37 bài thơ mà bài nào cũng có bút tích của tác giả Xuân Diệu. Ðó là những thêm bớt, sửa chữa, gạch xóa câu chữ trong khoảng 25 bài. Có những bài sửa, thêm một vài chữ, có bài bỏ đi hay thêm bớt một hai câu. Ðặc biệt trong “Lời đưa duyên” tác giả đã bổ sung thêm 1 đoạn; bài “Thơ duyên” tác giả thêm vào 1 khổ thơ.

Xuất xứ

Tình cờ, trong một dịp kiểm tra sắp xếp lại tư liệu của cơ quan, chúng tôi đã may mắn tìm thấy trong “Sưu tập tài liệu của Sở Thông tin và Tuyên truyền Bắc Việt” có thời gian từ năm 1948 – 1954 một tập giấy đánh máy.

Xem kỹ thì là tập bản thảo tập Thơ thơ của nhà thơ Xuân Diệu.

Tư liệu ấy hiện đang lưu trữ bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I – Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.

“Sở Thông tin và Tuyên truyền Bắc Việt được thành lập theo Nghị định số 909-TTP-ND ngày 30/11/1948. Sở có nhiệm vụ kiểm soát báo chí, kiểm soát mọi in ấn, tổ chức và kiểm soát việc thông tin trên khắp địa hạt Bắc Việt trừ địa bàn Hà Nội do Bộ Thông tin điều khiển”. (trích trong: Sách chỉ dẫn các phông lưu trữ thời kỳ thuộc địa bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I; NXB Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, 2001).


Hành trình bí ẩn?

Như bạn đọc trước nay từng biết, tập Thơ thơ được xuất bản lần thứ nhất vào năm 1938 do NXB Ðời nay, 80 đường Quan Thánh, Hà Nội. Sách in xong ngày 15/12/1938 tại Trung Bắc tân văn, 107 Hàng Buồm, Hà Nội.

Thơ thơ in lần thứ hai vào năm 1939 do tác giả tự đứng ra xuất bản với tên NXB Huy-Xuân (Huy Cận và Xuân Diệu).

Tập bản thảo chúng tôi sưu tầm, phát hiện được là bản thảo (đánh máy chữ) do chính tác giả Xuân Diệu trực tiếp sửa chữa, thêm bớt câu chữ,… rất tỷ mỷ, cẩn thận cho đến từng dấu chấm phẩy, nét chữ, dấu chữ,… đối chiếu với những bài thơ, lời tựa, lời tác giả đã được xuất bản trước đó. Theo chúng tôi, có lẽ đây là bản thảo được sửa chữa, bổ sung lại để chuẩn bị cho xuất bản lần thứ ba (trong trang đầu bản thảo, tác giả đã ghi rõ: Ðã được xuất bản “Thơ thơ in lần thứ hai”).

Tập bản thảo này có 37 bài thơ có lời tựa của Thế Lữ, lời tác giả (lời đưa duyên). Phần minh họa (nếu được xuất bản) do họa sĩ Trần Văn Cẩn thực hiện.

Trong bản thảo, tác giả không ghi rõ thời gian thực hiện từ khi nào. Theo chúng tôi, có thể tác giả thực hiện và hoàn thành vào khoảng thời gian từ năm 1940 – 1944 với cơ sở sau:

+ Bài thơ “Thơ duyên” được tác giả bổ sung vào bản thảo này nhưng không ghi thời gian sáng tác. Chúng tôi đối chiếu với bài “Thơ duyên” in trong sách “Tuyển tập Xuân Diệu, tập 1, thơ, NXB Văn học, 1983 được ghi năm tác giả sáng tác năm 1940.

Như vậy bản thảo được thực hiện từ năm sớm nhất là năm 1940.

+ Trang đầu bản thảo, tác giả ghi: sẽ xuất bản “Trường ca” “Gửi hương cho gió”. Hai tập thơ này đều được xuất bản vào năm 1945. Vì vậy bản thảo được thực hiện muộn nhất là vào năm 1944.

Như vậy bản thảo tập Thơ thơ tác giả thực hiện và hoàn thành từ năm 1940 – 1944. Nhưng chúng tôi thiên về khả năng tác giả hoàn thành năm 1940, trong thời gian ông là thành viên của nhóm Tự lực Văn đoàn (1938 – 1940) và có thể đưa cho NXB Ðời nay (của Tự lực Văn đoàn) xuất bản vì NXB này đã in tập Thơ thơ lần thứ nhất vào năm 1938 nhưng chưa kịp in.

Vậy tại sao bản thảo tập Thơ thơ này lại nằm trong “Sưu tập tài liệu của Sở Thông tin và Tuyên truyền Bắc Việt” có thời gian từ 1948 – 1954?

Như chúng ta đã biết, tập Thơ thơ được xuất bản lần thứ nhất vào năm 1938 và lần thứ hai vào năm 1939. Lần này, tác giả đã đối chiếu, sửa chữa, thêm bớt lại cho hoàn chỉnh, đầy đủ để đưa đi in lần thứ ba. Nếu cho rằng tác giả hoàn thành bản thảo này vào thời gian từ 1940 – 1944 thì tác giả hoàn toàn có thể cho in được trong thời gian này mà không phải qua cơ quan kiểm duyệt nội dung hoặc in ấn. Như đã nói ở trên, Sở Thông tin và Tuyên truyền Bắc Việt được thành lập vào năm 1948 có các nhiệm vụ đã được đề cập ở trên thì chắc chắn tập Thơ thơkhông phải đưa vào cơ quan này để kiểm duyệt.

Như vậy việc tập Thơ thơ của Xuân Diệu lạc vào đây quả thật là một hành trình bí ẩn. Và cũng vì thế mà thật may mắn chúng ta đã có được một sản phẩm vô giá để mà chiêm ngưỡng, được thưởng thức một tập thơ hiển hiện tâm tư, tình cảm, những đắm say qua từng con chữ mà tác giả gửi gắm vào trong đó.

Trong số 37 bài thơ mà bài nào cũng có bút tích tác giả, nhưng tác giả đã thêm bớt, sửa chữa, gạch xóa câu chữ nhiều nhất trong khoảng 25 bài. Có những bài sửa, thêm một vài chữ, có bài bỏ đi hay thêm bớt một hai câu. Ðặc biệt trong “Lời đưa duyên” tác giả đã bổ sung thêm 1 đoạn; bài “Thơ duyên” tác giả thêm vào 1 khổ thơ. (xem toàn băn bài “Thơ duyên” những chữ in đậm là chỉ rõ tác giả bổ sung, thêm vào. Chúng tôi xác định như vậy vì đã đối chiếu với “Lời đưa duyên” trong cuốn sách: “Xuân Diệu, toàn tập, tập 1, Thơ thơ và Gửi hương cho gió, Sở Văn hóa và Thông tin Nghĩa Bình, 1987 và bài “Thơ duyên” trong cuốn “Tuyển tập Xuân Diệu”, tập 1, thơ, NXB Văn học, Hà Nội, 1983).

Giá trị tập bản thảo Thơ thơ

Trong tập bản thảo, qua từng câu, chữ dập xóa, sửa chữa ta nhận ra được những mối suy tư, niềm trăn trở, day dứt cân nhắc của tác giả, làm rõ hơn tâm hồn và sự sáng tạo của nhà thơ. Ðọc từng trang bản thảo, ta như thấy được hình ảnh hiển hiện trước mắt, đồng cảm với những vất vả trăn trở cực nhọc của người sáng tác.

Chúng tôi coi đây là tập bản thảo Thơ thơ hoàn chỉnh, đầy đủ nhất bởi tác giả đã sửa chữa, thêm bớt từng bài trong tập thơ so với các lần xuất bản trước đó và sau này. Vì vậy, việc xuất bản tập thơ này sẽ đem đến cho độc giả một cái nhìn đầy đủ nhất, rất có ý nghĩa về tác phẩm thơ đầu tay của Xuân Diệu, một người được mệnh danh là “Ông hoàng thơ tình”.

Và nói theo Huy Cận thì: Hai tập thơ Thơ thơ và Gửi hương cho gióđược giới văn học xem như là hai kiệt tác của ông ca ngợi tình yêu và qua các chủ đề tình yêu là ca ngợi sự sống, niềm vui và đam mê sống. Và ca ngợi tình yêu  thì làm sao mà không ca ngợi tuổi trẻ mùa xuân, ca ngợi thiên nhiên là tổ ấm và cái nôi của tình yêu. Và Xuân Diệu cảm nhận sâu sắc đến nỗi đau đớn thời gian trôi chảy, sự mong manh của đời người cũng như lòng khát khao vĩnh cửu, tất cả được diễn ra bằng những câu thơ xúc động, có khi đậm đà triết lý nhân sinh.

Ở nước ta cũng như trên thế giới, với giới chuyên nghiên cứu sưu tầm kỷ vật của những người nổi tiếng, việc tìm thấy những di cảo, di bút, bản thảo sách vở… của các danh nhân thật vô giá, thậm chí chỉ là một trang bản thảo thôi cũng là may mắn lắm rồi.  Nên việc tìm thấy cả một tập bản thảo hoàn chỉnh như tập Thơ thơ của Xuân Diệu, chúng tôi coi là một cái duyên lành  may mắn, quý báu vậy.

 

Thơ duyên

Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên;

Cây me ríu rít cạp chim chuyền,

Ðổ trời xanh ngọc qua muôn lá,

Thu đến nơi nơi động tiếng huyền.

Con đường nho nhỏ, gió xiêu xiêu,

Lả lả cành hoang nắng trở chiều;

Buổi ấy lòng ra nghe ý bạn,

Lần đầu rung động mỗi thương yêu.

Em bước điềm nhiên không vướng chân;

Anh đi lững đững chẳng theo gần;

Vô tâm, nhưng giữa bài thơ dịu;

Anh với em như một cặp vần.

Mây biếc về đâu bay gấp gấp,

Con cò trên ruộng cánh phân vân;

Chim nghe trời rộng giăng thêm cánh.

Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần;

Ai hay tuy lặng bước thu êm,

Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm,

Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy.

Lòng anh thôi đã cưới lòng em.

 

Theo Võ Văn Sạch – Tiền phong

Exit mobile version