Tôi bắt đầu chú ý đến Thùy Dương từ Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ hai (2002 – 2005) do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Thùy Dương dự thi và nhận Giải B với tiểu thuyết Ngụ cư. Với tư cách là thành viên Ban Chung khảo, được phân công đọc một số tiểu thuyết, trong đó có Ngụ cư của Thùy Dương, trong nhận xét của mình, tôi lưu ý đồng nghiệp về hình thức tiểu thuyết ngắn mà tác giả đã vận dụng để sáng tác. Tiểu thuyết Ngụ cư có độ dài khá khiêm tốn, chỉ có 232 trang, được viết với một lối văn rất hoạt, uyển chuyển và có chiều sâu tâm lí. Tôi cho rằng nữ nhà văn này đã đưa tiểu thuyết của mình nhập vào dòng tiểu thuyết ngắn trong văn chương đương đại Việt Nam. Ngụ cư có thể coi là sự nỗ lực của tác giả khi tạo nên một bố cục linh hoạt gồm những truyện ngắn được sắp xếp khéo léo cạnh nhau: một cái ngõ nhỏ ở thủ đô, có mười ba gia đình sinh sống. Tiểu thuyết được mở đầu bằng chuyện của gia đình số 13 – gia đình Tôi, nhân vật kể chuyện “Khi tôi chuyển về thì ngõ này đã có mười hai nhà trước đó. Nhà tôi là nhà thứ mười ba”. Mười ba gia đình, mấy chục con người, bao nhiêu là số phận, đầy đủ mọi cung bậc đời sống – nhiều tham, sân, si; nhiều ái, ố, hỉ, nộ. Trong Ngụ cư Thùy Dương dùng một lối kể chuyện giản dị, có thể hình dung như lối bạn gái nói chuyện với nhau, cứ con cà con kê, vô tiền khoáng hậu. Chuyện được kể là chuyện đời thường, quen thuộc nhiều khi tưởng như đơn điệu, nhàm chán. Nhưng độc giả tinh ý sẽ nhận thấy đằng sau cái nhịp sống có vẻ trễ nải, buồn tẻ được miêu tả ấy bỗng ló rạng một cái gì đó của cõi người, của kiếp nhân sinh trần gian. Nhan đề của tiểu thuyết gợi cho người đọc nghĩ tới một triết lí có khả năng “gây hấn” cảm xúc và dư luận: phải chăng cõi đời này là nơi trú tạm của mỗi kiếp người?! Phải chăng là chúng ta đang sống hiện sinh? Rất có thể là như thế vì Đề từ của tiểu thuyết được rút ra từ Kinh Thánh “Anh em chớ lo lắng về ngày mai: Ngày mai lo cho ngày mai, sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy” (Phúc âm theo Thánh Mát – Thêu – VI, 29). Người đọc nhận thấy một bước chuyển tuy âm thầm nhưng không kém phần ráo riết của Thùy Dương trong nghiệp văn, bắt đầu từ Ngụ cư.
Bìa tiểu thuyết Chân trần
Có người nhận xét Thùy Dương hợp hơn với truyện ngắn – kiểu truyện mềm mại, nhẹ nhàng, ít bất ngờ và cũng vì thế hiền lành, giàu nữ tính. Riêng tôi, ngược lại, nhận thấy Thùy Dương nếu cứ mềm mại, nhẹ nhàng, hiền lành và ít bất ngờ thì sẽ dễ bị trôi tuột đi, dễ bị mờ đi nếu không viết tiểu thuyết, nếu không mạnh mẽ lên và đôi lúc ngang tàng nữa. Câu kết của tiểu thuyết Thức giấc (2009) cho người đọc thấy một Thùy Dương mạnh mẽ hơn, khoáng đạt hơn “Gió đã thổi trên đất này lâu lắm rồi. Nhưng tôi vẫn cảm nhận được trong gió hơi thở của sự sống – bao thế hệ trước truyền lại. Có mùi súng đạn, mùi của máu và những khát vọng sôi sùng sục va đập vào nhau. Mùi bùn non, mùi cỏ tươi và mùi những nụ cam vừa nở”. Thức giấc là chuyện của đời người nhiều thế hệ trong một gia đình: thế hệ của ông bà từng trải, biết nhẫn nhịn để mưu cầu hạnh phúc; thế hệ của bố mẹ chỉ biết phục tùng; thế hệ của cháu con thì biết mở mang, quẫy đạp. “Thức giấc” là tỉnh ra (và cũng là ngộ ra), là nhận ra sự thật, nhận ra chân lí đời sống. Nhưng cái giá phải trả không hề rẻ – có đau đớn, mất mát; có oan khuất, trầm luân. Nói cách khác là sự giác ngộ của con người từ xưa tới nay đều trải qua những con đường đau khổ. Nhưng sự giác ngộ ở mỗi người, mỗi thế hệ là không hề giống nhau. Có lẽ vì thế mà tiểu thuyết này có Đề từ “Sau một giấc ngủ miệt mài như thế, phải cần có bao nhiêu thời gian để đánh thức mi dậy?” (F. Nietzsche).
Nhân gian (2010) là cuốn tiểu thuyết thứ tư của Thùy Dương. Tôi nghĩ, cuốn tiểu thuyết này được viết theo tinh thầngiao kèo của nhà văn với xã hội, với con người như nhan đề bản tham luận của Thùy Dương đọc tại Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà văn Việt Nam (tháng 8 – 2010, tại Hà Nội). Nhân gian là cõi trần, cõi đời, là kiếp người, là số phận, là bể khổ, là luân hồi. Nhân gian hé mở cái chiều sâu trong văn Thùy Dương khi hướng tới khám phá thế giới tâm linh.
Chân trần (2013) mang đến cho độc giả cảm nhận về sự chín của Thùy Dương – cây bút tiểu thuyết có duyên (ở thôn quê Việt Nam một cô gái có nhan sắc thì được gọi là có “duyên” chứ không phải “đẹp”, và nếu đã có duyên thì “còn duyên đi đón về đưa/hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng”. Có duyên sẽ rất tự hào, tự tin, đi đâu cũng có thể ngẩng cao đầu). Vẫn là viết về hiện tại và đời sống hiện sinh, nhưng đường dây cố kết sự kiện, tình tiết, tình huống là sự khai mở mối dây liên hệ vô hình nhưng hữu cơ giữa cõi nhân gian và cõi bất tử của những linh hồn. Một thế giới tâm linh mở òa ra từ Nhân gian cho đến Chân trần đã khiến cho cả tác giả và người đọc bị dẫn dụ vào những “mê cung” vừa vô hình vừa hữu hình, vừa gần vừa xa, vừa đáng tin vừa đầy rẫy những hoài nghi.
*
Tôi đọc đâu đó thấy có người viết: “Thế kỉ XXI là thế kỉ của tâm linh” (hình như là của nhà văn Pháp Andre Malraux). Tác giả Roberto Assagioli trong tác phẩm Sự phát tiển siêu cá nhân (Nxb Khoa học xã hội, 1997) đã viết “Tâm linh tự bản thân nó là Tính hiện thực tối cao dưới dạng siêu việt, tức là tuyệt đối, của nó, không có một giới hạn hay quy định cụ thể nào. Như vậy, Tâm linh tự nó vượt qua mọi giới hạn thời gian hay không gian, mọi liên hệ với vật chất. Theo bản chất của nó, Tâm linh là vĩnh hằng, vô hạn, tự do, phổ biến. Tính hiện thực cao nhất và tuyệt đối ấy không thể nào được biết tới về mặt trí tuệ vì nó vượt qua trí tuệ con người, nhưng nó lại có thể được nêu thành định đề về mặt lí trí, được phát triển về mặt trực giác và, ở một mức độ nào đó, được thể nghiệm về mặt thần bí”.
Tôi nhận biết có một dòng tiểu thuyết tâm linh (tạm gọi) trong văn chương đương đại Việt Nam, đặc biệt trỗi dậy trong những năm đầu thế kỉ XXI với các sáng tác của Nguyễn Khải (Thượng Đế thì cười), Nguyễn Xuân Khánh (Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa), Trần Chiểu (Người cõi âm), Nguyễn Việt Hà (Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn), Đoàn Minh Phượng (Và khi tro bụi, Mưa ở kiếp sau), Vũ Huy Anh (Cách trở âm dương), Hồ Anh Thái (Cõi người rung chuông tận thế, Dấu về gió xóa), Nguyễn Một (Ngược mặt trời), Nguyễn Thế Hùng (Họ vẫn chưa về)…Thùy Dương góp vào dòng tiểu thuyết tâm linh bằng các tác phẩm có dấu ấn khá đặc sắc của mình như Thức giấc, Nhân gian và Chân trần.
Nhưng lấy cái gì để khu biệt Thùy Dương với các nhà văn khác trong dòng tiểu thuyết này? Hay nói cách khác cái màu sắc tâm linh trong tiểu thuyết Thùy Dương là gì? Tôi bỗng nhớ tới một câu thơ của Nguyễn Trọng Tạo “Tin thì tin không tin thì thôi” (nay tôi thấy nó trở thành như câu nói đầu cửa miệng của nhiều người trong ứng xử hàng ngày). Thùy Dương cũng như nhiều nhà văn khác đang muốn khai mở một con đường gập ghềnh giữa thực tại, giữa một trần gian hiện sinh với một thế giới tâm linh (hoặc là bí ẩn tâm hồn con người, hoặc là thế giới phiêu diêu của những linh hồn người). Thùy Dương là phụ nữ, nên con đường đến với thế giới tâm linh bằng trực giác rất rõ và mạnh. Nhưng không khẳng định (sau khi đã không phủ định), và hình như vẫn còn e ấp khi viết về thế giới tâm linh “ Chẳng lẽ có thế giới bên kia thật à?”, hoặc “Nếu mà có thế giới bên kia, vẫn có linh hồn người thân lẩn quất bên ta thì cũng nhẹ lòng hơn” (Nhân gian, tr.92 – 93). Hẳn vì lẽ đó mà câu chuyện đi tìm mộ em trai (tên Hoàng) của nhân vật Hải trong tiểu thuyếtNhân gian nhuốm màu sắc huyền kì. Huyền kì đến mức “Biết đâu trong Hải giờ đây có hai linh hồn song song tồn tại” (Nhân gian, tr.16). Vì thế mà Thùy Dương viết về cõi dương (nhân gian) thì như mặc định, còn viết về cõi âm (không gian của các linh hồn) thì chỉ như là những câu chuyện đầy giả định, giả thiết mà thôi. Chẳng hạn sau khi có một động thái nào đó thì nhân vật lại tự cật vấn mình “ Đấy có phải là trời đất xui khiến? Có phải là sự khai mở cho ta?” (Nhân gian, tr.93). Trong thế giới tâm linh, người sống và người chết có thể nói chuyện được với nhau như người ở dương gian. Nghĩ như thế nên nhà tiểu thuyết đã tạo ra một không gian lồng gép kì ảo giữa thực và hư (có hiện tại và quá khứ, đôi khi cả hình bóng tương lai mờ ảo). Nhân vật của Thùy Dương, đặc biệt là nhân vật nữ, có được cái khả năng siêu phàm: đang sống ở nhân gian nhưng có thể “thông linh” hay là “khai mở” được với thế giới khác (thế giới bên kia, thế giới của những linh hồn người).
Đến Chân trần, cuộc đối thoại giữa người cõi dương và cõi âm lại càng trở nên đậm đặc hơn. Một người phụ nữ của thời hiện đại (nhân vật nữ nhà báo, xưng “Tôi”, kể chuyện), sống trong một xã hội tiêu dùng, giữa những tiện nghi vật chất và với một quan niệm hiện sinh lại bị ràng buộc với một người phụ nữ – tính về huyết thống thì không kề cận, nhưng tính theo đường dây tâm linh thì gần gũi – sống vào những năm bốn mươi của thế kỉ trước (là vợ ba của một ông bác sĩ thời Pháp). Cả một thời kì lịch sử nhiều quanh co và tao loạn được tái hiện qua tiềm thức của nhân vật. ĐếnChân trần, dường như đã xác tín hơn nên tác giả ít khi phải viết trực tiếp những từ “Linh hồn”, “Tâm linh”, “Thế giới bên kia”, “Hồn hoa”, “Trời xui đất khiến”, “Hồn người”…Nhưng độc giả vẫn cảm nhận được một cách thấm thía những bí ẩn tâm hồn, bí ẩn đời sống mà con người còn chưa khám phá hết. Có người cho rằng tác giả viện dẫn nhiều Kinh (như Kinh Veda, đặc biệt là Kinh Thánh), hoặc lời các triết gia (như F. Nietzsche) nên thiếu đi tính tự chủ của chủ thể trong cách triết luận bằng hình tượng nghệ thuật đời sống. Tôi nghĩ khác nhiều người, đó chỉ là một cách thêm “gia vị” như cách phụ nữ vào bếp với một “gu” ẩm thực nào đó riêng thích.
Con người từ thưở hồng hoang đến thời hiện đại dường như đã đi qua những khổ đau, dẫm lên chông gai hay nhung lụa thì suy cho cùng vẫn bằng chính đôi chân trần của mình mà Tạo hóa sinh ra (dù rất có thể thời đại văn minh, người ta đi giày đẹp, ngồi trên ô – tô, máy bay để đi và đến). Phải chăng vì thế mà Đề từ của tiểu thuyết mới nhất của Thùy Dương – Chân trần – lại có những câu “Chân trần chân đất/Chân trần trên đá sỏi/Chân trần trên gai…/Người vác cây thánh giá của mình/Nhọc nhằn lê từng bước/Đất níu lấy chân/Đá sỏi trầy trật/Những chiếc gai rớm máu!/Vẫn biết đường trần vất vả/Vẫn biết đường trần gian nan/Đau buồn như máu ứa/Rịn thấm dọc đường đi…”.
*
Kể chuyện theo cách nào để giữ chân độc giả thời nay vốn thông minh hơn nhưng cũng khó tính hơn (đôi khi đỏng đảnh), là một bài toán đối với một cây bút chuyên nghiệp như Thùy Dương. Để “quyến rũ” độc giả, Thùy Dương đã chọn cách kể bằng nhiều giọng nhờ đó đời sống được soi sáng từ nhiều phía và đó như là cách để làm phát lộ sự thật vốn không dễ nhận biết.
Sử dụng triệt để cách kể ở ngôi thứ nhất, xưng “Tôi”, nhà văn đã có một khoảng rộng tự do triệt để, thả sức phiêu du khắp hang cùng ngõ hẻm của chốn “nhân gian” (“Đây chỉ là nơi mà chúng ta trú ngụ tạm thời” – Ngụ cư) hay hóa thân vào “cõi âm” (nơi trú ngụ của những linh hồn người sau khi chết). Nhưng ngay từ Ngụ cư, dễ nhận ra là cái “Tôi” kể chuyện đã được Thùy Dương “nhân bản” (Người kể chính là chủ nhân nhà số 13 “Khi tôi chuyển về thì ngõ này đã có mười hai nhà trước đó”. Nhưng đến nhà số 7 -nhà bác Tổ trưởng – thì lại tiếp một nhân vật khác xưng “Tôi” kể chuyện “Hồi trẻ tôi cũng khá điển trai, lại có tí tài ăn nói, đến đâu cũng được các cô quý”). Đến Nhân gian thì ba giọng kể khác nhau đều xưng “Tôi”: một là linh hồn liệt sĩ Hoàng (song sinh với nhân vật Hải, chồng “Tôi”- một trong 3 người kể chuyện), của “Tôi” (vợ Hải) và của “Tôi” (một cô gái trẻ, điển hình của thế hệ trẻ, sống hiện đại và hiện sinh). Nếu cân đo đong đếm chính xác thì trong Nhân gian, tỉ lệ kể về chuyện dương gian và “cõi âm” là 2/1, thì đến Chân trần tỉ lệ này là 1/1. Vì sao lại có sự chuyển đổi đặc biệt như thế? Theo sát câu chuyện của hai người phụ nữ đều xưng “Tôi” sẽ thấy: nhân vật nữ nhà báo xưng “Tôi” kể chuyện hễ cứ đi vào giấc ngủ là gặp người phụ nữ của những năm bốn mươi thế kỉ trước (vợ ba một ông bác sĩ thời Pháp, giàu có, đào hoa, có đến những năm vợ). Mà một ngày, ngoài giấc ngủ dài ở nhà mình, thì ở công sở cũng hết sức tranh thủ chợp mắt (mà hễ chợp mắt cũng gặp trong mơ người phụ nữ xa về huyết thống nhưng gần gũi về tâm linh, tâm sự, cứ như là tiền kiếp của nhân vật nhà báo nữ). Sự chuyển đổi liên tục ngôi kể và lời kể của hai nhân vật nữ trong Chân trần đã nới rộng không gian – thời gian nghệ thuật, theo khái niệm vật lí hiện đại thì đó là không – thời gian bốn chiều.
Thùy Dương có lối viết, riêng tôi rất thích, cứ như thể lúc nào cũng “ướm mình” vào nhân vật, nên câu chuyện dù được kể ở ngôi thứ nhất hay ngôi thứ ba thì cũng đều thấm đẫm chất giọng thương cảm – “thương người như thể thương thân”. Nói cách khác một sự hóa thân của người viết vào nhân vật vừa tinh tế, vừa đôi khi pha lẫn ngọt ngào, dịu dàng nhưng cũng chao chát, sắc lẻm. Thùy Dương là thế, và chính vì thế mà tác phẩm của nữ nhà văn này luôn có sức mời gọi độc giả, kể cả những độc giả khó tính nhất.
Bùi Việt Thắng
Nguồn: vanvn.net