Truyện ngắn. PHẠM HỮU HOÀNG

Làng Vạn nằm ngay cửa một con sông lớn, nước sông ngày đêm mênh mang xuôi ra biển. Thương thuyền thuận đường ghé lại buôn bán tấp nập. Làng trở nên sầm uất. Đất lành chim đậu. Dân từ nơi khác ngụ cư ngày thêm đông. Bà Kham cũng có trong số ấy. Hồi còn trẻ, bà theo phường buôn tới làng tìm kế sinh nhai. May mắn gặp được ông Tự. Bấy giờ, ông thuộc hàng giàu có, danh giá nhất vùng. Đi qua cổng chợ, thấy người thiếu phụ một nách con thơ hỏi tìm việc làm. Cám cảnh, ông dừng lại hỏi han rồi cho về nhà tá túc, hầu hạ vợ. Lúc này, người vợ đang có mang. Đến kì khai hoa nở nhụy, vợ ông sinh một bé gái đặt tên là Ý Hoa. Ông Tự một bề con trai, giờ có con gái nên vui mừng khôn xiết.

Thấm thoát đã năm năm. Một buổi trưa, ông nằm nghỉ trên tấm phản gụ đen trong thư phòng, chợt người quản gia thân tín vào mách chuyện về bà Kham. Hắn thấy bà trò chuyện thân mật với một người trong đám phường buôn vừa xuống thuyền. Chờ bà đi rồi, hắn làm quen dò hỏi người phường buôn kia và được biết người ấy với bà vốn cùng quê. Trước kia vì nhẹ dạ, cả tin, bà trót có mang với một kép hát. Gã kép một lần diễn tuồng buông lời phạm tới triều đình nên bị khép tội tử. Bị gia đình ruồng bỏ, họ hàng, xóm làng khinh bỉ, bà phải bỏ xứ mà đi. Ông Tự nói:

– Câu Xướng ca vô loài người xưa dạy rành rành ra đó. Bởi dây vào đám đào kép chỉ chuốc lấy phiền hà. Vậy mà lắm kẻ cứ mê đắm như con thiêu thân.

– Bây giờ ông tính sao? Người quản gia hỏi.

– Đúng là không thể tha thứ cho những chuyện bại hoại gia phong. Nhưng chuyện hư hỏng kia không xảy ra ở nhà ta. Hơn nữa, thời gian qua, Kham đã giúp nhiều cho vợ ta, chăm sóc chu đáo con gái ta, tính lại đôn hậu, thật thà. Khó tìm được một gia nhân như thế. Thôi, ông hãy giữ kín chuyện, coi như chưa từng biết.

Tuy miệng nói vậy nhưng từ đó ông Tự có ấn tượng không tốt với bà Kham, cách cư xử có phần khác trước. Bà Kham thấy lạ nhưng không dám hỏi, vẫn một lòng một dạ làm tròn phận sự với chủ. Bà còn vất vả lo cho Nguyên Đình ăn học. Nguyên Đình học một biết mười rất vừa ý bà. Đến tuổi trưởng thành, Nguyên Đình đã là chàng trai dung mạo tuấn tú, tài học nổi tiếng cả vùng.
***
Bấy giờ, ở làng Vạn, vào những đêm trăng đẹp, dân làng thường tổ chức hát hò hát đối trên sông. Thuyền bơi nhẹ trên mặt nước lung linh, hai bên nam nữ hát đối đáp làm xao động cả không gian thơ mộng. Nguyên Đình là người lĩnh xướng bên nam. Chàng có giọng hát trời phú. Mỗi khi tiếng hát cất lên, bao trái tim thiếu nữ thổn thức. Chàng còn biệt tài thổi sáo. Tiếng sáo luyến láy, êm ngọt say lòng.

Ý Hoa đã trở thành thiếu nữ nhan sắc mặn mà. Trong những đêm hội, nàng thường hát giao duyên với Nguyên Đình. Lời ca, tiếng hát đưa đẩy, ý tình nồng thắm, rung động, bâng khuâng. Dần dần, nàng nhận ra, mỗi khi gần Nguyên Đình, một thứ tình cảm khác lạ làm nồng ấm cõi lòng. Đêm đêm, một mình trong khuê phòng, nàng thao thức, nhớ nhung… Mỗi khi ông Tự đi vắng, nàng cùng Nguyên Đình ra hoa viên phía sau nhà, ngồi trên ghế đá nghe chàng thổi sáo. Nàng gối đầu vào vai chàng, mặc cho sương lạnh thấm áo.

Ông Tự rước thầy về dạy con kinh sử, cầm, kì, thi, họa. Sợ Ý Hoa đa cảm lụy tình, ông cấm nàng tham gia các đêm hát hò và căn dặn người nhà luôn để mắt tới. Suốt ngày, Ý Hoa chỉ quanh quẩn trong khuê phòng. Những đêm hát, nàng thức đến khuya, ngồi rầu rầu bên cửa sổ, vén rèm nhìn con đường hun hút dẫn ra bến sông, cho tới lúc Nguyên Đình từ đó về, bước qua khoảng sân rộng rồi khuất dần ở cuối vườn, nơi dãy phòng dành cho gia nhân. Nàng càng thêm u uất…

Rồi nàng lâm bệnh, không màng ăn uống, thuốc thang không khỏi. Ông Tự hết sức lo lắng, đứng ngồi không yên. Một đêm, nàng đang thiêm thiếp, bỗng có tiếng sáo ngoài vườn vọng vào. Tiếng sáo thủ thỉ bên tai. Nàng tỉnh giấc, mắt hé mở, miệng thều thào: “Nguyên Đình!… Chàng ơi!…”. Nghe lời ấy, mắt ông Tự tối sầm lại. Ông hầm hầm xô cửa đi ra ngoài, tới thư phòng. Vừa thấy hai mẹ con bà Kham, ông quát:

– Mẹ con mày không biết thân phận. Sao lại gieo oan nghiệt cho nhà tao?

Bà Kham không hiểu đầu đuôi thế nào, lo sợ thưa:

– Xin thương tình soi xét. Ngày ấy, bước chân lưu lạc, không chỗ tựa nương, được ân nhân cưu mang, ơn sâu như biển, nghĩa nặng bằng non. Mẹ con tôi chưa có gì báo đáp, lòng luôn áy náy, sao dám làm chuyện bất nhân bất nghĩa.

Ông Tự giận phừng phừng:

– Thằng con mày đã dùng ngón nghề ca hát mê hoặc con gái tao. Giờ con tao mê muội như bị ma ám. Cái ơn muốn trả là vậy à?

Bà Kham ngạc nhiên, ấp úng:

– Có chuyện như vậy sao?

Ông Tự gằn giọng:

– Hỏi thằng con mày đây này! Thật là nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà. Không lôi thôi gì nữa, ra khỏi nhà tao ngay!

Ông chỉ thẳng vào mặt Nguyên Đình:

– Còn mày, tránh xa con gái tao ra. Nếu còn léng phéng thì đừng trách tao đó.

Nguyên Đình chỉ biết cúi đầu im lặng. Bà Kham biết tính ông Tự rất cố chấp, đã quyết thì có van nài nữa cũng vô ích. Bà nghẹn ngào:
– Lòng tôi chỉ có trời xanh mới thấu. Kiếp này không báo ơn được thì kiếp sau xin làm thân trâu ngựa đền đáp. Nay ông không dung thì xin nhận một lạy trước khi từ biệt.

Dứt lời, bà Kham kéo Nguyên Đình quỳ sụp xuống nhưng ông Tự mặt vẫn không biến sắc. Vừa lúc, người nhà tới báo Ý Hoa lại mê man, ông quát lớn:

– Cho nó chết! Ta thà mất nó chứ nhất định không gả cho phường xướng ca vô luân để làm điếm nhục gia phong.

Ngay trong đêm, hai mẹ con đành phải thu dọn ít đồ đạc dắt díu ra đi. Biết đi đâu bây giờ? Màn đêm mù mịt, lất phất mưa bay. Hai mẹ con ghé vào ngồi co ro dưới mái đình cho tới sáng…

Ít hôm sau, dân làng thương tình kẻ góp công, người góp của dựng ngôi nhà nhỏ vách đất, mái tranh trên mỏm đất cuối làng cho hai mẹ con nương náu. Bà Kham lặn lội bươn chải kiếm tiền lo việc học của con. Ai thuê mướn việc gì cũng làm, cực nhọc mấy cũng chịu. Cuộc sống cũng tạm đắp đổi qua ngày.

Tin vua mở khoa thi về tới làng Vạn làm bà Kham hết sức lo lắng. Lấy đâu ra lộ phí cho Nguyên Đình ứng thí. Thấy mẹ lo âu, Nguyên Đình hết sức đau lòng. Chàng muốn đi làm phụ giúp đỡ đần cho mẹ, song bà Kham nhất mực không chịu:

– Khổ mấy mẹ cũng chấp nhận, con phải cố sức học để có ngày bia đá bảng vàng. Có vậy mẹ con ta mới thoát khỏi cảnh đời đắng cay, tủi nhục.

Từ lúc ra khỏi nhà ông Tự, Nguyên Đình không nguôi nhớ Ý Hoa. Nhớ ánh mắt nồng nàn, nụ cười e ấp, lời hát trao duyên nồng thắm. Nhớ giây phút kề cận, thổi sáo cho nàng nghe dưới trăng. Rồi lời thề hẹn đến trăm năm… Xa Ý Hoa, Nguyên Đình mới thấm thía hết nỗi đơn côi…

Chiều hôm đó, chàng ngồi đọc sách. Chợt có tiếng gọi cửa. Ý Hoa! Nguyên Đình sững sờ. Nàng đi vào nhẹ như gió thoảng. Mắt Ý Hoa rớm lệ. Nguyên Đình dìu nàng lại ghế ngồi. Ý Hoa nói:

– Khó khăn lắm em mới đến được đây. Xin chàng tha thứ. Chỉ vì em mà chàng và thân mẫu phải khổ sở thế này.

 

Minh họa: Thành Chương

Ý Hoa chậm rãi lấy trong tay áo ra cái gói nhỏ đặt lên bàn:- Nàng không có lỗi. Người có lỗi phải là ta. Lúc nàng lâm bệnh, ta không thể lui tới sớm hôm chăm sóc.

– Em không ở lâu được. Đây là chút tư trang bấy lâu em dành dụm, mong chàng nhận làm lộ phí. Mai sau lập được công danh, đừng quên Ý Hoa.

Nguyên Đình xúc động:

– Ta sẽ xứng đáng với tình yêu của nàng. Hãy đợi đến ngày ta trở về.

***

Tin Nguyên Đình đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thân (1884) làm xôn xao làng Vạn. Hội đồng kì mục ra đình họp bàn về sự việc trọng đại này. Viên thư lại ở dinh quan huyện về báo tin, hồ hởi kể vanh vách như được chứng kiến: Nguyên Đình được vua Kiến Phúc ban thưởng áo mũ, dự yến tiệc linh đình ở dinh bộ Lễ, thưởng thức ca Huế và vào vườn ngự uyển ngắm các loài kì hoa dị thảo; vị tân khoa còn được cưỡi ngựa có lọng che diễu qua các phố xá kinh kì. Các vị chức sắc, chức dịch ngồi nghe mà lòng hả hê. Cụ tiên chỉ rung rung chòm râu bạc:

– Cả hàng huyện từ xưa tới nay mới có được người đỗ đại khoa. Nguyên Đình đã làm mở mày mở mặt làng ta.

Cụ bảo lí dịch chuẩn bị đồ nghi trượng sự thần chờ ngày rước ông Nghè vinh quy bái tổ. Ngôi nhà nhỏ lụp xụp vách đất mái tranh của Nguyên Đình rộn rã niềm vui. Bà Kham, thân mẫu vị tân khoa ân cần tiếp người làng đến chúc mừng, tiếng cười nói không ngớt…

Riêng nhà ông Tự vẫn im lìm. Ông đột ngột phát bệnh nặng. Phút lâm chung, ông gọi Ý Hoa tới căn dặn: “Dòng xướng ca thì dù có công thành danh toại vẫn là xướng ca. Ta nhất định không cho nó làm rể. Con phải nhớ lời ta đó”. Tim Ý Hoa nhói buốt, cõi lòng tan nát. Ý Hoa chưa lúc nào làm trái ý cha. Lo việc ma chay xong, nàng thưa với mẹ:

– Con gái bất hiếu không phụng dưỡng mẹ đến trăm tuổi. Cõi trần đầy phiền lụy, khổ đau, con xin đến chùa nương nhờ cửa Phật.

Nàng ngả vào lòng mẹ khóc thảm thiết. Mọi người xúm vào khuyên giải nhưng không lay chuyển. Ở chùa, Ý Hoa ngày đêm thành tâm kinh kệ. Nhưng một đêm nọ, người nàng bồn chồn, trằn trọc không sao chợp mắt… Nỗi nhớ thương hờn tủi bỗng quặn trào tê tím cả người. “Giờ này chàng ở đâu? Nơi xa xôi có thấu tỏ hoàn cảnh tội nghiệp của em không? Có biết em đơn độc, khô héo trong tuyệt vọng không? Em phải làm sao đây?”. Chợt nhớ lời trăng trối của cha, những thành kiến khắc nghiệt chia lìa đôi lứa, nàng càng thêm tủi phận…

Sáng hôm sau, thấy nàng bơ phờ, mắt thâm quầng, sư thầy gạn hỏi. Nàng thành thật kể hết rồi xin được xuống tóc, quyết dứt tình riêng. Sư thầy không cho, bèn lựa lời khuyên giải:

– Con chưa dứt được sợi dây nghiệp chướng. Thân ở cửa thiền mà lòng chưa tắt lửa trần. E rằng kiếp này con không có duyên với Phật.

Nàng vẫn nằng nặc đòi quy y tam bảo. Sư thầy đành phải hứa:

– Con hãy chờ cõi lòng thanh thản, vơi bớt sầu bi. Chừng ấy, nếu không đổi ý, ta sẽ chuẩn y cho.

***

Đăng khoa đã hơn một năm, Nguyên Đình vẫn bặt vô âm tín. Bà Kham lo lắng, đứng ngồi không yên. Bà lân la tới các phủ huyện dò hỏi nhưng vẫn không có tin tức. Một ngày cuối hè, lúc xâm xẩm tối, Nguyên Đình đột ngột trở về. Vị tiến sĩ tân khoa đi lầm lũi một mình, không áo mũ cân đai, không ngựa xe cờ quạt, trông bộ dạng như vừa trải qua cuộc hành trình nhọc nhằn. Bà Kham mừng khôn xiết kể. Nguyên Đình kể chuyện xảy ra ở kinh. Giặc Phú Lang Sa ngang ngược lộng hành. Người người căm phẫn. Những đấng trung lương ngày đêm bàn kế đánh đuổi chúng. Chàng ở lại kinh dự vào việc báo quốc. Công việc khẩn cấp, nguy hiểm, không dứt ra được. Mấy lần chàng định thu xếp về một chuyến nhưng không thể thực hiện. Lần này chàng về ngoài việc riêng còn có trọng trách vua giao. Giọng Nguyên Đình rưng rưng:

– Con biết mẹ ngày đợi đêm mong. Mẹ đã khổ một đời vì con vậy mà con chưa báo đáp được cho mẹ dù chỉ một ngày. Nay trung hiếu không vẹn đôi đường. Con phải ra đi để mẹ già ngày đêm một mình. Lòng con đau xót muôn phần! Trăm ngàn lạy xin mẹ tha tội bất hiếu cho con!

Nghe Nguyên Đình nói, nét mặt bà Kham đăm chiêu:

– Mẹ đã mất cha con. Lẽ nào giờ đây lại mất con nữa sao?

Nguyên Đình quỳ xuống gục đầu vào gối mẹ, nước mắt giàn giụa, không thốt nên lời. Bà Kham ngồi bất động. Những nếp nhăn trên trán như hằn sâu thêm… Lát sau, bà Kham bình tĩnh trở lại, dịu dàng nhìn Nguyên Đình:

– Thôi, con cứ đi mà làm phận sự của mình, đừng lo gì cho mẹ. Cầu trời phù hộ cho con được bình yên, để mẹ con ta có ngày được trùng phùng.

Chàng ôm lấy mẹ:

– Mẹ ơi! Mẹ của con!…

***

Được tin báo có chiếu chỉ của vua, tối hôm sau, các vị chức sắc, chức dịch làng Vạn và ở các vùng lân cận lục tục kéo tới đình. Họ đứng xúm xít trên khoảng sân rộng phía trước. Dưới ánh nến bập bùng, Nguyên Đình nhìn khắp một lượt. Chàng nói:

– Giặc Phú Lang Sa đã chiếm kinh thành. Nhà vua xuất bôn ra chiếu Cần Vương kêu gọi thân hào nhân sĩ đồng tâm hiệp lực đem tài sức lo việc cứu nước. Ta nhóm họp các ông cũng vì lẽ đó.

Chàng lấy tờ chiếu đọc cho tất cả nghe. Cụ tiên chỉ làng Vạn ôn tồn bảo:

– Nay đã có chiếu của nhà vua, chúng ta phải đồng lòng hành sự. Việc này rất hệ trọng, phải tính kĩ mới được.

Mọi người dự họp cùng nhau bàn bạc đến tận khuya. Kế hoạch hành động đã thống nhất. Trước hết là đưa Nguyên Đình lên ẩn náu trên chùa để tránh tai mắt quan lại sở tại. Sư thầy là chỗ tin cậy.

Ở chùa, Nguyên Đình ẩn mình ở tịnh thất phía sau. Chàng đã biết việc xảy ra ở nhà ông Tự và Ý Hoa hiện đang ở chùa nhưng không có cách nào gặp được. Mấy ngày ngắn ngủi qua nhanh. Chỉ còn một đêm cuối cùng, vì cuối canh ba, chàng phải lên đường. Đêm ấy, trăng lừng lững treo trên bầu trời làng Vạn. Những làn mây như những dải lụa mềm đan quyện vào nhau mơn man đắm đuối. Nguyên Đình bồi hồi trước khoảnh khắc giao hoan diệu kì của tạo vật. Chàng đi trên con đường đẫm trăng ra sau chùa. Gió nồm từ biển thổi vào lồng lộng, mát rượi. Dừng lại trước cái ao rộng, nhìn đăm đắm mặt nước lao xao gợn sóng, lòng chàng ngổn ngang tâm sự: “Ý Hoa ơi! Ta về làng Vạn còn vì lời hẹn ước hôm nào. Sao nàng không chờ ta? Làm sao được cùng nàng đi đến hết cuộc đời như lời thề ước năm xưa? Nay nước nhà nguy biến, kẻ thù đương mạnh còn ta lực mỏng thế yếu. Nhưng ta quyết sống chết với chúng để báo đền ơn vua. Bởi vậy, lần ra đi này, biết còn được trở về gặp nàng nữa không?”. Thẫn thờ, chàng rút ống sáo say sưa thả hồn như quên hết mọi thứ xung quanh. Trong không gian thanh vắng, nỗi nhớ thương rưng rức miên man theo những giai điệu dặt dìu…

Ý Hoa lại thêm một đêm khó ngủ. Lúc nàng đang trằn trọc mơ màng với bao ý nghĩ rối bời, chợt nghe tiếng sáo vẳng đến. Những cung bậc quyến rũ chạm vào trái tim run rẩy tội nghiệp của nàng. Ý Hoa thảng thốt: “Chàng đã trở về!”. Tiếng sáo ảo diệu đưa nàng về với bao nhiêu kỉ niệm lưu luyến, buồn thương, nhớ tiếc, ngậm ngùi… Thương nhớ càng lúc càng dâng trào, nàng vùng dậy đi ra ngoài vô thức đi theo tiếng sáo dẫn dụ. Tiếng sáo nhỏ dần rồi tan biến trên mặt ao loang loáng ánh vàng. Chàng kia rồi! Tim nàng reo lên những tiếng thổn thức. Nàng đứng lặng phía sau, nước mắt chảy dài trên má nhuốm trăng lấp lánh. Bất ngờ Nguyên Đình quay lại. Chàng ngỡ ngàng như không tin vào mắt mình: “Nàng đấy sao?”. Ý Hoa nghẹn ngào: “Là em đây!”. Mắt chàng thật lạ. Loang loáng trăng. Loang loáng yêu thương nhung nhớ, nhập vào ánh mắt nàng làm một. Giây phút ấy, Ý Hoa nhận ra, mất chàng cuộc sống không còn ý nghĩa gì nữa. Nỗi đau khổ giày vò bấy lâu bỗng trở nên nhạt mờ… Như bị cuốn hút đến ranh giới cuối cùng, thoáng ngập ngừng… nàng ôm chầm lấy Nguyên Đình…

Sau lần gặp ấy, Nguyên Đình cùng các bậc sĩ phu lập căn cứ đánh Tây hoạt động khắp các tỉnh Trung kỳ và mất trong một trận giao tranh với giặc. Ý Hoa bị bắt rồi quyên sinh trong ngục. Vua Đồng Khánh hạ lệnh tước hết văn bằng tiến sĩ và phẩm hàm của Nguyên Đình.

***

Không lâu sau, một phụ nữ ăn mặc lam lũ bế một bé trai vào làng Vạn hỏi thăm, lần tìm đến nhà bà Kham. Không biết người phụ nữ ấy nói gì mà gương mặt quắt đi của bà Kham bỗng long lanh giọt lệ. Bà Kham lại cặm cụi, làm lụng nuôi đứa bé.

Đứa bé ấy, chính là giọt máu còn lại của hai con người đã vượt lên mọi nghiệt ngã của cuộc đời để được mãi mãi bên nhau.

Trại viết An Giang, 8/2017
P.H.H

 

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version