PGS.TS Hoàng Kim Ngọc

 

(Bìa tập truyện ngắn “Trần trụi con người” của Đỗ Trọng Khơi)

Đỗ Trọng Khơi là một cái tên quen thuộc được xác tín trong văn giới với 12 tập thơ, 2 tập truyện ngắn, 1 tập tản văn và một tập bình thơ đã được xuất bản cùng với 10 giải thưởng, tặng thưởng văn học của Trung ương và địa phương.

Cuộc đời của ông vốn chịu nhiều thiệt thòi, hoàn cảnh không cho phép ông được đi nhiều, trải nghiệm nhiều nhưng lại tạo điều kiện cho ông có nhiều thời gian đọc sách và tiếp xúc nhiều với bạn bè văn nghệ sĩ (vì yêu mến Đỗ Trọng Khơi mà đến thăm rồi trở thành tri âm tri kỉ). Cho nên thế giới nhân vật chính của ông thường xuất hiện những nhân vật lịch sử và nhân vật kẻ sĩ, văn sĩ, nghệ sĩ, trí thức xưa và nay. Nếu tập “Trần trụi con người – Tập truyện ngắn chọn lọc” có tất cả 17 truyện thì có đến 9 truyện có nhân vật lịch sử, 2 truyện trực tiếp nói về văn nghệ sĩ và 11 truyện này chiếm hơn ba phần tư dung lượng sách. Còn lại là những truyện mà nhân vật là những người dân quê gần gũi sống quanh ông ở vùng đồng đất Thái Bình.

Nhân vật lịch sử được điểm tên hoặc nhắc đến có rất nhiều trong tác phẩm của ông như Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Khản, Thiền sư Tiêu Diêu, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn, Lê Thái Tổ, Hưng Đạo Đại Vương, Trần Khánh Dư, Quang Trung, Đặng Thị Huệ, Ngô Thì Nhậm, Đinh Thắng, Lê Sát, Lê Ngân, Ngô Thị Ngọc Dao, Gia Long, Thoát Hoan, Cao Tông… Tuy nhiên những nhân vật chính đều là những kẻ sĩ, trí thức tầm cỡ, họ là Danh nhân văn hóa, là nhà thơ lớn, là Thiền sư nổi tiếng hoặc là Hoàng đế uy danh: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Thị Lộ, Hồ Xuân Hương, Thiền sư Tuệ Trung, Võ Tắc Thiên…

Bên cạnh mảng nhân vật lịch sử là mảng nhân vật truyền thuyết, cổ tích với những cái tên quen thuộc như Thánh Gióng, Từ Thức, Giáng Hương. Ngoài ra, thế giới nhân vật của Đỗ Trọng Khơi còn là những  người dân quê với những cái tên quê kiểng, chị Đằng, ông Sến, anh Cậy, chị Thy, cô Hến… hoặc với những cái tên cải danh như ông Nhất, Nhị, Tam, Tứ, Ngũ , Lục…

1. Những nhân vật lịch sử tham gia đối thoại là những nhân vật tầm cỡ, có tài năng, có tư tưởng lớn hoặc của những người khác thời đại, người xưa và người nay. Vì thế, đối thoại ở đây chính là đối thoại với lịch sử, đối thoại với những luồng tư tưởng, những quan niệm, những ý thức hệ. (Chẳng hạn, đối thoại giữa quan Tư đồ với Nguyễn Trãi, Nguyễn Phi Khanh với Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân với Nguyễn Trãi; Thị Lộ với Nguyễn Trãi; Thượng thư Nguyễn Khản với Nguyễn Du, Tố Như với Hồ Xuân Hương, Tuệ Trung với Thoát Hoan…). Nhân vật truyện hỏi đáp, bình luận, khen che, bày tỏ chính kiến hết sức dân chủ, bình đẳng trên cái nền thời gian đồng hiện. Thậm chí, cuộc hội thoại đó có thể xảy ra ở cả những người không cùng đẳng cấp, địa vị và thời đại. Nguyễn Trãi, Thị Lộ có thể đối thoại với Khương Hữu Dụng, với các nhà thơ hậu hiện đại. Võ Tắc Thiên có thể đối thoại với nhân vật tôi – người viết truyện về nàng… Quan niệm nghệ thuật, nội dung tư tưởng chủ đề trong mỗi truyện ngắn đều được Đỗ Trọng Khơi thể hiện thông qua những đối thoại của nhân vật. Ngôn ngữ đối thoại là thế mạnh nghệ thuật của ông. Tình huống của truyện thường đơn giản bởi nó chỉ là cái cớ để tạo cơ sở cho những đối thoại.

Thông qua đối thoại, Đỗ Trọng Khơi thường bày tỏ quan niệm về văn chương nghệ thuật, thể hiện cách nhìn cuộc sống, đánh giá lại một số nhân vật lịch sử theo cách riêng của mình; bày tỏ trách nhiệm của người nghệ sĩ, người trí thức trước ngòi bút; trăn trở, bất an về mối quan hệ giữa quyền lực và tâm lực…

1.1. Qua đối thoại giữa những kẻ sĩ tầm cỡ, tác giả đã thể hiện quan niệm về văn chương: “Văn chương đạt tới kiệt tác là đạt đến phi thời gian, đạt đến chỗ thời gian tuyệt vết”; “khác không quan trọng, hay mới đáng bàn”. Ông cho rằng tính nhân văn là cốt tử của văn chương nói chung và của thơ nói riêng, điều làm cho tác phẩm trường tồn: “Hay mà xa lạ với con người, bất quá cũng mới tới ba phần chín giá trị”; “trước khi đặt vào trang thơ, trái tim cần đặt vào đâu? Vào tình yêu – mà nền tảng của yêu là dục…”; “thi liệu hoóc môn – cái tôi bản ngã” là cái mà con người của mọi thời đại đều quan tâm.

Qua đối thoại, Đỗ Trọng Khơi đã cho nhân vật của mình thể hiện niềm mến yêu trân trọng với văn hóa Việt, với ca dao, thơ lục bát: “… chữ “rửa” – rửa nhan sắc của ca dao dùng thánh thật. Vạn tuế ca dao;  “…lục bát vẫn lung linh rực rỡ. Vì phẩm tính âm – nhu, tinh, nuôi dưỡng mới là thuộc tính thuộc tự nhiên trời đất, mới là phẩm tính căn cốt của tâm hồn Lạc Việt ta…”.

1.2. Thông qua ngôn ngữ của nhân vật, tác giả đã có những đánh giá về các nhân vật lịch sử theo cách riêng của mình hoặc phê phán những “hủ tục” ở nông thôn.

Đỗ Trọng Khơi cho rằng một mình Nguyễn Trãi đã thay đổi thi pháp của một thời: “Quân Trung từ mệnh tập là tập thơ có sức chữ lạ lùng, cưỡng lại lối thất ngôn Đường Tống”; “Ức Trai của ta, trước và sau hàng trăm năm, duy có Người một mình làm cuộc cách tân thi pháp cho cả nền nghệ thuật quốc gia”.

Về mảng thơ Nôm, Ức Trai và Hồ Xuân Hương đã có đóng góp lớn: “Những trước tác thơ nôm của Người thuở ấy thực là tiếng lòng của tâm thế, tâm hồn dân tộc Lạc Hồng ta trước chữ Hán, văn học Trung Hoa. Tiếc là sau Người không thi nhân nào làm được. Phải mãi 300 năm sau mới có được một kỳ nữ xứng danh”. Tuy nhiên, Đỗ Trọng Khơi cũng cảm thấy tiếc vì sao Nguyễn Trãi không trở thành một nhà thơ lục bát mà lại để đến 300 năm sau Nguyễn Du đoạt ngôi. Mặc dù thể loại thơ 6 chữ của ông là tuyệt bút. Phải chăng tư tưởng của Nguyễn Trãi lúc bấy giờ cũng có vấn đề, coi thường thơ lục bát là thứ thơ dân gian, nôm na mách qué để rồi sau đó cảm thấy ân hận. Chúng ta hãy nghe đoạn đối  thoại  giữa Ức  Trai với Thị Lộ:“Nguyễn Trãi ngậm ngùi: Ta cũng ba lần suýt làm thơ lục bát. (…) Thế mà ta đã không làm thơ lục bát. – Vì lúc đó chàng còn thụng thà thụng thịnh trong cái áo Nho gia sĩ tử, chạy theo bóng chữ nghĩa thánh hiền. Mặc cảm, cho lục bát là lối kiểu dân gian, nôm na mách qué… thiếp lạ gì. Giá chàng cứ mạnh tay hạ bút thì dân ta đã chẳng phải đợi ba trăm năm sau chàng Tố Như mới khai sáng cho nghệ thuật hàn lâm thể lục bát.” (Xưa và nay).

Về nhân vật Nguyễn Thị Lộ, đã có nhiều tác phẩm văn học đánh giá về bà dưới những góc nhìn khác nhau và còn có cả một hội thảo khoa học đòi “chiêu tuyết” cho bà. Mượn lời nhân vật, Đỗ Trọng Khơi cũng đã đưa ra ý kiến riêng của mình. Ông đồng tình với các vị học giả khi cho rằng Nguyễn Thị Lộ là một “nữ nhi học sĩ” tài hoa trong văn học, sắc sảo trong chính trị, chu đáo trong ứng xử và thủy chung trong tình nghĩa với Nguyễn Trãi, bà và Nguyễn Trãi bị giết là do âm mưu của Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh. Tài năng và sự cương trực của Nguyễn Trãi đã bị một số không nhỏ quan lại trong triều lúc bấy giờ ghen ghét đố kị. Dựa vào uy tín với vua Thái Tôn, Nguyễn Thị Lộ đã cứu mạng được bà phi Ngô Thị Ngọc Dao và đứa con trong bụng (người sau này chính là vua Lê Thánh Tông – vị vua anh minh của nước Đại Việt, mở ra một thời kì Hồng Đức thịnh trị), nhưng cũng vì thế mà miệng lưỡi thế gian đã nhằm vào Thị Lộ:

“Ngày ấy có tin nói vị vua trẻ tuổi thường tỏ ra quyến luyến mỗi khi gần Thị Lộ. Điều ấy khiến quan Trung thư (Nguyễn Trãi) lo ngại. Tin nội cung đưa ra vậy, thực hư thế nào không ai được rõ. Chỉ có điều sự ghen tuông của các bà phi, nhất là Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh thì lộ rõ. Sau việc can thiệp vào vụ Ngô Thị Ngọc Dao mối hận trong lòng hoàng hậu với vợ chồng Nguyễn Trãi càng thêm lớn.

Trở về từ Côn Sơn, Thị Lộ nói với Nguyễn Trãi:

 – Thiếp đã lo được cho bà phi toàn mạng.

 Nguyễn Trãi cúi đầu, mái tóc bạc rung rung”

Tuy nhiên, trong mối quan hệ giữa Nguyễn Thị Lộ với vị vua trẻ tuổi – người có quyền lực lớn, Đỗ Trọng Khơi vẫn cảm thấy có gì đó không bình thường, nhà văn đã có những dòng thương cảm và xa xót cho cả Nguyễn Trãi và Thị Lộ, khi mà tư tưởng “trung quân”, sự cam chịu phục tùng của bề tôi với đức vua cùng với sự ghen ghét đố kị nơi triều chính đã khởi đầu cho bi kịch của một dòng họ. Hãy nghe đoạn văn sau: “Nguyễn Trãi bừng tỉnh dậy, trên gương mặt nước mắt vẫn ướt đầm, mái tóc bạc xổ tung buông xòa trên đôi vai gầy guộc. Thị Lộ từ nhà ngoài bước vào mặt tươi như hoa, mắt long lanh nhìn Nguyễn Trãi không khỏi ngỡ ngàng. Nàng lẹ làng đến bên búi lại mái tóc cho chồng. Rồi âu yếm nói:

– Mai là ngày nhị thập thất. Sa giá Thánh thượng sắp đến Côn Sơn. Có lẽ lần này thiếp lại phải xa chàng vài tháng để đi theo Thánh Thượng về triều.

Giọng Thị Lộ vừa dứt Nguyễn Trãi bỗng thấy tâm thần thêm chuyển động. Mắt ông chợt tối lại”

Có thể thấy Nguyễn Trãi, Nguyễn Du là hình mẫu tiêu biểu cho số phận người trí thức Việt Nam bao đời nay. Hai con người này đều có đời sống vất vả, nhọc nhằn với cái tâm luôn ưu thời, đêm ngày cuồn cuộn một niềm ái quốc; tri thức thì nhiều mà quyền lực thì mỏng manh nên sự thất vọng bi mẫn ở Nguyễn Du, sự tuyệt vọng bi thương ở Nguyễn Trãi xẩy ra như một định mệnh tất yếu. Nguyễn Trãi thiệt mệnh bởi “Nhân – Tâm của Người quá lớn  mà lại cầm trên đôi tay quyền lực quá nhỏ bé!”

Các nhân vật trí thức trong tác phẩm của Đỗ Trọng Khơi tuy có phẩm chất tốt đẹp nhưng đa phần yếm thế, đôi khi cũng có kẻ phải bán mình. Kẻ giữ được khí tiết thì chết cũng tức tưởi, khổ sở nhưng họ an vi tự hài lòng với cuộc sống. Hầu hết đời sống của nhân vật trí thức trong tác phẩm của ông thường long đong lận đận. Truyện Hồng y bảo ngọc, tác giả đưa ra 2 cách chết của kẻ sĩ muôn đời ở nước Nam. Kẻ thì chết trong ăn năn vì đã tha hóa với tiền và quyền, người thì vì giữ khí tiết của kẻ sĩ nên bị những kẻ có quyền lực giết. Truyện không chỉ đúng với kẻ sĩ thời xưa mà còn đúng với cả thời nay.

Đối với những nhân vật hiện đại, Đỗ Trọng Khơi đưa ra cái nhìn phản tỉnh, phê phán thói mê tín dị đoan của người dân làng Trần như truyện Số tử vi đã dẫn đến cảnh sống nheo nhóc của một gia đình đông con và cái chết tức tưởi của người phụ nữ tên Thy; ông cũng phê phán tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, chỉ thích có con trai để nối dõi tông đường đã ăn sâu vào cả những người từng được coi là văn nghệ sĩ nửa mùa, “giở giăng, giở đèn” ở vùng quê lúa khiến cho anh chàng nhà thơ dan díu, lấy những 3 người phụ nữ làm vợ mà rút cục vẫn sinh con một bề (truyện Nhà thơ chuyên lục bát).

1.3. Cũng qua đối thoại của các nhân vật trong tác phẩm mà độc giả có thể nhận thức được rằng tác giả Đỗ Trọng Khơi hơn ai hết đã hiểu rõ cái “nghiệp” của người cầm bút, có vinh quang nhưng cũng có nhiều hệ lụy, biết rõ giá trị của văn chương trong đời sống tinh thần của con người: “văn chương cũng giống như một thứ tiền âm phủ, được trân trọng hương khói đấy mà cũng bị xem nhẹ và bất lực biết bao. “ Bên cạnh đó, rất nhiều những câu nói có tính chất triết lí về thân phận của kẻ sĩ mà người viết bài này có thể tìm ra: “Đời người biết chữ nhiều lo lụy” (trang   ).“Con người càng phải sống bằng đầu càng không sướng”; “Địa ngục có thể nằm ở đầu chứ thiên đường quả không có chỗ ở trong đầu được (truyện Nàng); “Tình trường là một cuộc chơi nhàn hạ hơn văn trường nhiều”

Tinh thần trách nhiệm của người trí thức, của người cầm bút trước cuộc đời mà họ phải đảm nhận đã được Đỗ Trọng Khơi giải quyết khá thỏa đáng. Ông đã để cho Nguyễn Trãi nói: “Ta nghĩ khi điều Chân – Thiện bị lấn át là lúc ấy báo hiệu sự suy đồi”. Các sĩ tử nước Việt hãy vì sự phồn thịnh, yên bình của dân trăm họ mà gắng sức bảo toàn, gây dựng lấy rường mối xã tắc! Được như vậy thì kẻ chết oan nghiệt này còn được ngậm cười nơi chín suối”.

Đỗ Trọng Khơi luôn trân trọng những người nghệ sĩ “lao tâm khổ tứ” với mục đích “Ngữ bất kinh luân tử bất hưu” trong lao động nghệ thuật. Bằng mối liên hệ tâm linh, Đỗ Trọng Khơi đã cho Khương Hữu Dụng trở thành kẻ tri âm với bậc kì tài Nguyễn Trãi sống cách ông 6 thế kỉ (trong truyện “Xưa và nay”). Sự khác nhau về giá trị giữa chữ “nổi” và chữ “nỗi” ở ngữ cảnh bài thơ Côn Sơn của “Già Khương” một lần nữa lại được đề cập đến. Trong thực tế, Khương Hữu Dụng đã vô cùng đau đớn như có ai xúc phạm hay làm đau cơ thể ông khi bài thơ “Côn Sơn” bị in sai chữ “nỗi” thành chữ “nổi”: Lên đỉnh Côn Sơn tìm Nguyễn Trãi/ Trên đầu xanh ngắt một bầu không/ Bàn cờ thế sự quân không động/ Mà thấy trong lòng nổi bão giông. Chữ “nổi” chỉ đơn thuần là một hiện tượng tự nhiên được phát sinh thành cơn, thành đợt đột ngột. Còn chữ “nỗi bão giông” là muốn nói đến nỗi niềm, nỗi lòng, nỗi đời trước cảnh gian nan, thử thách (Theo Ý Nhi trong: “Những gương mặt – Những trang thơ”). Ở đây, Đỗ Trọng Khơi cũng đã để Nguyễn Trãi nói với Già Khương: “Máu ba đời của ta nằm trong chữ ấy đấy”. Ông trân trọng chi tiết này cũng tức là trân trọng lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ.

2. Có lẽ, Đỗ Trọng Khơi là một trong số ít những nhà văn chú ý tới vấn đề giải mã tính bản thể, bản năng  tính dục thăm thẳm của con người. Ta có thể thấy điều này qua những truyện ngắn đi sâu vào nội tâm nhân vật như: Hành trạng tâm linh, Trần trụi con người, Nhìn từ ánh chiếu khúc xạ, Sự tích về bức tượng mộng tưởng.

Nhân vật huyền thoại Từ Thức gặp Giáng Hương trong dã sử xưa được trở lại trong truyện ngắn Sự tích bức tượng mộng tưởng. Nhân vật đó chỉ là cái cớ  để nhà văn dùng cảm thức hiện đại truy tìm lại bản thể, bản năng tính dục, đời sống sinh lí tự nhiên của con người. Truyện về Võ Tắc Thiên, vị nữ hoàng mà tấm bia trăm tấn không có một dòng luận bàn công tội nhưng tác giả đã nhìn thấy Võ Chiểu không chỉ là một vị hoàng đế biết dụng nhân mà còn nhìn thấy nàng trong tư cách một người đàn bà với những khao khát bản năng, người đã xác định được tư cách CÁ THỂ của mình trong thực tại, không bị ràng buộc bởi những quy ước, tập quán, quan niệm của xã hội, nàng là chủ nhân của tiếng cười, biết hưởng thụ thú vui nhục dục.

Truyện Nhìn từ ánh chiếu khúc xạ viết từ năm 1990, khi đó Liên Xô sắp sụp đổ, Đỗ Trọng Khơi đã dựng lên 3 nhân vật: Nàng, cô Bảo Hòa và Tôi. Ba nhân vật đại diện cho ba mẫu người. Bảo Hòa thì đại diện cho mẫu người tuy sống lương thiện nhưng thiên về đời sống thực tế, vật chất; nhân vật “Nàng” làm nghề giáo dục, sau đó lại đi tu nghĩa là nghiêng hẳn về ý nghĩa tinh thần còn nhân vật “Tôi” luôn bị xô đẩy, giằng xé trong sự lựa chọn cách sống thế nào cho phù hợp với cuộc đời này.

Trong Hành trạng tâm linh, ông dường như dồn hết tình cảm của mình để xây dựng nhân vật Tuệ Trung. Theo lịch sử, ngài không chỉ là một con người tinh thông về đạo (mặc dù tu tại gia và không xuống tóc, ngài là vị sư tổ của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử với tư tưởng “Hòa quang đồng trần”) mà còn là một chiến tướng tài ba nhà Trần; ngài không chỉ là người giỏi võ mà còn là một thi sĩ tài ba. Dưới ngòi bút của Đỗ Trọng Khơi, Tuệ Trung là một con người rất thánh thiện nhưng cũng rất trần tục. Tác giả đã để cho Thiền sư có 5 lần vẽ tranh, cứ mỗi lần vẽ là một lần tác giả bóc tách cho lộ rõ bản thể con người Thiền sư, chiến tướng Tuệ Trung. Đến giây phút cuối khi họa đài sen vào “nơi ấy” (đây là chi tiết rất bạo) thì Tuệ Trung Thiền sư đốn ngộ. Như chúng ta đã biết, Phật học có hai con đường, hai phương pháp để đạt tới giải thoát đó là “tiệm ngộ” và “đốn ngộ”. “Tiệm ngộ” là ngộ từng bước qua nhận thức của tri thức, “đốn ngộ” là ngay lúc ấy, tức khắc từ tâm, từ linh thể mình hiểu ra chân lí. Chi tiết nàng Trầm Nga cháy rực, là khi tâm thế, bản thể Tuệ Trung hiển lộ, cái mà Phật ngữ gọi là Bản lai diện mục, ta nhìn thấy cái gương mặt của mọi kiếp ta sống. Nhân vật nàng Trầm Nga và Thiền sư Tuệ Trung không thể không khiến chúng ta liên tưởng tới đến câu chuyện giữa nàng Điểm Bích với Thiền sư Huyền Quang trong dã sử xưa. Tuy nhiên, hai con người này trong truyện của Đỗ Trọng Khơi đã được khắc họa rõ nét về tâm lí, đối thoại của họ tự nhiên và rất hoạt, vừa đạo vừa đời, ngôn ngữ vừa cổ điển vừa hiện đại. Nhân vật Tuệ Trung được tác giả xây dựng với nét đẹp của một Thiền sư – Nghệ sĩ, nếu trong lịch sử Tuệ Trung là một nhà thơ thì trong truyện, ông đã trở thành một họa sĩ tài ba với  thể  loại tranh Nữ Sắc

3. Cấu trúc truyện của Đỗ Trọng Khơi thường có vĩ thanh, có phần đề từ hoặc chú giải trong ngoặc đơn. Phong cách viết của ông, có lẽ, đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp như cách dẫn truyện “tôi bảo’, “nàng bảo”, thích lồng những câu thơ, bài thơ vào trong truyện ngắn, về điểm này, Đỗ Trọng Khơi không ngần ngại viết “(Truyện này bắt chước cách viết của Nguyễn Huy Thiệp)” (truyện Nhà thơ chuyên lục bát). Ông cũng có ảnh hưởng của trào lưu “truyện cổ viết lại” khi xây dựng nhân vật Thánh Gióng và Từ Thức. Một số truyện có màu sắc tâm linh nửa hư nửa thực, thời gian đồng hiện hoặc có nhiều cách đặt vấn đề cho một nội dung. Truyện “Ma ngôn” có sự xuất hiện linh hồn của một người đàn ông – nhân vật “tôi” trong thời gian cận tử đã tự vấn, suy ngẫm về những hành động việc làm của mình trong cuộc đời. Truyện “Xưa và nay”, Nguyễn Trãi đã triệu nhân vật “vào mộng” để bắt đầu cuộc trò chuyện tâm linh…

Nhiều truyện, Đỗ Trọng Khơi đã sử dụng thủ pháp “tư liệu giả” để bẫy người đọc khi viết về nhân vật lịch sử: “Ba cuộc thoại ghi theo cuốn sách dạng tộc phả nhà một người họ Đỗ, ngụ dưới chân núi Phượng Hoàng, cách Côn Sơn chừng dăm bảy dặm đường” (Truyện Quyền và Đức) hoặc là để tạo tình huống bắt đầu cho một câu chuyện: “Trước cổng làng Sơn Hạ, dưới chân núi Mơ có một bức tượng đá lạ mắt. Tượng bốn đầu quay đủ 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, với 4 thế cúi, ngửa, nghiêng, thẳng. Thân tượng, đầu tượng khá to, ngược lại cái chân lại nhỏ. Tượng đứng trên có một chân. Người dân đặt tên bức tượng là Mộng Tưởng và Từ Thức. Hai tên gọi khác nhau, song theo như câu chuyện ghi trong phần Phụ lục, cuốn Hương ước thì ý nghĩa chỉ là một” (Sự tích về bức tượng Mộng Tưởng).

Nhiều truyện xuất hiện những câu văn có tính chất triết lí: “Khi con người sống thiếu mục đích yêu thương để bó buộc cái tính cái tình vào một khuôn thước nào đó thì cũng khó nói đến điều đức hạnh.”, “Đàn bà đẹp lại tính nết thật thà thường dễ bị lợi dụng” “chỉ cần vài ba cú lợi dụng của bọn đàn ông là đủ biến đàn bà thành hư hỏng”; “Cứ khi nào mĩ nữ với ngôi vị tương thân thái quá là y rằng thời ấy sẽ sinh ra loạn”; “Đàn ông đểu thường biết cách làm tình tốt” (Câu này có lẽ cũng hơi trùng với suy nghĩ của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ khi viết: “Đàn ông phải có hai bộ mặt, vừa tử tế, vừa đểu cáng, thế mới quyến rũ”); “Con người sống ở đời điều căn bản nhất, cốt tử nhất mà mỗi người cần nắm giữ cho mình là tình yêu thương chân thực, là đức hi sinh”; “Anh hùng và mỹ nhân khi sa cơ đều nhục hơn người thường”;  “Quyền lực không xuất phát từ tâm lực là một nguy hiểm lớn!” (Truyện Ma ngôn); “Con người ta cầm bút viết văn làm thơ thảy đều không do buồn đời cũng do yêu đời”.

Tác giả cũng có cách viết rào đón, tỏ ra rất “thực thà” nhưng thực ra đó là dụng ý nghệ thuật mang thương hiệu Đỗ Trọng Khơi: “Năm câu chuyện này viết về văn chương có vị yêu đương. Tôi viết lúc tâm trạng cần được thư giãn. Vậy nên bạn đọc ai thư thả thì đọc, ai bận mải bỏ qua cũng chẳng sao. Không thiệt gì cho văn đàn và cho chính bạn. Chuyện kể có thực có ảo. Đọc xin bạn bạn đọc đừng suy diễn, không đọc kĩ càng không nên suy diễn. (…) Được thế, tôi mới đủ vững tâm trò chuyện…” Nhưng cũng có lẽ cách viết rào đón đó là do những nghi án kiểu “Cây táo ông Lành” trong văn chương Việt còn làm ông nghi ngại. Người đọc có thể thấy được điều này thông qua lời nói của một nhân vật và lời người kể chuyện trong đoạn văn sau: “Là người tính trong thì tâm sáng, tính đục thì tâm tà. Nhưng sự chính tà trong nghệ thuật thì khó phân biệt lắm. Ví như nàng Đoàn Thị Điểm diễn nôm câu: Chinh phu tử sĩ mấy người/ Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn… là nói đúng về lẽ chiến tranh xưa nay (…) Thế nhưng lẽ đời thế tục xu thời nó dễ quy là thơ có tà tâm ám chỉ, là trách cứ cao xanh…Nói rồi mặt ủ mày chau, rầu rầu, rĩ rĩ một hồi. Sau mới hỏi, mấy ông Văn Cao, Hữu Đang, Trần Dần, Hoàng Cầm dạo này ra sao rồi”.  Và trong một truyện khác, nhân vật của ông đã hỏi: “Có giải pháp nào loại trừ bọn người xấu đang tận dụng vũ khí văn hóa để hành sự không?”

Đối với các nhân vật lịch sử, nhà văn viết với giọng điệu nghiêm túc, cảm thương, trân trọng. Nhưng đối với những nhân vật văn sĩ “nửa mùa”, “dở giăng dở đèn” (như nhân vật Nhà thơ chuyên lục bát, Nhà soạn kịch…) thì  Đỗ Trọng Khơi lại có giọng điệu giễu nhại. Một vài truyện ngắn của ông không phải chỉ là một lát cắt của hiện thực mà thường là toàn bộ cuộc đời của một nhân vật từ lúc sống tới lúc chết, vì vậy nó có khả năng khai triển thành một tiểu thuyết.

Tôi thích các đối thoại trong những truyện ngắn thuộc đề tài lịch sử của ông hơn các đối thoại của các nhân vật hiện đại. Bởi vì, đôi khi tác giả ham triết lí và phần nhiều do tưởng tượng nên đã để cho nhân vật hiện đại của mình nói năng chưa thực sự tự nhiên như đời sống vốn có. Chất lượng nghệ thuật của các truyện ngắn trong tập chưa thực sự đồng đều. Bên cạnh những truyện cực hay còn lọt lưới vài truyện bình thường. Cách đặt nhan đề đôi khi còn thật thà, giống như tên một bài báo vậy, chẳng hạn như:  Xưa và nay, Chuyện ngày rằm.

Nói tóm lại, có thể nói thế mạnh nghệ thuật của Đỗ Trọng Khơi là tính triết luận thể hiện qua đối thoại của các nhân vật, ông thuận tay với các nhân vật lịch sử. Ông là một trong số ít nhà văn quan tâm đến vấn đề giải mã, truy tìm bản năng tính dục thăm thẳm của con người bằng cảm thức hiện đại.

Người viết bài này thực sự khâm phục ý chí tự học hỏi và nghị lực phi thường vượt lên hoàn cảnh để trở thành một nhà văn, nhà thơ có tên tuổi của Đỗ Trọng Khơi; thực sự trân trọng những thông điệp nhân văn trong những trang viết có trách nhiệm với cuộc đời và đầy mồ hôi của tác giả. Xin chia sẻ thành công này với ông.

                                                                                                                                            Phạm Thuý Quỳnh đưa bài

 

                                                       

 

Exit mobile version