Giải Goncourt 2013 của Pháp được trao cho tiểu thuyết Hẹn gặp lại trên kia(Au revoir là-haut) của Pierre Lemaitre. Câu chuyện của ông bắt đầu vào thời điểm kết thúc Thế chiến thứ nhất. Cách đây gần một thế kỷ cũng đã có một nhà văn từng đoạt giải Goncourt (1916), đó là H. Barbusse, tác giả này đã kể lại những câu chuyện nơi chiến trường được ghi chép nơi sổ tay. Bất chấp những kiểm duyệt của quân đội, ông đã kể lại một sự thật khác với những gì người ta vẫn vẽ ra với người ở hậu phương. Và nếu H. Barbusse được trao giải Goncourt bởi góc nhìn trực diện vào chiến tranh, thì Lemaitre lại được trao giải bởi những suy tư về cuộc chiến đó từ rất xa và về cả những “cuộc chiến” của thời hậu chiến. Hơn thế, câu chuyện hấp dẫn không chỉ bởi tính triết lý, hiện đại mà còn bởi cách thức thể hiện rất gần với những hình thức giải trí bình dân.
Câu chuyện trong Hẹn gặp ở trên kia bắt đầu bằng dòng chữ “tháng 11.1918”, và như thế có nghĩa là nó gắn với một dấu mốc quan trọng của lịch sử hiện đại nước Pháp và của châu Âu. Đó là thời điểm kết thúc Thế chiến thứ nhất, cuộc chiến đầu tiên của thế kỷ và cũng có một quy mô lớn nhất mà nhân loại từng biết cả về mức độ, quy mô và ảnh hưởng. Cuộc chiến sẽ định danh cho tất cả những cuộc Thế chiến sau đó, Thế chiến hai và cả những Thế chiến thứ ba, thứ tư hư cấu. Điểm nhấn mốc lịch sử được kết nối với câu chuyện bằng một lời khẳng định: “Ceux qui pensaient que cette guerre finirait bientôt étaient tous morts depuis longtemps”, rằng ai nghĩ rằng cuộc chiến hẳn sắp kết thúc đều chết từ lâu.
Lối hợp thời động từ trong câu kể đó đưa người đọc trở lại thời điểm quá khứ hư cấu, khiến cho câu văn mang một hàm ý giả định, tất nhiên cũng là hư cấu. Nhưng không khó nhận ra những thông điệp mang tính tiên tri về một tương lai bất định đang kéo dài, về một cuộc chiến khác còn tiếp tục với nhân vật Albert, người lính Pháp nhanh chóng nghi ngờ những tuyên ngôn, tuyên bố chiến thắng. Trong cuốn tiểu thuyết này, người ta sẽ thấy người chết đương nhiên là nắm giữ chân lý nên cần vinh danh, nhưng chẳng vì thế mà người sống có thể bị bỏ quên. Trong cuốn tiểu thuyết này, lời nhân vật nhanh chóng chiếm một vị trí quan trọng trong lời kể, và vì thế trao cho câu chuyện về Lịch sử Thế chiến một cái nhìn rất hẹp, rất riêng tư. Người lính ấy từng thấy rằng “chiến tranh chẳng là gì khác, chỉ là một cuộc xổ số bằng đạn thật”.
Đọc xong tác phẩm này, bạn đọc có thể tự nhủ, với cách mở đầu tiểu thuyết như thế, cuộc chiến mà họ nhìn thấy không hoàn toàn như cái cách mà người ta vẫn nhìn về cuộc chiến đó? Từ đây, người đọc sẽ khám phá lại nước Pháp hậu chiến, vinh quang và oai hùng, bằng cách dõi theo số phận một cá nhân, một thương binh tầm thường. Lịch sử dĩ nhiên chẳng bao giờ là tổng số những câu chuyện, nhưng không thể có Lịch sử nếu thiếu những câu chuyện. Bởi thường thì một trong số câu chuyện đó sẽ được huyền thoại hóa, như một đại diện xuất sắc của khuôn mặt Lịch sử.
Bằng cách mở đầu như thế, P. Lemaitre xứng đáng là bậc thầy của lối tiểu thuyết có đề tài lịch sử với cam đoan ngầm: mời bạn cùng ngắm Lịch sử từ dưới chân tượng đài. Và không chỉ có thế, ông còn là bậc thầy của lối kể trinh thám, một “nhà văn xuất sắc tạo độ căng”, theo lời của S. King (Thời báo New York, 4.6.2015), khi kể lại một vụ án kép theo lối lộn trái và đảo ngược. Chúng ta nhìn mọi thứ theo cách của những người phạm luật và bị truy đuổi, ở đó những tuyến truyện đan chéo theo lối trinh thám và lồng vào nhau.
Một người lính đã trở về hậu phương với những vết thương hằn sâu, cả về thể chất lẫn tinh thần. Cùng lúc với việc bị một đồng ngũ tìm cách sát hại, Albert, tên người lính, cũng được một đồng đội khác là Edouard nỗ lực quên mình bới đất khỏi chết ngạt. Mang nặng lòng biết ơn, Albert đã chật vật cưu mang Edouard, bị thương trong tình thế hiểm nghèo và thường xuyên phải dùng morphin giảm đau. Không chỉ có thế, giống như một nhân vật của Kafka, anh còn phải đối mặt với một bản án “giả” treo lơ lửng do viên đội Pradelle bịa ra với cấp trên. Kẻ đã đẩy anh xuống hố trong trận chiến cuối cùng giờ là vị anh hùng chiến trận và phát đạt nhờ lấy chị của Edouard và những phi vụ làm ăn với nghĩa trang.
Thế mà bỗng nhiên Edouard, vốn không thể lao động, lại khám phá ra một cách làm tiền cực kỳ dễ dàng trước cơn lên đồng của cả nước Pháp muốn kỷ niệm ngày chiến thắng : hàng trăm bản thảo tượng đài – Edouard vốn khéo léo và tinh tế trong nghề thiết kế – được gửi đi mời các cấp chính quyền đổ tiền vào một tài khoản ma. Song song với đó là những chuyến làm ăn của Pradelle nhờ gian lận xây nghĩa trang. Rất nhiều kẻ đã sống nhờ “những linh hồn chết”.
Câu chuyện hao hao những gì mà Gogol từng viết về nước Nga Sa hoàng. Những tình huống đuổi bắt, những dò xét, những nút thắt của tình tiết khiến câu chuyện càng về cuối càng gấp gáp : ông thanh tra Merlin lỗ mãng, khôn khéo và trung thực bóc mẽ Pradelle trong phi vụ làm ăn, bố Edouard vốn rất giầu lại có đứa con rể Pradelle, vô tình ông Edouard cũng đầu tư vào tượng đài mà đứa con mình vẽ như một cách san sẻ những phiền muộn, Pradelle buộc phải dò xét vụ án tượng đài để đổi lấy sự vô can, cuộc gặp định mệnh bất ngờ của hai cha con Edouard… Họ chỉ còn có thể “hẹn gặp ở trên kia”, nơi thiên đường, nơi chỉ còn chân lý.
Ngần ấy tuyến truyện đan xen vào nhau, tiến triển trật tự, chậm nhưng đầy hối thúc. Nói như B. Pivot, Lemaitre đã “viết rất chậm và nhanh chóng, vì ông níu lấy thời gian để kể một hành động hay một hành vi bằng những từ rực rỡ (fulgurants)”. Một trong những cách kể đặc thù của trinh thám mà Lemaitre đã dùng trong câu chuyện này của mình mang tính điện ảnh rõ rệt : lối kể như dựng cảnh điện ảnh. Điều này dễ hiểu vì chính ông từng viết chuyển thể tiểu thuyết Alexsang kịch bản và giành được giải thưởng. Và như chính ông có nói, thế hệ của ông lớn lên trong thời kỳ điện ảnh có một ảnh hưởng rất mạnh. “Viết, đối với tôi, – Lematre trả lời phỏng vấn – là tả những gì tôi thấy trên màn ảnh”.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà chương cuối cùng “để kết thúc…”, như tất cả những bộ phim đều có ở phần generic, Lemaitre đã để người kể, một nhân vật hư cấu, lại lên tiếng cám ơn những ai đã giúp mình hư cấu nên câu chuyện này : “Trò lừa bịp đài tưởng niệm theo tôi biết chỉ là chuyện hư cấu”. Hư cấu dựa trên hư cấu, nhưng không để hư cấu lấn át cảm xúc và suy tư. Lời cám ơn đó, đóng khung lại câu chuyện, không có vẻ mở như ta vẫn thường gặp ở những tiểu thuyết văn chương trước đó. Thế là loại tiểu thuyết được coi là cận văn chương dưới ngòi bút của P. Lemaitre giành một vị trí đặc biệt ấn tượng khiến cho Hội đồng giải Goncourt, vốn khó và kỹ tính, quyết định trao giải thưởng cho tiểu thuyết này vào năm 2013 bởi “tri thức đến từ tiểu thuyết trinh thám và tiểu thuyết bình dân, và đó là một tin tốt lành đối với tiểu thuyết bình dân”.
Bản dịch tiếng Việt của cuốn tiểu thuyết đầy lôi cuốn về cuộc chiến tranh phi nghĩa này đã được dịch giả Nguyễn Duy Bình hoàn thành và phát hành tại Việt Nam.
Theo Thủy Chi – Văn nghệ quân đội