Tượng đại thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore tại Bảo tàng văn học Việt Nam.
Đạo Phật từ Ấn Độ du nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Trong tập sách Thiền uyển tập anh (tập hợp tinh hoa vườn thiền)1 – tác phẩm văn xuôi cổ Việt Nam viết bằng chữ Hán, đã ghi lại tương đối hệ thống các tông phái thiền học và 68 tiểu truyện các thiền sư nổi tiếng kể từ khoảng cuối Bắc thuộc đến các triều Đinh, Lê, Lý và một số năm đầu của đời Trần, có đoạn viết: “Ngay từ thế kỷ thứ VI, pháp sư Đàm Thiên, người Trung Quốc, đã từng tâu lên vua Tùy Cao Tổ (587-604): ‘Xứ Giao Châu có đường thông với Thiên Trúc (xứ Phật ở Ấn Độ). Khi Phật giáo mới đến Giang Đông chưa khắp thì ở Luy Lâu (nay là Thuận Thành, Bắc Ninh) đã có tới hai mươi ngọn bảo tháp, độ được hơn năm trăm vị sư tăng, dịch được mười lăm quyển kinh rồi’.” Cùng với đạo Phật văn hóa, văn học Ấn Độ cũng đến với người Việt. Những dấu vết ảnh hưởng của văn hóa, văn học Ấn Độ có thể tìm thấy một cách rõ ràng trong các truyện cổ dân gian Việt Nam, trong kiến trúc đền chùa Phật giáo người Việt cũng như trong các tháp cổ người Chăm ở miền Trung, miền Nam Việt Nam. Nhiều danh nhân văn hóa Ấn Độ cũng đã trở nên thân quen với đông đảo công chúng Việt Nam. Chẳng hạn, bên cạnh Đức Thích Ca Mâu Ni, người Việt Nam sùng kính ngưỡng mộ vị Thánh Gandhi và nhiều bậc trí giả Ấn Độ khác, trong đó trên hàng đầu phải kể đến đại thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore (1861-1941).
Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, báo chí Việt Nam đã bắt đầu giới thiệu với bạn đọc về Rabindranath Tagore. Chẳng hạn trên tờ báo có tiếng “La Cloche Fêlée” (Tiếng chuông rè) do nhà cách mạng yêu nước Nguyễn An Ninh chủ trương, số 18 ra ngày 16/6/1924 đã đăng bài của chính ông chủ báo ký bút danh là Nguyễn Tinh, Lòng ái quốc ở Tagore, có lẽ lần đầu tiên giới thiệu trân trọng, đầy thiện cảm, phân tích có tình có lý triết luận của Tagore cho bạn đọc ở Việt Nam hiểu. Và từ đây sáng tác của Tagor cũng bắt đầu được dịch và quảng bá với công chúng Việt Nam. Chẳng hạn trên tờ tạp chí Nam phong số 89 năm 1924 đã đăng bản dịch của Hoa Đường (một bút danh của chính ông chủ Tạp chí – học giả Phạm Quỳnh) bài luận thuyết của Rabindranath Tagore Lời tuyên cáo của Đông Phương, rồi bản dịch của Điệp Văn Kỳ dành cho tác phẩm của Tagore Thần ái tình được Nhất Đức Thư xã ấn hành năm 1929…
Nhân việc Tagore từ Trung Quốc trở về ghé thăm Sài Gòn (Việt Nam) trong ba ngày vào giữa năm 1929, trước đó khá lâu nhiều báo chí Việt Nam đã liên tiếp thông báo về chuyến viếng thăm sắp tới của thi hào, trong những ngày ông ở Sài Gòn thì báo chí càng đưa tin đậm đặc, đăng ảnh, đăng lời phát biểu của Tagore và dịch đăng một số luận thuyết, thơ của ông. Có thể kể đến những tờ báo đăng nhiều bài để lại sâu nhất ấn tượng chuyến viếng thăm của ông: tờ Phụ nữ tân văn, tờ Thần chung… Hơn 30 năm sau khi diễn ra sự kiện ấy, vào năm 1961, trong dịp Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thi hào, một nhà thơ Việt Nam có nhiều uy tín, Xuân Diệu (1916-1985), còn xúc động hồi nhớ: “Trí nhớ tôi đưa tôi lại trước đây hơn ba mươi năm, khi tôi còn là một chú học trò trường Quy Nhơn, đó là hồi tháng sáu năm 1929, trên tuần báo Phụ nữ tân văn, tôi bỗng đọc một bài về nhà thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore ghé thăm nước ta, tại Sài Gòn. Tôi còn nhớ đôi mắt to nhìn vừa xa, vừa sâu, chòm râu như rừng, che xuống đến chiếc áo dài rộng kiểu Á Đông, trên bức ảnh của Tagore in trên tờ báo thời ấy. Tôi còn nhớ cả cái xao xuyến của mình, tuy còn ít tuổi, vẫn cảm thấy trong thơ Tagore dịch đăng báo, trong cuộc đời ấy, trong ảnh người ấy, một cái gì cao rộng, dù chỉ là một ý thơ như: Lòng ta là một con chim của sa mạc đã tìm thấy trời trong mắt em… Những chú học trò biết mình mất nước thời ấy, cảm ở Tagore một cái gì thao thức không ngủ, kêu gọi phóng khoáng lớn lao, cảm một tâm trí như ngọn đèn chong cao sáng giữa đêm trường… Tôi nhớ báo lúc đó thuật lại rằng Tagore có nói chuyện ở Hội Khuyến học: Tôi tưởng tượng thành Sài Gòn của ta khi đó chứa đựng một của quý của trí tuệ con người.”2
Một câu nói của Rabindranath Tagore phát biểu trong chuyến đi ấy “Tôi đứng ngoài cửa của các ngài mà kiếm một chỗ trong lòng các ngài” còn được nhà thơ, nghệ sĩ lớn khác của chúng ta là Đoàn Phú Tứ (1910-1989) hay nhắc lại với lớp trẻ ở Nhà xuất bản Văn học nơi vào những năm 60 thế kỷ qua ông đến cộng tác, cũng truyền cho chúng tôi mối cảm tình thân mến đối với thi hào Ấn Độ Tagore.
Và cái sự kiện 3 ngày ghé thăm Sài Gòn Việt Nam của Tagore 80 năm trước thực sự trở thành một cái mốc son đáng nhớ trong cái mối tương giao văn hóa giữa hai dân tộc chúng ta. Chẳng thế mà cách đây 3 năm, năm 2009, vào cái dịp 80 năm đánh dấu sự kiện đó, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, một cây bút trưởng thành trong thế hệ chiến tranh vừa qua, từng là lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam trong nhiều năm, đã sưu tầm lại một số tư liệu về chuyến ghé thăm Sài Gòn năm 1929 của Tagore, được đăng trên tờ báo Thần Chung, số ra ngày 23 tháng 6 năm 1929, đưa công bố lại trên một số tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Số tạp chí in ra đã đem lại một niềm thích thú đặc biệt cho người đọc ngày nay. Thế hệ hậu sinh chúng tôi bấy lâu tự hào là Việt Nam cũng đã có lần được đón tiếp thi hào vĩ đại Ấn Độ Rabindranath Tagore.
Thế hệ hậu sinh chúng tôi ngày hôm nay may mắn đã được đọc khá nhiều tác phẩm của Tagore được dịch ra tiếng Việt, cả thơ, hàng chục tập thơ, cả truyện ngắn, cả tiểu thuyết, cả kịch, cả một số những bài triết luận, thậm chí cả hồi ký của thi hào.
Bắt đầu từ năm 1961, năm kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tagore, việc dịch tác phẩm của ông sang tiếng Việt bắt đầu được nhiều người quan tâm một cách tích cực. Nhìn lại thì trước đó chỉ có một số bài luận thuyết của Tagore được dịch công bố lẻ tẻ trên báo chí Việt Nam như đã điểm ở trên. Còn đến năm 1961, thì liền một lúc xuất hiện hai cuốn sách giới thiệu thân thế sự nghiệp kèm theo là phần tuyển dịch các tác phẩm của Tagore.
Tập thơ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Rabindranath Tagore, NXB Văn học, 1961, do các nhà thơ hàng đầu Việt Nam tham gia dịch – Huy Cận (1919-2005), Xuân Diệu (1917-1985), Huyền Kiêu (1915-1995), Yến Lan (1916-1998), Nguyễn Viết Lãm (sinh năm 1919), Đào Xuân Quý (1924-2007), Nguyễn Đình Thi (1924-2003), Hoàng Trung Thông (1925-1993), Chế Lan Viên (1925-1989).
Tagore, thơ, truyện ngắn, kịch, NXB Văn học 1961, Cao Huy Đỉnh (1927-1975), và La Côn (sinh năm 1924), hai nhà văn-dịch giả hàng đầu, tuyển chọn, giới thiệu và dịch.
Việc dịch tác phẩm của thi hào Tagore đã được đưa vào kế hoạch lâu dài của Nhà xuất bản Văn hóa – sau là Nhà xuất bản Văn học, khi ấy có chức năng chuyên trách xuất bản các tác phẩm văn học cổ điển và đương đại, văn học trong nước và văn học thế giới. Bên cạnh phần tác phẩm của Tagore, còn khá nhiều các tác phẩm tiêu biểu khác của nền văn học Ấn Độ: Ramayana, Mahabratta, kịch Sakuntala của Kalidasa, cũng như các tác phẩm của Baxu Buren, Bơhattacharya B. Prem Chânđơ… Nhà xuất bản Văn học đã huy động một đội ngũ đông đảo các dịch giả là những nhà nghiên cứu, các bậc khoa bảng, các nhà văn, nhà thơ uyên thâm và có vốn ngoại ngữ phong phú. Đáng tiếc là chưa có chuyên gia am tường các bản ngữ Ấn Độ, như tiếng Bengal hay tiếng Urdu. Nhưng thông qua một số ngữ trung gian như Anh, Pháp, Trung Quốc trong mấy thập kỷ, bất chấp cả hoàn cảnh khó khăn của những năm chiến tranh ác liệt ở Việt Nam, việc tiến hành dịch và phổ biến tác phẩm của thi hào Ấn Độ Tagore nói riêng, cũng như nhiều tác phẩm tiêu biểu của văn học Ấn Độ nói chung, là khá hiệu quả.
Trong kết quả này có cả một phần hợp tác hỗ trợ từ phía các bạn Ấn Độ. Phía Ấn Độ đã hỗ trợ việc đào tạo cho Việt Nam các chuyên gia về văn hóa văn học Ấn Độ. Có cả sự giúp đỡ vật chất cụ thể. Chẳng hạn ngay trong những năm 80 của thế kỷ qua, trong hoàn cảnh khó khăn khi đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, chính phủ Ấn Độ thông qua Đại sứ quán Ấn Độ đã ủng hộ Nhà xuất bản Văn học ở Hà Nội hàng trăm tấn giấy để ra được các bộ sách quý như sử thi ba tập Ramayana hay tác phẩm của cố Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru Phát hiện Ấn Độ.
Tác phẩm Tagore, đặc biệt là thơ của ông, được chú ý khai thác khá phong phú. Tiếp theo hai tập sách đầu tiên ra năm 1961, thơ của Tagore liên tiếp được nhiều nhà thơ-dịch giả chuyên tâm đổ công sức dịch:
Tại Hà Nội năm 1979, tập Thơ Tagore do nhà thơ Đào Xuân Quý tuyển dịch được Nhà xuất bản Văn học ấn hành với số lượng 10.200 bản. Cũng Đào Xuân Quý lại cho ra tập Mảnh trăng non (thơ Tagore), NXB Văn hóa-Thông tin, 2000. Cùng với tuyển dịch Thơ Tagore hơn một trăm trang của nhà văn, nhà giáo học giả Phan Khắc Hoan được Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 1999 trong Tuyển tập Phan Khắc Hoan (kịch và thơ), sự đóng góp của Đào Xuân Quý đã đánh dấu một bước dài trong nghệ thuật dịch thơ ở Việt Nam nói chung và dịch thơ Tagore nói riêng.
Ở các thành phố phía Nam Việt Nam cũng ra đời nhiều bản dịch thơ Tagore và đã được nhiều nhà xuất bản khác nhau ấn hành. Chẳng hạn các sách: Khúc hát dâng đời (tức Thơ dâng theo các bản dịch ở miền Bắc), do Phạm Hồng Dung, Phạm Bích Thủy dịch, NXB Nguồn sáng, 1969; Tâm tình hiến dâng (nguyên tác The gardener) do Đỗ Khánh Hoan dịch, NXB An Tiêm, 1969, NXB Ba Vì 1969, Lời dâng (tức Thơ dâng), Đỗ Khánh Hoan dịch, NXB An Tiêm, 1972, NXB Ba Vì 1969, Khúc hát dâng đời cùng ba danh tác khác: Tặng phẩm người tình, Mảnh trăng non, Chim lạc do Phạm Hồng Dung – Phạm Bích Thủy dịch, NXB Nguồn sáng, 1971, Tagore – Người tình của cuộc đời (có tuyển chọn một số bản dịch thơ của Tagore, Nhật Chiêu, Hoàng Hữu Đản biên soạn, NXB Hội Nhà văn, 1991).
Nhà xuất bản Văn học Hà Nội liên tiếp xuất bản hai sách văn xuôi của Tagore: Mây và mặt trời (tập truyện ngắn) do hai dịch giả Hoàng Cường – Nguyên Tâm thực hiện (năm 1986) và tiểu thuyết Đắm thuyền (2 tập) do Lưu Đức Trung, Trương Thị Thu Vân và Hoàng Dũng dịch (1989). Cũng năm 1989, Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản bản dịch của Hồng Tiến, Mạnh Chương tiểu thuyết Nàng Binôđini của Tagore. Truyện ngắn Tagore còn được nhiều dịch giả khác khai thác: Lê Thanh Hoàng Dân dịch tập Kẻ lang thang, NXB trẻ 1973, Phạm Viên Phương – Hoàng Cường tuyển dịch (Người đàn ông xứ Kabul, Ảo ảnh tan vỡ, Quan Chánh án) in trong Truyện ngắn các tác giả được giải Nobel, NXB Văn học 1997.
Gần một chục vở kịch của Tagore đã được hai dịch giả La Côn và Lưu Đức Trung dịch trong suốt mấy chục năm qua và công bố dần trên báo chí, cuối cùng đưa thành một phần vào Tuyển tập tác phẩm Rabindranath Tagore, hai tập, NXB Lao động và TTVHNN Đông Tây xuất bản năm 2004.
Cho tới nay nhiều tác phẩm của Tagore được dịch ở Việt Nam đã được đưa vào sách giáo khoa các trường phổ thông và đại học, tuyển in vào các công trình tập thể như các Tuyển truyện ngắn được giải thưởng Nobel, Tuyển truyện ngắn hay văn học thế giới, Thơ thế giới chọn lọc, Các tác phẩm được giải thưởng Nobel, các công trình nghiên cứu văn học thế giới, văn học Châu Á, Văn học Ấn Độ, các công trình chuyên luận về Tagore, ấn hành ở nhiều nhà xuất bản khác nhau trên khắp đất nước Việt Nam.
Cuộc đời và sáng tác của thi hào Ấn Độ Tagore đã được nhiều chuyên gia văn học đi sâu nghiên cứu đóng góp các phát hiện lý thú. Đó là các công trình của những tác giả, nhà giáo kiêm dịch giả-nhà văn như Rabindranath Tagore – Tác phẩm chọn lọc (NXB Văn học 1989), Tagore, tuyển tập tác phẩm (NXB Lao động – Trung tâm VHNN Đông Tây, 2004) do Lưu Đức Trung chủ biên; hay luận án tiến sĩ của Nguyễn Văn Hạnh, giảng viên Đại học Sư phạm Vinh: Tính trữ tình – triết lý trong Thơ dâng, được bảo vệ cách đây ít năm.
Tên tuổi của thi hào Ấn Độ Tagore với sự nghiệp sáng tác phong phú chứa đựng những tư tưởng đẹp, nhân văn sâu sắc, ngày nay đã lan tỏa đến khắp các tầng lớp bạn đọc Việt Nam. Nền văn hóa văn học Ấn Độ nói chung và di sản văn học của thi hào Tagore nói riêng tiếp tục được ngưỡng mộ và được tìm đến để học hỏi. Hiện tại, di sản của Tagore vẫn đang tiếp tục được khai thác ở Việt Nam.
Thuý Toàn
__________________
Chú thích:
1. Tập sách được nhiều người biên soạn trên cơ sở nhiều nguồn tư liệu, rồi hoàn thành vào khoảng đời Trần, đến nay còn lưu giữ được bản chữ Hán trùng san văn Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715).
2. Xuân Diệu, Tagor và thơ Tagor, trong sách Rơ-vin-dra-nat Tagor. Kỷ niệm 100 ngày sinh (Tập thơ dịch), NXB Văn học, 1961, trang II-III.
DANH MỤC CÁC TÁC PHẨM CỦA RABINDRANATH TAGORE ĐÃ ĐƯỢC DỊCH VÀ IN TẠI VIỆT NAM
- Lời tuyên cáo của Đông phương, Hoa Đường dịch, tạp chí Nam Phong số 89, 1924.
- Đáp từ của ông Tagore tại Rạp hát Tây, Sài Gòn, Báo Phụ nữ Tân văn 23/6/1929.
- Một vài tư tưởng của ông Tagore, Báo Phụ nữ Tân văn, 4/7/1929.
- Thần ái tình, Diệp văn Kỳ dịch, Như đức – thơ xã, 1929.
- Gia đình và thế giới, Mạc Lan dịch, Tạp chí Tao đàn (từ số 6 đến số 13/1939).
- Tagore, Thơ, Truyện ngắn, Kịch, Cao Huy Đỉnh, La Côn tuyển chọn, giới thiệu và dịch, NXB Văn hóa, 1961.
- R. Tagore – Tập thơ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh, Huy Cận, Xuân Diệu, Huyền Kiêu, Yến Lan, Nguyễn Viết Lãm, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên dịch, Xuân Diệu giới thiệu, NXB Văn học 1961.
- Khúc hát dâng đời, Phạm Hồng Dung, Phạm Bích Thủy dịch, NXB Nguồn sáng, 1969.
- Thực hiện tâm linh, Như Hạnh dịch, NXB Kinh thi, 1969.
- Tâm tình hiến dâng (nguyên tác: The gardener, thơ), Đỗ Khánh Hoan dịch, NXB Đà Nẵng, 1997-2001.
- Khúc hát dâng đời, Gitanjali – và ba danh tác khác: Tặng phẩm người tình, Mảnh trăng non, Chim lạc, Phạm Hồng Dung, Phạm Bích Thủy dịch, NXB Nguồn sáng, 1971.
- Kẻ lang thang (truyện), Lê Thanh Hoàng Dân dịch, NXB trẻ, 1973.
- Thực hiện toàn mãn, Nguyễn Ngọc Thơ dịch, NXB An Tiêm, 1973.
- Đời tôi, Hoàng Hải dịch, Tạp chí Văn học nước ngoài, 1984.
- Mây và mặt trời (tuyển tập truyện ngắn), Hoàng Cường – Nguyên Tâm dịch, NXB Văn học, 1986.
- Nàng Binôđini (tiểu thuyết), Hồng Tiến, Mạnh Cường, NXB Đà Nẵng, 1989.
- Đắm thuyền (tiểu thuyết, 2 tập), Lưu Đức Trung, Trương Thị Thu Vân, Hoàng Dũng dịch, NXB, 1989.
- Tác phẩm chọn lọc, Lưu Đức Trung tuyển chọn và giới thiệu, NXB Giáo dục, 1990-1994.
- Tagore – người tình của cuộc đời (có tuyển chọn một số bản dịch thơ của Tagore), Nhật Chiêu, Hoàng Hữu Đản biên soạn, NXB Hội Nhà văn, 1991.
- Mảnh trăng non (thơ), Đào Xuân Quý dịch, NXB Văn hóa-Thông tin, 2000.
- Người đàn ông xứ Kabul, Phạm Viêm Phương dịch; Ảo ảnh tan vỡ, Quan chánh án, Hoàng Cường dịch, in trong tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải thưởng Nobel, NXB Văn học, 1997.
- Tạ ơn, Tôi còn nhớ ngày hôm ấy, Tôi đã uống, Hôm nay một con chim… (thơ)…, 1996, Diễm Châu dịch, trên website tienve.org.
- Cứu rỗi, Ngô Tự Lập dịch, in trong Đôi mắt lụa, NXB Văn học 1998.
- Tagore (thơ), Phan Khắc Hoan dịch, in trong Tuyển tập Phan Khắc Hoan, Kịch thơ và thơ, NXB Hội Nhà văn, 1999, trang 263-367.
- R. Tagore như tôi hiểu (60 bài thơ), Nguyễn Linh Quang dịch, NXB Văn hóa – Thông tin, 2001, NXB Giáo dục 2003.
- Đói, Lá số tử vi, Từ con, Người láng giềng xinh đẹp, Hoàng Cường dịch, in trong Truyện ngắn chọn lọc – Tác giả đoạt giải Nobel, NXB Hội Nhà văn, 1998-2004.
- Dàn hỏa thiêu, Chiến thắng, Kho vàng bí mật, Những bậc bến tắm bên sông, Hoàng Cường dịch; Các bubu vùng Nayajor, Nguyên Tâm dịch, Cô dâu bé nhỏ, Nguyễn Văn dịch; Cứu rỗi, Ngô Minh Tự dịch, in trong Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel, NXB Văn học 1999.
- Những lời chưa nói, Chùm thơ ngắn (thơ), Thái Bá Tân dịch, in trong Thái Bá Tân, Thơ dịch, NXB Lao động & TTVHNN Đông Tây, 2000.
- Thơ R. Tagore, Kiều Vân tuyển, giới thiệu, NXB Thanh niên, 2004.
- R. Tagore – Tuyển tập tác phẩm (2 tập), Lưu Đức Trung tuyển chọn và giới thiệu, NXB Lao động &TTVHNN Đông Tây, 2004.
- Tập I tiểu thuyết Đắm thuyền, Lưu Đức Trung, Trương Thị Thu Vân và Hoàng Dũng dịch; Nàng Binôdini, Hồng Tiến, Mạnh Chương dịch.
- Kịch: Xamiaxi, Lễ máu, La Côn dịch, Nhà bưu điện, Karna và Kunti, Malini, Sitra, Xuân tuần hoàn, Đức vua và hoàng hậu, Lưu Đức Trung dịch, tập II, thơ và truyện ngắn.
- Những cánh chim lạc bầy (thơ), Bằng Việt dịch, in trong tập Thơ trữ tình thế kỷ XX, NXB Văn học 2005.
- R. Tagore (3/5/1861-7/8/1941) – Nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch Ấn Độ, giải Nobel Văn học 1913, in trong Các nhà thơ giải thưởng Nobel (1901-2006), NXB Lao động &TTVHNN Đông Tây, 2007, trang 103-175.
Nguồn: Tạp chí Văn học nước ngoài.