Thành phố đi vắng, truyện ngắn được lấy làm tên chung cho cả tập, là một sự thụ cảm tinh tế của nhà văn về đô thị Việt Nam đương đại. Lấy góc nhìn của một người đi vắng, một cô gái sau ba năm ra nước ngoài trở về thành phố quen thuộc của mình, ngỡ ngàng nhận ra tất cả đã đổi thay, Nguyễn Thị Thu Huệ đã chọn được một điểm nhìn thích hợp để soi ngắm hiện tại. Từ điểm nhìn vừa khách quan vừa chủ quan này, cô gái/ nhà văn quan sát và tái dựng không gian đô thị hiện đại, nhất là đời sống văn hóa tinh thần thị dân. Ở đấy, trong tư thế của người trở về, cô gái cuống cuồng tìm lại dấu tích của thành phố cũ, cuống cuồng trong cuộc truy vấn tại sao thành phố của cô không còn. Cảnh vật không đổi thay, vẫn phố phường, những con đường, hàng cây, nhà hàng, khách sạn,… Tất cả vẹn nguyên gợi nhắc những kỉ niệm còn tươi rói. Cô gặp lại những con người năm cũ: bác tài xế xe buýt, cô quản lí nhà hàng, ông bác sĩ,… Họ vẫn nhớ cô là ai nhưng sự thân thiện khi xưa thì hầu như đã mất. Điều gì đã đẩy cô gái vào nỗi hoang mang cực độ của một người xa lạ với không gian thân thuộc? Đó là sự biến mất của linh hồn thành phố. Phố vẫn phố, “dài sau mưa, mùi hơi mát, hăng hăng lá cây dập vỡ”, nhưng con người của phố không còn. Cái thành phố cô từng yêu đắm say vì mùi người, vì sự náo nhiệt, xô bồ, hỗn tạp nhưng tràn trề sức sống không còn nữa, thay vào đó là một đô thành hoang lạnh, trơ trơ. Trên mọi nẻo đường kiếm tìm tình người, cô gái càng tìm càng vô vọng. Cô nhận ra “người vẫn đông, nhưng hết âm thanh, như những diễn viên phim câm”. Cả thành phố “như người đông máu, vô cảm dửng dưng”. Mọi âm thanh cuộc sống như biến mất. Đến âm thanh quen thuộc nhất là tiếng người “lào xào” cũng trở thành nỗi khát khao nhức buốt. Cô gái bơ vơ trên chính thành phố quen thuộc, từng gắn bó máu thịt với mình…

Có thể nói, đô thị và văn hóa đô thị là một chủ đề rất đáng kể trong tập truyện ngắn. Với giọng điệu vô âm sắc, tiết chế tối đa cảm xúc, mỗi truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ hiện diện như một bản tường thuật về đời sống. Giống một nhà quay phim, nhà văn hướng ống kính vào những mảng đời sống khác nhau cặm cụi, tỉ mỉ ghi hình. Không tham dự, không phán quyết, không dự đoán, mỗi truyện ngắn đưa độc giả tiếp cận gần nhất với đời sống đô thị đương đại cùng những vấn đề của nó.

Bìa cuốn sách Thành phố đi vắng

Dễ nhận thấy, nhân vật của Nguyễn Thị Thu Huệ trong tập truyện này thường được đặt trong những không gian cá nhân nhỏ, hẹp. Thường xuyên xuất hiện hình ảnh những căn phòng mười bốn, mười sáu mét vuông hoặc rộng hơn là không gian của một ngôi nhà cổ với nhiều thế hệ, nhiều gia đình chung sống. Trái ngược với sự giãn nở đến chóng mặt của không gian đô thị chung, không gian cá nhân ngày càng teo tóp và bức bối. Trong không gian hẹp dễ va động và cọ xát này, trớ trêu thay con người cá nhân không tìm thấy sự an toàn và cảm giác ấm áp. Ngôi nhà đánh mất hàm nghĩa tổ ấm, chỉ đơn thuần là nơi trú ngụ của những thân xác rã rời. Với “anh”, “căn phòng mười bốn mét vuông, tầng xép của một khu nhà Pháp cổ”, chỉ là nơi “những chiều thừa thãi nằm nghiên cứu các chương trình ti vi và luôn dừng lại ở phim hoạt hình” (Chủ nhật được xem phim hoạt hình). Với “cô”, “góc phòng mười hai mét vuông, không cửa sổ” giữa một chung cư cũ là lựa chọn duy nhất cho ngày cuối tuần nếu không muốn ra đường và đối mặt với “bọn cướp chuyên nghiệp” có trang bị vũ khí (Trong lúc ăn một bát phở gia truyền). Sau cơn lốc gia đình, ngôi nhà cổ với nhiều thế hệ chung sống, mang trong lòng nó bí mật về những giá trị bị đánh tráo, kèm theo đó là sự li tán, không thể kết nối của mỗi cá nhân từng chung sống cùng nhau (Không thể kết thúc). Xây dựng những không gian nhỏ, đồng thời lại cắt rời mối liên hệ giữa những không gian cá nhân ấy với không gian công cộng, không gian cộng đồng, Nguyễn Thị Thu Huệ kiến tạo những không gian “ốc đảo” giữa lòng đô thị, tồn tại biệt lập và tách rời mọi vang động xung quanh. Dường như đời sống phố thị vốn ồn ã, náo nhiệt không vọng đến, không mảy may tác động đến những không gian cá thể này. Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng Tân Luyến có thể được nới rộng về diện tích, được chất đầy lên bởi những tiện nghi đắt tiền, nhưng không vì thế mà nhịp sống và cảm xúc của ba con người trong đó thay đổi. Hầu như, không một bóng dáng hàng xóm hay một âm thanh nào từ nhà láng giềng vọng tới. Cái chết của Luyến, người phụ nữ duy nhất trong nhà cũng không mảy may làm nhịp sống và cảm xúc của bố con Tân chuyển dịch (Sống gửi thác về). Không gian duy nhất được đặt trong mối quan hệ với hàng xóm là ngôi nhà của “Cha” và “Con gái”. Hai nhà chung nhau một khoảng sân nhỏ của nhà “Cha”, “một khoảng không chung với màu xanh mát rượi của những cành vạn niên thanh” mà “Cha” đã trồng cho “Con gái”. Chỉ có điều, sự kết nối duy nhất với láng giềng lại phá hủy những gì đẹp nhất mà người cha nâng niu, gìn giữ. “Con Gái” mười sáu tuổi trở thành miếng mồi ngon của “Hàng xóm” đạo đức giả mà Cha không biết, không hay (Của cha, của con những cành vạn niên thanh)… Bằng trực cảm phụ nữ, Nguyễn Thị Thu Huệ nhận ra con người đô thị đang ngày một thờ ơ, xa lạ với không gian sống của chính mình. Người ngày một đầy lên, ken dày trên từng mét vuông đô thị thì những ngôi nhà càng hẹp lại. Cùng với không gian sống bức bối là sự bức tử khái niệm tổ ấm của những chủ nhân. Gắn kết, yêu thương, chăm chút cho không gian sống là điều xa lạ với mỗi cá nhân hiện đại. Kết cục, ngôi nhà/ tổ ấm/ điểm tựa một thời chỉ còn mang nghĩa của quán trọ, một nơi tạm bợ để sống gửi ở kiếp này. Không còn điểm tựa không gian, con người đô thị trượt dần trong quá trình mài mòn mình trong chính không gian ngày càng không được ý thức ấy.

Có một điểm đáng chú ý trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Thị Thu Huệ ở đây là nhà văn không dụng công xây dựng những nhân vật “đầy”, có tính cách, số phận hoàn chỉnh mà chỉ chú ý trưng ra những trạng thái sống trong một thời điểm nhất định. Một cô gái khiếp đảm trong quán phở vì nỗi đe dọa vô hình bởi bọn cướp có vũ khí (Trong lúc ăn một bát phở Gia truyền). Một chàng trai đợi ngày dài trôi bằng những bộ phim hoạt hình (Chủ nhật được xem phim hoạt hình). Một trạng thái dật dờ đợi xuân, hạ, thu qua để đón mùa đông tới của “Bố cục chặt” nào đó như bất kỳ một người nào khác (Rồi cũng tới nơi thôi). Một kế hoạch cuối đời được sắp đặt như chỉ để làm trôi đi thời gian vỏn vẻn của một dịp xông hơi của hai gái già (Thu xếp cuối đời)… Trong cái đô thị hiện đại ấy, mờ mờ, nhàn nhạt là những nhân vật lát cắt, không điểm bắt đầu, không kết thúc. Nó khác hẳn với loại nhân vật nhiều cảm xúc, trăn trở trong cuộc kiếm tìm hạnh phúc đã làm thành đặc trưng cho nhân vật của Nguyễn Thị Thu Huệ ở những tập truyện ngắn trước. Ở Thành phố đi vắng, tác giả trưng ra một thế giới đậm đặc người vô cảm, lạnh lùng. Theo đó, là hình ảnh cái chết, những thông tin về cái chết trực tiếp và gián tiếp hiện ra dày đặc trong tập truyện (14/16 truyện). Cái chết như một vết đen bình thản, ngang nhiên phủ bóng lên đô thị hiện đại. Như một hiện hữu, không lo lắng, hoảng hốt, sợ hãi. Cái chết của không gian, cái chết của con người làm đầy cái chết đang hiện diện trong lòng đô thị ngày một bất an và băng giá? Nhà văn có băn khoăn về điều đó? Không có câu trả lời trực diện. Ở đấy chỉ hiện diện những hình ảnh, cảm xúc và toan tính cho cuộc sống được nhà văn đẩy về phía bạn đọc. Thành phố đi vắng, vì thế, mời mọc nhiều đối thoại.

Đô thị Việt Nam hiện đại vẫn đang trong quá trình kiến tạo. Sự ngổn ngang của nó tạo nên mảnh đất màu mỡ cho nhiều cây bút khai phá. Nếu những trang viết của Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn,… mang tới một hình dung xô bồ, bát nháo, nhiều hấp dẫn mà cũng nhiều xót xa tiếc nuối, thì Thành phố đi vắng của Nguyễn Thị Thu Huệ mang đến một hình dung khác. Một cấu trúc văn hóa đô thị mới đã sinh thành hay trực cảm phụ nữ tinh nhạy đã khiến nhà văn cảm nhận được sự hiện diện của một gương mặt đô thị mới trong lòng đô thị cũ đang không ngừng thoái triển. Một đô thành trống trải, không màu sắc và âm sắc giữa chộn rộn người xe. Lối viết trung tính, những cốt truyện sắc lạnh, những kết cục như dao cứa, những ẩn dụ,… đã chuyển tải thành công cái vắng mặt trong cái có mặt, cái trống trải, im lặng trong cái ồn ào, cái cô đơn, cô độc giữa bầy đàn đông đúc… Cảm nhận về sự vô cảm và/để không vô cảm trước sự vô cảm, có thể chăng, là một đốm lửa ấm áp, không chỉ cho một “mùa đông” đã qua, mà cho cả bốn mùa của thị thành đã đang và sẽ nhiều thêm hoang lạnh.

Trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ và trong đô thị hôm nay, hình như đã xuất hiện một đời sống thị dân mới, không đặc trưng bởi sự ồn ào, bát nháo, mà bởi sự cô độc, đơn độc của con người giữa rừng người. Một đời sống thị dân mong manh, như đứng bên bờ vực của sự đổ vỡ, tan biến cùng sự nhạt nhòa của cá thể người, của cả lớp người, tập đoàn người mà bề ngoài, vẫn tưởng chừng như đang ken chặt bên nhau thành khối vững bền. Truyện ngắn Thành phố đi vắng không đưa ra một xác quyết, một câu trả lời, mà hoàn toàn chỉ là một dự cảm của người nghệ sĩ. Nhưng nhiều truyện khác trong tập lại góp phần vào việc lý giải cái cảm nhận tưởng chừng như bất hợp lý ấy: cái lặng im trong ồn ào, vô cảm trong bát nháo, để rồi, con người tự/bị đánh mất cá nhân trong chính không gian được kiến tạo bởi tinh thần cá nhân, cá tính. Cật vấn về các vấn đề văn hóa đô thị là chủ đề rất đáng kể trong tập truyện ngắn. Ở đấy, mỗi truyện ngắn là một mảng màu sắc đan dệt nên bức chân dung tinh thần thị dân hôm nay. Cái thành phố (trong tâm tưởng) một thời đi vắng, để thế vào chỗ của nó, là thành phố khác, một thành phố không đi vắng, một thành phố đang hiện diện, bất chấp những thẩm lậu, rạn nứt từ trong chính sức mạnh sinh thành ra nó.

Nguồn: Vanvn.net