóng nên chứa chất đầy suy tư, những trải nghiệm của cuộc sống không yên bình, hàm chứa chữ nhân chữ trí.
THIÊN MINH MINH
ĐỊA MINH MINH
Nắng chiều vừa tắt, ráng mây nhả bừa chuyển dần sang tím thẫm. Cụ già ngồi ghế đẩu trước hiên nhà dòm đàn cò oạc oạc gọi nhau bay thành hình chữ vê thong thả khuất sau rặng núi. Một vài nhà nổi lửa nấu cơm, khói lam la đà vươn đầu ngọn cau quyện với mây trời. Ánh lửa lập lòe vui mắt, cụ vỗ tay bắt nhịp hát như đứa trẻ:
Đèn ta sáng cả nhà ta
Đèn trời sáng cả quốc gia triều đình
Thiên minh minh địa cũng minh minh…
Miệng móm mém, răng chẳng còn chiếc nào, cụ hát thều thào tiếng chăng tiếng chớ. Âm thanh dường như phát ra từ lồng ngực gầy gò nâng lên hạ xuống đều đều dưới làn áo nâu sờn. Hai chiếc loa thùng từ dàn máy vi tính trong nhà mở sẵn từ sáng sớm lấn át tiếng hát của cụ. Cụ ở nhà thui thủi có một mình, con cháu mua sắm máy móc mở nhạc cho cụ bớt buồn. Máy hát cả ngày, đủ các loại nhạc đỏ nhạc xanh nhạc vàng cụ nghe được bài nào thì nghe.
Cụ hướng mắt ra phía cánh đồng trước nhà đang lác đác trổ bông, hương lúa thơm nồng, nói một mình, nhạc với nhẽo gì lạt nhách. Thời của cụ, dù không biết chữ nhưng lời hát hay dễ thuộc dễ nhớ và nhiều ý nghĩa. Bởi vậy cụ có bao giờ để ý đến tiếng nhạc từ máy đâu. Có lần loa thùng chạm chập, lửa cháy lan gần hết ngôi nhà dưới, cụ cũng không hay biết.
Cụ tự hát cho mình nghe lấy. Máy hát phần máy cụ hát phần cụ. Cụ hát say sưa, đôi mắt hấp háy hướng xa xăm. Lúa khép se se lá ngủ. Bãi bắp trên gò cát đang trổ cờ, tốt tươi xanh đến là xanh.
Cụ nhớ đâu hát đó bài nọ xọ bài kia, vừa hát vừa vỗ tay làm nhịp. Càng lúc hai bàn tay chỉ chập chập hờ hững. Chừng đã mỏi tay nhưng vẫn chưa có bóng người về. Vợ chồng Ba Dân con cụ đi làm từ sáng sớm đến chiều tối, nay lại có việc gì đột xuất, sụp tối vẫn chưa đến nhà. Hai đứa cháu gái đi học xa, hè và Tết mới về lưng bữa nửa tháng. Căn nhà rộng sạch sẽ thênh thang thêm. Ngày ngày quét nhà quét sân xong, chẳng có việc gì làm, cụ dạo ra dạo vào, hốt lúa vãi, cú cú gà vít vịt cho ăn. Gà vịt nghe tiếng gọi quen thuộc nhưng chẳng chịu vào. Không thèm lúa gạo, chúng đang mải bắt cào cào ngoài ruộng.
Cụ nhổm dậy lần ra phía cổng, nhón gót dòm qua tường rào. Cụ có muốn ra ngoài cũng không được. Chiếc cổng xi măng giả gỗ cao chắc chắn khóa kỹ lưỡng bên ngoài. Dọc theo con ngõ, hai hàng chè tàu uốn lượn được cắt tỉa vuông vức. Khu vườn bên ngoài rộng rợp bóng cây, yên bình. Cụ khom người nheo mắt dưới tán cây, ngoài xa kia bãi bắp tốt tươi đang trổ cờ, xanh đến là xanh…
Chị con dâu đi làm về mở cổng lắc cắc. Mọi ngày hễ nghe tiếng mở khóa lắc cắc cụ mừng rỡ ra sân đón con dâu, đôi mắt sáng hẳn lên như đứa trẻ quê thấy mẹ đi chợ về. Chị con dâu chào mẹ, hỏi han một vài câu gì đó. Dăm ba bữa chị lại mua quà bánh cho mẹ, già lộn lại con nít ấy mà. Bữa nay đẩy hết hai cánh cổng, dắt xe vào gần tới sân vẫn không thấy mẹ như mọi khi. Chị dòm lên chỗ hiên nhà. Vắng hoe. Chiếc ghế đẩu thường ngày không còn ở đó. Rõ ràng lúc nãy cổng vẫn khóa, chính tay chị vừa mở, ổ và chìa khóa còn đang cầm đây. Tiếng loa trong nhà vẫn hát đều đều.
Chị con dâu kêu ơi kêu hỡi, chẳng có tiếng mẹ trả lời. Hay bà cụ ngủ. Chị lên nhà trên tìm, sẵn tay tắt luôn nhạc. Chị xuống bếp, vào nhà vệ sinh, biết đâu bà cụ có việc phải xuống dưới ấy. Cũng chẳng có. Chị ra vườn sau vườn trước, vắng lạ thường. Tiếng dế ngựa dế than dế dũi quanh vườn dần rộ lên như dàn đồng ca du dương, dấu hiệu lâu rồi không có ai đi ngang qua đây. Hai vai cùng sau gáy giần giật, chị rùng mình. Chị cuống lên, tay chân lóng ngóng không biết phải làm gì trước. Chị bước ngang, hít một hơi thật sâu lấy lại bình tĩnh quay trở vào mở hết tất cả các đèn cho sáng rồi cầm đèn pin đi một vòng quanh tường rào kiếm.
Chị chẳng tìm thấy chiếc ghế nếu không vấp phải nó trong bụi cỏ chỗ mé bờ tường. Thôi rồi, bà cụ lại ra ngoài. Chị rọi đèn pin, vệt bùn đất bởi các ngón chân quẹt trên bờ tường còn chưa khô mấy. Phía bên ngoài tường rào đất ướt, cỏ dại cũng mọc um tùm. Bà cụ biết chọn chỗ đất ướt để trèo ra ngoài, còn đạp ngã giấu cả chiếc ghế nữa, ai nói bà lẫn.
Lần ra ngoài này không ai trông thấy, cụ nhắm thẳng một mạch tới bãi bắp, vừa đi vừa khe khẽ hát, đầu gần gật theo nhịp:
Dao vàng rọc lá trầu vàng
Mẹ sinh cha dưỡng thuở chàng lên ba
Cho chàng ăn đi học nơi xa
Dẫu thi không đỗ cũng con nhà nho v…ă…n…
Thì ra bà cụ hát đi tìm cụ ông. Cụ ông, người cùng làng, giỏi võ nghệ lẫn thơ ca đối đáp. Thời của cụ trai gái ai cũng giỏi hát hò khoan đối đáp dù rằng không ít người chưa biết chữ. Đối đáp vào mỗi vụ mùa cuốc cấy gặt hái, tỉa đậu bẻ bắp và những đêm trăng sáng. Thanh niên hát đối đáp rủ nhau hăng hái tham gia cách mạng giải phóng thôn làng khỏi ách áp bức. Họ đều là những trí thức có văn hóa, yêu văn học, theo tiếng gọi quê hương lên đường tranh đấu. Thời đó nghèo khó nhưng vui. Vui hơn bây giờ nhiều. Cụ thường bảo vậy.
Mười ba mười bốn tuổi, cụ theo mấy chị em học hát hò khoan. Thông minh sáng ý, vài ba năm sau cụ đã hát đối đáp thành thạo, giọng cụ trong trẻo thanh niên luôn thích được hát đối đáp cùng cụ. Hát đối đáp còn để tìm và chọn lựa cho mình người xứng đôi vừa lứa. Quý tài mến đức của nhau họ cưới nhau khi cụ chưa tròn mười tám. Trung thành với Tổ quốc, hết lòng cống hiến vì nhân dân và tổ chức, cụ ông đã bị bắt và xử bí mật trong nà bắp. Lúc ấy cụ bà vừa tròn hai mươi.
Cụ ở vậy nuôi con. Khi có trai tráng hay cường hào ác bá đến chọc ghẹo tán tỉnh, cụ luôn mặc áo vải xô và quấn khăn tang trắng muốt thắp hương khấn vái trước bàn thờ chồng. Trước uy danh của chồng, chẳng ai làm gì được cụ trong suốt thời trẻ xinh đẹp…
Cứ đến mùa bắp trổ cờ, cụ hay hát vu vơ. Ai cũng bảo lúc trước cụ bị tra tấn nhiều quá nên đâm ra lẩn, càng già càng lẩn thẩn. Khi trước nhà chưa có cổng tường, cụ hay vạch hàng rào chè tào chui ra ngoài. Cụ chui ra chứ không bao giờ biết chui trở vào. Làm như cụ bị nhốt trong vườn nhà không bằng. Cụ lẻn ra thất tha thất thểu, đi lang thang ngoài đồng, có khi chui tọt vào nà bắp nấp hát vu vơ một mình. Hàng xóm bắt gặp dẫn cụ về, hoặc mời cụ vào nhà họ chơi sau đó nhắn Ba Dân tới đón.
Vợ chồng Ba Dân cùng hàng xóm vác đèn pin, đốt đuốc tìm quanh vườn ngoài đến khắp đồng. Chắc cụ lại vào nà bắp, mọi người đổ ra hướng đó, chia hàng ngang đi dọc theo hàng bắp gọi bà í ới. Mưa thuận gió hòa bắp tươi tốt, bạt ngàn. Tìm cụ chẳng dễ chút nào.
Có lúc đoàn người tìm đi bên cạnh kêu nhưng cụ vẫn ngồi im, không chịu lên tiếng. Chắc bà cụ đang chơi trò núp bắn bầng.
Đoàn người đã tìm khắp, có người nhanh chân đã đi rất xa. Cụ già yếu không thể đi được xa như vậy. Ai nấy đã thấm mệt ngáp ngắn ngáp dài nhưng vẫn ráng tìm vòng lại vài lần nữa. Có người nói bà nặng tai lại cố trốn, tìm ba bốn bận rồi cũng không ra.
Trăng hạ huyền vừa nhú, sáng lờ mờ. Sương ướt đẫm, trời càng lạnh. Với mỗi bộ đồ bộ cộc tay, cụ có chịu được sương gió lạnh không. Đêm hôm tối trời rắn rết nguy hiểm. Thắp đuốc, rắn sẽ bò khỏi hang theo đóm ăn tàn càng nguy hiểm hơn.
Vợ chồng Ba Dân cùng đoàn người cầu trời khấn phật chứ người đã cố tình trốn sao tìm cho ra. Gió nhẹ, lá bắp khua nhau lạo rạo. Tĩnh mịch. Chợt anh nhớ câu hát thường ngày bèn cất lên thật to và chậm rãi, giọng không khác chi giọng cha anh ngày xưa là mấy:
Đèn ta sáng cả nhà ta
Đèn trời sáng cả quốc gia triều đình…
Bỗng từ trong mấy bụi bắp tươi tốt cách đó mấy hàng có lời đáp lại:
Thiên minh minh địa cũng minh minh
Ai bày cho bạn kêu mình bằng em
Điệu hò khoan như chả với nem
Như chàng với thiếp đừng có kêu em họ c…ư…ờ…i…
Rõ ràng chỗ bà đang đứng đã có vài người qua lại tìm đã mấy lần không thấy. Bà trốn đâu giỏi thiệt. Tiếng vỗ tay bèn bẹt quen thuộc cùng tiếng “cười” cuối bài kéo dài, vang lên như reo. Bà cụ vạch hàng bắp bước ra, tiến lại chỗ vừa có tiếng hát.
Vợ chồng Ba Dân cùng đoàn người thở phào, xúm lại ôm cụ mừng rỡ rồi cứ thế hát nối với cụ. Sương xuống càng nặng hạt. Con dâu cởi áo ngoài choàng cho cụ khỏi lạnh. Đoàn người đưa bà cụ ra khỏi nà bắp dắt về nhà. Ai nấy hân hoan, đốt hết số đuốc bả mía còn lại. Đuốc sáng bùng, tàn rơi xuống đậu trên ngọn cỏ mọng sương, lèo xèo. Họ vừa đi vừa hát vang trời:
Đèn ta sáng cả nhà ta
Đèn trời sáng cả quốc gia triều đình…