Thi bưng đá “thiêng”  /// Ảnh: Việt Đức

Thi bưng đá “thiêng”

Câu chuyện về một cụ bà xắn váy, bưng đá để được chia ruộng đã biến thành giai thoại cho lễ hội truyền thống ở một thôn thuộc vùng chiêm trũng Hải Hòa (Hải Lăng, Quảng Trị).

Hòn đá được cho là hòn đá năm xưa cụ bà bưng được dân làng cũng xem như bảo vật.

Bà Giàng bưng đá bị… tung váy

Đến thôn Hưng Nhơn (xã Hải Hòa) hỏi về hòn đá thiêng, ai cũng biết và nhiệt tình chỉ nơi nó đang tọa lạc ở đình làng. Có người còn gọi là trống đá vì có hình thù giống chiếc trống, đường kính khoảng 40 cm.

Già trẻ ở thôn Hưng Nhơn đều biết sự tích về hòn đá thiêng, nhưng một trong những người tỏ tường nhất là cụ Nguyễn Đức Sử (84 tuổi). Cụ kể, cách đây 500 năm, làng Hưng Nhơn ra đời gắn liền với câu chuyện về hòn đá và miếu bà Giàng.

Chuyện rằng, thời xưa việc tranh chấp ruộng đất giữa các vùng giáp ranh tại địa phương diễn ra rất phổ biến. Trong quá trình khai hoang lập làng đã xảy ra vụ tranh chấp mốc giới đất ruộng giữa hai làng Hưng Nhơn và An Thơ, sự việc không thể giải quyết nội bộ và phải trình quan huyện. Quan chỉ vào trống đá và lệnh rằng: “Tảng đá kia nếu ai bưng nổi và di dời đến vị trí nào đó thì mốc giới xác định tại vị trí đó!”.

Một bà lão làng Hưng Nhơn xin bưng trước. Mọi người thấp thỏm lo lắng không biết bà bưng nổi không. Nhưng rồi họ thở phào vì bà đã bưng nổi và đi được 10 thước. Tuy nhiên do viên đá vừa to vừa nặng cọ xát vào người làm váy bà bật tung ra, hoảng quá bà thả hòn đá để chỉnh váy lại. Và nơi hòn đá thả xuống trở thành mốc giới của địa phận làng Hưng Nhơn. Sau khi bà mất, để tưởng nhớ công ơn của bà, bà con trong làng lập miếu gọi là miếu Bà Giàng để phụng thờ tại khu đất đó. Hằng năm đến ngày mùng 8 tháng 5 âm lịch, dân làng tổ chức lễ cúng tươm tất tại miếu bằng lễ vật được trích từ 3 sào ruộng công, còn gọi là “ruộng miếu”.

“Dù có vài dị bản về tích hòn đá và miếu Bà Giàng, nhưng nội dung đều xoay quanh vấn đề tranh chấp ruộng đất, phân định mốc giới đất đai thuở xưa”, cụ Sử cho biết.

Tục bưng đá, được ruộng

Theo các bậc cao niên làng Hưng Nhơn, ngày xưa, để ghi nhớ công ơn bà Giàng, làng quy định 3 năm lại chia ruộng 1 lần. Vào những ngày này, dân đinh muốn có đất làm ruộng thì phải qua đợt sát hạch, đó là phải bưng hòn đá thiêng di chuyển một đoạn. Tuy khó nhưng dân làng nô nức tham gia. “Lệ thành đinh ở làng Hưng Nhơn đặc biệt và khác so với các làng khác, bởi đối tượng tham gia ở lễ nghi này đều cảm thấy tự hào, tràn đầy hy vọng như được tiếp thêm sức mạnh khi chạm vào vật thiêng – hòn đá do bà ban phát”, cụ Nguyễn Đức Ấm, 83 tuổi, nói.

Năm này qua năm khác, tục bưng đá chia ruộng đã lập được một hệ thống quy định chặt chẽ để đảm bảo tính khách quan, tránh gian lận. Lệ được áp dụng không quá cứng nhắc, có trường hợp đến tuổi “ăn ruộng” mà không đủ sức bưng viên đá vẫn được chia phần nhưng chỉ được ruộng xấu. Ngược lại, những người vượt qua cửa ải này nhận được ruộng trước, ruộng tốt và là lực lượng dự bị trong đội tuần đinh của làng. Ai đạt kết quả xuất sắc sẽ được thưởng, phần thưởng tuy nhỏ (một ít tiền) nhưng là niềm vinh dự lớn lao trước làng.

Đến nay ruộng đất nhà nước chia hết rồi nhưng người Hưng Nhơn đến năm vẫn háo hức đi… bưng đá.

Hòn đá thiêng

Cụ Sử kể, hòn đá này nhiều lần bị mất cắp. “Cứ mỗi mùa mưa lũ ngập đồng là một số người làng khác chèo ghe đến lấy cắp đá về. Nhưng không hiểu sao chỉ một thời gian ngắn sau là hòn đá lại được trả về chỗ cũ. Nghe đâu các trường hợp lấy đá đều bị đau ốm hay gia đình xảy ra chuyện nọ kia”.

Một điều lạ nữa là trong các cuộc thi bưng đá từ huyện đến xã, hầu như cuộc thi nào người thôn Hưng Nhơn hay người xã Hải Hòa đều giật được giải nhất. Cụ Ấm cho biết, dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng H.Hải Lăng, hội bưng đá được tổ chức tại huyện với toàn bộ các xã, thị trấn tham gia. “Đội nào cũng có người to cao, khỏe mạnh và khéo léo. Vậy mà khi vào hội thi, không hiểu sao người nơi khác nhấc không nổi, hoặc chỉ bưng đi được vài mét. Riêng người xã Hải Hòa luôn bưng đi được xa nhất và giật giải”, cụ Ấm nói. Hay như tại kỳ đại hội TDTT xã Hải Hòa năm 2013, trước lúc vào thi bưng đá, các vận động viên làng bạn vào bưng thử khởi động, có người đi được 40 m, 42 m. Nhưng thật lạ đến lúc thi chính thức thì 2 vận động viên của làng Hưng Nhơn lại chiếm vị trí nhất và nhì dù chỉ bưng đi được 16 m và 12 m. Cụ Sử chép miệng nói: “Chúng tôi không biết vì sao. Còn người làng khác thì cũng chỉ tặc lưỡi nói hòn đá Hưng Nhơn chi lạ thiệt”.
Theo Nguyễn Phúc, Việt Đức – Thanh niên
Exit mobile version