Nói đến thơ thiếu nhi không thể không nói đến những tập thơ hay, để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, thu hút sự quan tâm của mọi lứa tuổi độc giả từ trước đến nay như: “Góc sân và khoảng trời” (Trần Đăng Khoa), “Bầu trời trong quả trứng” (Xuân Quỳnh, “Bài ca trái đất” (Định Hải). Kể ra như vậy để thấy việc làm thơ thiếu nhi hay, chạm vào tâm hồn trẻ thơ không phải việc dễ dàng. Hiện nay, thơ thiếu nhi đang có những chuyển biến rõ rệt. Nhiều tác giả viết thơ thiếu nhi đang được bạn đọc chú ý như: Lê Hồng Thiện, Duy Quế, Hoài Khánh, Trần Thanh Phương, Trương Thiếu Huyền, Trần Quốc Toàn, Vũ Xuân Quản, Trần Minh Thương, Nguyễn Tiến Bình, Võ Văn Hoa, Trần Hoàng Vy, Đỗ Võ Cẩm Thạch, Nguyễn Lãm Thắng, Vi Thuỳ Linh… Điều này cho thấy thơ thiếu nhi không vắng bóng trên diễn đàn, tuy nhiên, vẫn còn thưa thớt, chưa đủ xung lực để tạo thành một đội ngũ, một sân chơi. Nhiều nhà thơ vẫn hết mình với thơ thiếu nhi, sống và viết bằng trái tim yêu trẻ. “Mùa chim”, tuy là tập thơ đầu tay của Nguyễn Ngọc Phú viết dành cho thiếu nhi nhưng đó là một tập thơ khá hay, giàu xúc cảm và mang nhiều ý nghĩa giáo dục. Tập thơ là một minh chứng khá thuyết phục về sức sống của thơ thiếu nhi trong bối cảnh văn học hiện nay.
Trẻ em thường có nhu cầu muốn hiểu biết, nắm bắt thế giới xung quanh, do vậy, chúng thường đặt ra những câu hỏi vì sao, sao lại thế… thậm chí có những câu hỏi hết sức ngộ nghĩnh nhưng hết sức đáng yêu. Nhà thơ để cho trẻ em được thoải mái bật lên những thắc mắc hết sức vô tư, ngây thơ như chính cách cảm nhận thế giới của các em. Trong “Mùa chim”, các em được sống thực sự với thế giới trẻ thơ, được nói lên tiếng nói của chính mình: “Sao gọi là sao chổi/ Quét gì ở trên trời” (Sao); “Bà ơi sao cây gạo/ Lại mọc giữa đồng ta” (Cây gạo); “Thuyền ơi! Sao đầu sóng bạc…// Thuyền ơi! Lòng thuyền rỗng thế…// Thuyền ơi! Thuyền có mấy tay” (Hỏi thuyền); “Cỏ có tên cỏ Mật/ (Có nấu kẹo được không?) (Cỏ); “Quả cau có tai đâu/ Sao gọi là Cau điếc// Quả bí không nhọn sắc/ Lại gọi là Bí đao// Mèo có phải quả đâu/ Sao gọi là mèo mướp” (Hỏi);… Bắt đầu từ những câu hỏi tưởng như đơn giản, thậm chí nực cười này, người lớn mới hiểu được khát vọng, tâm lý và sự phát triển tư duy của các em. Trẻ em gặp cái gì cũng hỏi và lúc nào cũng muốn được trả lời, giải đáp ngay. Vì thế, người lớn cần có những câu trả lời hay, đáp ứng được sự tò mò cũng như phù hợp với trình độ nhận thức của con trẻ. Nhất là nhà thơ, cần đưa ra nhiều mã giải, mã giải đó phải xuất phát bằng chuyến trở về ấu thơ để tìm ra điểm nhìn thích hợp, sự đồng điệu và phải từ một tâm hồn yêu trẻ thực sự. “Mùa chim” được nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú viết bằng tất cả tấm lòng thương yêu, trìu mến với con trẻ. Nhà thơ không đi sâu phản ánh cuộc sống bộn bề, lấm láp, không chọn mảng đời tư – thế sự như một số nhà thơ viết thơ thiếu nhi hiện nay mà đi sâu vào mảng đề tài loài vật, cây cối và những sự vật, hiện tượng xung quanh các em. Chọn mảng đề tài này, không phải nhà thơ không biết cách làm mới thơ thiếu nhi, ngược lại, chọn một hành trình quen thuộc nhưng khác trong cách nghiệm chứng và cách trả lời những thắc mắc của các em, nhờ đó, “Mùa chim” vẫn giữ đúng tinh thần con trẻ: ngộ nghĩnh, hồn nhiên, trong trẻo. Ông mặt trời và biển của Nguyễn Ngọc Phú xuất hiện trong cái nhìn so sánh với những vật dụng gần gũi, thân thiết với các em, giúp các em có nhiều liên tưởng thú vị: “Biển là tờ giấy thấm/ Ngấm từ đêm sang ngày/ Mặt trời là cục tẩy/ Xóa tan bao màu mây” (Biển và mặt trời). Nhà thơ lý giải tại sao gọi là trăng, là sao giúp các em hiểu được phần nào những bí ẩn của các hiện tượng tự nhiên phù hợp với tâm hồn trẻ thơ (Sao). Nhà thơ còn giải thích vì sao cây rơm, hình ảnh dân dã, thân thuộc, gắn với làng quê được xem là biểu tượng của sự ấm no, êm ấm: “Đầu đội chiếc nồi đất/ Xương sống: cọc – tre – vườn/ Cây rơm nuôi bếp lửa/ Qua bao mùa bão dông” (Cây rơm); và cây gạo là một biểu tượng thiêng liêng, là điểm tựa tinh thần, che chắn cho dân làng: “Gạo không làm ra lúa/ Tỏa bóng rợp cánh đồng/ Che thợ cày, thợ cấy/ Giữa nắng trưa oi nồng” (Cây gạo)… Để bồi bổ kiến thức các loại cá, nhà thơ giải đáp những đòi hỏi, thắc mắc cho các em bằng một trí tưởng tượng phong phú nhưng vẫn giữ được nét riêng của từng loài: “Cá Chuồn có cánh đâu/ bay là là mặt nước/ Suốt một đời chân thật/ Cá Dơi xoè hai mang// Cá Ngựa chẳng có bờm/ Ăn phù du thay cỏ/ Không biết hỏi: đâu đâu/ Vẫn gọi là cá Chó!// Chẳng rù rì mờ tỏ/ Sao gọi là cá Ong/ Không cày vỡ ruộng đồng/ Cá Bò chơi bong bóng// Cá ve thường lặng tiếng/ Cứ mỗi độ hè sang/ Ríu rít tiếng gọi đàn/ Cá heo đa cảm nhất// Chọn bạn chơi thân thiết/ Sao lại gọi cá Lầm/ Mắt cá mọc ở chân/ Nhắc em đi khỏi lạc” (Cá). Nhịp thơ lúc ngắn, lúc dài, phối hợp cả nhịp chẵn nhịp lẻ cùng với giọng điệu hóm hỉnh, thông minh, nhờ đó, thoả mãn được tâm lý đòi hỏi của trẻ, giúp trẻ lớn khôn hơn, thêm yêu cuộc sống này.
Thế giới loài động, thực vật được nhà thơ gọi bằng những cái tên hết sức thân mật, gần gũi: ông Dã Tràng, bà Sam, cậu Ốc, chú Chuồn Kim, chàng Châu Chấu, chị Cào Cào, cô Cùa Càng… Chúng như là những người bạn nhỏ, thân thiết đối với trẻ em. Thông qua thế giới loài động, thực vật, nhà thơ gửi gắm, đúc rút nhiều kinh nghiệm sống cho các em. Các em được khám phá, hiểu về một số đặc tính, đặc điểm của loài động, thực vật. Có những loài động vật thích ứng với môi trường nước: cá Chuồn, Cá Dơi, cá Ngựa, cá Chó, cá Ông, cá Bò, cá Ve, cá Heo, cá Lầm, cô Cua Càng, cái Tép, cậu Ốc, chú Tôm, bà Sam, bà Còng, ông Dã Tràng, mực, ba ba…; thích ứng với môi trường sống trên cạn: Đom Đóm, Dế, chuồn Lửa, chuồn Kim, Ve, Cào Cào, Kiến Lửa, Chìa Vôi, chim Khách, Sẻ, cu Gáy, Sáo Sậu, Tu Hú… Nhiều loài thực vật cũng được liệt kê: cỏ Mật, cỏ gà, cỏ Lác, cỏ May, cỏ Gấu, cây xương rồng, cây xấu hổ… “Mùa chim” còn là mùa của các loại hoa (Hồng, Dạ Hương, Hướng Dương, Quỳnh, Mười giờ, Dâm bụt, Súng, Loa Kèn, Sứ, Đào, Đồng Tiền, Mào Gà…), quả (Hồng, Mít, Na, Dưa, chuối Tiêu, Chôm Chôm, Bồ Hòn, Cà, Cau, Bí đao, Dưa chuột…), hạt (Bầu, Na, Nhãn, hạt thóc, hạt gạo, hạt cơm…). Thế giới động thực vật trong “Mùa chim” hiện ra thật vui nhộn, hồn nhiên, đáng yêu nhưng hết sức tinh tế. Ghé đồng quê sau mùa gặt, những âm thanh rộn ràng, náo nhiệt của các loài chim cũng khiến chúng ta thêm yêu cuộc sống, như được thả hồn để đón lấy “Nhặt những gì bỏ sót/ Sau no ấm mùa màng” (Mùa chim). Ghé biển để chọn cho mình một bức tranh nghệ thuật mà người hoạ sĩ khó có thể biểu thị được chiều sâu: “Giống như một chú Cào Cào/ Người đi cà kheo dưới nước/ Chiếc vó thùng thình vớt ruốc/ Hình như vớt cả chiều lên” (Biển). Ghé khu vườn nhà mà chiêm ngưỡng mà no nê trước sự phong phú của các loại quả: “Quả Hồng như chiếc đèn lồng/ Xù gai quả Mít, bềnh bồng bóng bay/ Quả na mắt nhắm ngủ ngày/ Quả Dưa lăn lóc, sum vầy Chuối Tiêu/ Chôm Chôm là quả lắm điều/ Thị vàng không ngủ cứ kêu: nóng lòng” (Quả)… Những sự vật, vật dụng quen thuộc như: cây rơm, cánh buồm, thuyền, mắt lưới, điện, chiếc xe đạp, xe lửa, tóc đèn… cũng được thể hiện bằng góc nhìn hết sức đáng yêu. Cây rơm trăn trở về những gian nan để có được hạt gạo, hạt cơm hôm nay. Cây buồm trải qua bao hiểm nguy, giông tố vẫn kiên định “Lái thuyền lướt thẳng/ Không hề uốn cong” (Cây buồm). Các phụ tùng của chiếc xe đạp được nhà thơ lắp ghép bằng các cách thức làm một bữa ăn, tạo được sự sinh động, hứng thú đối với lứa tuổi các em: “Nào bắt đầu rán bánh/ Mỡ phồng căng đáy nồi/ Bánh đựng bằng gì nhỉ?/ Đĩa đây rồi bạn ơi// Gắp hành bằng đũa nhé/ Thêm xúc xích ăn kèm/ Cá cứ kêu: chép! chép!/ Khô dầu là cháy nhem// Hoá ra chiếc xe đạp/ Bỗng biến thành bữa ăn/ Bạn ơi đừng sốt ruột/ Món cuối cùng là… tăm” (Bữa ăn: chiếc xe đạp). Khi con trẻ băn khoăn vì sao tóc bà bạc trắng còn tóc đèn lại đỏ, nhà thơ trả lời hết sức vui nhộn, nhưng cũng rất gần gũi, phù hợp với những cảm nhận của các em: “Đèn kêu: Tớ ấm đầu!”.
Các hiện tượng thời tiết được nhà thơ giải đáp một cách tinh tế. Bằng một vài hình ảnh phác họa, các em phân biệt được mưa bóng mây, mưa ngâu, mưa bụi, mưa bão, mưa rào; biết được sao nào gọi là sao Chổi, sao Hỏa, sao Thần Nông, sao Hôm, sao Mai; biết được khi nào thì trời bắt đầu rét, trời có bão… Nhà thơ còn chỉ cho các em thấy được nét riêng giữa các mùa. Mùa hạ rộn rã với dàn hợp xướng ve sầu, với hoa Gạo đỏ “tỏa bóng rợp cánh đồng”, với “hòa tấu đồng ca” của lũ Dế và ngọn đèn Đom Đóm… Lúc Cầu Vồng, chùm Sấm, cơn mưa rào tiễn chân mùa hạ, lúc hoa Sữa “ngọt ngào đêm đêm” cũng là lúc “Ca dao bắc cầu dải yếm/ Cầu ao nối hạ vào thu” (Từ hạ vào thu). Mùa thu ngạt ngào hương quả “thơm cả giấc nồng của bé”. Đến khi “Nước nổi màu bồ hóng/ Không nấu vẫn bốc hơi/ Hay mùa đông giấu lửa/ Sau màu tro da trời” (Mùa đông) thì mùa đông đã về. Ở đây, tác giả dựa vào kinh nghiệm dân gian, dựa vào sự thay đổi của vạn vật, cây cỏ xung quanh, dựa vào đặc trưng riêng của mùa để giúp các em nhận biết những hiện tượng thiên nhiên thường xảy ra xung quanh nhưng. Những hiện tượng thiên nhiên được phác hoạ hết sức nhí nhảnh, gần gũi, trẻ như đang trò chuyện, trao đổi với người bạn thân của mình: “Sao gọi là sao Chổi/ Quét gì ở trên trời/ (Hay quét bao cơn bão/ Đang rập rình ngoài khơi)// Sao gọi là sao Hoả/ Chắc là nóng quá thôi/ (Sao Hoả nhưng lạnh lắm/ Trên đó chẳng có người) (Sao).
“Mùa chim” không chỉ giải đáp những thắc mắc của con trẻ mà thông qua đó, Nguyễn Ngọc Phú còn nhắn nhủ, giáo dục các em về lòng yêu thương, kính trọng đối với mọi người, yêu cuộc sống, chăm lao động, phải trải qua vất vả, khó khăn mới có được thành công. Để chuyển tải bức thông điệp này, nhà thơ thường gửi gắm vào khổ cuối hoặc câu kết bài thơ. Bài “Võng” tư duy từ tưởng tượng đến hiện thực. Bắt đầu bằng chiếc võng được làm từ cây cầu vồng, từ con thuyền đến việc hướng dẫn các em phân biệt được các loại võng mà bà và mẹ thường ru các em (võng tre, võng đay, võng dù). Các loại võng này có đặc điểm chung: “Đều mắc hai đầu”. Thế nhưng, có một chiếc võng rất cụ thể, rất hiện thực nhưng không thể “mắc hai đầu”: “Lưng bà võng xuống/ Biết mắc vào đâu”. Ở câu thơ “Lưng bà võng xuống”, hai thanh trắc nằm cuối câu như làm cho tấm lưng thêm cong hơn, “võng” xuống hơn nữa. Không cần sự phối màu, Nguyễn Ngọc Phú vẫn có một bức tranh nghệ thuật đặc sắc, rất tự nhiên, neo/dội vào lòng người những thắc mắc khôn nguôi. Sự liên tưởng khéo léo, bất ngờ ở đây, không làm khó tư duy của trẻ, ngược lại, gợi cho các em những trăn trở, những suy nghĩ về biết bao lo toan, vất vả trong cuộc sống đang hiển thị trên tấm lưng “võng” của bà. Từ đó, các em tự đúc rút cho mình bài học về lòng kính trọng, biết ơn mà nhà thơ không cần phải trực ngôn, diễn giải nhiều. Vạn vật đều có chiếc áo riêng của mình. Bà cũng mặc chiếc áo, nhưng là một chiếc áo hết sức đặc biệt: “Em ngồi xâu chỉ/ Bà mặc tuổi già/ Vá vào tấm áo/ Đắp bồi phù sa” (Áo). Từ “mặc” được dùng khá đắt. Trong bài “Áo”, nếu ở các khổ thơ trên, từ “mặc” xuất hiện với vị thế là động từ mang nghĩa khoác/ mặc quần áo thì từ “mặc” ở khổ cuối còn thêm nghĩa mặc kệ, không quan tâm đến. Chính sự đa nghĩa của từ “mặc” đã mở ra nhiều ý nghĩa cho khổ cuối, vừa tạc được hình dáng của bà vừa thể hiện niềm đam mê công việc cũng như tấm lòng hết mình vì con vì cháu của bà. Bởi vậy, dù có trải qua chặng đường dài, ngồi lắc lư trên chiếc xe lửa “phì phò”, “thở ra toàn khói” nhưng các em không thấy nóng, ngược lại, chỉ thấy vui vì sắp được gặp lại bà: “Ô hay ngọn lửa/ Kéo được tàu đi/ Về thăm bà ngoại/ Chẳng thấy nóng gì?” (Đi xe lửa). Hay ở “Đánh giặc giả”, bài thơ được viết theo dạng thuật lại câu chuyện dàn trận đánh giặc của trẻ con. Trận chiến sôi nổi, chia ra thành hai phe, quân ta, quân địch. Có súng ngắn, súng dài được làm từ đốt mía, lựu đạn là củ khoai, xe tăng là đàn trâu… Cách kể rất hồn nhiên, hấp dẫn, tạo được kịch tính trong trò chơi. Nguyễn Ngọc Phú chọn cách kết thúc bài thơ đầy ý nghĩa nhân văn: cả ta và địch, dù là kẻ thù của nhau nhưng đều chung khát vọng: “Bất chợt tiếng con diều sáo/ Hai phe đứng ngẩn lên nhìn/ Địch, ta bây giờ là một/ Ước gì cùng cưỡi trực thăng”. Bắt đầu là một trò chơi dân gian của trẻ em ở các vùng quê, kết thúc là một bài học về tình đoàn kết, gắn bó. “Đánh giặc giả” nhưng lại thật ở tấm lòng. Đó là bài học mà nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú muốn nhắn nhủ đến các em. Nguyễn Ngọc Phú còn mượn sự vật để hướng đến con người. Từ cây rơm vàng “gầy gò”, cây buồm đơn lẻ, nhà thơ lần tìm lại những vất vả, thăng trầm của nó, qua đó, giáo dục các em về tinh thần chịu khó, chăm chỉ để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc (Cây rơm, Cây buồm). Chuyện chị Cào Cào mở tiệm may áo, chuyện cô Cua càng nấu xôi dẻo… là bài học cho các em về lòng say mê lao động (Cào Cào may áo, Cua càng thổi xôi). Hình ảnh chiếc thuyền gật đầu chào khi gặp mọi người là bài học về lòng kính trọng (Hỏi thuyền). Rồi chuyện mẹ gà ấp, nuôi chú vịt con cũng là bài học quý báu về lòng yêu thương (Mẹ gà con vịt). Từ những hình ảnh như biển, thuyền, mắt lưới, cá… nhà thơ giúp các em thêm yêu quý biển, đảo quê hương… và đó cũng là cách gián tiếp giáo dục lòng yêu nước (Biển, Cây buồm, Mắt lưới, Cá…)…
Làm thơ thiếu nhi không chỉ cô đọng, ngắn gọn mà còn cần nhiều sự sáng tạo của nhà thơ trên phương diện ngôn từ. Bởi lẽ, các em luôn khao khát tìm tòi, phám phá những cái khác, cái mới lạ. Chính sự độc đáo về mặt ngôn từ, đưa đến cho các em những hình ảnh, hình tượng mới, không gian mới, bồi đắp thêm vẻ đẹp của cuộc sống thực cũng như làm giàu, phong phú hơn cho sự tưởng tượng của các em. Hình ảnh nắng được nhà thơ soi chiếu bằng nhiều điểm nhìn lạ, nhưng hết sức bắt mắt, hấp dẫn: “Nắng sàng qua mắt lá/ Chấp chới nở thành hoa/ Chú Chuồn kim xâu chỉ/ Thêu nắng lên mái nhà” (Hoa nắng); “Mầm nắng vươn tí tách/ Khuông nhạc hóa rãnh cày/ Nắng như gà mổ thóc/ Em nhặt về ươm cây” (Tuổi cây). Nắng như người bạn nhỏ, tinh nghịch đang “vươn” vai đón chào ngày mới cùng các em. Chùm đèn đêm cũng được nhà thơ so sánh, nhân hóa bằng những chi tiết nghệ thuật độc đáo: “Chùm đèn đêm trong phố/ Chín không rụng bao giờ/ Hương thơm là hơi ấm/ Tỏa sáng ngời đêm mưa” (Quả đêm). Cách gọi tên các sự vật, hiện tượng cũng rất khác lạ: quả đêm, quả Trăng, quả thu… Gọi là quả Trăng nên cũng có hạt nhưng là hạt của đêm, hạt của những vì sao: “Trung thu phá cỗ/ Nhìn lên vòm trời/ Quả Trăng nhả hạt/ Thành ngàn Sao rơi” (Quả Trăng). Gọi là quả đêm, nhà thơ dí dỏm đối thoại: “Quả thức khi em ngủ/ Mới gọi là: quả đêm” (Quả đêm).
Ở tập “Mùa chim”, Nguyễn Ngọc Phú không sử dụng thể thơ tự do mà chỉ sử dụng thể thơ 4 chữ (12 bài, chiếm 26,7%), 5 chữ (23 bài, chiếm 51,1%), 6 chữ (6 bài, chiếm 13,3%) và thể lục bát (4 bài, chiếm 8,9%). Trong đó, số lượng bài 5 chữ chiếm tỉ lệ nhiều hơn cả. Về thể thơ 5 chữ, cách luân phiên B, T cùng với sự linh hoạt trong cách gieo vần chân, “Mùa chim” mang đến hơi thở, nhịp điệu đều đặn, giúp các em dễ đọc dễ nhớ, tạo nhiều hứng thú, kích thích tư duy, tình cảm trước sự đa dạng của cuộc sống. Việc gieo vần chân ở các dạng như vần ôm, vần chéo có tác dụng nhấn mạnh nhịp cảm xúc, nhịp lòng cũng như nội dung được nhắc đến. Ở bài thơ “Hoa nắng”, Nguyễn Ngọc Phú chọn nguyên âm sáng, có độ mở lớn ở cả ba vần chân để thể hiện vẻ đẹp tinh khôi, tươi sáng của nắng: “Nắng sàng qua mắt lá/ Chấp chới nở thành hoa/ Chú Chuồn Kim xâu chỉ/ Thêu nắng lên mái nhà”. Hoặc trong bài “Cơn mưa mặc áo”, nhờ cách sử dụng vần chéo, sự đối lập giữa nguyên âm tối và nguyên âm sáng (xét về mặt độ mở), nhà thơ diễn tả được sự “đỏng đảnh”, bất chợt, thất thường, làm duyên làm dáng của cơn mưa rào: “Áo khoác hờ qua vai/ Cơn mưa rào đỏng đảnh/ Bỗng rùng mình chợt tạnh/ Quên cả cúc không cài”. Ở thể loại 4 chữ, cách gieo vần, cách ngắt nhịp trong tập “Mùa chim”, có một số bài ảnh hưởng chất đồng dao (Hỏi, Ru). Cách gieo vần chân và vần lưng ở một số bài khá linh hoạt. Có bài sử dụng vần chéo (“Em tìm mắt bão/ Giấu ở nơi nào/ Mà sao cây cỏ/ Biết trước bão vào” (Mắt bão)), kết hợp vần chân và vần lưng (“Cua càng đi hội/ Cõng nồi trên lưng/ Vừa đi vừa thổi/ Mùi xôi thơm lừng” (Cua càng thổi xôi)), vần ôm (“Không rễ vẫn mọc/ Áo cộc bạc màu/ Dây chằng mạch máu/ Thân buồm gỗ nâu” (Cây buồm)). Để kéo dài thời gian trong việc khai thác những diễn biến, chuyển động khi bầu trời bắt đầu có bão, những bước đi “đủng đỉnh” của bão, nhà thơ sử dụng nguyên âm có độ mở vừa cùng với từ láy toàn bộ mang khuôn vần “ê”: “Trời đang lặng gió/ Mây nổi tê tê/ Khớp xương bà nhức/ Hình như bão về” (Mắt bão). Nhờ vậy, muốn biết khi trời bắt đầu xuất hiện bão, các em có thể xem xét những chuyển biến xung quanh qua các sự vật, hiện tượng như: trời lặng gió, nhiều mây, Kiến Lửa “leo rào”, Chuồn Chuồn “rối rít”, mặt trăng chuyển màu đỏ, người già thường nhức xương… Nếu ở khổ thơ trên dùng vần ôm, thì trong khổ thơ này, nhà thơ sử dụng vần ba tiếng (có sự đối lập về thanh) kết hợp với nguyên âm sáng cùng với phụ âm vang nhằm gợi tả sự mạnh mẽ, kiên cường của cây buồm khi lái con thuyền vượt qua mọi sóng gió một cách vững chãi: “Một mình – một bóng/ Nghiêng ngả lượn vòng/ Lái thuyền lướt thẳng/ Không hề uốn cong” (Cây buồm). Ngoài ra, một số bài viết theo thể 6 chữ và lục bát cũng mang đến những đóng góp nhất định khi phối hợp nhịp truyền thống và nhịp hiện đại, lúc nhanh lúc chậm đưa đến một số màu sắc mới lạ cho tập thơ.
Bằng chất liệu của cuộc sống, bằng đôi mắt và sự cảm nhận của trẻ thơ, nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú gom góp những gì thân thuộc xung quanh các em để tạo nên ngôi nhà “Mùa chim”. Ngôi nhà ấy không chỉ vẽ nên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, đẹp, trong trẻo, thánh thiện mà còn hết sức hấp dẫn, diệu kỳ. Vì thế, trong một số tập thơ thiếu nhi hiện nay, “Mùa chim” xứng đáng là khu vườn sống động, dạt dào xúc cảm, hồn nhiên, trong trẻo, tinh nghịch, nhí nhảnh.
Đồng Hới, ngày 14/7/2013
Nguồn: Toquoc