Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Kim Quyên.

Gồm các truyện:

– Những vòng tay ấm

– Thành phố trắng

Nhà văn Kim Quyên

Tên thật: Hùynh Kim Hường

Bút danh: Kim Quyên

Sinh năm 1953

Quê quán: Cai Lậy, Tiền Giang

Sinh sống và làm việc tại tp HCM

Giáo viên Ngoại ngữ

Hội viên Hội Nhà văn VN

Hội viên Hội Nhà văn TP HCM

Hội viên Hội Điện ảnh Thành phố HCM

Đã xuất bản gần 20 tập truyện ngắn, thơ, tiểu thuyết, bút ký, tản văn

Có 6 kịch bản phim và sân khấu

Huân chương kháng chiến hạng 3

Huy chương vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam tặng năm 2004)

Giải thưởng bút ký của Hội Nhà văn Việt Nam (2008)

Giải thưởng thơ của Tổng công ty Cao su VN (2012)

Giải thưởng truyện ký viết về đề tài giao thông của Bộ Giao thông Vận tải (năm 2015)

Giải thưởng tập truyện ngắn “Đi biển một mình” về đề tài nông thôn, nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp (2016)

Giải thưởng Mekong 7 nước Đông Nam Á lần thứ 7 cho tiểu thuyết “Tình không biên giới” (2017)

Giải thưởng của Ban Tuyên Huấn Thành Ủy thành phố HCM cho tiểu thuyết “Thành phố bên sông” (2019)

Giải thưởng viết về đề tài Giáo dục của Tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn VN (năm 2020)

Giải thưởng Tôn vinh những tác giả viết về biển đảo và biên giới xuất sắc nhất của Hội Nhà văn VN từ năm 1975 đến 2020.

                                    Thành phố trắng

Kim Quyên

Từ mùng mười tháng Chạp, tiếng pháo đã đì đùng bên nghĩa trang liệt sĩ. Đang nhổ cỏ lúa bên này mà Sương nôn nao cả dạ. Chị định ngày nào lãnh lương Tết sẽ mua hoa quả nhang đèn qua thăm mộ những người họ hàng và anh ấy. Tất cả là mười lăm người chớ ít ỏi gì. Không thăm viếng thì thôi, đã đi thì phải sắm chút ít lễ vật coi cho được.

Trời sập tối, Sương bước lên bờ mẫu, ngồi bệt xuống bãi cỏ non, quệt mấy giọt mồ hôi trên trán, lau hai tay vào gấu quần. Mùi cỏ, mùi rạ mới của thửa ruộng bên kia vừa mới cắt xông lên nồng nồng, quen thuộc khiến chị cảm thấy dễ chịu.

Ánh trăng mười bốn nhô khỏi rặng cây xanh, chếch ngang tượng đài nghĩa trang giống như ai đính cái đĩa bằng ngọc lên đó. Dưới ánh trăng, những ngôi mộ đã được sơn trắng, xa xa tưởng như những ngôi nhà cổ xưa đầy bí ẩn bao quanh Kim Tự Tháp của nước Ai Cập được kiến trúc từ mấy ngàn năm nay. Hàng hàng lớp lớp những ngôi mộ xếp theo thứ tự cấp bậc và quê quán để cho khách viếng thăm dễ dàng tìm mộ người thân.

Tuy mới dọn nhà về chưa đầy một năm và không thường qua bên đó nhưng Sương vẫn nhận ra từng khu vực, chẳng vì vậy mà những người quen biết hay họ hàng mỗi khi đến viếng mộ thường qua nhờ chị dẫn đi.

Mùa này hoa bên nghĩa trang bắt đầu rộ. Những đóa hướng dương vàng rực nở to bằng bàn tay quay về hướng mặt trời. Vạn thọ đại đoá màu cam, màu đỏ rung rinh dưới nắng. Hoa hồng, phù dung, thanh trúc… Mỗi loại hoa và kiểng với dáng vẻ thanh tao đủ màu, đủ sắc khiến cho nghĩa trang vui mắt như một vườn hoa.

Gió lùa qua khóm trúc kẻo kẹt làm Sương giật mình. Chị đứng dậy, khoan khoái hít thở khí trời mát lạnh tinh khiết của đồng ruộng về đêm, thong thả men theo bờ mẫu vào nhà.

Trong nhà đèn đuốc tối om, thằng Phan đang lui cui chắt nước nồi cơm, thấy chị, nó gọi:

– Tắt điện rồi Út ơi!

– Cúp hồi nào?

– Hồi chiều giờ.

– Sao con không nấu sớm chút nữa?

– Sợ nguội Út ăn không nổi.

Sương dò dẫm đi lên buồng ngủ, lấy bộ quần áo treo trên vách rồi bước ra nhà tắm…Nước mát làm chị tỉnh lại, bụng nghe cồn cào. Trong nhà, mùi cá chiên xông lên thơm phức khiến chị cố tắm nhanh, vội vã mặc quần áo đi vào

– Ăn cơm Út ơi! Đói bụng quá rồi

– Ờ! Ăn đi.

Phan bới cơm ra hai cái chén, những hột cơm gạo Nàng Thơm trắng phau nghi ngút khói, một dĩa đọt lang luộc xanh dờn, bốn con cá rô chiên vàng ngậy. Phan nuốt nước bọt đánh ực, nhìn mâm cơm nhưng nó chưa vội ăn.

– Ăn đi, tao biểu ăn trước rồi còn học bài.

– Nhà có hai người, Út còn biểu ăn trước ăn sau, buồn thí mồ.

Sương bật cười, nhìn thằng cháu mắng yêu:

– Cái thằng, ăn cơm mà mày cũng ham vui, miệng ai nấy ăn, hơi sức đâu chờ

Sương ngồi xuống ghế, gắp bỏ cho cháu con cá lớn nhất, hai dì cháu vừa ăn vừa chuyện trò. Nhìn Phan ăn, Sương hỏi:

– Ngon không Phan?

Phan cười, nó gắp rau bỏ vào miệng nhai ngồm ngoàm, Sương dặn:

– Chiều mai qua nghĩa trang tảo mộ với Út nghen.

–  Thôi! Bà ngoại không cho con nít qua bên đó, ma quỉ bắt hồn chết

Sương cười:

– Mầy nghe lời bà già âm lịch đó, ma quỉ ai bắt con nít làm gì, bắt là bắt người lớn mới đáng tội.

Mắt thằng Phan tròn xoe:

– Sao kỳ vậy Út?

– Ối! Chuyện người lớn hơi sức đâu hỏi cho mệt, ăn lẹ đi còn học bài. Cái tật hễ gà vô chuồng là mày cũng đập đuôi vô mùng mà mày không lo.            

Phan lặng thinh, ăn hết chén cơm rồi chạy ra lu nước, rửa miệng xong nó bỏ lên nhà trên soạn tập vở học bài. Ngồi ăn một mình, Sương nuốt vội cho hết chén cơm

                                             ***

Chuẩn bị mọi thứ xong xuôi thì trời đã nhá nhem tối. Ánh sáng yếu ớt của buổi chiều tàn tắt hẳn trên những đám lúa xanh rờn. Sương ôm bó huệ còn kín nụ, bó nhang và phong pháo, tất tả băng qua con mương cạn phía sau nghĩa trang, tay níu mấy cành phượng là đà trên đầu, leo lên khu hoa kiểng của người quản lý nghĩa trang trồng bán chợ Xuân. Sương bước theo con đường nhỏ, hai bên viền cỏ chỉ Nhật Bản, đi ra phía tương đài. Những bóng đèn điện ghép hình ngôi sao nhấp nháy trên chót đỉnh tháp. Nghĩa trang vắng lặng trong bóng đêm, chỉ nghe tiếng phần phật của những lá cờ đuôi nheo đang lộng gió trên lễ đài.

Sương chợt rùng mình. Chị tự trách mình sao đi quá trễ tràng. Một thân, một mình giữa nơi cô tịch khiến chị cảm thấy bơ vơ yếu đuồi biết chừng nào. Sương nhìn quanh, đây đó là những ngôi mộ trắng toát im lìm, chị ôm bó huệ vội quay lại chỗ cũ, định về nhà, sáng mai sẽ trở qua.

Tới gần khu N, Sương khựng lại khi thấy bóng ai trăng trắng bên gốc phượng. Sương bước nhanh đến, dưới ánh đèn nhờ nhờ, chị trố mắt nhìn người khách lạ, trái tim bỗng đập liên hồi, hai mắt hoa lên. Trong khoảnh khắc, cơ thể như muốn nhũn ra, chị khụy xuống như thân cây đổ.

– Chị ơi! Chị!

Tiếng gọi mơ hồ văng vẳng như từ thế giới xa xôi nào. Sương cố phân định mọi việc nhưng đầu óc chị như bị nén chặt, không vùng thoát ra được nỗi kinh hoàng.

– Chị ơi chị! Tôi đây mà…

Người thanh niên cúi xuống đỡ Sương lên, ánh mắt anh lộ rõ vẻ xúc động khi nhìn gương mặt xanh xao của người phụ nữ, gương mặt hao hao tấm ảnh mà anh đã được nhìn thấy một lần và không hiểu sao anh còn nhớ mãi gương mặt cùng nụ cười ấy, nụ cười mà anh luôn mong mỏi tìm gặp.

Đôi tay nóng ấm của anh ôm choàng Sương vào lòng khiến chị tỉnh lại. Chị hé mắt nhìn. Đúng là gương mặt của Thanh Nhân… Nhưng… Anh đã mất và ngôi mộ còn kia, chỗ gốc phượng non tơ chưa ra bông hoa nào để làm đẹp khu mộ của người yêu cũ.

– Chị ơi! Phải chị là… – Người thanh niên gọi với giọng Bắc mang âm sắc lơ lớ quen thuộc.

Trong sự phấn khích cao độ, niềm vui chợt ào ạt trào lên. Nhìn gương mặt, nghe giọng nói chị bỗng cảm xúc đến nghẹn ngào. Đôi mắt mơ màng, chị gọi khẽ như trong giấc mơ:

– Thanh Nhân! Phải anh không?

Người lạ không nói, chỉ mỉm cười, nụ cười có khóe miệng hơi rộng của Thanh Nhân. Sương nghe nhói buốt khi bắt gặp nụ cười có hàm răng trắng đều đặn ấy.

– Không. Tôi là Hoàng, em của anh ấy đấy.

Sương bật dậy, dù chị không muốn rời xa vòng tay nóng ấm và mùi thuốc lá quen thuộc gợi nhớ đến nao lòng. Hạnh phúc bỗng chốc vỡ tan, chị cố lấy giọng bình thản:

– Cậu là Hoàng à? Sao tôi không biết? À mà… Hình như…

– Chúng tôi một cha, khác mẹ chị à.

– Vậy à…

– Ba tôi đi tập kết, gặp mẹ tôi ngoài Bắc, mẹ anh ấy ở trong Nam. Còn chị, xin lỗi… phải chị là chị Sương?

– Sao chú biết? – Sương chợt nhớ ra ngôi thứ của hai người.

– Tôi thấy ảnh của chị gởi cho ba tôi lúc tôi còn ở Hà Nội.

– Vậy à?

Hoàng tiếp với giọng đầy phấn chấn:

– Tôi mới về nhận công trình của tỉnh này mấy hôm nay, tôi đang công tác ở đội cầu đường đấy chị.

– Vậy à. Mấy hôm nay tôi thấy sửa đường mà không biết có chú.

– Tôi thì biết chị ở Tiền Giang nhưng không biết đích xác nơi nào, không ngờ gặp chị ở đây.

Hoàng bật cười:

– Chị này buồn cười thật, chị nhát như thỏ ấy.

Sương cười ngượng nghịu:

– Tại chú giống anh ấy như khuôn in ai mà không sợ.

– Đến thế cơ à?

Hoàng cười hồn nhiên, nhìn Sương với ánh nhìn thân thiết như người quen thân từ lâu, anh hỏi:

– Chị đi viếng mộ sao tối thế này? Thôi, chúng ta đi thăm anh ấy, chị đưa hoa với pháo đây tôi cầm cho.

Sương cầm bó nhang đi bên cạnh Hoàng, hai người trở lại khu N. Chị nói cười luôn miệng như người mộng du:

– Mộ anh ấy đây – Sương đột ngột dừng lại.

“Chú treo pháo dưới  cành phượng đi, đưa bó huệ cho tôi”.

Sương cắm mấy bông huệ vào bình hoa trước đầu mộ, đốt ba nén nhang cặm vào lư hương. Hương trầm thoảng trong gió mùi thanh nhẹ, dễ chịu. Sương lấy khăn lau sạch hàng chữ trên mộ bia: Nguyễn Thanh Nhân. Đại đội phó Đại đội Đặc công. Sinh ngày 20.12. 1953. Hy sinh tháng 3.1975.

Sương nhẩm tính, Tết này anh ấy đã 42 còn chị 37, già hết cả rồi. Mới đó mà đã 20 năm, tuổi tác hơn nửa đời người mà vết thương lòng vẫn chưa lành. Từ khi Nhân biến mất trên cõi đời, Sương trơ vơ như cánh chim lẻ bạn. Đôi lúc, chị cũng có ý tìm người yêu mới nhưng vẫn không sao quên được người cũ. Niềm vui duy nhất bây giờ là thằng Phan, con của đứa em gái cũng là vợ liệt sĩ.

Đoàng… Đoàng… Đoàng…

Tiếng pháo nổ giòn giã xua tan bầu không khí yên lặng u trầm. Tiếng pháo vui đánh dấu buổi hội ngộ giữa người sống với người chết. Tiếng pháo gợi cho Sương niềm vui dạt dào kỳ lạ.

– Pháo nổ tốt, điềm hên đấy chị.

– Gặp chú đã là hên rồi – Sương nở nụ cười tươi.

– Thế mà ban nãy chị làm tôi hết hồn… hà… hà… Mình đi lên trên kia một chút đi – Hoàng đề nghị.

Hai người sóng bước đi về phía lễ đài. Họ bước lên những bậc thềm lát đá cẩm thạch. Gió từ những cánh đồng thổi tới mang theo hơi lạnh mùa đông khiến Sương rung mình. Chị co ro bên Hoàng, nói cười sung sướng như những lúc đi bên người yêu. Hoàng cởi chiếc áo khoác ngoài đưa cho chị, nói hồn nhiên:

– Chị mặc đi. Cái lạnh miền Nam này có thắm thía gì với tôi. Mấy năm ở bên Đức, mùa Đông khiếp lắm chị ạ. Này! Này! Chị mặc vào đi, phụ nữ dễ bị nhiễm lạnh lắm.

Sương như đứa trẻ, lặng lẽ mặc chiếc áo lạ có mùi mồ hôi đàn ông, chị thấy ấm áp dễ chịu vô cùng.

Hai người đứng trên lễ đài, cạnh chân tháp, hàng chữ đỏ “Tổ quốc ghi công” sáng rõ dưới ánh đèn. Hoàng nhìn ra bốn phía, hàng hàng lớp lớp những ngôi mộ trắng bao quanh với kiểu kiến trúc gần giống nhau. Dưới những ngôi mộ kia là những con người đã từng hiển hách với bao chiến công. Những con người mà mãi tới bây giờ mỗi khi nhắc đến vẫn còn giữ được tình cảm đẹp đẽ quí yêu. Hàng ngàn ngôi mộ với số phận và hoàn cảnh khác nhau nhưng khi đến đây tất cả đều bình đẳng. Cái chết luôn bình đẳng với mọi người, cái chết đem con người xích lại gần nhau, không ganh đua tị hiềm, không tranh giành ngôi thứ, không bổng lộc, lợi danh… Cái chết của những con người ở đây thật sáng trong như vầng trăng sáng mãi trên cao…

Nghĩ đến đây, một niềm vui chợt bừng nở trong lòng. Hoàng quay qua người phụ nữ hỏi giọng thân thiết:

– Nhà chị gần đây à?

– Kế bên đây, chú qua chơi cho biết.

– Vâng. Ta đi.

Hai người đi ra cổng chính, thả bộ dọc theo quốc lộ đã thưa thớt người qua lại. Bầu trời đêm không một vì sao, không khí se lạnh của mùa Đông và tiết trời ấm áp của mùa Xuân như trộn lẫn vào nhau khiến cho con người cảm thấy háo hức một điều gì mơ hồ, giống như những hạt mầm và lộc non đang háo hức muốn vươn ra đua với khoảng trời cao rộng để chắt lọc hết tinh anh của tiết Xuân.

– Tới rồi – Sương đột ngột kêu lên.

– Đây à. Gớm. Nhà cửa cũng xinh ra phết, các cháu có nhà không chị?

– Có cháu nào đâu?

– Thế à? Thế ra… – Hoàng ngạc nhiên nhìn vào đôi mắt to đen đã hằn dấu chân chim – Thế chị ở với ai?

– Thằng cháu con của đứa em.

Hoàng dựng xe dưới gốc cây trứng cá, thong thả đi vào nhà. Sương mời Hoàng ngồi, lăng xăng đi nấu nước pha trà. Thằng Phan đã ngủ say trên bộ ván. Hoàng ngồi xuống ghế, chăm chú nhìn chiếc ảnh treo trên vách, Ảnh của Sương lúc còn trẻ. Tóc dài, áo dài trắng, gương mặt thanh tú. Bây giờ chị không khác đi mấy, già dặn hơn một chút và gầy hơn. Chiếc ảnh này giống chiếc ảnh mà ba anh giữ gìn cẩn thận cùng với thư từ và hình ảnh của người anh.

Sương chế nước sôi vào bình trà, đon đả mời:

– Chú uống trà Hà Nội coi có ngon không?

– Chị nấu nhanh thế à? Ở đâu ra trà Hà Nội thế?

– Bạn bè cho, tôi không biết uống nên còn đó, chắc mốc meo hết rồi.

Hoàng hớp ngụm trà, chép miệng, gật đầu:

– Đúng là trà Hà Nội, còn thơm lắm, không uống thì để dành đó, tôi uống hộ cho. Chị làm tôi nhớ Hà Nội quá!

– Thế à?

Sương nhại giọng Bắc lờ lợ nghe buồn cười, Hoàng cũng cười theo. Anh chỉ tấm ảnh hỏi:

– Ảnh của chị đấy à?

– Ờ. Hồi còn nhỏ đó mà, bây giờ già rồi.

– Không đâu. Chị còn trẻ chán, tôi cứ nghĩ chị bằng tuổi tôi thôi.

– Chú bao nhiêu rồi?

– Ba mươi ba, tết này ba mươi bốn.

– Chú làm ngành này năm nào?

– Tôi ra trường năm 23 tuổi, sau đó đi học thêm bên Đức mấy năm.

– Chú được mấy cháu rồi?

– Vợ con gì đâu, con gái nó chê cái nghề cày đường nhựa này, rày đây mai đó như gánh hát rong, có được ở với vợ ngày nào đâu mà cưới.

– Bây giờ chú ở đâu?

– Công ty Cầu đường gần Trung Lương nè chị.

– Ba mất rồi, bà cụ ngoài đó có khỏe không?

– Sao chị biết?

– Tết năm rồi tôi có về thăm bà già anh Nhân, nghe bà ấy nói.

– Cụ khỏe, bà đòi vào thăm mẹ anh Nhân đó chị.

– Vậy à. Đợi lúc ông già mất, hai bà mới làm hoà với nhau à.

– Thế đấy. Con người ta kỳ lạ thế. Khi còn sống họ thích gây rắc rối cho nhau, cuối cùng rồi khổ đau hay hạnh phúc cũng đều nhắm mắt xuôi tay…

– Triết lý nghe ghê quá ha.

Hoàng bật cười. Tiếng cười trầm  ấm vang lên trong căn nhà quạnh quẽ từ lâu không có tiếng đàn ông. Bất chợt Sương nhìn mình trong gương, dường như ánh mắt chị long lanh và đôi má hồng hào hơn. 

– Hoàng à – Chị gọi – Chiều mai tới rước ông bà với tôi nghe.

Hoàng lưỡng lự giây lát, nói:

– Tôi bận công việc lắm nhưng để tôi thu xếp xem thế nào.

Sương mừng rỡ nhắc lại:

– Nhớ tới nghe. Tôi nấu cơm chờ Hoàng đó.

– Vâng. Chắc chắn. Bây giờ tôi về cho chị nghỉ đây.

Hoàng đứng lên, cái bóng cao to in trên vách cao hơn bóng Sương một cái đầu. Sương bước theo, tiễn khách ra cửa. Chị nhìn theo mãi cho đến lúc cái dáng thân yêu ấy khuất khỏi cổng nghĩa trang.

                                                   ***

Nhang đã tàn, cơm canh đã nguội, phong pháo dài cột dưới cành mai vẫn lặng kẽ đợi chờ. Thằng Phan nóng nảy xin đốt nhưng Sương không cho. Chị còn sốt ruột hơn nó nữa. Chiếc áo mới màu tím Huế thêu hoa càng trở nên bực bội khó chịu. Chị đứng tựa cửa ngóng ra đường. Chiều 30 tết nào cũng vậy, nhìn người ta đủ đôi đi sắm tết càng thấy rõ sự cô đơn của mình. Nỗi nhớ những người thân đã mất lại ray rứt trong lòng. Nỗi nhớ như vết thương đã lành miệng nhưng mỗi mùa đông vẫn còn day dứt bên trong gặm nhấm, xói mòn tâm hồn Sương. Không chịu được cảnh ồn ã vui vẻ ngoài đường, chị quay ra nhà sau, leo lên chiếc võng bố nằm nghĩ ngợi miên man, tự nhiên những giọt nước mắt ứa ra, tuôn trào…

– Út ơi! Có khách.

Thằng Phan gọi í ới phía trước nhưng Sương còn mải nghĩ ngợi đâu đâu, đến khi Hoàng bước đến bên đầu võng, ngơ ngác nhìn chị… và anh bối rối tự hỏi không biết vì sao chị khóc?

Bất chợt, anh cầm đôi tay bé nhỏ kéo chị đứng lên, nhìn chị dịu dàng nói:

– Xin lỗi chị…

– Sao chú tới trễ vậy?

Sương ngượng nghịu chùi những giọt nước mắt còn in trên má.

– Thằng Sánh lái xe hủ lô bị sốt rét. Mọi người về hết rồi, tôi phải chở nó vào bệnh viện.

– Nó đỡ chưa?

– Đỡ rồi. Mấy năm làm đường ở cao nguyên tụi tôi bị sốt rét dữ dội. À! Chị rước ông bà chưa? – Giọng Hoàng trở nên vui.

Sương gật đầu, lặng lẽ đi ra hiên rửa mặt rồi quay vào bưng nồi cháo gà bắc lên bếp.

– Để tôi phụ chị một tay. Mấy năm bên Đức tôi cũng hay mua đầu cánh gà về nấu cháo, vừa ngon, vừa bổ, vừa rẻ hà… hà… – Hoàng cười, cố phá tan bầu không khí ngột ngạt giữa hai người.

Sương kín đáo nhìn anh. Chưa bao giờ chị thấy anh em khác mẹ mà giống nhau đến như vậy. Bất giác chị khẽ thở dài, nhớ tới tết này mình đã gần 40, cái tuổi sắp bước qua buổi xế chiều của cuộc đời, cái tuổi mà con người cần mái ấm gia đình hơn lúc nào hết.

Bữa cơm chiều 30 tết năm nay đầm ấm hơn những buổi cơm chiều năm trước, tuy Sương cố nén niềm vui vào lòng, không muốn cho Hoàng biết rõ hơn những gì ngoài những giọt nước mắt mà chị đã vô tình để cho Hoàng nhìn thấy.

Sương và Hoàng đứng trên bờ ruộng nhìn qua nghĩa trang. Những đường pháo vọt lên trời với muôn vàn màu sắc rực rỡ khiến cho khu nghĩa trang sáng rực hẳn lên. Cả khu mộ như một thành phố trắng sáng lóa lên theo từng đợt pháo. Sương nhìn theo những bông pháo đẹp mắt mà nhớ những chùm pháo sáng đỏ quạch ngày xưa. Những khi có trận càn, lòng chị thấp thỏm lo âu khi nhìn màu đỏ như màu máu của pháo sáng. Cũng là pháo nhưng mỗi màu sắc mang theo nó sự chết chóc hay yên bình. Tội nghiệp cho Thanh Nhân và những người nằm dưới mộ chưa được một lần nhìn pháo hoa, những chòm pháo mang màu sắc của hạnh phúc yên bình.

Sương bỗng thấy tay mình nóng ấm bởi bàn tay to lớn của Hoàng và tiếng anh thì thầm:

– Chị Sương! Chị không thể sống một mình mãi như thế này. Người chết đã cô đơn rồi, người sống đừng để cô đơn nữa. Tiếc rằng…

Sương băn khoăn nhìn Hoàng, anh bối rối đưa tay bẻ một nhánh trúc xua xua vào khoảng không trước mặt như muốn xua đuổi điều gì đang đè nặng trong lòng. Chị cố nén tiếng thở dài, lấy giọng tự nhiên:

– Chị sống cô đơn đã quen rồi Hoàng à.

Hoàng bật cười:

– Tưởng quen gì chớ quen với cô đơn thì có gì hay nào? Nếu có thế giới bên kia mà anh Nhân nghe được câu chị nói không biết anh ấy có vui không, hay là …

– Anh Nhân sẽ vui, nếu chị… và Hoàng biết làm những điều tốt đẹp. Thôi! Mình vào đi! Sắp sáng rồi!

Sương đột ngột cắt ngang câu chuyện bằng một câu ngoài ý mình. Chị không muốn đứng nán lại, chị sợ trái tim yếu đuối của mình sẽ không cưỡng lại được nỗi khao khát yêu đương.

Hoàng lặng lẽ cùng Sương quay vào nhà. Anh khe khẽ huýt sáo một điệu nhạc vui như để tự trấn an. Anh không muốn nói thêm lời nào nữa làm Sương ái ngại. Cuộc đời đã có sẵn những ngả rẽ mà đến đó người ta phải bước qua. Rồi đâu cũng lại vào đó, như con nước phải xuôi dòng…

Trên cao, bầu trời đêm không một ánh sao. Gió đầu xuân lành lạnh mang theo hơi nồng của đất và hương cây cỏ đang đâm chồi nẩy lộc. Thành phố trắng bên kia vẫn im lìm dưới màn sương mỏng. Người nằm bên đó giờ đây chỉ còn là nắm xương và tên tuổi được khắc ghi trên bia mộ: Người dĩ vãng. Còn những người hiện tại và tương lai như Sương, như Hoàng tim còn đập, máu còn luân lưu trong huyết quản đang nghĩ gì và làm gì cho đẹp với người của dĩ vãng?

Người hiện tại bao giờ cũng tranh lấn nhau giữa ánh sáng và bóng tối, chìm nổi giữa khổ đau và hạnh phúc, giằng co giữa cái đẹp với cái xấu… Còn Sương, chị luôn chống chọi với nỗi cô đơn, chị mãi đi tìm con người hiện tại đẹp như người trong dĩ vãng của chị.

Sương vẫn im lặng đi dưới bóng đêm bên cạnh Hoàng, lòng chị rối bời giữa niềm vui và nỗi buồn.