1. Nửa đầu thế kỉ XX, sự có mặt của thực dân Pháp trên lãnh thổ Việt Nam đã làm thay đổi cơ bản bộ mặt xã hội. Đô thị mọc lên, các ngành công nghiệp xuất hiện biến một xã hội “tĩnh” và “khép” trở nên “động” và “mở”. Khi rào cản về không gian sinh tồn bị phá vỡ, không gian giao tiếp được khai mở, con người mới có điều kiện và ý thức phóng chiếu tầm nhìn vượt thoát cánh cổng làng để đến với những chân trời rộng lớn, mang văn hóa mình giao lưu, hòa nhập, đối sánh với văn hóa người khác. Sự phát triển mạnh mẽ của giao thông trở thành chiếc cầu nối thu hẹp khoảng cách không gian địa lí giữa các vùng miền, mở đường cho các cuộc du lịch, du hành, và theo đó là sự phát triển của thể tài văn học du kí.
Thực tế cho thấy những sáng tác văn học du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX đều miêu tả thực tại vùng địa – văn hóa biển Việt Nam, lúc này đang là thuộc địa của thực dân Pháp. Đó là sáng tác của nhóm tác giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Hữu Tiến, Đông Hồ, Nguyễn Văn Kiểm, Đào Hùng, Đặng Xuân Viện, Huỳnh Văn Chính, Mộng Tuyết, Trúc Phong, Phan Thị Nga, Phan Hữu Hài, Vĩnh Phúc, Phạm Mạnh Phan, Biểu Chánh, Trường Sơn Chí, Khuông Việt, Vân Đài, Trần Cư… Trong hoàn cảnh đất nước bị xâm chiếm, những bước đi và sự ghi chép chủ động về đất nước mình, con người mình thể hiện tinh thần, ý thức dân tộc của các nhà du kí. 

2. Các tác giả du kí về biển đảo Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX đã đặt người Việt Nam trong thế đối sánh với người Trung Quốc trên nhiều phương diện: văn hóa, phong tục, lối sống, đặc biệt là hoạt động kinh tế biển. Miêu tả về người Tàu, hệ thống tác phẩm du kí của người Việt kiến tạo nên một lưỡng phân giữa “mình” và “họ”, trong đó đất nước, con người Việt Nam là trung tâm.
Người Tàu trong các tác phẩm du kí giai đoạn này được mô tả là những kẻ nhiều tham vọng, nhiều mưu mô, thủ đoạn; có tài buôn bán, dám nghĩ dám làm, ưa mạo hiểm; duy lợi, thực tế… Bản lĩnh dân tộc Việt Nam trong các trang du kí về biển đảo thể hiện thông qua tương tác quyền lực, quyền năng và nhận thức cũng như khả năng ứng phó với thế lực “kẻ khác” ngay trên vùng chủ quyền của chính mình. Từ rất sớm, học giả Trần Trọng Kim (1882 -1953) trong Sự du lịch đất Hải Ninh đã thấy rõ những đặc tính tự nhiên của người Tàu: “Có một điều, họ làm việc gì xem ý không muốn người ta cai quản. Bất kì việc gì, định làm thế nào, bao giờ xong, thì bảo họ, rồi cứ để họ nghỉ lúc nào, làm lúc nào mặc họ, thế là tự họ cố sức làm xong, chứ họ không muốn có người hạn chế sự làm sự nghỉ của họ. Ấy là cái tính tự nhiên của người Khách như thế. (…) Chữ tài xem như là cái cực điểm của người Khách, hình như họ cho nhất sinh của người đời chỉ đem tâm trí vào sự làm giàu là hết, chứ không cần phải tư tưởng cao xa thâm viễn làm gì. Vì họ chủ vào sự tài lợi như thế, và lại có cái tính rất kiên nhẫn, cần kiệm, cho nên họ đã ở đâu, là không những không ai cướp được quyền lợi của họ, mà họ lại dần dần lấn mất cả cái quyền lợi của người ta được”. Sau khi mô tả, ghi chép quang cảnh và nhiều hủ tục như tệ mua bán vợ, tục cúng bái cẩu thả, Trần Trọng Kim còn nêu rõ lối sống và sự giao dịch của cư dân Việt – Tàu ở miền đất tận cùng biên giới Đông Bắc, từ đó tác giả nhấn mạnh cả những hạn chế trong cách thức sản xuất và cạnh tranh kinh tế của người mình và đi đến xác định: “Câu chuyện tôi nói hầu các ngài đây, nghe hơi dông dài, nhưng thiết tưởng nó cũng có phần ích lợi, là để các ngài biết những người ở chốn biên địa, biết sự xâm đoạt của người Tàu, nhân nước mình phải buổi nhiễu nhương mà tràn sang lấn mất cả quyền lợi, biết người mình kém hèn, không cạnh tranh được với những người có tính kiên nhẫn và cần kiệm như người Tàu”(1)…

cach ngam ruou sen


Khác biệt với người Tàu, người Việt được mô tả trong những trang du kí biển đảo có ý nghĩa phản tư, tự phê bình khá chân thật và sắc nét. Các nhà du kí nhận thấy rằng phần đông người dân mình quen với nếp sống thụ động, hám danh, ganh đua nhau ở làng xóm, ra ngoài lại thiếu quyết đoán… Nữ sĩ Vân Đài (1903 – 1964) trong bài viết dài Bốn năm trên đảo Các Bà bàn rộng đến các khía cạnh như “nhà đoan và nghề chài lưới”, “những thuyền buôn lậu”, “người Nam ở Các Bà”, “phong cảnh Các Bà” và bình luận chuyện đồng điền Tay Lai ở đảo bị người Tàu chiếm dụng: “Người khách đưa đường nói: Những ruộng này chính bọn giặc Tàu ô khai phá từ xưa. Bây giờ tuy bỏ không, nhưng hàng năm cũng vẫn có bọn khách bên Tàu sang làm ruộng, làm gỗ đóng thuyền ở đấy. Một đồng điền màu mỡ tốt như thế. Hàng năm có thể sản xuất bao nhiêu thóc gạo. Nhưng đối với người Nam ta, mấy ai nghĩ đến mối lợi ấy? Mấy ai chịu đi xa xôi, nơi chân trời mặt bể?”(2).

Các tác giả khi đến thăm các vùng biển đảo, chứng kiến cuộc mưu sinh và sinh hoạt văn hóa của con người ở đây đều nhận thấy những tiềm năng, nguồn lợi to lớn mà biển cả mang đến nhưng chúng hầu như đều bị “kẻ khác” khai thác (than ở Quảng Yên, Quảng Ninh hay những hải sản quý hiếm ở Các Bà, tức Cát Bà), khống chế, chiếm dụng, lạm dụng, lợi dụng (vịnh Hạ Long, đồng điền ở đảo Cát Bà). Các tác giả nhận thức về biển đảo Tổ quốc thông qua nguyên lí về cạnh tranh sinh tồn và xác định rằng người Nam, đặt trong đối sánh với “kẻ khác”, chưa ý thức đầy đủ vị thế, khả năng và định hướng phát triển.

3. Thiên nhiên Việt Nam được mô tả trong những tác phẩm du kí về biển đảo in đậm ý thức chủ quyền, mang vẻ đẹp giàu có, phong nhiêu, vừa kì vĩ vừa thơ mộng, huyền ảo.
Trần Cư trong du kí Trên lái than mô tả khung cảnh huyền bí của đêm trên biển Móng Cái – Hải Phòng: “Trên bờ vắng, sóng tóe lân tinh như lăn những hạt kim cương trên cát… Mỗi lần cái mái chèo dúng xuống nước lại khoắng lên một mớ sao, một mớ ngọc hay một mớ kim cương. Nằm trong khoang, thò đầu ra mạn thuyền mà cho tay xuống vớt những chòm sao rụng trên mái chèo đằng mũi, mình cũng tưởng tay mình phun ra ngọc hay khoắng vào một chậu kim cương”. Mặt biển về đêm lung linh như chốn tiên bồng, là nơi các nàng sao xuống đắm mình khoe sắc, làm bừng lên trong lòng người một niềm vui sửng sốt đến khó tả. Vị khách du hành say sóng, say trăng, chuếnh choáng, ngây ngất mà không tài nào dứt mình ra khỏi mê lực của những vì sao biển: “Kia kìa, ngang trời bắt nguồn từ chỗ vô cùng trôi về nơi vô tận, dòng Ngân bàng bạc như một con sông mù sương. Tòa Thần Nông, đai vàng mũ ngọc, như trong một đại lễ, đang cúi xuống bên doành Vân Hán và gieo những hạt ngọc cho muôn đời”(3)…

Đặc biệt tác giả Vĩnh Phúc trong bài Một tuần ở đảo Hoàng Sa kể về những ngày đến thăm, kiểm tra quần đảo Paracels (Hoàng Sa) và các điểm đảo Boisée (Phú Lâm), Drummond (Duy Mộng), Pattle (Hoàng Sa) và ngang qua các đảo Robert (Hữu Nhật), Duncan (Quang Hòa) do nhà nước Việt – Pháp đương thời quản lí… Nhà du hành bị mê hoặc bởi vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc của quang cảnh trên đảo Phú Lâm: “Đảo Boisée cũng khá to. Đi bộ vòng quanh đảo cũng mất chừng hơn một giờ rưỡi. Có vài khóm cây to, còn thì toàn một thứ cây cành to bằng cổ tay nhưng gỗ rất mềm, lá dài không cao quá đầu người, mọc khắp đảo. Không có một con thú vật gì, trừ một thứ chim muông (mouetté) bay từng đàn rất đẹp nhưng thịt lại hôi, không ăn được. Lánh mình vào giữa đảo, lá vàng rụng đầy đất, bước lên êm như đi trên thảm. Không một tiếng động, trừ ra tiếng sóng vỗ bờ xa xa: thật là một cảnh êm đềm như mộng”. Tác giả Vĩnh Phúc đặc biệt nhấn mạnh chủ quyền của nhà nước Việt – Pháp đối với quần đảo Hoàng Sa kể từ quá khứ lịch sử cũng như hiện trạng thời bấy giờ. Tác phẩm du kí này chỉ rõ trên thực tế, vào thời điểm năm 1938, ở khu vực quần đảo Hoàng Sa vẫn có hải đăng do chính quyền nhà nước Việt – Pháp kiểm soát, có các đội lính tập An Nam trấn giữ và cho phép người Nhật đến khai thác phosphate và hải sản. Tác giả ghi nhận sự thực và khẳng định:
“Trong khi tàu bỏ neo trước đảo Brummond, tối đến đã thấy tận chân trời một ngọn đèn phare nhấp nháy. Ngọn đèn ấy của Sở Địa dư Đông Dương đặt ở đảo Patle từ Novembre 1937 để giúp các nhà hàng hải tránh sự hiểm nghèo quanh quần đảo ấy trong những đêm gió bão mịt mù…
Trên đảo Patle hiện nay là nơi căn cứ của đội lính tập An Nam. Chánh phủ không những muốn lập ở đó một đài thiên văn, còn muốn làm nơi trú ngụ cho những người chài lưới An Nam ra đó làm nghề”…

Đến đoạn kết, tác giả bày tỏ niềm tự hào về vùng biển đảo Hoàng Sa tươi đẹp, giàu có của đất nước và niềm hi vọng về người mình có điều kiện khai thác tài nguyên khoáng sản, hải sản làm giàu cho Tổ quốc, đồng thời cũng thể hiện tầm nhìn xa của một nhà trí thức yêu nước, giàu tinh thần trách nhiệm trước nguy cơ các thế lực ngoại bang đang nhòm ngó, rình rập:
“Tôi không muốn bàn những sự lợi ích về việc dụng binh hay là một vấn đề gì khác, tôi chỉ tiếc ở dãy Tây Sa còn biết bao nhiêu mối lợi có thể nuôi sống biết bao nhiêu là gia đình. An Nam bấy lâu chỉ lo bo bo quanh nhà để chịu đói cực. Không kể đến những mỏ phosphate, riêng một nghề câu cá cũng đủ làm giàu. Nhiều thủy thủ đứng trên tàu La Marne, thả sợi dây có lưỡi câu móc miếng thịt bò mà cũng có thể kéo lên được nhiều con cá rất to và rất ngon. Nếu người ta biết dùng những khí cụ thích hợp thì kết quả tất phải mĩ mãn lắm.
Sau một tuần linh đinh trên mặt bể bước chân lên đất bằng thật là một sự thích chí. Lúc bấy giờ thật là cũng chưa ngờ mấy hòn đảo khô khan ấy ngày nay lại thành một mối tranh giành của hai cường quốc, và biết đâu không vì nó mà thay đổi cuộc diện Thái Bình Dương”(4)…

Trong du kí Cảnh vật Hà Tiên, Đông Hồ và Nguyễn Văn Kiêm mô tả sự rộng lớn, trù phú và tươi đẹp của mảnh đất quê hương: “Cảnh bãi biển thì kiêm cả màu trời sắc nước, bãi cát mênh mông, gió nam mát mẻ. Cảnh núi như Thạch Động thì có các kì quan quái thạch, núi Bình San, núi Tô Châu thì có cỏ đẹp hoa thơm”… Nhà du kí dừng chân và ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những cột đá trong hang động ở Châu Nham: “Đến cây cột trụ này thì lại càng quý lạ lắm. Suốt từ trên chí dưới trên mặt cột như cẩn muôn ngàn hột ngọc kim cương măn mẳn. Có bóng đèn rọi vào, ánh sáng lại càng tôn, muôn điểm ngàn người lấp la lấp lánh bày ra một cái vẻ đẹp tuyệt trần… Từ cây cột kim cương ấy vô nữa thì bá bắc liền nhau, nghiêng nghiêng trông như một cây thang bắc trong một nơi cung điện nào”(5). Những nét nguy nga, tráng lệ được tạc bởi người thợ khéo tay là tạo hóa, để lại cho Hà Tiên những khung cảnh tuyệt mĩ ngỡ như là chốn lui tới của bậc thần tiên.
Thiên nhiên biển đảo từ Quảng Yên, Cát Bà cho đến Hoàng Sa, Trường Sa, Đảo Yến, Côn Lôn, Phú Quốc… được miêu tả trong các tác phẩm du kí có ý nghĩa biểu tượng cho môi trường thanh sạch, thuần khiết, nơi để lánh xa những bụi bặm của cuộc đời. Chẳng thế mà nữ sĩ Mộng Tuyết (1914 – 2007) trong du kí Chơi Phú Quốc đã phải thốt lên: “Không còn gì thú bằng ở chỗ mênh mông trời nước vài người tri kỉ bàn câu chuyện văn chương, buông tầm mắt ở chỗ tuyệt vời trong khoảng bóng trăng làn sóng, nào biết đâu trong đời còn có chuyện đáng bực mình”(6)… Đó là sự trải nghiệm không gian của tự do tự tại, biển trời rộng mở, phóng khoáng.

Con người xứ biển Việt Nam qua miêu tả của các nhà du kí sống trong bề dày truyền thống lịch sử – văn hóa phương Đông, vẫn gìn giữ được những phong tục, lối sống thuần khiết và lành mạnh, tấm lòng hiếu khách… Những miêu tả này mang tính chất phản kháng, đối lập với miêu tả về “kẻ khác” phương Bắc cũng như chính quyền thực dân, thể hiện ý thức dân tộc tự chủ, tự khẳng định, tự phán xét.
Người ở hải đảo, theo cách lí giải của các nhà du hành, đến đây, nếm trải sự thanh bình và thấy rằng vì con người ngăn cách với nội địa – chốn phồn hoa đô hội, chốn bon chen, nên giữ được những nếp sống nguyên thủy và tự nhiên đáng quý. Nữ sĩ Vân Đài đến Cát Bà thấy rằng: “Họ không bao giờ có sự gian dối với nhau, không tham của nhau con gà, cái trứng, không bao giờ kiện nhau”(7)… Thi sĩ Đông Hồ trong Thăm đảo Phú Quốc cũng thấy điều tương tự: “Ở Phú Quốc phần nhiều là đều còn giữ lại được cái phong tục, cái đức tính cổ thời, rõ là cái xã hội “gia vô bế hộ”. Nhà ở không bao giờ thấy có làm cửa, những nhà hào phú muốn làm cửa là cho tốt coi chứ ban đêm cũng vẫn không khóa. Cửa bỏ ngỏ mà không bao giờ có kẻ trộm. Gián hoặc mấy mươi năm mới xảy ra một đám trộm thì đó là người nội địa mà thôi. Còn giữ được cái cổ phong ấy là bởi xã hội ở đây không gần với trong nội địa, thì phong tục cũng chưa theo cái phong trào ngày nay mà thay đổi đi bao nhiêu”(8)…
Tác giả Khuông Việt sau khi đón tết trên đảo Côn Lôn đã có những ghi chép đầy cảm kích trước tấm lòng hiếu khách, sự tiếp đón nồng hậu và thịnh tình của người dân nơi đây: “Ở đây người ta mới thấy rõ tình thân mật của kẻ xa nhà. Ở đây người ta mới hiểu cái nghĩa tương ái, tương tri giữa người một nước”(9). Đó cũng là cảm nhận chung của nhiều nhà du kí khi có dịp đặt chân đến thăm và trải nghiệm cuộc sống nơi đây, là động lực thôi thúc thêm nhiều cuộc đi và viết về các vùng biển đảo quê hương…


*    *

Tự hào và ngợi ca sự giàu đẹp của thiên nhiên, sản vật miền biển đảo, xem trọng truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp của các vùng hải đảo và đặc biệt là nhận thức về chủ quyền biển đảo (được xem xét trong mối quan hệ với “kẻ khác”)… đều là những biểu hiện của tinh thần, ý thức dân tộc trong các tác phẩm du kí viết về biển đảo Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX. Sự tự miêu tả về nước thuộc địa trong du kí về biển đảo nửa đầu thế kỉ XX mang tính nước đôi, dựa trên nhận thức kiểu phương Tây để kiến tạo nên một diễn ngôn riêng về đất nước Việt Nam. Mỗi cây bút đã biết vận dụng một cách linh hoạt cái nhìn phương Tây về phương Đông, qua đó đưa đến những nhận thức về bản sắc dân tộc một cách khách quan, đa chiều, thẳng thắn và toàn diện. Các nhà du kí mong muốn mang lại tri thức, nâng cao dân trí, khẳng định và thức tỉnh ý thức dân quyền, chủ quyền của người Việt. 
C.T.Y
———-
1. Trần Trọng Kim, Sự du lịch đất Hải Ninh, tạp chí Nam phong, số 71, tháng 5/1923, tr.383-394, in lại trong Du kí Việt Nam, tạp chí Nam phong 1917 – 1934, tập 1 (Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và giới thiệu), Nxb Trẻ, 2007, tr.25-49.
2, 7. Vân Đài, Bốn năm trên đảo Các Bà, tạp chí Tri tân số 156, tháng 8/1944, tr.21.
3. Trần Cư, Trên lái than, tạp chí Tiểu thuyết thứ Bảy số 7, tháng 12/1944.
4. Vĩnh Phúc, Một tuần ở đảo Trường Sa, báo Tràng An số 345, ra ngày 9/8/1938, tr.1+4. 
5. Đông Hồ và Nguyễn Văn Kiêm, Cảnh vật Hà Tiên, tạp chí Nam phong số 150-154, tháng 5-9/1930.
6. Mộng Tuyết, Chơi Phú Quốc, tạp chí Nam phong số 198, tháng 4/1934, tr. 440-443; số 199, tháng 5+6/1934, tr.22-24.
8. Đông Hồ, Thăm đảo Phú Quốc, tạp chí Nam phong số 124, tháng 12/1927, tr.531-550.
9. Khuông Việt, Tôi ăn tết ở Côn Lôn, tuần báo Nam Kì số 74, ra ngày 9/3/1944, tr.58-60.
Theo Chu Thị Yến – Văn nghệ quân đội
Exit mobile version