Vì nhiều lý do (trong đó có việc phải dốc tinh lực chống ngoại xâm liên miên), “lập thuyết” không phải là thế mạnh, không phải truyền thống ở nước ta. Thật ra, nếu ngẫm kỹ thì không hẳn là ta không có “thuyết”. Trong kho tàng cha ông để lại, có những “hạt nhân tư tưởng” có yếu tố “lập thuyết”, đặc biệt hơn, đó là sự tổng kết những việc tự mình đã làm có kết quả trong thực tiễn, “lấy xưa nghiệm nay” mà đúc kết chứ không chỉ là lý thuyết. Nếu như cái thuyết cốt lõi của văn học phương Tây là chủ nghĩa nhân văn (humanisme; humanism) thì trong thơ văn Nguyễn Trãi có thuyết “nhân nghĩa” (humanité et loyauté; benevolence and righteousness): Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân hay Lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn/ Lấy chí nhân mà thay cường bạo (Bình Ngô đại cáo); Đạo làm tướng lấy nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm cành (Quân trung từ mệnh tập); Quyền mưu vốn để dụng trừ gian/ Nhân nghĩa duy trì thế nước an (ức Trai thi tập), v.v… Lại còn một tư tưởng rất lớn của Nguyễn Trãi mà từ thế kỷ XV cho đến nay vẫn luôn chói sáng: tư tưởng hòa hiếu, hiếu sinh được diễn ngôn bằng thuyết “thần võ không giết”: Thần võ không giết/ Đức lớn hiếu sinh/ Nghĩ về kế lâu dài đất nước/ Tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh/ Sửa hòa hiếu hai nước/ Tắt muôn đời chiến tranh (Chí Linh sơn phú). Nếu nhớ lại cho tới thời điểm lịch sử đó, thử hỏi trên thế giới này có nước nào chiến thắng hoàn toàn mà lại “tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh” không? Hơn nữa, lại cấp “năm trăm thuyền , mấy ngàn ngựa” cho về nước, và đám hàng binh ấy đã đi đến nơi về đến chốn tuy vẫn “hồn kinh phách lạc” và “ngực đập chân run” (Bình Ngô đại cáo)? Bằng vào sự hiểu biết lịch sử thế giới thông thường thì chắc mọi người đều nhớ về những cảnh tượng đối xử tù binh ở các nước phương Tây với những cỗ chiến xa đi trước, kéo theo đoàn tù binh bị trói, để ăn mừng chiến thắng và hành quyết tù binh. Đội quân xâm lược Nguyên Mông nổi tiếng thế giới vì nơi nào vó ngựa của họ qua thì cỏ cũng không mọc được… Còn ở phương Đông, sử sách vẫn ghi chính sách giết sạch, đốt sạch của Hạng Võ khi kéo quân vào Hàm Dương diệt Tần. Tăng Củng, một nhà thơ nổi tiếng đời Tống đã ghi lại: Hồng Môn ngọc đẩu phân như tuyết/ Thập vạn hàng binh tận lưu huyết/ Hàm Dương cung điện tam nguyệt hồng/ Đế nghiệp dĩ tùy yên tẫn diệt. Tạm dịch: Trước cửa Hồng Môn chén ngọc tan/ Hàng binh mười vạn máu trôi tràn/ Cung điện Hàm Dương ba tháng cháy/ Nghiệp đế dần theo ngọn khói tan. Vì vậy, việc “tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh” của Lê Lợi theo thuyết “thần võ không giết” của Nguyễn Trãi đúng là chuyện “xưa nay chưa từng nghe thấy” (cổ kim chi sở vị kiến văn – Bình Ngô đại cáo).

Kế sách “thần võ không giết”, “đánh vào lòng người” đến nay vẫn rất đúng đắn trong chiến lược nước nhỏ chống lại sự bắt nạt, thôn tính của nước lớn. Tư tưởng này mang đến không chỉ thắng lợi cho khởi nghĩa Lam Sơn, kháng chiến chống xâm lược nhà Minh, mà còn mang đến thắng lợi cho các cuộc chống xâm lăng suốt thế kỷ XX, là vũ khí hết sức sắc bén và mang lại hiệu quả to lớn cho chiến thắng của dân tộc. Một tư tưởng đặc biệt nữa của Nguyễn Trãi là việc đánh giá các nhân vật lịch sử: Đó là đánh giá theo cái Đức chứ không đánh giá theo võ công hay theo sự chiếm đoạt đất đai rộng hẹp, một cách đánh giá rất nhân văn mà cho đến nay vẫn không có cách đánh giá nào đúng đắn hơn: Thần võ không giết/ Đức lớn hiếu sinh/ Nghĩ về kế lâu dài đất nước/ Tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh/ Sửa hòa hiếu hai nước/ Tắt muôn đời chiến tranh/ Chỉ cần vẹn đất/ Cốt sao an ninh/ Như thế thịnh đức của vua ta há Hán Cao có thể sánh tày – (Chí Linh sơn phú). Vân vân…

Nói tóm lại, tuy chưa có những học thuyết được đặt tên chủ nghĩa này nọ nhưng những tư tưởng của Nguyễn Trãi mà ta còn có được đến ngày nay, nói không sợ quá lời, là có thể làm nền cho những học thuyết, trong đó có những “chủ nghĩa” trong văn chương, những chủ nghĩa có tính bền vững, trường tồn (chứ không là mốt thời thượng vài mươi năm hay vài trăm năm), vì đã nắm bắt đúng và diễn đạt thành văn những điều có tính qui luật trong nhân sinh quan và vũ trụ quan: “mưu phạt, công tâm”, “thần võ bất sát”, “dĩ đại nghĩa nhi thắng hung tàn”, v.v… Nếu ta khéo léo kết hợp những hạt nhân tư tưởng lớn có giá trị trường tồn của cha ông với những lý luận mang tính thời đại của hôm nay thì ta có thể tìm ra những luận điểm gần gũi với truyền thống dân tộc và được thời đại chấp nhận. Về điểm này ta có thể nghiên cứu chủ nghĩa tân cổ điển (neoclassicism), vì chủ nghĩa này đang hồi sinh và có những điểm rất mới ở phương Tây nhưng cũng có nhiều điểm tương đồng với chân – thiện – mỹ của phương Đông, chỗ dựa về lý luận thẩm mỹ và văn chương của cha ông ta từ xưa. Hơn nữa, đây là trào lưu mang tính cách mạng đang phát triển mạnh mẽ và có lực lượng rất hùng hậu trên thế giới. Điều này làm ta thêm tin tưởng ở bản thân mình, ở chính nghĩa và lương tri loài người sẽ gặp nhau, dù là phương Đông hay phương Tây, quá khứ hay tương lai. Nếu dựa vào hạt nhân tư tưởng của Nguyễn Trãi thì ta có thể có lý thuyết: Mục đích của văn chương nghệ thuật là tạo ra cái đẹp lấy nhân nghĩa làm gốc, kỹ xảo làm cành. (một trong những “tuyên ngôn” của chủ nghĩa tân cổ điển: Chức năng của nghệ thuật là sáng tạo cái đẹp. Cái đẹp không toàn vẹn nếu không có cái đẹp về đạo đức – F. Turner: Chủ nghĩa tân cổ điển và văn hóa)… Thật ra, “tầm cỡ” của một học thuyết là ở “hạt nhân tư tưởng” của nó, còn tìm cách diễn ngôn là vấn đề không phải quá khó…

Vì sao Nguyễn Trãi có hai chữ nhân nghĩa (benevolence and righteousness), trong khi văn chương ở phương Tây chỉ có chữ nhân (humanism) hay đạo đức (moral)? Đó là xuất phát từ vị thế nước nhỏ, thường xuyên bị bắt nạt, bị xâm lược, luôn buộc phải chống trả để tồn tại, để giữ phẩm giá con người. Cho nên phải hy sinh xương máu, huy động mọi trí lực, và tìm thấy ở chữ nghĩa sức mạnh thắng được hung tàn. Vì trên thế giới, nước nhỏ nhiều hơn nước lớn, trong cuộc sống, người yếu thế vẫn nhiều. Hơn nữa, trời đất sinh ra vạn vật, giết người cướp của là trái đạo trời, lẽ hiếu sinh trong thơ văn Nguyễn Trãi, và cũng là sức mạnh ngàn đời của loài người, đều ở đó… Còn với kẻ mạnh, kẻ cầm quyền thì nhân nghĩa là “cốt ở yên dân”, làm tướng phải “lấy nhân nghĩa làm gốc”, “nhân nghĩa duy trì thế nước an”. Không có lòng nhân chung chung, đạo đức chung chung, mà nhân phải từ nghĩa, không nhân với cái ác “thần người đều căm giận, trời đất chẳng dung tha”. Lòng nhân chỉ đúng khi cái ác đã bị dồn đến đường cùng mà “xin tha chết vẫy đuôi hổ đói”, lòng nhân lúc đó mới “tỏ hiếu sinh mở rộng lòng trời” (Tặc thủ thành cầm, bỉ ký trạo tàn tốt khất lân chi vĩ/ Thần võ bất sát, dư diệc thể thượng đế hiếu sinh chi tâm – Bình Ngô đại cáo). Lòng nhân và sự khoan dung (bonté et indulgence; benevolence and indulgence) là điều mà dân tộc ta đã và đang đối xử với những người đã từng giết chóc mình, để lại di chứng cho con cháu mình, sau khi ta giành chiến thắng. Đó là sự “nghiệm xưa xét nay”, là hạt nhân những “luận thuyết” của Nguyễn Trãi và đó cũng là nguồn sức mạnh của nước Việt hôm nay, của tư tưởng và văn chương Việt. Dựa vào lý thuyết đó, ta đủ nội lực để có “kháng thể” chống các thứ ngoại lai có hại, và có khả năng tiếp thu, biến hóa cái tốt, cái mới của thế giới thành những thứ có ích cho văn chương trong nước, đóng góp một chữ nghĩa vào giá trị nhân văn chung của văn chương toàn nhân loại. Còn nhớ khi tôi tham gia đoàn nhà văn Việt Nam dự Hội nghị các nhà văn thế giới bảo vệ hòa bình ở Sofia, 1986 (gồm các nhà thơ Tế Hanh, Phạm Hổ, Dũng Hà và tôi), tôi đã đọc tham luận bằng tiếng Pháp, trong đó có trích dẫn câu “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” (bản dịch của Nguyễn Vĩnh: Vaincre la violence par la justice de notre cause/ Remplacer la force brutale par la bonté et l’indulgence, và được dịch ngay ra các thứ tiếng Anh, Đức, Nga, Tây Ban Nha…) thì cả phòng họp gồm đại biểu nhà văn hơn hai trăm nước đến từ khắp nơi trên thế giới liền vỗ tay nồng nhiệt khiến tôi rất xúc động và tự hào về cha ông ta…Sau đó, trong những bữa ăn sáng tự chọn, nhiều nhà văn các đoàn ở các nước phương Tây cũng như phương Đông, đến ngồi cùng bàn với đoàn ta, bảo rằng “lấy đại nghĩa thắng hung tàn” là tư tưởng rất Việt Nam, cách diễn đạt rất văn chương, tuy nói từ thế kỷ XV nhưng vẫn rất mới, rất thời đại…

Về hình thức, cha ông ta cũng đã có những tìm tòi mới lạ. Như Mạc Thiên Tích có bốn bài vịnh cảnh bốn mùa ở hiên Thụ Đức, trình bày theo kiểu hồi văn (Lê Quí Đôn, Kiến văn tiểu lục). Hồi văn là lối thơ viết theo nhiều chiều (hồi là quay lại, còn có nghĩa là cong queo, poème à vers rétrogrades; palindrome), từ trái sang phải, từ trên xuống dưới hoặc ngược lại, hay viết chéo 45 độ, trình bày thơ theo hình quả trám mà bà Tô Huệ đã làm trong Chức cẩm hồi văn từ hai ngàn năm trước… Hay như giai thoại nhiều người biết về bài thơ vừa Nôm vừa Hán tuyệt hay giữa vua Tự Đức và Cao Bá Quát: Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ/ Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai/ Xuân nhật bất văn sương lộp bộp,/ Thu thiên chỉ kiến vũ bài nhài… Tóm lại, nếu nói cách tân về hình thức thì cha ông ta cũng đã làm nhiều, và làm thành công… Nếu ta đừng sùng ngoại, đừng hám của lạ; tự hào về cha ông mình thì ta cũng có thể nêu ra “luận thuyết”, đóng góp vào những thuyết chung, có ích cho sự phát triển nhận thức của con người về bản chất của văn chương và cuộc sống. Nhưng đáng tiếc là những hướng đi đó còn bị xem thường và chưa được cổ vũ đúng mức, chưa được PR để lôi cuốn nhiều “fan”. Trái lại, trong nghệ thuật, văn chương, cũng có chuyện “hôn cái ghế” mà “thần tượng nước ngoài” đã ngồi! Dân gian có câu: “mồ cha không khóc, khóc gò mối”. Trong việc này, trước hết người lớn nên tự trách mình không thường xuyên thiết tha nhắc nhở về mồ mả cha ông, về bàn thờ tiên tổ…, trái lại có khi vì sở thích riêng hay lợi ích nhóm hoặc quá sùng ngoại, hay vì thiếu nội lực và bản lĩnh mà đổ công sức dựng “tượng đài” từ một… “gò mối”… Khi tinh thần dân tộc được khơi gợi đúng thì mọi người Việt Nam, nhất là những người trẻ liền đi đầu, “góp đá xây Trường Sa” hay “tạo mốt áo dài”, gây dựng “thương hiệu” Việt và cũng có thể nghĩ về “lập thuyết” hoặc có cái nhìn toàn cục để “chọn thuyết” trong văn chương nghệ thuật… Điều quan trọng là mỗi người nên luôn tự hỏi mình:

Non kia ai đắp mà cao

Sông kia ai bới ai đào mà sâu.

(Văn nghệ số 11/2013)