Thời gian qua, nhiều đề thi tự luận văn học đã và đang được dư luận quan tâm và mọi người hi vọng trong tương lai gần sẽ được áp dụng trong các kỳ thi quan trọng. Liệu mong muốn này có trở thành hiện thực?

Ủng hộ thi tự luận văn học

Cứ mỗi mùa thi, từ bậc học thấp đến bậc học cao ngoài những lo ngại từ nhiều phía, bản thân thí sinh, gia đình, nhà trường, xã hội… thì ngành giáo dục còn phải đối phó với việc quay cóp, gian lận thi cử trong thời buổi khoa học ngày càng phát triển với nhiều loại máy móc thiết bị tinh vi, hiện đại.

Với môn văn học, từ nhiều năm nay chúng ta có quan niệm “học gì thi nấy”. Học sinh muốn đạt điểm cao phải học tất cả những tác phẩm, tác giả đã được học trong chương trình phổ thông. Để đáp ứng tối thiểu kiến thức ở các kỳ thi, với mỗi đề bài học sinh phải đảm bảo “đủ ý”, sau đó, nếu muốn đạt điểm cao mới đến các yêu cầu khác. Lượng kiến thức khá nhiều, đòi hỏi trí nhớ học sinh phải dung nạp trong khoảng thời gian nhất định của kỳ thi đã trở thành áp lực của không ít học sinh… Đây chính là một trong vô số nguyên nhân căn bản dẫn đến gian lận thi cử.

Các phương án như tăng cường kỷ luật phòng thi, tăng cường giám thị trông thi, tăng hình phạt với những sai trái trong kỳ thi… đã được triển khai áp dụng nhưng không thể làm triệt để được gian lận. Và theo nhiều chuyên gia giáo dục cũng như các nhà giáo thì biện pháp khả thi nhất phải được xem xét lại từ cốt lõi – tức là từ đề thi. Và đề thi tự luận dành cho văn học đã và đang được nhiều người ủng hộ, đánh giá cao.

Mới đây, trả lời phỏng vấn, nhà văn Nguyên Ngọc đã đưa ra quan điểm của mình: “Theo tôi, không việc gì phải cấm cản chi cho mệt, cứ mặc cho thí sinh được mang tài liệu vào phòng thi thoải mái và vô hiệu hóa điều đó bằng những đề thi tự luận. Trên đời này có biết bao nhiêu thứ để ra đề hay, cũng như có bao nhiêu cách để lĩnh hội tri thức hay giải mã một đề thi mà không nhất thiết phải bằng cách học thuộc…”.

Đề thi tự luận văn học thường gắn với những vấn đề thiết thực đã và đang được đặt ra trong cuộc sống. Từ đó cho thấy ý nghĩa của những giá trị nền tảng cao quý, tốt đẹp và nhân văn. Từ hướng đi mở này của cách ra đề thi có thể tìm kiếm và phát hiện được tư duy của học sinh thông qua phân tích, đánh giá, nhìn nhận, khả năng sáng tạo trong bài.

Bản chất của văn học không phải là sự rập khuôn để cho ra một đáp án duy nhất. Văn học là sự khơi gợi cảm xúc, đánh thức rung cảm. Từ đề thi tự luận chúng ta cũng sẽ không áp đặt khuôn mẫu tư duy của người này cho người khác, kiến thức của người đi trước cho người đi sau. Học sinh sẽ bộc lộ được quan điểm, cũng như hiểu biết, vốn sống, vốn thực tế trước mỗi vấn đề được nêu ra trong đề thi.

Như vậy, đề thi tự luận văn học đòi hỏi và phát huy tối đa tính sáng tạo của cả người ra đề và người làm bài.

Đúng như ý kiến của nhà văn Nguyên Ngọc cùng nhiều nhà giáo khác, nếu chúng ta triển khai đề thi tự luận thì việc quay cóp, tiêu cực trong thi cử sẽ không có chỗ tồn tại. Giám thị mỗi kỳ thi cũng đỡ vất vả hơn. Việc học tủ cũng sẽ được hạn chế tới mức tối đa. Những hiện tượng trắng sân trường “phao” sau mỗi ngày thi hay trường hợp Đồi Ngô, rồi những con số thí sinh vi phạm sẽ không còn tái diễn và tăng lên khiến dư luận phải giật mình.


(ảnh: baoninhthuan.com.vn)

Nếu ra đề thi tự luận, học sinh sẽ học cái gì?

Với lợi ích “kép” từ đề thi tự luận văn học đang nhận được ủng hộ từ nhiều phía, thì tại sao cho đến nay vẫn chưa được áp dụng? Phải chăng, bên cạnh những tích cực, những ưu điểm, đề thi tự luận vẫn còn những hạn chế?

Trước tiên, cần phải khẳng định đề thi tự luận môn văn không phải quá xa lạ trong các kỳ thi từ xưa đến nay. Nhiều học sinh đã được tiếp cận và làm bài dưới dạng đề này nhưng thường là ở các kỳ thi học sinh giỏi, thi năng khiếu, thi vào trường chuyên, lớp chọn. Những đề thi này thường không có trong các “đề mẫu”, luôn gây bất ngờ, thích thú và cả thử thách với thí sinh.

Để làm được bài tự luận, học sinh không những nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa mà còn đòi hỏi tư duy tổng hợp, phân tích, thậm trí cả năng khiếu cảm thụ văn học nghệ thuật… mà điều này không phải học sinh nào cũng có, hoặc không dành nhiều tâm sức đầu tư cho môn học này.

Tất nhiên, nếu như áp dụng đề thi tự luận đại trà và không phải để chọn học sinh giỏi phải tính đến mức độ khó – dễ. Nhưng cũng từ đây, nhiều câu hỏi được đặt ra, là thầy cô sẽ dạy thế nào và học sinh sẽ học cái gì với môn văn?

Đã có không ít giáo viên cho rằng, với một tiết học văn trên lớp, bao gồm cả kiểm tra bài cũ thì khó đáp ứng được chất lượng cao nhất mà giáo viên có thể truyền đạt cho học sinh. Sự hạn chế thời gian đã khiến cho môn văn trở thành khô cứng khi giáo viên không thể nói gì thêm ngoài… sách giáo khoa! Những trích đoạn trong sách giáo khoa không có thời gian để giáo viên và học sinh tìm hiểu thêm tác phẩm hoàn chỉnh, trừ khi sự say mê, yêu thích khiến các em tự tìm đọc. Và cách giảng hiệu quả nhất là giáo viên và học sinh cùng nhau tìm các ý lớn trong tác phẩm hơn là cảm nhận cái hay cái đẹp.

Nhiều học sinh không lựa chọn văn học là môn thi đại học, cũng như một hiện tượng chung là vài năm nay các ngành khoa học xã hội không còn hấp dẫn, nên sẽ không đầu tư thời gian công sức. Văn học sẽ chỉ là môn phải học để thi tốt nghiệp. Học sinh chỉ học lượng kiến thức yêu cầu từ chương trình sách giáo khoa đã khá vất vả nói gì đến việc mở rộng kiến thức ngoài sách vở để có thể dễ dàng làm bài thi cho đề tự luận.

Bàn luận về vấn đề thi tự luận văn học, rằng nếu tất cả các kỳ thi đều sử dụng đề thi tự luận thì học sinh và giáo viên sẽ học gì, dạy gì, một cô giáo ví von hài hước: học sinh và cô giáo có thể sẽ chỉ nhắc, hoặc thống kê sơ lược các tác giả tác phẩm trong sách giáo khoa. Sau đó cô và trò sẽ cùng nhau đọc và tìm hiểu kỹ những cuốn sách như Quà tặng cuộc sống, Những tấm lòng cao cả, Hạt giống tâm hồn… Nếu ai đi qua lớp học, có thể lầm tưởng học sinh đang học giờ đạo đức hay giáo dục công dân chứ không phải môn học văn.

Có thể nói, đề thi tự luận sẽ đem đến cho giáo dục những thay đổi và bước tiến dài. Nhưng để thực hiện được, chúng ta phải làm tốt nhiều mặt, nhiều khâu. Một lộ trình đi dần, kết hợp câu hỏi tự luận với câu hỏi truyền thống liệu có cần thiết trong bối cảnh hiện nay?

Nguồn: vanhocquenha.vn

Exit mobile version