Costica Bradantan hiện là Phó giáo sư tại Honors College, thuộc Texas Tech University, Mĩ. Ông là nhà nghiên cứu triết học phương Tây, triết học tôn giáo và triết học văn chương. Cuốn sách Dying For Ideas: The Dangerous Lives of Philosophers (Chết cho tư tưởng: Cuộc đời nguy hiểm của các triết gia), Bloomsbury, London & New York: 2015 đang được dịch sang tiếng Việt.
Tiểu luận. COSTICA BRADANTAN
Năm 1916, Hugo Ball, nhà văn Đức, người không lâu sau đó trở thành thành viên sáng lập phong trào Dada, đã viết những dòng sau thuật lại buổi gặp gỡ đầu tiên giữa ông với những người sẽ trở thành người “đồng hương” của ông về nghệ thuật và tư tưởng: “Bốn người đàn ông vóc dáng nhỏ nhắn trông hao hao nét phương Đông xuất hiện, với những chiếc cặp giấy và những bức tranh kẹp trong tay: họ không ngừng cúi chào lịch thiệp. Họ tự giới thiệu mình: Marcel Janco – họa sĩ, Tristan Tzara, Georges Janco, và một người thứ tư mà tên tôi không kịp nhớ.”
Ball cũng là người lập nên quán “Cabaret Voltaire” tại Zurich, thành phố nơi nhà thơ Romania Tzara đến để lánh nạn chiến tranh. Nhưng gần như khi vừa mới đến đây, Tzara đã phát động một cuộc chiến của chính ông, một cuộc cách mạng nghệ thuật quy mô lớn. Chủ nghĩa Dada có thể đã khởi sự từ buổi tối đầu tiên tại “Cabaret Voltaire” tháng Hai năm 1916 với những bức tranh của Janco và màn trình diễn thơ của Tzara. Tất cả những nghệ sĩ này, hiểu theo nghĩa nào đó, đều đã bắt đầu làm công việc tạo ra sự biến đổi, chuyển hóa từ ngoại biên.
Lời thuật lại bằng giọng văn có phần mộc mạc của Ball cho thấy Tzara và những người khác đã xuất hiện với một diện mạo mang “chất ngoại biên” nhìn thấy ngay được. Họ trông giống như người “phương Đông” (tại thời điểm ấy, nó là một cái “mác” hàm ý họ là “kẻ khác” (“otherness”), có vẻ hơi lạc lõng và cúi chào nhiều hơn mức cần thiết để thể hiện sự phải phép như cách ứng xử của những người vừa mới nhập cư. Tzara thực chất còn là một kẻ ngoại biên kép: vừa là dân Do Thái, vừa là người Romania. Ở thời điểm ấy, người Do Thái ở Romania mang thân phận ngoại biên đến mức họ còn không được thừa nhận quyền công dân; và tại châu Âu, Romania phải chịu định kiến như là một xứ sở “dị lãm” (“exotic”) – một định kiến đến giờ vẫn chưa thoát khỏi. Đó là một uyển ngữ được những người sống ở những nơi tốt hơn đặt cho xứ sở này một cách trịch thượng.
Thế nhưng chắc chắn chính địa vị ngoại biên của Tzara đã cho phép ông làm điều mà ông muốn: lập nên một phong trào nghệ thuật nhạo báng một cách hệ thống một nền văn minh mà niềm tin mù quáng vào lí tính công cụ và sự sùng bái kĩ nghệ của nó đã đẩy nó vào một trong những cuộc chiến tranh có sức hủy diệt lớn nhất mà thế giới từng chứng kiến. Đối với chủ nghĩa Dada, cái trung tâm – dù đó là trung tâm của nghệ thuật, triết học, tri thức, kinh tế hay chính trị – đều chỉ đáng chế nhạo. Tzara đủ can đảm để thực hiện sự nhạo báng ấy: đến từ vùng ngoại biên xa nhất, ông chẳng có gì phải băn khoăn hay ngần ngại khi cất lên tiếng hét nhằm vào những quy phạm của trung tâm, đập vỡ chúng, vạch trần những lời dối trá nguy hại của cái trung tâm và biến việc bóc tách những tuyên ngôn đạo đức giả của nó thành một sự nghiệp sáng tạo sung mãn.
Tzara không phải là trường hợp cá biệt. Thực chất, có một cảm giác rất rõ rằng không chỉ Dada, mà nghệ thuật tiền phong nói chung, về cơ bản, đều là cuộc nổi loạn từ cái ngoại biên chống lại cái trung tâm. Một số đáng kể các nghệ sĩ tiền phong cuối thế kỉ XIX và XX – về con người hay thể hiện qua tác phẩm – đều đến từ ngoại biên: Munch, Malevich, Brancusi, Picasso, Chagall, Kafka, Borges, Joyce, Frida Kahlo, Paul Celan và Fernando Pessoa, đấy là chỉ mới liệt kê một số…
Cố nhiên, quá trình này không chỉ giới hạn trong các trào lưu nghệ thuật. Và địa lí cũng không có xác nhận đặc biệt nào về tính ngoại biên; trung tâm có thể có những cái ngoại biên của riêng nó – về chủng tộc, xã hội, chính trị, tri thức, hệ hình tư duy, như chúng ta được nhắc nhở nhiều gần đây. Trong lịch sử, những nhân vật như Walter Benjamin, Hans Jonas và Simone Weil đều tạo được ảnh hưởng khi hoạt động bên ngoài những chuẩn mực đã được thừa nhận của những lĩnh vực hàn lâm mà họ theo đuổi.
Mặc dù tưởng chừng đây chỉ là chủ đề liên quan đến tiến trình lịch sử nhưng rõ ràng ta thường cảm nhận được một lực biến đổi mạnh mẽ từ ngoại biên cứ mỗi lần một quy phạm khắt khe, cưỡng ép nào đó bị phá vỡ hoặc bị lật ngược. Ở Hoa Kì, chúng ta đang sống trong một thời điểm như thế, sau một chuỗi sự kiện diễn biến rất nhanh: sự kiện gần nhất và gây ảnh hưởng sâu sắc nhất là việc tòa án tối cao liên bang Hoa Kì đã đưa ra phán quyết hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới; sự nhận thức và thái độ khoan dung văn hóa ngày càng gia tăng đối với cộng đồng những người đồng tính nam, nữ và chuyển giới, gây chú ý nhiều người ở chính mạch thông qua sự kiện Bruce Jenner công khai chuyển giới thành Caitlyn Jenner#(1); và sự thay đổi dần dần về chính sách bắt đầu có hiệu lực ở các thành phố khắp nước Mĩ. Mặc dù có thể có ấn tượng cứ qua một đêm, một nguyên tắc lỗi thời lại bị phế bỏ, nhưng những việc này đều là hệ quả của nhiều năm vận động, đấu tranh có chiến lược và gây áp lực lên trung tâm từ những người bên ngoài nó.
*
* *
* *
Sẽ là một sự đơn giản hóa bản chất trọn vẹn của trung tâm nếu chỉ nhận diện nó đơn thuần như một địa điểm của sự đổi thay xã hội hoặc của những thắng lợi tiến đến những gì mà ta tưởng đó là sự công bằng xã hội lớn hơn. Trung tâm có đặc điểm của riêng nó, mà đặc điểm này không bận tâm cách này hay cách khác về những mệnh lệnh đạo đức của chúng ta.
Về bản chất, trung tâm nào cũng là điểm tập trung, là nơi kết tụ sức mạnh – xét cho cùng, đó là nơi là mọi người đều bị cuốn hút về nó theo cách nào đó. Đó cũng là điều khiến trung tâm trở nên kiên cố, là thứ khó vượt qua. Trung tâm sở hữu sự giàu có của những triển vọng, cơ hội, tài nguyên, nhưng đồng thời cũng chất chứa nhiều lo âu – nó là nơi mà khả năng sụp đổ, tan rã, rơi vào hỗn loạn hiện ra rất rõ. Để giữ những nguy hiểm đó ở một khoảng cách an toàn, đời sống tại trung tâm cần phải được kiểm soát ở mọi chi tiết, năng lượng của nó cần phải được quản lí tốt, những xung lực của nó cần phải định hướng và tính tự động của nó cần phải được đưa vào chuẩn mực. Bộ máy quan liêu tinh vi và tốn kém được phát triển để đảm bảo việc mưu cầu hạnh phúc không biến thành hành động bộc phát, không kiểm soát được.
Do đó, ở trung tâm, vẫn có cách nhất định để sống đời mình: ta mưu sinh, học hành, viết một bài báo khoa học, giao thiệp với hàng xóm, ăn mặc hay chỉ đơn giản ngồi bên bàn. Ta kí quyết định để ta thuộc về trung tâm bằng việc thích ứng hoàn toàn với những chuẩn mực của nó. Vì tất cả những nghi thức phức tạp này cũng là để đảm bảo không phải ai cũng được kết nạp vào trung tâm và một bộ phận đáng kể cũng bị gạt ra nên cách này khiến bản thân trung tâm lúc nào cũng là thứ đáng khao khát. Quyền lực và sự chuẩn mực hóa, dù vậy, lại tạo ra một kết hợp đặc biệt: để đạt được quyền lực trọn vẹn, ta phải đáp ứng được xuất sắc những yêu cầu của sự chuẩn mực. Càng tuân theo những chuẩn mực được trung tâm thiết lập, người ta lại càng dấn bước gần hơn về phía quyền lực. Và điều này có thể đem đến cho người ta cảm giác phấn khích. Chẳng hạn, trong số những đặc quyền của trung tâm, có quyền năng đặt tên cho các sự vật, một trong những quyền năng lớn lao nhất. Từ đó, ta có thể nói những kẻ khác đang làm gì, họ là ai mà không để họ được nói gì.
Chừng nào con người không theo những chuẩn mực được thiết lập bởi dòng chính (một tên gọi khác của trung tâm), những gì người ta làm có thể bị vô hiệu hóa, cho dù xuất sắc và sáng tạo đến đâu. Thực chất, cái gì mang tính sáng tạo càng cao, thì lại càng có vấn đề. Vào năm 1925, một trong những viện nghiên cứu tốt nhất ở châu Âu, viện Goethe tại Đại học Frankfurt, đã đánh trượt luận án tiến sĩ của Walter Benjamin với đề tài “Nguồn gốc Bi kịch Đức”. Công trình này bị xem là đã không đáp ứng những chuẩn mực của giới hàn lâm Đức, và vì thế, những người trong giới đã không công nhận năng lực của Benjamin để làm giảng viên tại trường đại học ở Đức. Hình phạt của trung tâm đối với sự bất tuân có thể rất hà khắc.
Như là hệ quả, điều thường xảy ra là người ta phải mất đáng kể năng lực, năng lượng và thời gian tính xem cách nào tốt nhất để len lách vào trung tâm. Và rồi một khi đã ở đó, người ta phải cư xử theo cách nào đó sẽ không bao giờ để vị trí của mình bị liên lụy. Vì hầu hết đều làm những gì để giữ vị trí của mình trong nguyên trạng, những cách tân mang tầm vóc xa rộng sẽ không được khuyến khích và chủ nghĩa thỏa hiệp, thay vào đó, sẽ lên ngôi. Chẳng hạn, trong lĩnh vực học thuật nhân văn, chủ nghĩa kinh viện thường đi đến chỗ thống lĩnh một lĩnh vực này hay khác. Vì lo sợ bị gạt bỏ, những người muốn được thừa nhận (những nghiên cứu sinh!) đã bắt chước mù quáng những phong cách được ưa chuộng, được xem là quy củ – họ sử dụng và lạm dụng thứ ngôn ngữ công thức giống nhau, đi theo những lối suy nghĩ an toàn giống nhau, dùng những thủ thuật cũ kĩ.
“Sự sáng tạo”, từ đó, thường rút lại thành những công thức tái sinh những thứ giống nhau với những biến thể rất nhỏ; chỉ một bộ phận thiểu số được tuyển lựa mới có thể dám đánh cược vị trí của mình khi dấn thân vào một việc gì đó đòi hỏi nhiều sự táo bạo. Tuy nhiên, nếu sự thỏa hiệp này vẫn không bị thách thức theo thời gian thì nguy cơ về một sự teo tóp, xói mòn trở nên đáng báo động. Đó là lúc trung tâm, đối mặt với vấn đề sống còn, cần những thách thức quan trọng từ bên ngoài.
Và đó chính là ý nghĩa của ngoại biên: nó đùa bỡn với những nghi thức phức tạp của trung tâm, với mọi thứ “đã được thiếp lập” và “phải kính cẩn”. Ngoại biên sử dụng những chuẩn mực của trung tâm chỉ là để làm xói mòn những chuẩn mực ấy. Cái ngoại biên, vốn không can dự vào những nghi lễ của trung tâm, thường kết thúc bằng việc không coi bất cứ cái gì là quá nghiêm trọng. Trong nghệ thuật, cái ngoại biên thường làm nên những nhà châm biếm vĩ đại nhất vì đối với họ, sự châm biếm còn hơn cả một phương thức biểu hiện – nó là một cách sống.
*
* *
* *
Song điều mỉa mai nhất là tất cả những nỗ lực gây ra sự báng bổ, hạ bệ, tất cả những trò chế nhạo của nhân tố ngoại biên, lại thường kết thúc ở việc làm cho trung tâm trở nên mạnh hơn; người ta cần đến cái ngoại biên như cơ thể sống cần kháng thể vậy. Thực chất, trung tâm thường phát triển mạnh nhờ ngoại biên. Hãy lấy thí dụ trong lĩnh vực học thuật: khi học thuật chính thống sắp sụp đổ dưới sức nặng của những tư tưởng kinh viện, những nhân tố ngoại biên sẽ cứu trung tâm bằng cách tiêm cho nó liều thuốc lành mạnh của những tư tưởng phi chính thống, những lí thuyết táo bạo và những ý niệm mới mẻ gây kinh ngạc. Benjamin cuối cùng không những trở thành một điển phạm sau khi chết, ông còn làm tái sinh mạnh mẽ một lĩnh vực mà luận án của ông trước đó bị xem là đã không đáp ứng được những chuẩn mực của nó. Sự mới mẻ đột phá trong tư tưởng của ông, tầm vóc trí tuệ phi thường của ông, tài năng không thể xếp loại được của ông – tất cả những dấu hiệu của ngoại biên mà ông thuộc về – đã không chỉ củng cố trung tâm mà còn mở rộng chân trời nhận thức của nó. Đó cũng có thể là di sản của nhân tố ngoại biên trong văn hóa Mĩ, những nhân tố đã tạo ra những thay đổi ở trung tâm.
Song thậm chí ngay ở khoảnh khắc chiến thắng, chính những nhân tố bên ngoài lại giáp mặt với một thử thách. Những kẻ ngoại biên hiểu rõ rằng với việc hạ bệ trung tâm, họ có nguy cơ trở thành một bộ phận của nó; những người thách thức các điển phạm hay những nền tảng tư tưởng hệ của dòng chính một cách quyết liệt nhất có thể một ngày nào đó chính họ lại trở thành những hình tượng điển phạm – hãy nghĩ đến Picasso, Martin Luther King Jr., Bob Dylan.
Song thậm chí ngay ở khoảnh khắc chiến thắng, chính những nhân tố bên ngoài lại giáp mặt với một thử thách. Những kẻ ngoại biên hiểu rõ rằng với việc hạ bệ trung tâm, họ có nguy cơ trở thành một bộ phận của nó; những người thách thức các điển phạm hay những nền tảng tư tưởng hệ của dòng chính một cách quyết liệt nhất có thể một ngày nào đó chính họ lại trở thành những hình tượng điển phạm – hãy nghĩ đến Picasso, Martin Luther King Jr., Bob Dylan.
Nhưng có lẽ còn có điều gì đó xa hơn mà ta có thể học từ các nghệ sĩ Dada. Vì họ đã sống một đời sống mang màu sắc châm biếm, nên họ chẳng cần bận tâm: Thêm một sự châm biếm nữa cũng chẳng hề gì, toàn bộ thế giới này, dù sao, cũng là một tấn hề kịch. “Ai cũng biết Dada chẳng là gì cả,” Tzara nói. “Như mọi thứ ở đời này, Dada vô dụng.”
Và có lẽ trung tâm cần phải nuôi dưỡng cho nó một phẩm hạnh quan trọng bậc nhất, đó là khả năng hấp thu được liều thuốc lành mạnh của chủ nghĩa hư vô mà những nhân tố ngoại biên thường mang lậu vào theo mình từ không gian bên lề
TRẦN NGỌC HIẾU dịch từ nguyên bản tiếng Anh
——
1. Caitlyn Jenner (28-10-1949), trước đó mang tên Bruce Jenner, từng là một vận động viên toàn năng đoạt huy chương vàng Olympic và là một nhân vật truyền hình được nhiều người biết đến. Bruce từng có ba vợ, sáu người con. Tháng 7 năm 2015, Bruce công khai mình là người chuyển giới thành phụ nữ với tên mới là Caitlyn. Bà được xem là người chuyển giới được biết đến nhiều nhất trên thế giới.
1. Caitlyn Jenner (28-10-1949), trước đó mang tên Bruce Jenner, từng là một vận động viên toàn năng đoạt huy chương vàng Olympic và là một nhân vật truyền hình được nhiều người biết đến. Bruce từng có ba vợ, sáu người con. Tháng 7 năm 2015, Bruce công khai mình là người chuyển giới thành phụ nữ với tên mới là Caitlyn. Bà được xem là người chuyển giới được biết đến nhiều nhất trên thế giới.
Nguồn VNQĐ