Dù trải qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử, bị mất mát, thất lạc quá nhiều nhưng gần 400 bản mộc còn lưu giữ lại vẫn thể hiện được tính vẹn toàn. Nếu nói về quy mô (số lượng ván in) thì Mộc bản trường học Phúc Giang (394 tấm) không thấm tháp gì so với Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (3.050 tấm) chứ chưa nói gì đến Mộc bản triều Nguyễn (34.619).
Lưu giữ mộc bản tại nhà thờ họ Nguyễn Huy.
Số phận long đong
Xưa nay, người dân Hà Tĩnh vẫn gọi Mộc bản trường học Phúc Giang bằng cái tên: Mộc bản Trường Lưu. Làng Trường Lưu (nay là xã Trường Lộc, Can Lộc) từ thế kỷ XVIII – XX được biết đến như một trung tâm văn hóa lớn của đất nước thời bấy giờ. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với “Bát cảnh” do con người và thiên nhiên dựng nên, với điệu ví phường vải bác học, mà còn là nơi lưu giữ những trầm tích của dòng họ Nguyễn Huy văn hiến. Mộc bản Trường Lưu là nơi kết tinh những gì tinh túy nhất của dòng họ nổi tiếng này.
Mộc bản trường học Phúc Giang có số phận khá long đong. Cách đây gần 260 năm, bộ ván này từng là sách học của hàng nghìn học sinh, là kho báu của Phúc Giang tàng thư, từng là “phao cứu sinh” cho 30 tiến sĩ, còn hương cống, cử nhân thì nhiều không kể xiết…
Như nhận định của PGS.TS Đinh Khắc Thuân – Viện Nghiên cứu Hán Nôm thì “những mộc bản này vốn là sách dùng cho khoa cử và giáo dục nhưng hoàn toàn là các bộ sách đại toàn và tiết yếu, sách dùng cho thí sinh đi thi các kỳ thi Hương và thi Hội. Như vậy có nghĩa là, đây không chỉ là nơi dạy kiến thức ban đầu như trường hương học mà còn là một cơ sở luyện tập và bồi dưỡng kiến thức cao sâu để thi các cấp cao. Và có thể xem Trường Lưu học hiệu là dự bị của trường Đại học xưa kia”.
Theo những gì truyền lại từ dòng họ Nguyễn Huy thì từ đầu thế kỷ XX trở về trước, số mộc bản ở Trường Lưu vào khoảng 2.000 ván, xếp đầy 3 gian nhà. Đến năm 1950-1960 ước còn 1.700 bản. Năm 1991, khi cho kiểm kê để lập hồ sơ xin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia cho nhà thờ Nguyễn Huy Tự, dòng họ Nguyễn Huy cho biết số mộc bản chỉ còn lại 475 bản và hiện nay con số được kiểm kê lại là 394 bản.
GS.VS Nguyễn Huy Mỹ (hậu duệ đời thứ 16 dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu) chia sẻ: Mặc dù Mộc bản Trường Lưu được làm từ gỗ thị đực- loại cây có độ bền rất cao và bản thân mộc bản có giá trị rất lớn thời bấy giờ nhưng do khi Nho giáo không còn thịnh hành nữa, dần dần mộc bản cũng bị lãng quên. Trước đây có đến vài nghìn bản nhưng giờ chỉ còn lại 394 bản. Do chưa nhận thức đầy đủ về giá trị của mộc bản nên việc bảo tồn, lưu giữ không được chú trọng. Thậm chí có người còn lấy mộc bản chẻ thành củi để nhóm lửa, có khi lại nằm chỏng chơ trong bếp của người dân.
Chị Lê Thị Vân Hương- cán bộ văn hóa xã Trường Lộc cũng cho biết: Theo lời truyền, trước đây Mộc bản Trường Lưu có hàng ngàn bản, được xếp đầy 3 gian nơi thờ Nguyễn Huy Oánh, sau này đền bị hư hỏng, mất mát khá nhiều.
Cuối những năm 1950, con cháu cùng nhân dân chuyển về gác lên chạn của nhà thờ Nguyễn Huy Tựu. Sau này có một người bị điên vào ở ngay nhà thờ, do rét quá nên người này lấy xuống chẻ làm củi sưởi ấm, không ai đuổi người này đi được. Sau đó có người trong họ tên là Nguyễn Huy Đại “lên đồng” chạy đến, miệng ngậm dầu hỏa phun lửa nên người điên bỏ chạy, số mộc bản được yên từ đó.
Tuy nhiên, xét về tiềm năng, vị thế và giá trị độc đáo của di sản thì Mộc bản trường học Phúc Giang có những ưu thế riêng của nó ở tầm quốc gia, thậm chí quốc tế. Mặt khác, Mộc bản trường học Phúc Giang đáp ứng đầy đủ 3 tiêu chí quan trọng của UNESCO là tính khoa học, giáo dục, văn hóa nên ngày 19-5-2016, Mộc bản trường học Phúc Giang được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức Thế giới Khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Có thể nói đến lúc này, những giá trị của Mộc bản trường học Phúc Giang được nhìn nhận một cách trọn vẹn.
Cận cảnh một trang Mộc bản trường học Phúc Giang.
Nỗ lực gìn giữ
Khi trở thành Di sản tư liệu thế giới thì việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy Mộc bản trường học Phúc Giang không còn là việc riêng của dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu nữa mà là việc chung của Nhà nước. Đặc biệt, UBND tỉnh Hà Tĩnh phải xây dựng chương trình hành động để “kéo dài tuổi thọ” và đặc biệt là để người dân hiểu và cùng chung tay gìn giữ, phát huy di sản vô giá này.
Theo Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh Nguyễn Trí Sơn, nếu không có chương trình hành động để bảo tồn và phát huy Mộc bản trường học Phúc Giang thì danh hiệu Di sản tư liệu thế giới sẽ bị thu hồi. Để bảo tồn và phát huy di sản này phải thực hiện 3 bước, thứ nhất là bảo tồn chu đáo, tránh mất mát, cong vênh, mối mọt.
Để làm được bước này phải học hỏi cách bảo quản của các di sản khác như Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Mộc bản triều Nguyền…Thứ hai là khai thác mộc bản trong đó chú trọng dập khuôn, số hóa, phiên âm, dịch nghĩa, in thành sách. Thứ ba là quảng bá mộc bản để các ngành chức năng và nhất là người dân hiểu được giá trị của Mộc bản Trường Lưu và qua đó sẽ có ý thức bảo tồn nó.
Xã Trường Lộc, quê hương và là nơi lưu giữ Di sản tư liệu thế giới Mộc bản Trường Lưu đang nỗ lực xây dựng xã nông thôn mới. Chính quyền huyện Can Lộc và xã Trường Lộc đã chủ động giữ lại những nét xưa của làng để xây dựng nơi này trở thành Làng du lịch văn hóa Trường Lưu. Người dân nơi đây rất đỗi tự hào vì thành quả tri thức của dòng họ Nguyễn Huy đã làm rạng danh đất nước và hiện nay họ rất có ý thức trong việc bảo tồn và phát huy di sản Mộc bản Trường Lưu.
Ông Nguyễn Huy Minh- Bí thư Đảng ủy xã Trường Lộc cho biết: Trước đây do chưa rõ về giá trị các mộc bản nên chính quyền và nhân dân xã nhà chưa có kế hoạch về việc bảo tồn và tuyên truyền, ngày nay, mọi việc được rõ hơn, Đảng ủy, UBND,HĐND và các cơ quan đoàn thể xã nhà sẽ phối hợp với cơ quan quản lý văn hóa các cấp làm tốt việc bảo tồn và phát huy giá trị Mộc bản Trường Lưu trong khả năng có thể.
Mộc bản trường học Phúc Giang đã có tiếng trên thế giới, vì thế không thể cất giữ trong kho như từ trước đến nay đã làm mà phải đưa nó ra nhưng vấn đề là đặt nó ở đâu, nếu chỉ để riêng mình nó thì không thể phát huy hết giá trị. Vì vậy, việc xây dựng Làng văn hóa du lịch Trường Lưu là để hiện thực hóa ý tưởng đưa Mộc bản trường học Phúc Giang lên một tầm cao mới, vừa có giá trị văn hóa nhưng đồng thời mang lại giá trị kinh tế.
Nói về Làng văn hóa du lịch Trường Lưu, ông Võ Hồng Hải- Bí thư Huyện ủy Can Lộc cho biết: Việc xây dựng Làng văn hóa này đã được tỉnh đồng thuận về mặt chủ trương, làng Trường Lưu ở xã Trường Lộc đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để xây dựng Làng văn hóa du lịch giống như ở Huế có Làng cổ Phước Tích, ở Hà Nội có Làng cổ Đường Lâm.
Làng văn hóa du lịch Trường Lưu sẽ có các điểm nhấn như Nguyệt trang hoa mỹ (vườn hoa họ Nguyễn), hệ thống đền chùa, các sản phẩm thi ca đang được lưu giữ tại các nhà thờ như Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự (1743-1790), truyện thơ Mai đình mộng ký của Nguyễn Huy Hổ (1783-1841), Bát cảnh Trường Lưu, đình làng, xem hát ví phường vải…trong đó “đậm” nhất là Mộc bản Trường Lưu. Du khách sẽ được nhìn tận mắt, sờ tận tay mộc bản, đồng thời có thể sẽ làm phiên bản Mộc bản Trường Lưu có dấu gia huy của dòng họ Nguyễn Huy và tùy theo loại gỗ để định giá cho sản phẩm này, đây rất có thể sẽ là sản phẩm du lịch văn hóa có giá trị và thu hút du khách.
Một thực tế dễ nhận thấy đó là Mộc bản trường học Phúc Giang mới chỉ được giới nghiên cứu, nhà khoa học, nhà văn hóa, cơ quan quản lý nhà nước hiểu và biết đến. Hầu như các thế hệ học sinh, người dân bình thường chưa biết Mộc bản trường học Phúc Giang là gì. Điều đó thật là đáng tiếc.
Theo Hạnh Nguyên – Đại đoàn kết