VĂN GIÁ

Theo quan sát của tôi, ở Việt Nam, trong khoảng 10 năm trở lại đây, loại hình văn học phi hư cấu (non-fiction) phát triển cực kì mạnh mẽ. Nó bao gồm các tiểu loại của kí như hồi kí, bút kí, tản văn, chân dung văn học, và các thể hỗn hợp (tiểu luận – tản văn, hồi kí – chân dung…).
Nếu tính từ 1986 đến nay, nền văn học Việt Nam chứng kiến hai quãng có sự bùng nổ của thể loại kí: từ 1986 đến năm 2000, và từ 2000 đến nay. Quãng thứ nhất, các tác phẩm kí là sự lên tiếng nhằm điều trần, phản biện xã hội, góp vào tiến trình đổi mới của đất nước. Quãng thứ hai, vẫn tinh thần phản biện xã hội, tuy nhiên cùng với nó là sự lên tiếng của các chủ thể cá nhân hướng về việc thiết lập và thúc đẩy nguyên tắc dân chủ, đối thoại. Quãng thứ hai này tạm gọi là thời kì hậu đổi mới.
Lí giải về hiện tượng này, nhất là về quãng thứ hai, trên những nét khái quát, có mấy lí do sau đây:
Thứ nhất, sau khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới kéo dài suốt 15 năm, ngoài sự thành công về hàng loạt lĩnh vực, có một điểm được coi đặc biệt thành công, nằm trong trạng thái tinh thần xã hội, đó là ý thức dân chủ. Chưa bao giờ, trên quy mô thể chế xã hội và ở các cá nhân riêng lẻ, nhu cầu xây dựng và thực thi tinh thần dân chủ lại trở nên thường trực và mạnh mẽ đến vậy. Và để biểu đạt khát vọng này, không gì tốt hơn, trực diện hơn, rõ ràng hơn bằng/qua thể loại kí, trong đó có chân dung văn học (CDVH).
Thứ hai, cũng do ngọn gió đổi mới mang lại, ý thức cá nhân phát triển hết sức mạnh mẽ. Nếu như giai đoạn trước, ý thức cộng đồng, con người cộng đồng là trung tâm của xã hội, thì nay ý thức cá nhân, con người cá nhân chiếm vị trí trung tâm. Khi đó, con người cá nhân có nhu cầu biểu đạt bản thân mình với tất cả sự tận độ và thành thực nhất. Kí chính là thể loại có ưu thế đặc biệt giúp họ thực hiện được điều đó một cách trực tiếp, bằng một con đường ngắn nhất. Việc công chúng rộng rãi, khi không tìm thấy được sự thỏa mãn trong nghệ thuật hư cấu (trên thực tế, tình trạng tác phẩm hay thì ít, tác phẩm dở và giả thì nhiều) lại càng thúc đẩy họ tìm đến kí như một sự đền bù.
Thứ ba, sự tăng trưởng của báo in kéo theo nhu cầu rất lớn cần đăng tải các tác phẩm văn học thuộc một số thể loại khác nhau, trong đó có CDVH(1). Thể CDVH tự nó mang tính thông tấn (cập nhật, thông tin mới) dễ hấp dẫn bạn đọc. Khi báo chí sử dụng trang/chuyên trang văn học với tần suất cao, đã tạo ra những kích ứng mạnh, thúc đẩy việc tiêu thụ các bài CDVH với một số lượng khá lớn. Đây cũng chính là lí do cho kí nói chung và thể CDVH phát triển.
Thứ tư, sự bùng nổ của internet(2) tại Việt Nam. Hiện nay, số lượng người truy cập internet tại Việt Nam đứng đầu khối các nước Đông Nam Á, trong đó số lượng người sử dụng các trang mạng xã hội hết sức đông đảo. Mạng xã hội là nơi mà các cá nhân thể hiện những status hết sức tự do. Đối với người viết chuyên nghiệp, mỗi status ấy có thể là một tác phẩm. Hàng loạt những tác phẩm dưới hình thức tản văn của Nguyễn Quang Lập, Phạm Ngọc Tiến, Y Ban… ra đời theo cách đó. Không ít những người viết trẻ đã cho in các tác phẩm xuất phát từ hình thức viết trên mạng như vậy. Đây là một sinh hoạt đáng mừng hơn đáng lo. Cái được lớn nhất từ cách viết trên mạng này là phát huy được bản chất tự do của sáng tạo một cách sâu sắc hơn bao giờ hết. Cái còn lại phụ thuộc vào tài năng và trách nhiệm của mỗi người viết. Như vậy, sinh hoạt cộng đồng mạng đã là một kích thích tố lớn có ý nghĩa thúc đẩy thể loại kí phát triển mạnh mẽ như đang thấy.
Trong một bối cảnh chung như vậy, thể CDVH cũng được kích ứng, và phát triển rầm rộ.
Thể CDVH được coi là một thể kí đặc biệt, nơi đó có sự kết hợp giữa việc dựng chân dung tinh thần nhà văn (theo cách gần với sáng tác) và đánh giá, phân tích các sáng tác cũng như phong cách nhà văn (theo cách gần với phê bình văn học). Ngay từ xa xưa, thời văn học trung đại, một số bài tựa, bạt, bình, điếu phúng… của các tác giả cũng đã mang dáng dấp chân dung, hoặc có yếu tố chân dung. Bước vào thời kì văn học hiện đại, thể CDVH được du nhập từ phương Tây vào nước ta, ban đầu cũng bị lẫn vào phê bình (Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân, 1941; Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, 1942…) sau dần dần tách ra trở thành một thể độc lập. Từ sau 1945 trở lại đây, nền văn học Việt Nam hiện đại chứng kiến hàng loạt các bài CDVH của chính các nhà văn viết về nhau và của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Những tác phẩm như Những gương mặt – Chân dung văn học của Tô Hoài (Nxb Hội Nhà văn, 1997), những bài viết của Nguyễn Đức Bính về Hồ Xuân Hương và Ngô Tất Tố, của Nguyễn Tuân về Thạch Lam, Nguyên Hồng… là những ví dụ. Ở đây, chúng tôi chỉ khảo sát các thành tựu thể chân dung quãng từ 1986 đến nay(3).
Hình dung một diện mạo
Thứ nhất, nói về đội ngũ người viết. Theo quan sát và thống kê bước đầu, chúng tôi nhận thấy phần lớn người viết CDVH là các nhà văn. Có những nhà văn thuộc thế hệ lớn tuổi như Bùi Ngọc Tấn, hoặc đứng tuổi như Vũ Từ Trang, Trần Đăng Khoa, Hồ Anh Thái, Nguyễn Quang Lập, Phan Thị Thanh Nhàn. Nhưng có những nhà văn đang còn khá trẻ cũng viết chân dung như Di Li, Nguyễn Quỳnh Trang, Trần Hoàng Thiên Kim, Bình Nguyên Trang… Họ đều là những nhà báo chuyên nghiệp ở một tòa soạn nào đó hoặc thường xuyên viết báo trong tư cách cộng tác viên.
Thêm nữa, nhìn vào danh sách đội ngũ, căn cứ vào chuyên môn sâu của người viết, thấy có hai dạng: người làm công việc phê bình văn học và các nhà văn. Giới phê bình văn học tham gia viết chân dung hiện nay gồm: Nguyễn Đăng Mạnh, Vương Trí Nhàn, Đỗ Lai Thúy, Phạm Xuân Nguyên, Nguyên An, Văn Giá, Chu Văn Sơn… Còn lại, phần lớn là những nhà văn, nhà báo chuyên về lĩnh vực văn nghệ.
Thứ hai, hình thức công bố các tác phẩm CDVH khá linh hoạt. Có những tác phẩm đã in thành sách. Có những tác phẩm mới công bố trên báo in. Thậm chí có không ít tác phẩm mới hiện diện trên báo mạng (cả các trang chính thống lẫn các trang blog cá nhân). Rồi đây, khi các bài viết vốn đăng trên báo in hoặc trên các trang mạng này được tập hợp thành sách, có thể sẽ có những chỉnh sửa, thêm bớt cần thiết theo ý đồ của mỗi người cầm bút.
Thứ ba, xét theo trục thời gian, phần lớn các CDVH thuộc giai đoạn từ 1986 đến nay lại ra đời chủ yếu sau năm 2000, theo sự tăng tiến dần, càng ngày càng tăng về số lượng. Điều này có căn nguyên thuộc về các lí do tổng quát trên, nhưng cụ thể hơn, lí do chủ yếu thuộc về tâm thế sáng tạo. Trong bối cảnh giao tiếp văn học hiện đại, khoảng cách giữa người viết và đối tượng được viết dần dần được rút ngắn, trở nên gần gũi, thân tình, suồng sã. Chính vì thế, những người sáng tác thích soi ngắm nhau, bày tỏ niềm yêu quý nhau, thậm chí trêu chọc nhau qua/bằng thể CDVH. Điều đó cắt nghĩa vì sao càng ngày càng có nhiều người sáng tác viết CDVH, nhất là những cây bút trẻ.
Thứ tư, nếu cần phải phân loại, có thể lấy tiêu chí tính chất nội dung của văn bản để làm căn cứ; theo đó, có ba kiểu CDVH: chân dung mang tính phê bình văn học, chân dung mang tính báo chí, và chân dung mang tính tản văn. Tại sao lại phải dùng cách nói “mang tính” – một cách nói định tính? Bởi vì, đã gọi là chân dung, trước nhất phải là chân dung đã – nơi gương mặt đời sống, nhất là đời sống tinh thần phải được hiện lên với tất cả các chất liệu và chi tiết cụ thể, sống động của nó. Tuy nhiên, khi dựng chân dung, do sự quan tâm, lựa chọn đầy tính chủ quan của chủ thể người viết, nên mỗi CDVH lại có sự kết hợp, thiên về phê bình văn học, báo chí, hay tản văn. Cách phân loại cốt để nhận diện, và thực tiễn bao giờ cũng phong phú và phức tạp hơn mọi sự phân loại. Như vậy, có thể thấy mỗi kiểu dạng CDVH thuộc về những tác giả khác nhau. Chân dung mang tính phê bình phần lớn thuộc về các nhà phê bình văn học, như Nguyễn Đăng Mạnh, Đỗ Lai Thúy, Phạm Xuân Nguyên, Chu Văn Sơn, Nguyên An; hoặc thêm một số ít chân dung của các nhà văn như Bùi Ngọc Tấn, Tạ Duy Anh, Trung Trung Đỉnh… Chân dung mang tính tản văn có các cây bút: Nguyễn Quang Lập, Phạm Ngọc Tiến, Vũ Từ Trang. Chân dung mang tính báo chí thuộc về các cây bút Nguyễn Quỳnh Trang, Di Li, Bình Nguyên Trang, Như Bình, Trần Hoàng Thiên Kim… Sự phong nhiêu của các kiểu dạng CDVH cho thấy sự nở rộ và phát triển khá phong phú của thể này trong đời sống văn học hiện/đương đại.
Mấy đặc điểm cơ bản
Nhìn vào hàng loạt các CDVH từ 1986 đến nay, trong sự so sánh với CDVH giai đoạn trước, chúng tôi bước đầu đưa ra một số đặc điểm dưới đây:
1) Quan niệm về thể CDVH đã có sự thay đổi theo hướng nhấn đậm phương diện con người thường ngày của người nghệ sĩ (bên cạnh con người lao động nghệ thuật). Hiển nhiên, khi dựng chân dung về một ai đó, không thể không nhắc đến một số chi tiết thuộc về đời tư, cũng không thể không ít nhiều miêu tả cuộc sống thường nhật của họ. Nhưng các cây bút viết chân dung giai đoạn này tỏ ra đặc biệt quan tâm và thích thú quan sát, lẩy ra những chi tiết thuộc phương diện thường ngày, con người thế tục thường ngày để miêu tả. Anh ta có những sở thích gì, thói quen gì, bạn bè, gia đình thân sơ ra sao, những sinh thú thường nhật thế nào, thậm chí cả những thói tật trong sinh hoạt đời thường… Tất tật, miễn là mang tính độc đáo, khắc họa được cá tính và gương mặt của đối tượng được viết. Tuy nhiên, người viết giỏi là người trong khi khai thác các yếu tố thường nhật của người nghệ sĩ, phải tìm ra mối liên hệ có khi trực tiếp, có khi sâu xa giữa chúng với những cái viết mà người nghệ sĩ đã sáng tạo. Về đặc điểm này, không ai có thể vượt qua được các CDVH của nhà văn Nguyễn Quang Lập. Trong hàng loạt chân dung, Nguyễn Quang Lập cố ý, công khai và tỏ ra thích thú với những chi tiết đời tư hết sức độc đáo, ấn tượng về mỗi nhà văn mà ông viết. Giở bất cứ CDVH nào của ông cũng đầy ắp những chi tiết thuộc về sinh hoạt đời thường, những thói quen, thói tật, tính nết, đặc điểm nhân dạng… Đây là một đặc điểm nhất quán trong mỗi CDVH của ông. Đối với người viết là các nhà báo lại càng vậy. Do tính chất báo chí (cập nhật, dễ đọc, dễ hiểu, hấp dẫn) nên các CDVH của những nhà báo chuyên văn nghệ cũng có được cái tươi mới của đời sống thế tục. Đọc CDVH của Bình Nguyên Trang, Di Li, Trần Hoàng Thiên Kim, Nguyễn Quỳnh Trang đều thấy những chi tiết đời tư thú vị. Điều này khiến cho mỗi chân dung được dựng lên vừa chân thực, cụ thể, vừa gần gũi, thân mật. Ngay cả các CDVH của giới chuyên nghiên cứu, phê bình văn học cũng không bỏ qua một số chi tiết thuộc đời tư của đối tượng, tuy có ít hơn so với CDVH của hai kiểu tác giả trên. Cách làm này đã được nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Đăng Mạnh ứng dụng khá hiệu quả trong những chân dung viết về Quang Dũng, Kim Lân, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Hoàng Ngọc Hiến… Riêng tôi (VG) cũng thích cách viết này và đã có một số thể nghiệm trong những CDVH về Thanh Châu, Hòa Vang, Nguyễn Đăng Mạnh, Phạm Xuân Nguyên, Trần Đình Sử… Nói như thế để thấy rằng khuynh hướng đời tư hóa, thường nhật hóa chân dung văn nghệ sĩ là một khuynh hướng có thật, bao trùm. Các CDVH trước 1986, có lẽ chỉ có hai tác giả đã sớm đi theo khuynh hướng này: Tô Hoài và Vũ Bằng; và giữa hai ông, thì Vũ Bằng đậm nét hơn, phóng túng hơn. Xét trên nét lớn, tính chất đời tư, văn xuôi, thường nhật là một đặc điểm bao trùm của văn học thời kì đổi mới và hậu đổi mới; trong đó thể CDVH thể hiện đặc biệt rõ nét, không kém gì hai thể loại có ưu thế nhất là truyện ngắn và tiểu thuyết (đương nhiên cách thể hiện có khác nhau).
2) CDVH giai đoạn sau 1986 đã tăng cường và công khai tính “hư cấu”, xem nó như là thủ pháp. Lâu nay, các bàn luận có tính lí thuyết về thể kí nói chung và CDVH nói riêng rất ít đề cập đến tính hư cấu, xem hư cấu không phải là thuộc tính, mà tính xác thực mới là thuộc tính; cho rằng hư cấu tuy được phép nhưng chỉ dừng lại ở cấp độ lựa chọn, gia giảm, chứ không thể sử dụng và phát huy năng lực tưởng tượng. Ngày hôm nay, thể kí được soi chiếu dưới nhiều góc độ khác nhờ các lí thuyết mới. Nhìn dưới góc độ tự sự học, thể kí tuy là một thể loại ghi chép, mang tính xác thực, nhưng sự ghi chép ấy không phải là hoàn toàn trung tính, mà là sự ghi chép mang đầy tính chủ quan của người viết. Thông tin trong kí là một loại thông tin đã được lựa chọn, hình dung, tái tạo trong cái nhìn, cảm quan và thái độ của cái tôi người viết. Nó được gia giảm chỗ này, phóng đại chỗ kia, nhấn đậm hay làm nhạt chỗ nọ, thậm chí nó bị trí nhớ phản bội, nó là kết quả của một trạng thái hồi nhớ của thì hiện tại về quá khứ… Cho nên, thông tin được gọi là xác thực trong kí bao giờ cũng có “độ dư” không phải lúc nào và muốn là có thể kiểm chứng dễ dàng. Vả lại, quan sát trong thể CDVH, những bài viết CDVH của Nguyễn Quang Lập chẳng hạn đã kéo người đọc vào một vùng thực tại mang tính ma trận, hư hư thực thực rất thú vị, và không ai lại cả tin đến mức coi những thông tin đó trùng khít với thực tại ngoài đời. Tuy thế, các CDVH ấy vẫn đạt được độ chân thực nghệ thuật: cung cấp cho bạn đọc một chân dung tinh thần của “bạn văn” đầy ấn tượng. Chính vì thế, với tinh thần biểu đạt thực tại như vậy, thể kí nói chung, thể CDVH nói riêng thực sự thuộc về nghệ thuật ngôn từ. Không có tính hư cấu chủ quan của chủ thể người viết, mỗi bài kí chỉ được xem là ghi chép thông tấn thuần túy. Chưa bao giờ các tác giả viết kí CDVH lại sử dụng quyền được hư cấu nghệ thuật để có một lối viết phóng túng, thỏa sức như bây giờ.
3) CDVH sau 1986 nhìn chung tính phê bình có phần phai nhạt. Như chúng ta biết, nếu đọc các CDVH của các nhà văn, nhà phê bình văn học nổi tiếng trên thế giới như M.Gorki, Boris Polevoi, Xtefan Zweig… hay của các tác giả Việt Nam như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Nguyễn Đăng Mạnh, Đỗ Lai Thúy, Phạm Xuân Nguyên… đều thấy có những nhận định, đánh giá về tài năng, phong cách, đóng góp cũng như hạn chế của các văn nghệ sĩ trong nền văn học dân tộc. Các tác giả sau này, do bị chi phối của tính báo chí, cũng do năng lực cá nhân, nên hoặc cố tình tránh, hoặc chưa đủ khả năng để có thể có những đánh giá tự tin mang tính phê bình về đối tượng được viết. Khi nói điều này, tôi không hàm ý đánh giá mà chỉ có ý nhận diện, chỉ ra đặc điểm CDVH. Trong bối cảnh văn học đương đại, duy trì sự đồng tồn là một trạng thái tốt hơn cả. Các chân dung mang tính phê bình, mang tính báo chí hay tản văn… đều cùng tồn tại, góp phần làm nên sự đa dạng trong đời sống văn học. Đối với thể CDVH, khi tính báo chí gia tăng thì tính phê bình đương nhiên có phần suy giảm. Một CDVH có tính phê bình nếu thành công thường có được vẻ đẹp trí tuệ, cái mà người viết nào cũng ao ước.
4) Tính “khẩu văn”, ngôn ngữ thông tục tràn lấn
“Khẩu văn” là cách gọi của nhà văn Nguyễn Quang Lập muốn nói về một loại văn viết trên mạng của mình khi anh tâm sự nhân cuốn sách Kí ức vụn ra mắt bạn đọc (2009). Đây là một cuốn sách được tập hợp từ các status của anh viết trên blog riêng. Blog khi mới xuất hiện, nó tựa như một trang nhật kí ngỏ của từng cá nhân. Nó mang tính chất lưỡng phân: vừa viết cho mình, vừa viết cho thiên hạ; vừa muốn nói chuyện riêng tư lại vừa muốn khoe cái riêng tư ấy ra cho thiên hạ biết, vừa nói về mình lại như vừa nói với/về người khác. Ý thức chủ thể đòi hỏi rất mạnh. Điều đó hình thành lối viết lưỡng tính: nửa độc thoại, nửa đối thoại; hay nói cách khác: độc thoại-đối thoại. Chính vì thế, dẫn tới một lối văn như lời nói thông thường, tràn đầy tính khẩu ngữ, xóa bỏ tính ước lệ của ngôn ngữ văn bản, coi trọng chất tươi mới, thậm chí sống sít của lời nói hằng ngày. Đối với lối viết này, có thể nói khẩu ngữ được coi là tính thứ nhất của văn bản. Đọc Nguyễn Quang Lập, người đọc như bước vào một cuộc trò chuyện trực tiếp, suồng sã, tếu táo giữa chốn bạn bè, tuyệt đối không còn những rào cản xã giao, những quy ước văn bản thông thường. Nhờ vậy, những từ hô gọi, những từ thuộc thổ ngữ địa phương, thuộc ngôn ngữ vỉa hè, chiếu nhậu, bàn trà… cứ thế tràn vào trang viết. Chưa bao giờ văn học Việt Nam lại chứng kiến một lối viết trung thành với khẩu ngữ đến vậy. Ông đã đưa thứ ngôn ngữ thông tục, ngôn ngữ “quê choa” vào trang viết một cách tự nhiên, điệu nghệ. Lối viết của Nguyễn Quang Lập thực sự có ý nghĩa cấp cho câu văn xuôi Việt Nam một nguồn năng lượng mới, trẻ trung, tươi tắn, sống động, thành thực. Nó chống lại một thứ văn giả tạo, cằn cỗi đang có nguy cơ tràn lấn trong văn học.
Nhờ lối viết mang tính khẩu ngữ, lại được tiếp sức bởi quan niệm dân chủ giữa người viết và đối tượng được viết, nên CDVH thời nay tràn đầy tinh thần trào tiếu, thân mật, suồng sã. Nói theo cách nói của M.Bakhtin, một tinh thần của tư duy tiểu thuyết tràn vào thể CDVH, và cũng không chỉ CDVH, hình như ở mọi thể loại văn học hiện nay.
5) Tôi muốn nói đến đặc điểm cuối cùng của thể CDVH giai đoạn này, đó là: tính chất “chân dung kép” ngày càng rõ rệt. Mỗi một tác phẩm chân dung đồng thời hiện lên hai chân dung: chân dung của đối tượng được viết, và chân dung của tác giả – người viết. Về phía chân dung người viết, do ý thức cá tính của chủ thể sáng tạo được thể hiện rất mạnh (qua ngôn từ, giọng điệu, chi tiết…), nên cái gương mặt tinh thần người viết cũng có cơ hội hiện lên khá rõ nét cùng với người được viết. Điều này chỉ có được trên một tinh thần dân chủ trong cái nhìn đời sống và cái nhìn nghệ thuật. Về cơ bản, ở CDVH giai đoạn trước, gương mặt người viết – tác giả bị làm mờ đi, bị giấu đi, ngại hoặc không dám biểu lộ. Người được coi là phá rào theo tinh thần chân dung kép trong văn học Việt Nam là nhà văn Vũ Bằng khi ông viết các CDVH ở Sài Gòn trước 1975(4). Hàng loạt CDVH hết sức xuất sắc của ông sau này mới được biết đến ở công chúng miền Bắc (quãng cuối thập niên 90 của thế kỷ XX). Chưa bao giờ bạn đọc Việt Nam lại chứng kiến một lối viết khoáng hoạt, tung tẩy, với một thứ ngôn ngữ tươi mới, biến hóa, đầy cá tính và thấm đẫm chất đời như vậy. Nhìn vào các CDVH sau 1986, do cái nhìn đời sống và nghệ thuật khác trước, con người cá nhân và ý thức dân chủ được đề cao, nên đã có được những trang viết mà ở đó cả hai gương mặt – người được viết (văn nghệ sĩ) và người viết (tác giả) – đồng hiện trong một “khoảng cách đời tư” gần gũi, suồng sã. Đây là một đặc điểm quan trọng làm nên sự khác biệt căn bản giữa CDVH giai đoạn trước và sau 1986 ở Việt Nam.
Đóng góp của thể chân dung văn học
Không chỉ riêng thể CDVH, nhưng phải thừa nhận rằng thể CDVH góp phần đáng kể vào việc dân chủ hóa nền văn học. Thứ nhất, nó trở thành một thể loại năng động, năng sản và nhiều thành tựu trong nền văn học Việt Nam hiện/đương đại. Thứ hai, nó đã chứng tỏ là một thể loại gần gũi nhất, áp sát nhất vào đời sống thế tục nhưng vẫn đảm bảo tính nghệ thuật. Thứ ba, nó đã kiến tạo được một thứ ngôn ngữ tươi mới, sống động, mang tính carnavan. Theo đó, đóng góp thứ tư, chính là giọng điệu, một giọng điệu đa dạng, hết sức cá tính, riêng biệt trên một nền chung là mang một tinh thần thân mật, trào tiếu, lắm khi bông đùa, suồng sã. Thể CDVH góp phần củng cố cho một xác quyết: suy cho cùng, sức hấp dẫn và thành công của mọi tác phẩm văn học là chỗ phải có một giọng điệu riêng độc đáo, không lẫn.
Chúng ta đã từng chứng kiến một số tác phẩm văn học lấy chính các văn nghệ sĩ làm đối tượng quan tâm và mô tả, và đã có không ít thành công, nhưng chỉ thể CDVH mới thực thi điều này một cách trực tiếp nhất và tập trung nhất. Có thể nói rằng, cùng với phê bình văn học, thể CDVH cũng là một tiếng nói của sự tự ý thức về văn học. Đây cũng là một đóng góp không nhỏ của bộ phận này.
Một đóng góp quan trọng nữa: thể CDVH đã thực sự khẳng định được chỗ đứng vững chắc với tư cách là một thể loại trong nền văn học Việt Nam hiện/đương đại. Nó đã có một lịch sử của chính nó, có vị trí văn học sử thực sự, không chịu thua kém bất cứ thể loại văn học nào                                    
V.G

————
(1) Theo nguồn báo cáo tin cậy về hoạt động báo chí ở Việt Nam, tính tới tháng 2 năm 2013, số lượng cơ quan báo chí in trên cả nước là 812 với 1084 ấn phẩm(trong đó có 197 báo và 615 tạp chí); ngoài ra, có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương; có 74 báo, tạp chí điện tử trong lĩnh vực thông tin điện tử trên địa bàn cả nước.
(2) Theo báo cáo về tình hình internet tại khu vực Đông Nam Á tính đến cuối tháng 7/2013 của hãng nghiên cứu thị trường comScore, với 16,1 triệu người dùng internet hàng tháng, Việt Nam là quốc gia có dân số trực tuyến lớn nhất tại khu vực ASEAN (http://dantri.com.vn/suc-manh-so/viet-nam-dan-dau-khu-vuc-ve-luong-nguoi-dung-internet-767501.htm).
(3) Chúng tôi đã có một thống kê sơ bộ các tác phẩm CDVH từ 1986 đến nay, bao gồm 25 tập sách và khá nhiều bài viết lẻ đăng rải rác trên các báo in, báo mạng (do khuôn khổ bài viết có hạn nên không tiện kê cứu ở đây).
(4) Xem trong Vũ Bằng – Mười chín chân dung nhà văn cùng thời (Văn Giá sưu tầm, biên soạn, giới thiệu), Nxb Đại học quốc gia, 2004.

 

Nguồn: vannghequandoi.com.vn

Exit mobile version