Đảo Male đường kính 2km là thủ đô của đất nước với tất cả cơ quan hành chính, trung tâm kinh tế. Hòn đảo này năm xưa là nơiduy nhất không có mạng người nào thiệt hại sau cơn đại hồng thủy Tsunami 2004.
Nước chỉ dâng đến bụng trong khi các hòn đảo khác tang tóc hủy hoại. Chính vì vậy, sau năm 2004 nhiều dân các đảo khác đều tìm cách đến đây, nạn bùng nổ dân tha phương vốn đã khó giải quyết càng trở nên phức tạp.
Những con đường ở đây rất ngắn, đi chừng 10 phút đã phải rẽ sang ngõ khác, tên đường hình như không phải là điều quan trọng. Tôi nhìn mãi không ra bảng tên đường, hỏi bạn trai thì biết người ta kiếm nhà theo tên căn hộ không dùng số hay bảng tên. Lãng mạn làm sao! Tưởng tượng đi, bạn gọi taxi đến căn hộ mang tên Cát Trắng, anh ấy hỏi có phải gần Hoa Lan Nhỏ không.
Đến bây giờ nếu hỏi tôi ở Maldives có gì, tôi trả lời “có biển”. Trong ánh mắt người dân cũng thấy được cái sâu xa thăm thẳm của biển khơi, trong giọng nói họ có tiếng ngư dân trước gió trầm ồn, trong hình dáng màu da của họ cũng thấp thoáng dáng vẻ những con sóng bạc. Họ rất chậm rãi, luôn có vẻ tĩnh tại của người sống vô ưu. Ai cũng vui tính nồng hậu.
Chúng tôi thường ăn một món rất đặc biệt. Xoài xanh ăn với nước mắm đặc và thật nhiều ớt cay. Tôi không biết nên gọi món nước mắm đặc này như thế nào, từ hồi thử nó lần đầu tiên đã muốn kể lại cho mọi người ở nhà nghe. Tên người nước ngoài hay dùng là Maldivian Fish Paste (không phải sauce vì nó không phải dạng chất lỏng như nước mắm của chúng ta hay Thái Lan).
Người bản địa gọi rihakuru. Cách nấu khá tốn thời gian và thường được làm từ quê nhà gửi lên thành phố, được các bà mẹ gói ghém cho những đứa con sinh sống xa hay du học. Họ sẽ nấu cá bao gồm cả xương và mọi thứ cùng với nước, muối. Hỗn hợp được nấu lửa nhỏ ninh qua ngày qua đêm cho đến khi toàn bộ con cá đều rục ra nước sánh lại đặc quẹo.
Sau đó tùy theo bí quyết gia đình có thể bỏ thêm những nguyên liệu như ớt, lá xoài làm dịu vị cá. Có hai loại rihakuru một là nguyên chất hai là với dầu ăn và các gia vị thêm vào = theli rihakur (theli = dầu ăn). Người Maldives sử dụng món này rất nhiều gần như kiểu chúng ta dùng nước mắm chỉ khác là nó không phải gia vị nấu nướng mà là món ăn.
Họ có thể ăn cơm trắng với cá luộc và rihakuru, hoặc ăn vặt như riahakur với xoài xanh, còn nhiều nữa những kiểu sử dụng rihakuru khác nhau. Người nước ngoài hoặc thích hoặc ghét, người địa phương thì rất tự hào như quốc hồn quốc túy rồi. Việc này lại càng giống với mắm tôm, nước mắm của chúng ta. Hình như trong ẩm thực mỗi dân tộc đều có một tinh hoa nào đó ta vừa tự hào đến nỗi muốn đem khoe lại lo lắng sẽ nhận lại những nhận xét không hay. Thôi, của mình, mình ăn. Tôi thích rihakuru.
Khác với trí tưởng tượng của mình và người xung quanh, khi nói đến nước Hồi giáo nghĩ ngay đến số phận gò bó cam chịu của nữ giới, phụ nữ nơi này tự do và có phần… rất tự do nữa là khác. Maldives là đất nước đạo Hồi nhưng không phải cực đoan, họ có lịch sử từng là đất nước đạo Phật. Tóm lại từ trong căn bản, đây thực sự là dân tộc rất cởi mở sống thoải mái. Về sau khi tôn giáo xuất hiện quy củ hình thành, nhiều phụ nữ hiện nay đã che mạng còn những người không thích thì vẫn mặc trang phục như tôi hay mọi người ở Việt Nam.
Maldives là dân tộc được hòa trộn bởi các sắc người Ấn, châu Phi và Sri Lanka. Phụ nữ có mái tóc xoăn thật đều, da nâu đồng, ngực nở mông nở; đôi mắt dài, sâu mũi cao. Tất cả họ đều khá dễ chịu cởi mở ít e thẹn và không hề cam chịu như tôi nghĩ.
Họ đi làm đi học hẹn hò thoải mái. Maldives cũng là đất nước có tỷ lệ ly dị đứng cao nhất thế giới hiện nay vào thời điểm tôi đang viết những dòng này. Tôi khẳng định một phần vì nữ giới. Có gia đình tôi biết người mẹ 3 chồng, con gái cũng 2 chồng. Lý giải vấn đề này cần sự tham gia các nhà xã hội học nhưng tôi cứ cho rằng bởi vị họ được tự do yêu thương hẹn hò, họ được thoải mái sửa sai khi thấy mình đã gửi thân sai chỗ.
Các cô gái trẻ vẫn rất trẻ, hợp thời. Hỏi tôi vấn đề 4 vợ, thì có. Nhưng lấy thêm vợ cũng không dễ. Cần phải được vợ đồng ý, tòa án phê chuẩn dựa trên suy xét tình hình tài chính người đàn ông đó, vì lấy thêm vợ tức là phải đủ sức chăm sóc thêm một người chứ không phải lựa chọn bỏ cơm hay bỏ phở. Lúc tôi đến đây lần đầu tiên chưa thấy phụ nữ đi xe máy nhiều. Việc tôi tự chạy xe máy khi ấy giống như là điều gì đó tuyệt vời trong mắt các đứa em gái nhà người bạn.
Hiện giờ thì đã phổ biến hơn. Phụ nữ cũng ít khi ra chợ mua cá, rau tươi. Họ đi siêu thị, còn cá và rau đàn ông sẽ mua về, liên tưởng đến hình ảnh quen thuộc của anh ngư chài mang cá về cho gia đình, chỉ khác là anh ấy bây giờ mặc vest làm việc 8 tiếng phòng máy lạnh, ghé qua chợ cá trả tiền rồi về nhà. Phụ nữ ở đây rất dễ theo tiếng gọi con tim, họ cũng sẵn sàng quyến dụ ai đó đi theo con tim mình không ngần ngại. Họ cũng hút thuốc nếu muốn, hát ca và mặc những chiếc váy ngắn khi cần.
Đàn ông ở đây có người khá gia trưởng, nhưng tôi đoán ở đâu cũng vậy. Gia trưởng của họ là không cho phụ nữ trong nhà tự ý đi chợ mua cá, không muốn rửa giùm họ cái chén, cái muỗng và không vui nếu họ vui vẻ ở quán cà phê với người lạ. Đàn ông phần lớn đều to con so với Đông Nam Á. Hình dáng cũng ít nhiều pha trộn giữa châu Phi, Ấn Độ, Sri Lanka.
Họ không rượu bia (một vài người uống nhưng là do môi trường làm việc với nước ngoài hoặc đi học – có điều đó không phải là việc họ tự hào đem ra so bì nam vô tửu như kỳ vô phong). Ai cũng ít nhất một lần đi câu cá, một lần thử nhảy bodu beru. Đàn ông dành rất nhiều thời gian sửa soạn trước khi ra ngoài, hơn hẳn chỗ khác: tắm rửa, lotion, body spray, dầu thơm. Một cá thể thơm tho sạch sẽ và rất nồng ấm, tôi chỉ có thể nói vậy.
Theo Cao Thảo -Thể thao & Văn hóa